TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Chút thong dong tặng người bận rộn

Chút thong dong tặng người bận rộn

Mục lục
Chút thong dong tặng người bận rộn
* Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa
* Từ những người trong cuộc
*Chút thong dong quý hiếm
* Thong dong trong bận rộn
Tất cả các trang

 

Tập sách này ra đời còn ghi dấu một kỷ niệm khó quên giữa những người viết - công ty P.R  - đơn vị kinh doanh. Lần đầu tiên, một sản phẩm vật chất được quảng bá dưới hình thức sách.

Sản phẩm đó là sơn và trong tập sách đó, người viết không đề cập đến một nhãn hiệu sơn cụ  thể, chỉ viết về sự an bình, thong dong, nghĩ ngơi... trong căn nhà của mình. Người đọc được sở hữu một tập sách văn học với chủ đề như vậy.

thong-dong-A

Bìa báo Doanh nhân Sài Gòn số 225  - Hàng trước (từ trái sang phải): Đại diện công ty Sơn ICI, doanh nhân Nguyễn Ngọc Phương Thảo; nhà văn Trần Nhã Thụy; hàng sau: Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều.

Ngẫm lại mà xem, khi sở hữu một tập sách có giá trị văn học, người ta sẽ gìn giữ lâu dài. Nhờ vậy, sản phẩm đó, nhãn hiệu đó sẽ còn ở lại lâu dài với người đọc, với thời gian.

Khi đọc các tập sách đầu thế kỷ XX, chúng ta biết được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cách đây hàng trăm năm cũng là do người ta biết đến cách tiếp thị này.

Chỉ xin đưa một vài thí dụ: Tập sách Thời sự cẩm nang in toàn bộ vấn đề thời sự Nam kỳ năm 1925, dày 600 trang  - do nhà in Nguyễn Văn Của ấn hành năm 1926, ngoài bìa ghi rõ: “Các quan chủ tỉnh trong Nam kỳ có mua một ngàn cuốn đặng phát cho các làng dùng”. Ta hiểu tập sách này có tính chất tổng hợp các công văn, nghị định do thống đốc, toàn quyền...  ký và ban hành. Thế nhưng, trong đó vẫn có các trang quảng cáo đủ loại sản phẩm lúc bấy giờ; hoặc các tập sách khác của nhà văn ở Nam kỳ thời điểm đó cũng tương tự.

Đừng nói đâu xa, chỉ mới trước 1975 thôi, hầu hết các tập sách viết về thú chơi cổ ngoạn, thú đọc truyện Tàu, chơi chim ca cảnh... của Vương Hồng Sển đều ghi rõ do một công ty dược phẩm đứng ra in. Nhờ vậy đến nay ta vẫn còn nhớ đến sản phẩm của công ty đó. Tôi hiểu, khi một sản phẩm vật chất gắn liền với sách thì sự tồn tại của nó lâu dài với thời gian hơn bất kỳ hình thức nào khác.

Với Chút thong dong tặng người bận rộn (NXB Trẻ) là sáng kiến của chị Minh Hương - giám đốc của Công ty Golden Event - PR. Hơn cả những cách làm trên, ở đây, trong sách không có trang quảng cáo, không phải viết về sản phẩm đó... Vậy mà tác động của nó lớn hơn, bởi thông qua suy nghĩ của nhà văn, nhà báo khi viết về một vấn đề cụ thể; hoặc chỉ là sự chiêm nghiệm về cảm xúc sẽ giúp người đọc có cảm tình với sản phẩm đó nhiều hơn.

Tại sao?

 

EVA_181557296RRR

Bìa tập sách Chút thong dong tặng người bận rộn

 

Vì sản phẩm đó góp phần tích cực nếu người đọc muốn được chia sẻ, tận hưởng những cảm xúc tương tự như người viết. Tiếp thị như thế này, nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy có khá nhiều điều lý thú về hiệu quả lâu dài của nó; và tác động của nó đối với người viết - thông qua những bài viết giàu chất văn học.

Chỉ tiếc rằng, cách làm tiên phong của chị Minh Hương hiện nay ít có đơn vị kinh doanh nào thực hiện kế tiếp.

Có thể do thời đại này quá nhiều thông tin, nhịp sống vội vã nên người ta nghĩ rằng đã P.R thì phải trực diện hơn chăng, phải ồn ào hơn chăng? Có thể là vậy, nhưng tôi nghĩ chiến lược xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất.

