TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN - 1.Một bước mới trong thơ và trường ca

Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN - 1.Một bước mới trong thơ và trường ca

Mục lục
Trường ca HÀNH TRÌNH CỦA CON KIẾN
1.Một bước mới trong thơ và trường ca
2. Một hành trình xe đạp
3.Ngôn ngữ nghệ thuật của trường ca Việt Nam hiện đại
4. Hành trình của con kiến và Hành trình của nhà thơ…
Tất cả các trang

Một bước mới trong thơ và trường ca

Tập thơ "Hành trình của con kiến", tác giả Lê Minh Quốc, Nhà Xuất bản trẻ ấn hành tháng 9/2006. Cũng là thơ mới hiện đại, viết khác hẳn các bài thơ trước đây. Tuy nhiên các tập trước đây của anh tôi chưa được đọc, mà chỉ đọc một số bài . Thơ anh Quốc viết theo lối cũ( truyền thống) tôi rất thích, viết rất hay, truyền cảm,dễ say lòng...Ở tập thơ này cũng hay nhưng theo kiểu khác. Thơ ca truyền thống thường dễ tiếp nhận hơn vì dễ hiểu, có vần điệu, đọc nó khoai khoái, lâng lâng, bay bay...Còn thơ hiện đại khó hiểu lắm, hiểu được từng con chữ là cả một vấn đề trầy da tróc thịt chưa chắc đã nên công cán gì. Nhưng khốn nỗi con người ta lại khoái đi tìm cái mới, cái hiện đại, cái khác người mới yên cơ. Cũng chính đáng thôi.Đó là sự khám phá mang giá trị toàn cầu. Nếu như thơ ca truyền thống hay ở một bề nổi, phần ngọn, dễ chịu, sảng khoái hơn, thì thơ ca hiện đại hay ở một "tầng chìm dưới đáy", phần gốc, rễ, cội nguồn, bao hàm cả tính truyền thống, tuy nhiên nó nặng nề hơn nên mấy ai thích đọc. Lẽ dĩ nhiên, nó rộng sâu, tiềm tàng nội lực, quý giá. Vấn đề nan giải là ở công việc nhận thức cảm thụ thơ mới như thế nào để đạt được thành công...

Xin được đi vào chi tiết toàn bộ tập thơ "Hành Trình Của Con Kiến":

hanhtrincuaconkien

Giống như một tự truyện hoặc một tiểu thuyết viết bằng thơ, vì nó có nhân vật, thời gian và không gian, có tình tiết, mâu thuẫn, có cả nhật ký thơ. Thường thì đã gọi là thơ, thời gian bị xóa nhòa, mà ở đây, ngày tháng năm, tên tuổi rõ ràng chả giấu vào đâu...Đương nhiên trường ca là một thể loại rộng lớn của thơ, không giới hạn câu chữ, nội dung, tưởng tượng...Ở tập thơ này, nhân vật chính là tác giả Lê Minh Quốc, là người mẹ, người yêu người vợ, là những "con kiến", những kẻ đi rong, hay nói cách khác là nhừng nhà báo, cụ thể là bản thân tác giả trong cuộc sống sự nghiệp hôm nay, là những đoạn trường thử thách của con người. Anh tự vấn, anh mâu thuẫn, anh muốn thoát ra khỏi cái tôi cá nhân để đến với nhân loại. Anh tràn ngập tình yêu cuộc sống...Anh là con kiến li ti với khát vọng đi vòng quanh thế giới, vô vọng, đau thương, ước mơ thì tuyệt đích...thế giới lại muôn trùng bất tận, kiến vẫn cứ đi, dạn dày...Nghị lực của con người là vô biên...

