TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Chút thong dong tặng người bận rộn - *Chút thong dong quý hiếm

Chút thong dong tặng người bận rộn - *Chút thong dong quý hiếm

Mục lục
Chút thong dong tặng người bận rộn
* Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa
* Từ những người trong cuộc
*Chút thong dong quý hiếm
* Thong dong trong bận rộn
Tất cả các trang

 

"Chút thong dong” quý hiếm

 Giáo sư Trần Hữu Tá

 

Anh bạn văn chương Lê Minh Quốc vừa gửi cho tôi cuốn sách do anh chủ biên. Món quà tao nhã này đối với tôi quen mà lạ. Quen, vì tuổi tác tuy khác nhau, ít có dịp gặp nhu nhưng lần nào có tác phẩm mới, Lê Minh Quốc đều không quên tôi. Lạ, vì cuốn “Chút thong dong tặng người bận rộn” này in ra, lại với số lượng gấp mấy lần các xuất bản phẩm khác, không phải để bán mà là để tặng. Ý tưởng thú vị này là của nhãn hàng sơn nội thất Dulux Light & Space, Công ty ICI Việt Nam. Cách tiếp thị, giới thiệu với xã hội như thế thực ra đã rất quen thuộc trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật. Riêng với văn chương, cách này khá mới. Hiệu quả kinh doanh đối với công ty ấy như thế nào, thời gian sẽ trả lời và thực ra không phải là chuyện tôi quan tâm. Điều đáng nói, theo tôi, đây là một cử chỉ văn hóa đáng hoan nghênh, nên phổ biến, nhân rộng.

 

thong-dong-2

 

Về hình thức, cuốn sách khá đẹp. Từ trang bìa đến 162 trang ruột, nhà xuất bản đã chăm sóc chu đáo, trình bày trang nhã. Chín cây bút có bài viết ở đây cũng là một cuộc hội ngộ đẹp. Có nhà báo, nhà thơ, có bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư… hầu hết là những người đã thành danh, bạn đọc thường gặp trên báo chí cũng như trên các phương tiện truyền thông khác.

Đối tượng nhận món quà tinh thần này đã được đơn vị tổ chức thực hiện cuốn sách xác định: những người bận rộn thành đạt - những người “lo toan tất bật, làm việc miệt mài lắm khi phải vắt kiệt sức mình để gặt hái hai chữ thành công” (trang 28).

Không cần tinh ý lắm cũng nhận thấy một thực tế này: trong hơn hai thập niên đổi mới của nước ta, nhịp sống ngày càng khẩn trương, hối hả, liên tục tăng tốc. Hàng triệu triệu người - tự giác hay không tự giác, đã và đang hút theo vòng quay. Ai cũng bận rộn, nhưng không phải ai cũng thành đạt. Không ít người chưa thành đạt và khá nhiều người nếm trải vị đắng của thất bại. Tất cả đều cần, rất cần một “chút thong dong”, một khoảnh khắc thư giãn, một thoáng nhàn tâm, để tạo ra sự cân bằng trong sinh hoạt, tránh đi áp lực ngày càng nặng của đủ mọi chuyện căng thẳng, phức tạp của cuộc sống, để rồi tiếp tục đi tới.

Các tác giả trong tập sách này, bằng sự trải nghiệm bản thân, bằng những cảm nhận tinh tế, đã thân tình mách bảo chúng ta cách tìm một “chút thong dong” rất quý hiếm ấy.

Tôi thích mẩu chuyện mang tính triết lý của Lê Minh Quốc. Anh nhắc lại sự việc của nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) “trốn vào trong núi, xa lánh bạn bè, xa lánh mọi thú vui, lao tâm khổ tứ” để hoàn thành công trình “Lịch triều hiến chương loại chí” - bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của nước ta. Rồi một ngày kia, sau khi hoàn thành công việc, ông thong dong bước ra khỏi núi. Nhìn lên trời cao, ông vô cùng ngạc nhiên - ngạc nhiên một cách sung sướng - khi thấy trên đầu mình là một vầng trăng vằng vặc. Và ông đã có những phút hưởng thụ tuyệt vời sau mười năm đằng đẵng “ép xác” để tạo ra một giá trị tinh thần lớn lao cho dân tộc.