Ở đây, tôi chỉ post lại các bài viết tiêu biểu liên quan đến tập sách Chút thong dong tặng người bận rộn, để thấy được tác động và hiệu quả của một sáng kiến mới, một sáng tạo khi thực hiện một lợi ích cho doanh nghiệp đối với cộng đồng.

L.M.Q

XI.2012



Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa

“Chỉ những người bận rộn thật sự, bận rộn một cách có ích, mới có thể tìm thấy được sự thong dong thật sự trong những thời khắc được nghỉ ngơi, “Khi chúng ta tin vào những việc chúng ta đang làm có ý nghĩa cho mọi người và cho bản thân, khi trả lời được câu hỏi mình đang dùng cuộc đời vào việc gì, thì đó chính là chúng ta đã tìm được cái gốc của sự bình an tâm hồn”… Đây là những “triết lý về sự “thong dong”, mở đầu cho cuốn sách “Chút thong dong tặng người bận rộn”, một sản phẩm đang gây ngạc nhiên và thú vị cho cả giới kinh doanh lẫn những người viết sách bởi một chiêu thức mới mẻ trong tiếp thị: Dùng sách để tiếp thị sản phẩm sơn. Cuốn sách có tên: “Chút thong dong tặng người bận rộn” là món quà tặng thành ý của Công ty sơn ICI Việt Nam dành cho khách hàng.


thong-dong-1

 

Bận rộn - Thong dong: Hai định đề của hạnh phúc

Với những người quan niệm “đời là bể khổ”, hẳn cái sự bận rộn tít mù, như cách mà nhiều doanh nhân và những người “ưa bận rộn” khác đang lựa chọn, trông “đáng thương” và “cực hình” lắm. Gần đây, đã có nhiều lời “lên án” hoặc “đổ thừa” rằng cuộc sống bận rộng đã “cướp” mất rất nhiều giá trị tự nhiên và nhân văn, như thời gian dành để yêu thương, gia đình, con cái, bạn bè… Sự bận rộn cũng thường bị xem là thủ phạm làm cho đời sống tinh thần của người đời ngày càng nghèo nàn, đơn độc hơn. Có thực tội tình của sự bận rộn lớn đến thế không? Cũng không hẳn vậy.

Đối với những ai đã từng bận rộn đến ngộp thở thì mới thấy quý biết bao giây phút thong dong. Chính vì thế “Theo tôi, chính những người say sưa với công việc lại có một cuộc sống thong dong thật sự, bởi họ đang làm những điều mà họ thích và công việc cho họ niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. Họ tìm thấy sự thư giãn tuyệt vời trong chính sự bận rộn đó. Họ là những người thong dong trong tâm thức, trong nội tại – thong dong ngay chính trong sự bận rộn và những giá trị mà họ tạo ra cho xã hội” - Đây là quan điểm được chuyển tải trong trang 16 - bài Để “sở hữu” hạnh phúc, của tác giả Giản Tư Trung (Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục Pace), bài mở đầu của cuốn sách “Chút thong dong cho người bận rộn”. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt của cuốn sách này: Chỉ những ai tìm thấy sự bận rộn hữu ích, mới mong có được hạnh phúc đích thực trong đời. Còn những người chỉ có sự an nhàn, hưởng thụ cả đời, chưa chắc đã được thong dong.

Nhưng nhiều khi, có nhiều người lại để cho sự bận rộn “kéo” mình đi, vô tình khước từ những hạnh phúc giản dị hiện hữu xung quanh mình, để rồi đến lúc khô cạn, mệt nhoài, sẽ đâm ra… ai oán cuộc sống. Lạ thay, trong những giây phút mệt nhoài đó, ta mới… giật mình nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống hiện hữu quanh mình. Vậy mà lâu nay mình đã… quên!

Thế nên mới có chuyện: “Một cô bạn gái làm việc trên lầu 8 của một cao ốc. Nơi ấy bốn mùa không thể lọt vào. Chỉ có máy lạnh và ánh sáng từ ánh đèn lạnh lùng tỏa. Bất chợt một buổi chiều, chị ngừng việc, đứng dậy, bước đến cửa sổ, vén rèm nhìn ra ngoài. Trời ơi! Mưa! Chị reo lên…” (trang 19, bài “Ngàn năm mây trắng” - Lê Minh Quốc). Một niềm vui, một sự tận hưởng giản dị, ai cũng được tận hưởng mà lâu nay chị đã… quên! Thế nên, mới có sự tiếc nuối của một người thành đạt về một thời xanh - một thời tuổi trẻ đã qua đi: “Hôm nay anh không đi ô tô đến công ty mà một mình chạy xe máy ngoài phố. Ánh mắt anh đang tìm một người bán kiểng dạo thôi mà sao trái tim anh lại hồi hộp, rộn ràng…” (trang 30, Thời xanh - Trần Nhã Thụy)… Anh hồi hộp bởi một điều rất giản dị: tìm lại cây xanh bé xíu mà anh từng ngắm nhìn nó như một sự thư giãn nhẹ nhàng - mà lâu nay vì quá bận rộn anh đã… quên! Thì ra giá trị của cuộc sống không gì to tát, có khi chỉ là lúc được thong dong ngắm nhìn một vẻ đẹp giản dị.