Tác giả tự vấn tác giả về cái kiếp con kiến của mình, tự vấn về tình yêu, gia đình, lẽ sống với cái kiếp nhân sinh đầy mâu thuẫn, ước mơ, bản ngã, rất đời thường...nhưng mấy ai đã bỏ công ra tự vấn mình như thế rồi đem vào thơ, trải lòng mình ra với nhân loại ?Chỉ có hắn, một gã trai "mạnh mẽ, ngang tàng, thich bông phèng và dễ bị chìm đắm ", gã thích"đi bộ " "đút tay túi quần" hoặc "chạy mải miết"chỉ với mục đích duy hất: đến với thơ. Bởi thơ là trái tim, là nhiệt huyết của con người.Gã là nhà thơ Lê Minh Quốc đang đích thân đi tìm cái thế giới mới đi tìm giá trị sống mới, đi tìm tình yêu và hạnh phúc. Gã đang mơ...hay thực? Tôi không biết! Tập thơ như một câu chuyện về một cuộc đời kết thúc có hậu sau bao đớn đau thăng trầm, hồ nghi, bể khổ. Phải chăng tất cả điều đó là...của...chính tác giả? Tôi không biết. Vì tôi chưa hề biết tác giả bao giờ. Nhưng tôi nghĩ đó là những suy nghĩ của chính tác giả, sự kiện, li dị, chia tay cũng là của tác giả, nhưng cái kết có thể chỉ là một giấc mơ về hạnh phúc gia đình, về tình yêu đích thực. Bởi chỉ có thể thực sự có những tuyệt vọng, những cô đơn cùng cực mới có thể có những trang thơ bi ai như thế, mới thu phục lòng thương cảm nơi người đọc như thế. Đọc thơ Lê Minh Quốc, tôi xúc động về một con người...chứ không riêng gì thơ...Một trái tim lớn đang đau với niềm đau nhân loại...Anh tự vấn bản thân, đi tìm cái sâu nhất của bản thân, cái hay, cái dở, cái xấu cái tốt để vùng vẫy thoát ra khỏi bản thân mình ...Đó là cái bản thể có thật của mỗi cá nhân tửơng chưa được mỗi người mổ xẻ khơi sâu...

Chính vì nhưng lẽ trên mà tôi khi đọc Hành Trình Của Con Kiến tôi đã khóc vì còn hy vọng một cái gì đang còn ở phía trước mà mỗi người cần phải bước tới ...chiếm lĩnh cuộc sống của chính mình trong thế giới vô cùng ...cần được khám phá ...không ngừng...

Riêng về cấu trúc và ngôn ngữ trong thơ, tất cả đều rất mới...có phần hài hước. Qua lời bạt của nhà văn Trần Nhã Thụy, tôi cứ hình dung ra một lê Minh Quốc quảng đại, trào lộng, trẻ trung vui tính, dám nghĩ dám làm, nhưng khi có một mình thì đầy tâm trạng và trăn trở...Một Lê Minh Quốc hiện đại giữa Việt Nam, nổi lên trên văn đàn thi ca...

Ta hãy đi vào trang thơ đầu tiên "Trình bày":

"Tôi mê tôi hết thảy mọi người"

Chỉ mê riêng mình thôi sao, còn tất cả... bị ra dìa? Tôi cũng nghĩ thế...Nhưng nghĩ sâu thêm một tý thì ta phải hiểu "tôi" đây không phải cái TÔI cá nhân tác giả, mà là cái tôi của mỗi cá thể trong nhân loại, những cá thể ấy tạo nên những thế giới...

"Mỗi con người là một cõi bao la
Là vũ trụ trong ba ngàn thế giới"

Do vậy những cái TÔI cần phải được tôn vinh, được trọng vọng. Mỗi người cần phải biết yêu chính mình, vì chỉ có chính mình mới làm nên sáng tạo, mới tạo nên thế giới muôn màu. Ta chỉ có thể tin tưởng chính ta, chứ không thể ỷ vào người khác. Đó là lẽ sống tự thâncó hiệu quả lay chuyển...nhất . Chúng ta quan tâm ưu ái cá nhân, chính là quan tâm đến cái...toàn thể...

Ở chương 1: Nghề đi rong.Sự nghiệp của nhân vật chính:

"Cọc cạch chiếc xe đạp trật sên
gió thổi ngược chiều
mím môi trợn mắt
gồng người vượt dốc
thở hồng hộc"

Giọng thơ khôi hài làm người đọc vừa cảm thông, vừa yêu thương, vừa tủm tỉm cười, vừa muốn xẻ chia công việc với anh chàng nhà báo làm thơ...

Ở chương 2: Nhịp điệu ngày ngày:

Từ sáng thứ 2:

"Tìm lại dấu chân em
còn hằn vết trên đường đời trăm ngả" (chắc hắn đang đi bộ đút tay túi quần)

Đến sáng thứ 3:

"Hắn như một thằng điên
trước lúc tiếng gà vút cong qua ngọn sao mai" (hắn đang chạy thục mạng)

Chẳng khác gì tính cách Lê Minh Quốc!

Sáng thứ 4:
"Vậy thơ ở đâu
thơ đi chỗ khác chơi"

Hắn đi tìm thơ , thơ trốn mất rồi, người ta không thích thơ? Nên thơ sợ thơ trốn đi chơi chỗ khác?