Câu chuyện thật giàu ý nghĩa. Những “bận rộn hữu ích” như việc làm của Phan Huy Chú là hạnh phúc chân chính. Thế nhưng phút giây thưởng ngoạn vầng trăng quen mà lạ kia đẹp biết bao nhiêu. Đó là sự bổ sung cần thiết để tạo nên sự hài hòa, thăng bằng, khiến cuộc sống của con người càng thêm ý vị.

Kinh nghiệm cho biết, chút thong dong ấy rất quý nhưng không khó tìm. Nó tiềm ẩn quanh ta. Vấn đề là ở chỗ ta ý thức được ý nghĩa, giá trị của nó, thực tâm cần có nó và chủ động đón nhận nó. Trần Nhã Thụy, Lưu Đình Triều, Thanh Thảo… giúp chúng ta cảm nhận được vô số cách để có được những phút thong dong. Với nhà văn Trần Nhã Thụy, đó là cố gắng duy trì thói quen có được “buổi chiều Văn Thánh” (trang 37-42). Cỏ xanh êm, gió nhẹ mơn - những đặc sản thiên nhiên. Bát nước chè xanh, trái bắp non - những món quà dân dã thân thương. Bản vọng cổ phương Nam, điệu hò xứ Quảng - những biểu tượng của văn minh tinh thần tự bao đời của đất nước. Một buổi chiều thong dong, sảng khoái biết mấy!

Nhà báo Lưu Đình Triều lại hào hứng với nhiều thú vui “thư giãn tại gia” (trang 83-89). Có khi là một buổi tối rảnh rỗi, chủ động vào bếp, tự nguyện để vợ sai vặt và biết buông lời khen (cũng là lời nịnh) thật lòng trước một “tác phẩm” nấu nướng thành công của bà xã. Nặng nhọc hơn, thậm chí phải đổ mồ hôi “vì bò lăn bò toài chơi trò bắn nhau với đối - thủ - con”. Suy cho cùng, kinh nghiệm ấy đâu chỉ riêng anh?

Chúng ta cũng dễ đồng tình với nhà thơ Thanh Thảo: một trong những cách anh tạo chút thong dong là rủ vài ba người bạn tâm đắc (chứ không phải loại bợm nhậu) vào một quán bình dân nào đó làm vài lon bia, đôi ba chén rượu, lai rai đủ chuyện trên trời dưới đất trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Gặp bạn bè tri kỷ, một chút men tạo hứng, những câu chuyện tâm đầu ý hợp. Quả là lý thú!

Chất lượng cuộc sống cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện sức khỏe. Có không ít điều cần hiểu biết xoay quanh vấn đề này. Hai chuyên gia y học -bác sĩ Lê Thúy Tươi và dược sĩ Trương Tất Thọ - tập trung đi sâu vào một vấn đề cơ bản: cách “kéo dài thanh xuân của bộ não” (trang 76-80). Nên uống rượu như thế nào và uống rượu gì để rượu khỏi “thành mối lo trong mái ấm gia đình, trật tự an toàn giao thông” và không làm khổ… các trung tâm cấp cứu (trang 69-75).

Mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục; yêu cầu mang tính nguyên tắc của việc luôn “hâm nóng” tình yêu cũng như đáp ứng đúng mức nhu cầu hưởng thụ tình dục…. đòi hỏi các chuyên gia y học, tâm lý học, tình dục học còn phải tốn nhiều bút mực để luận bàn, chỉ dẫn chúng ta. Thế nhưng, chỉ trong năm trang in ngắn ngủi (trang 59-63) bác sĩ Lê Thúy Tươi cũng đã có những gợi ý bổ ích.

Tôi sẽ lan man, sa đà nếu tiếp tục ghi lại đây những cảm nhận, thu hoạch riêng tư. Tốt nhất, xin bạn đọc gặp gỡ trực tiếp với 17 bài viết trong tập sách. Không cần đọc một hơi, mà có thể “nhâm nhi, lai rai”. Không nhất thiết theo trình tự trước sau, mà có thể đọc ngẫu hứng, bất kỳ bài nào.

Sức hấp dẫn của các bài không hẳn đã đồng đều, nhưng xét tổng thể đây là những bài viết có trách nhiệm, được viết với một văn phong nhìn chung trong sáng, tinh tế, có duyên. Các tác giả đã tặng chúng ta những mách bảo khôn ngoan, thấu lý đạt tình, giàu sức thuyết phục về lối sống, cách sống,và có thể về triết lý sống nữa.

(nguồn: báo Doanh nhân cuối tuần 11.1.2008)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com