Không chỉ những khoảnh khắc “bừng ngộ” của những người từng “thiếu kiểm soát” với sự bận rộn, trong cuốn sách này, độc giả cũng có thể học hỏi những “kỹ năng” tạo sự thong dong rất hay, như cách Thư giãn tại gia (trang 83) của tác giả Lưu Đình Triều: “Sân nhà tôi là nơi để cu Rơm đặt công cụ thư giãn. Sáu tuổi nhưng Rơm đã có quá trình mê cá được vài năm. Thỏa lòng con, cả hai vợ chồng bỏ cả buổi sáng lùng mua một chậu gốm cao, giữa đặt một tượng người cầm bình tưới nước… Những tiếng cười giòn tan, hay ngược lại, những giọt nước mắt cũng lắm khi từ bồn cá ấy mà ra. Ấy là những lúc cá mới sinh con, hoặc có chú cá nào đó bỗng dưng nằm chỏng bụng trắng hếu…”. À! Buồn vui “nhỏ xíu” của cậu con trai mình cũng là niềm thư giãn nhẹ nhàng cho chính mình đấy thôi. Mà điều này, chắc chắn ai cũng cảm nhận, chỉ có điều lâu nay ta… quên! Tại sao quên? Thôi thì, ta cứ “đổ thừa” vì quá bận rộn. Những mẩu chuyện nhỏ mà thú vị như thế không hề thiếu trong tập sách này.

Những câu chuyện, những trần tình rất riêng hay “triết lý”chung, cũng đều nhẹ nhàng, như cuộc chuyện trò, tâm tình giữa những người bạn bên một góc vườn trong những sớm cuối tuần hay những buổi chiều về đầy thư thái. Các tác giả góp mặt là những cây bút nổi tiếng: nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà báo Lưu Đình Triều, nhà thơ Thanh Thảo, bác sĩ Lê Thúy Tươi, dược sĩ Trương Tất Thọ, doanh nhân Giản Tư Trung và kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã khiến “người bận rộn” rất khó khước từ khi được tặng “Chút thong dong…” này.

 

“Lý lịch” kỳ lạ của một cuốn sách

“Một ngày đẹp trời, nhóm tác giả được “triệu tập” đến một cuộc gặp gỡ và đặt hàng: “Trong 30 ngày, phải hoàn thành một cuốn sách như thế, như thế…” - Lời trần tình khá dí dỏm, nhưng rất chân thành, của nhà thơ Lê Minh Quốc về “tiền đề” ra đời của cuốn sách này. Cụ thể hơn ý tưởng của phía “đặt hàng” như sau: Đó phải là một cuốn sách dành cho những người thành công bận rộn, giúp họ thư giãn về tinh thần, có thể tìm thấy những chiêm nghiệm thú vị, ý nghĩa về cuộc sống để họ thong dong hơn và hạnh phúc bởi họ xứng đáng vì những nỗ lực và đóng góp cho xã hội.

Trong thị trường mà người tiêu dùng gần như “bội thực” với tiếp thị và quảng cáo, một sản phẩm mới rất khó để tìm kiếm những công cụ đắt giá nhằm tiếp cận hiệu quả, đặc biệt là với đối tượng khách hàng bận rộn và có nhu cầu cao về thưởng thức. Chính vì thế, ý tưởng và quyết định thực hiện cuốn sách như món quà thành ý dành cho khách hàng của nhãn hàng Dulux Light & Space là một phương thức tiếp thị đúng.

Khi quyết định dùng một sản phẩm văn hóa để quảng bá cho nhãn hiệu và sản phẩm của mình, ICI cũng tỏ ra rất tinh tế trong hợp tác và thực hiện cuốn sách. Ở trên tấm bìa rất đẹp của cuốn sách, không có sự “tham lam” trong tuyên truyền sản phẩm, sự “bành trướng” của logo, nhãn hiệu nhằm tối ưu hóa hiệu quả truyền thông, cũng không phải là một cuốn sách phục vụ cho quảng cáo. “Chút thong dong tặng người bận rộn” đã là một cuốn sách đích thực để đọc và tặng cho nhau.