"Cánh cửa lòng anh đã khép rồi
thao thức với những điều rất thật"

Không thấy thơ đâu, hắn buồn, hắn bơ vơ, hắn khép cánh cửa trái tim lại, nhốt mình, thao thức, hắn mơ về thơ, thơ là tình yêu, là cuộc đời, không có thứ ấy, hắn đêm ngày khắc khỏai, chờ mong...

Sáng thứ 5:

"Từng ngày đầy lên trong tôi tình em bội bạc. Từng ngày cô đơn đầy lên trong miệng, tôi thở ra thơ, tôi ngủ mớ ra thơ, thơ cũng đầy lên những nhịp điệu thất thường

Và tôi trở thành thi sĩ" (thơ viết lối văn xuôi)
Làm được thi sĩ phải trả giá như vậy đấy...Phải không em, phải không thơ, phải cô độc, đớn đau...phải trằn trọc không ngủ, phải làm thơ như điên ngay trong giấc mơ...
"Nếu một ngày bạn thiếu khí trời để thở, thiếu trầm trọng niềm vui thì đừng quên tôi"

Hắn sẵn dang tay chia sẽ những niềm đau, vì:

" Chính tình yêu sẽ mở ra sự sống". Và tự vấn: "Bạn cần gì/ Chẳng lẽ cần thơ?"
Sáng thứ 6, hắn tự hỏi: "Tôi yêu thơ thơ chẳng đẻ ra tiền?"

Tiền cũng cần mà thơ cũng cần. Mâu thuẫn...

Sáng thứ 7:

"Tuổi 18
lồng ngực còn đập nhịp hẹn hò lãng mạn
lá thư tình viết dở dang"

Hắn cứ mãi đam mê một mối tình đầu, thủa 30 năm về trước... vô vọng...

Sáng chủ nhật:

"về nhà thôi Quốc ơi
chẳng còn chỗ nào để đến"
Ngõ cụt cuộc đời...

Chương 3: Vòng Quay của kim đồng hồ

"Nghiến răng để mà quên
quên những dòng nhật ký
quên những câu thơ dự báo cuộc tình buồn"
và tự vấn:

"Trong tình yêu con người
không gì khó hơn một chồng một vợ"
và"đặt bút ký vào đơn li dị /tôi đã bắn vào sọ tôi"

"không gì dễ dàng bằng tình chung lang chạ"

Những mâu thuẫn giằng xé giữa sự đời, ước mơ và sự thật đã làm khổ con người...

Chương 4: Hoa trái còn xanh

Ỏ chương này, là thơ viết lối nhật ký, tâm tư tình cảm từng ngày, giờ, phút giây. Từ nỗi nhớ (nhật ký 1) đến gặp lại người tình ( nhật ký 2), đến khát khao tình mẹ( nhật ký 3). Tự nguyện ước lãng quên cơn đau đời ( nhật ký 4), đến tuyệt vọng niềm vui không đến ( nhật ký 5). Rồi ký ức tình yêu(nhật ký 6) đến vẫn không em ( nhật ký 7). Từ vết thương tình yêu(nhật ký 8) đến nỗi đau nhắn tin(nhật ký 9). Nhật ký 10: giấc mơ về tình yêu. Nhật ký 11: Ai tung giấc mơ xáo trộn cuôc sống của anh, làm anh chạy trốn...

Nhật ký 12: Cơn mê tình.

Nhật ký 13; Em tôi đâu?khát vọng tình yêu đích thựcTập thở để đón chờ tình yêu


Có thể hiểu từ "em" là người con gái, hay người yêu, người vợ, hay là hạnh phúc?hay "em' là một giấc mơ trong đáy sâu mỗi con người? Em và tôi cùng có ngày sinh 24/12, ngày Chúa ra đời, tại sao tác giả lại dùng điều này trong thơ. Có lẽ tác giả muốn nhắn tới chúng ta một thông điệp: em và tôi và mẹ là những con người trong tổng thể...của giấc mơ mà nhân loại đang mổ xẻ, khám phá, dựng xây?

Chương 5: Trái tim vẫn còn tươi tốt: niềm hy vọng trong ta vẫn còn sau bao nghi ngờ, tuyệt vọng

Phần tái bút: cuộc hành trình đi tìm tình yêu, hạnh phúc, đi tìm thơ, lẽ sống , đi tìm chính mình, khám phá chính mình với khát vọng làm mới thế giới, làm mới nhân loại, đem đến hạnh phúc cho kiếp nhân sinh đã hoàn thành trong mơ... trong thơ...trong trái tim... nhà thơ đầy nổi trôi Lê Minh Quốc...

Hoàng Giao

http://yume.vn/hoangthi_giao/article/doc-hanh-trinh-cua-con-kien-cua-le-minh-quoc.35D64B46.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com