Ngọc Huy

(nguồn: báo Doanh nhân Sài Gòn số 1-7.1.2008)


 

Từ những người trong cuộc

Nếu tham dự buổi ra mắt báo chí của nhóm thực hiện “Chút thong dong tặng người bận rộn”, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên về sự hòa hợp… kỳ lạ của các bên liên quan. Ở đó, các bên thực hiện, Công ty sơn ICI lẫn các nhà thơ, nhà văn - những tác giả góp “sản phẩm” vào tác phẩm này, thể hiện sự trân trọng, hài lòng về nhau rất cao bởi đã tìm thấy một “tiếng nói chung”. Không còn sự định kiến, “xung đột” thường có giữa văn chương và thực dụng, giữa sản phẩm văn hóa của nhà văn và nhu cầu quảng bá cho một sản phẩm cụ thể của nhà kinh doanh. Ê kíp thực hiện đã tự tin khẳng định những quan điểm mới trong mục tiêu đưa người tiêu dùng tiếp cận một giá trị sản phẩm thông qua một giá trị văn hóa, đó là tập sách “Chút thong dong tặng người bận rộn”.


thong-dong-X

Chú thích (từ trái sang phải): Lê Minh Quốc, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Phương Thảo

 

Nhà thơ Lê Minh Quốc  - chủ biên: Hãy xem sách là một sản phẩm vật chất!

Với cuốn sách này, nhiều người hỏi tôi: “Viết bài theo đơn đặt hàng có gì khác so với những sáng tác theo cảm xúc ngẫu hứng?”. Tôi là người viết chuyên nghiệp, chỉ sống bằng nghề viết. Vì thế, đối với tôi không hề có khái niệm “đặt hàng” hay “cảm xúc ngẫu hứng”. Viết như một “tự thân vận động” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tài năng thế nào, tôi gõ phím trải trên màn hình computer như thế. Một trong những điều quan trọng với người sáng tác vẫn là sự trách nhiệm đối với trang viết. Nếu đã không hài lòng thì tôi không đưa bài của mình cho người “đặt hàng”.

Tôi thích thú thực hiện tập sách này, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, nó đã mở ra một hướng khác trong việc làm sách hiện nay. Khác ở chỗ, nó không chỉ là một giá trị tinh thần, mà còn phải “gánh vác” thêm sứ mạng “tiếp thị” cho một thương hiệu, một sản phẩm vật chất cụ thể nữa. Nếu trước đây, với những sản phẩm vật chất cụ thể, thông thường người ta tuyên truyền hình ảnh đó như một “trực quan sinh động” thông qua pano, áp phích… thì nay người ta muốn “lồng” những thông tin này một cách kín đáo trong một sản phẩm văn hóa là sách.

Tôi đồng ý với quan niệm của chị Phương Thảo, Giám đốc ngành hàng sơn nội thất Công ty ICI, người ta đôi khi không ai giữ một catalogue trong nhà một cách lâu dài, nhưng với sách thì có thể. Chỉ cần thỉnh thoảng, họ đem tập sách đó ra đọc và… nhận thấy thương hiệu, vậy là đủ! Và thấp thoáng đâu đó, cuốn sách thể hiện được “phần hồn” của thương hiệu, là cầu nối gắn kết người đọc với thương hiệu. Đó mới là phương pháp tiếp thị đẳng cấp. Ngược lại, sách cũng phải được xem như một sản phẩm vật chất, có sức sống và vai trò thực tiễn với đời sống, thì mới giúp nó đến với độc giả tốt hơn.

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy - Một trong các tác giả: Nếu sách hay, cũng nên “nói thách”!

Quan điểm của tôi cũng vậy. Một người viết chuyên nghiệp thì không quan trọng chuyện đặt hàng  hay cảm xúc ngẫu hứng. Với tôi, có thể nói hầu hết những bài viết đều xuất phát từ nhu cầu “đặt hàng”. Lần này thì công ty ICI đặt hàng tôi, nhưng những lần khác thì… lương tâm tôi “đặt hàng” tôi, rồi cuộc sống, bạn bè, cơ quan “đặt hàng”, thậm chí bà xã cũng có nhu cầu “đặt hàng”…

Dù ai đặt hàng, thì tôi cũng viết bằng tất cả suy tư và cảm xúc của mình. Đặt hàng không ảnh hưởng đến chất lượng. Khi chúng ta tự tin về chất lượng của “sản phẩm” - cuốn sách của mình thì một lời “nói thách” cũng không có gì là quá đáng cả! Theo chủ quan của tôi thì đây là một cuốn sách thú vị. Nó xứng đáng là một món quà lớn.

 

Bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo - Giám đốc ngành hàng sơn nội thất, công ty ICI: Tinh thần Light & Space

Có thể ai đó cho rằng sơn và sách không liên quan đến nhau, nhưng thực tế không phải như vậy. Khi đã hiểu được tinh thần của Dulux Light & Space, các bạn sẽ thấy sợi dây kết nối giữa nội dung cuốn sách và thương hiệu của chúng tôi.

Đối với người VN, ngôi nhà không chỉ là tài sản quý nhất, mà còn là nơi để gửi gắm những yêu thương, chia sẻ vui buồn, mà chúng ta gọi là tổ ấm. Ngôi nhà với nhiều người còn là văn phòng thứ hai, một văn phòng đặc biệt, mà ở đó người ta có thể có những ý tưởng kinh doanh mới ngay cả trong những lúc sum vầy cùng gia đình. Ngôi nhà còn thể hiện sự thành công và đẳng cấp của gia chủ, là nơi để họ tự hào thành quả cuộc sống của mình với người thân và bạn bè. Xã hội ngày càng phát triển, mọi người có điều kiện để chăm chút cho ngôi nhà của mình hơn thì những yêu cầu về một tổ ấm đúng nghĩa càng cao hơn.

Vì vậy, một doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm làm đẹp cho các ngôi nhà, chúng tôi luôn mong muốn đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Sự ra đời của sản phẩm Dulux Light & Space là một trong những nỗ lực đó. Nhờ công nghệ Lumitec, chúng tôi đã tạo ra sản phẩm Dulux Light & Space cho ánh sáng phản xạ đến hai lần, tạo nên không gian sáng đẹp, thoáng đãng, mang lại sức sống cho ngôi nhà, cho gia chủ niềm vui, sự thư giãn trong tổ ấm. Tinh thần chính của sản phẩm Dulux Light & Space nằm ở đây. Vì vậy, khi ra mắt sản phẩm, chúng tôi cũng muốn quảng bá bằng một hình thức đặc biệt, đúng với tinh thần của sản phẩm, chứ không chỉ là những chiêu thức tiếp thị đơn thuần.

Qua cuốn sách, ICI muốn gửi tặng đến quý khách hàng “chút thong dong” để chia sẻ chút bận bịu lo toan của mọi người sau những giờ làm việc căng thẳng. Chúng tôi không chỉ muốn làm đẹp cho ngôi nhà của khách hàng mà còn mong muốn góp thêm một chút thư giãn về tinh thần với món quà tặng đầy thành ý của mình. Mong rằng cuốn sách này cũng như Dulux Light & Space sẽ trở thành người bạn thân thiết của tất cả những người bận rộn. Khi được tặng cuốn sách, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty kiếng Đình Quốc, ông Đoàn Đình Quốc tâm đắc nói: “Sao tâm lý quá vậy, thong dong là điều mong mỏi của các doanh nhân và là một đề tựa rất hay”.

Lựa chọn việc thực hiện cuốn sách “Chút thong dong tặng người bận rộn”, chúng tôi muốn chia sẻ một chút với những áp lực của bạn, dù bạn là khách hàng của chúng tôi hay không. Chỉ cần cuốn sách hiện diện trong nhà bạn, giúp bạn thư giãn, nghĩa là đã đúng tinh thần mà chúng tôi mong muốn. Phục vụ khách hàng, dù lĩnh vực nào, suy cho cùng, đích đến xa  nhất, tốt nhất vẫn là phục vụ giá trị văn hóa trong cuộc sống.

(nguồn: báo Doanh nhân Sài Gòn số 1-7.1.2008)



 

"Chút thong dong” quý hiếm

 Giáo sư Trần Hữu Tá

 

Anh bạn văn chương Lê Minh Quốc vừa gửi cho tôi cuốn sách do anh chủ biên. Món quà tao nhã này đối với tôi quen mà lạ. Quen, vì tuổi tác tuy khác nhau, ít có dịp gặp nhu nhưng lần nào có tác phẩm mới, Lê Minh Quốc đều không quên tôi. Lạ, vì cuốn “Chút thong dong tặng người bận rộn” này in ra, lại với số lượng gấp mấy lần các xuất bản phẩm khác, không phải để bán mà là để tặng. Ý tưởng thú vị này là của nhãn hàng sơn nội thất Dulux Light & Space, Công ty ICI Việt Nam. Cách tiếp thị, giới thiệu với xã hội như thế thực ra đã rất quen thuộc trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật. Riêng với văn chương, cách này khá mới. Hiệu quả kinh doanh đối với công ty ấy như thế nào, thời gian sẽ trả lời và thực ra không phải là chuyện tôi quan tâm. Điều đáng nói, theo tôi, đây là một cử chỉ văn hóa đáng hoan nghênh, nên phổ biến, nhân rộng.

 

thong-dong-2

 

Về hình thức, cuốn sách khá đẹp. Từ trang bìa đến 162 trang ruột, nhà xuất bản đã chăm sóc chu đáo, trình bày trang nhã. Chín cây bút có bài viết ở đây cũng là một cuộc hội ngộ đẹp. Có nhà báo, nhà thơ, có bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư… hầu hết là những người đã thành danh, bạn đọc thường gặp trên báo chí cũng như trên các phương tiện truyền thông khác.

Đối tượng nhận món quà tinh thần này đã được đơn vị tổ chức thực hiện cuốn sách xác định: những người bận rộn thành đạt - những người “lo toan tất bật, làm việc miệt mài lắm khi phải vắt kiệt sức mình để gặt hái hai chữ thành công” (trang 28).

Không cần tinh ý lắm cũng nhận thấy một thực tế này: trong hơn hai thập niên đổi mới của nước ta, nhịp sống ngày càng khẩn trương, hối hả, liên tục tăng tốc. Hàng triệu triệu người - tự giác hay không tự giác, đã và đang hút theo vòng quay. Ai cũng bận rộn, nhưng không phải ai cũng thành đạt. Không ít người chưa thành đạt và khá nhiều người nếm trải vị đắng của thất bại. Tất cả đều cần, rất cần một “chút thong dong”, một khoảnh khắc thư giãn, một thoáng nhàn tâm, để tạo ra sự cân bằng trong sinh hoạt, tránh đi áp lực ngày càng nặng của đủ mọi chuyện căng thẳng, phức tạp của cuộc sống, để rồi tiếp tục đi tới.

Các tác giả trong tập sách này, bằng sự trải nghiệm bản thân, bằng những cảm nhận tinh tế, đã thân tình mách bảo chúng ta cách tìm một “chút thong dong” rất quý hiếm ấy.

Tôi thích mẩu chuyện mang tính triết lý của Lê Minh Quốc. Anh nhắc lại sự việc của nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) “trốn vào trong núi, xa lánh bạn bè, xa lánh mọi thú vui, lao tâm khổ tứ” để hoàn thành công trình “Lịch triều hiến chương loại chí” - bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của nước ta. Rồi một ngày kia, sau khi hoàn thành công việc, ông thong dong bước ra khỏi núi. Nhìn lên trời cao, ông vô cùng ngạc nhiên - ngạc nhiên một cách sung sướng - khi thấy trên đầu mình là một vầng trăng vằng vặc. Và ông đã có những phút hưởng thụ tuyệt vời sau mười năm đằng đẵng “ép xác” để tạo ra một giá trị tinh thần lớn lao cho dân tộc.

Câu chuyện thật giàu ý nghĩa. Những “bận rộn hữu ích” như việc làm của Phan Huy Chú là hạnh phúc chân chính. Thế nhưng phút giây thưởng ngoạn vầng trăng quen mà lạ kia đẹp biết bao nhiêu. Đó là sự bổ sung cần thiết để tạo nên sự hài hòa, thăng bằng, khiến cuộc sống của con người càng thêm ý vị.

Kinh nghiệm cho biết, chút thong dong ấy rất quý nhưng không khó tìm. Nó tiềm ẩn quanh ta. Vấn đề là ở chỗ ta ý thức được ý nghĩa, giá trị của nó, thực tâm cần có nó và chủ động đón nhận nó. Trần Nhã Thụy, Lưu Đình Triều, Thanh Thảo… giúp chúng ta cảm nhận được vô số cách để có được những phút thong dong. Với nhà văn Trần Nhã Thụy, đó là cố gắng duy trì thói quen có được “buổi chiều Văn Thánh” (trang 37-42). Cỏ xanh êm, gió nhẹ mơn - những đặc sản thiên nhiên. Bát nước chè xanh, trái bắp non - những món quà dân dã thân thương. Bản vọng cổ phương Nam, điệu hò xứ Quảng - những biểu tượng của văn minh tinh thần tự bao đời của đất nước. Một buổi chiều thong dong, sảng khoái biết mấy!

Nhà báo Lưu Đình Triều lại hào hứng với nhiều thú vui “thư giãn tại gia” (trang 83-89). Có khi là một buổi tối rảnh rỗi, chủ động vào bếp, tự nguyện để vợ sai vặt và biết buông lời khen (cũng là lời nịnh) thật lòng trước một “tác phẩm” nấu nướng thành công của bà xã. Nặng nhọc hơn, thậm chí phải đổ mồ hôi “vì bò lăn bò toài chơi trò bắn nhau với đối - thủ - con”. Suy cho cùng, kinh nghiệm ấy đâu chỉ riêng anh?

Chúng ta cũng dễ đồng tình với nhà thơ Thanh Thảo: một trong những cách anh tạo chút thong dong là rủ vài ba người bạn tâm đắc (chứ không phải loại bợm nhậu) vào một quán bình dân nào đó làm vài lon bia, đôi ba chén rượu, lai rai đủ chuyện trên trời dưới đất trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Gặp bạn bè tri kỷ, một chút men tạo hứng, những câu chuyện tâm đầu ý hợp. Quả là lý thú!

Chất lượng cuộc sống cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện sức khỏe. Có không ít điều cần hiểu biết xoay quanh vấn đề này. Hai chuyên gia y học -bác sĩ Lê Thúy Tươi và dược sĩ Trương Tất Thọ - tập trung đi sâu vào một vấn đề cơ bản: cách “kéo dài thanh xuân của bộ não” (trang 76-80). Nên uống rượu như thế nào và uống rượu gì để rượu khỏi “thành mối lo trong mái ấm gia đình, trật tự an toàn giao thông” và không làm khổ… các trung tâm cấp cứu (trang 69-75).

Mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục; yêu cầu mang tính nguyên tắc của việc luôn “hâm nóng” tình yêu cũng như đáp ứng đúng mức nhu cầu hưởng thụ tình dục…. đòi hỏi các chuyên gia y học, tâm lý học, tình dục học còn phải tốn nhiều bút mực để luận bàn, chỉ dẫn chúng ta. Thế nhưng, chỉ trong năm trang in ngắn ngủi (trang 59-63) bác sĩ Lê Thúy Tươi cũng đã có những gợi ý bổ ích.

Tôi sẽ lan man, sa đà nếu tiếp tục ghi lại đây những cảm nhận, thu hoạch riêng tư. Tốt nhất, xin bạn đọc gặp gỡ trực tiếp với 17 bài viết trong tập sách. Không cần đọc một hơi, mà có thể “nhâm nhi, lai rai”. Không nhất thiết theo trình tự trước sau, mà có thể đọc ngẫu hứng, bất kỳ bài nào.

Sức hấp dẫn của các bài không hẳn đã đồng đều, nhưng xét tổng thể đây là những bài viết có trách nhiệm, được viết với một văn phong nhìn chung trong sáng, tinh tế, có duyên. Các tác giả đã tặng chúng ta những mách bảo khôn ngoan, thấu lý đạt tình, giàu sức thuyết phục về lối sống, cách sống,và có thể về triết lý sống nữa.

(nguồn: báo Doanh nhân cuối tuần 11.1.2008)


 

Thong dong trong bận rộn

 

Nhân sự kiện cuốn sách “Chút thong dong tặng người bận rộn” được Công ty Sơn ICI Việt Nam gởi tặng khác hàng nhân dịp ra mắt sản phẩm mới Sơn Dulux Ligh & Space. TNTS có một cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng” nhà thơ Lê Minh Quốc - chủ biên của cuốn sách này.

 

 

Untitledthong-dong-1

Đọc sách thấy nói nhiều về triết lý của sự thong dong. Theo anh, chữ “thong dong” nên hiểu đúng như thế nào?

L.M.Q: Khi thực hiện tập sách này, chúng tôi cố gắng gửi gắm một ý tưởng rằng, để đạt đến sự thong dong thì người ta phải có một thời gian làm việc cật lực, sống hết mình vì công việc. Thì khi đó, sự thong dong, nghỉ ngơi mới có ý nghĩa đích thực.

Vậy qua những trải nghiệm của anh thì hiện tại anh đang thong dong hay bận rộn?

L.M.Q: Tôi tin rằng, nhiều doanh nhân thành đạt cũng có một “thời khóa biểu” nghiêm ngặt như tôi thôi. Tôi đang cố gắng để đạt đến “sự thong dong trong bận rộn”.

Cuộc sống bây giờ cũng được đem ra “kiểm định” và “dán tem”. Vậy theo anh, tiêu chí nào để đánh giá cuộc sống đạt tiêu chuẩn chất lượng?

L.M.Q: Một mái ấm mà ở đó có người vợ vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là em, vừa là bạn, vừa là người tình. Một công việc mà mình yêu thích để đeo đuổi đến tận cùng. Một tình bạn mà người bạn cùng chia sẻ mọi hỉ nộ ái ố… Một xã hội bình ổn và thu nhập của mọi người trong cộng đồng không qua chênh lệch. Tất nhiên ta không thể thiếu sức khỏe. Nhiều quá phải không? Thôi thì, tôi ước mơ chất lượng cuộc sống là tìm sự yên tĩnh ngay trong mái nhà của mình. Có thể chỉ một màu sơn trong phòng ngủ làm mình dịu lòng khi va chạm ở cơ quan; một màu sơn trong bếp làm mình an lòng khi vấp ngã ngoài đời… Và cũng trong nhà mình, ta có thể tìm được những món ăn mà ngày xưa mẹ đã nấu cho ta ăn thuở ấu thời…

Anh có vẻ thích màu xanh. Anh có hay nghiên cứu về phong thủy không?

L.M.Q: Không riêng gì tôi, nhiều người cũng thích màu xanh. Màu của sự nhẹ nhàng như mây và điềm tĩnh, thong dong như núi. Màu của niềm vui nhưng không quá vui; và của nỗi buồn, nhưng không buồn đến ủy mị. Tất nhiên, ngôi nhà của tôi cũng là màu xanh nhạt.

Còn phong thủy? Tôi không có nghiên cứu, nhưng tôi thích câu của Gill Hale trong tập Nghệ thuật trang trí nhà cửa theo khoa học phương Đông, đại khái, khi nói về thành đạt của một đời người, người Trung Quốc xưa thường quan niệm nhất vận may, nhì phận số, ba phong thủy, tư đức hạnh và năm là học vấn. Như vậy phong thủy là một phần trong toàn bộ các yếu tố tạo nên sự thịnh suy của một người. Vì thế, sao ta lại không tin? Nghĩ cho cùng phong thủy cũng là một khoa học.

Viết sách để tặng. Đây được xem là một hình thức Marketing cao cấp. Anh nghĩ những cái “được” mà độc giả tìm thấy từ quyển sách này là gì? Và anh có thêm những thông điệp nào muốn gởi riêng cho độc giả của TNTS không?

L.M.Q: Do thực hiện một tập sách như hình thức marketing cao cấp nên (thú thật) bản thân người viết toàn tâm toàn ý viết bài theo chủ đề của tập sách. Vì thế, cái được trước nhất là bạn đọc sở hữu những bài viết có chất lượng. Cái được thứ hai, với sản phẩm sơn Dulux Ligh & Space của ICI, dù các tác giả không viết cụ thể về nó, nhưng bạn đọc có thể cảm nhận được sắc màu kỳ diệu của nó được chuyển tải qua những câu chuyện văn chương, triết lý, y học, phong thủy… Điều này có thể gợi mở cho họ những sự liên tưởng, tưởng tượng thú vị và khó quên. Cái được thứ ba, bạn đọc giữ lại tập sách bằng niềm vui của người được nhận một món quà có ý nghĩa về văn hóa, vì sách in đẹp, trang nhã… Cái được thứ tư, bạn đọc có thể chia sẻ với những bài viết trong sách như lời thủ thỉ tâm tình, như đang trò chuyện với người thân quen về vấn đề mà cả hai cùng quan tâm.

Cuối cùng, với độc giả TNTS, tôi hy vọng các bạn sau khi đọc tập sách Chút thong dong tặng người bận rộn sẽ tìm được sự thong dong, tĩnh tại cần thiết để tiếp tục “nạp năng lượng” cho những ngày sắp đến… Mà kìa, ngoài kia, gió xuân đang thổi về, từng trang sách đang lật ra. Lẽ nào ta không đọc?

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

Kim Oanh (thực hiện)

Với các bài viết, tản văn của các cây bút nổi tiếng: nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà báo Lưu Đình Triều, nhà thơ Thanh Thảo, bác sĩ Lê Thúy Tươi, dược sĩ Trương Tất Thọ, doanh nhân Giản Tư Trung và kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, 4.000 bản đầu tiên của “Chút thong dong tặng người bận rộn” sẽ được dùng để gởi tặng các doanh nhân và những người bận rộn. Để được tặng sách cho chính mình và người thân, độc giả liên hệ Trung tâm tư vấn sơn Dulux qua số: 1900 – 555561 hoặc emai: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .

(nguồn: Thanh niên Tuần san số 91.2008)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com