Tập sách KÝ SỰ SƠN TRÀ của BÙI CÔNG DỤNG

 

KYSUSONTRA-1-rrrrrrrrrrrrrrr

Ghi chú:

                                                                      Cám ơn tác giả đã gửi tặng

LỜI GIỚI THIỆU

Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Lòng ta thương bậu, nước mắt và lộn cơm

Với người Đà Nẵng, từ câu ca dao ấy luôn hiện lên trong tâm thức một tình yêu về nơi chôn nhau cắt rốn. Một tình yêu máu thịt gắn liền với nhiều thế hệ. Và mãi mãi ngàn sau, không một ai có thể quên được rằng, chính Sơn Trà là “nhân chứng” đã chứng kiến sự kiện ngày 1.9.1858 - ngày mở đầu cho trang sử Việt Nam thời cận đại. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng, không phải ngẫu nhiên với vị trí đang có, Sơn Trà đã được mệnh danh “mắt thần Đông Dương”, có vị trí rất quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng…

Và trải qua thăng trầm của năm tháng, Sơn Trà vẫn bền vững đứng đầu sóng ngọn gió và trở thành “lá phổi xanh” - một biểu tượng của người Đà Nẵng.

Không những thế, Sơn Trà còn là một kỳ quan thiên nhiên được sự quan tâm của cả nước và tầm ảnh hưởng còn lan ra ngoài thế giới, bởi một trong nhiều lý do được nêu ra: Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới mà con người có thể quan sát loài voọc Chà vá chân nâu ngoài tự nhiên; là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc; là khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo còn có cảnh quan rừng tự nhiên gắn liền với biển v.v...

Không phải ngẫu nhiên Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Sinh thái học miền Nam đánh giá: "Bán đảo Sơn Trà phải được nhìn nhận là hòn ngọc, báu vật thiên nhiên ban tặng, cần bảo vệ không chỉ hiện tại mà cho con cháu mai sau".

Tiếc thay, với nhiều lý do khác nhau, diện mạo của Sơn Trà đang có chiều hướng thay đổi xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng về nhiều mặt - nhất là vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, an ninh quốc phòng v.v…

Với trách nhiệm công dân của một người cầm bút, nhà văn Bùi Công Dụng đã viết tập Ký sự Sơn Trà. Có thể ghi nhận, lần đầu tiên câu chuyện tranh luận về về Sơn Trà được trình bày cặn kẽ, chu đáo với nhiều chứng cứ, tài liệu, văn bản cụ thể… Nếu không là nhà văn sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, nếu không có một tình yêu lớn dành cho Sơn Trà, chắc hẳn Bùi Công Dụng không đủ kiên nhẫn, bền lòng đeo đuổi một cách xuyên suốt.

Trong tập Ký sự Sơn Trà, nhà văn Bùi Công Dụng đã chọn thể loại ký, thông qua sự đặc thù của một thể loại văn học, ông đã có sự thuận lợi khi trình bày khách quan các chi tiết liên quan về sự “biến dạng”, thay đổi Sơn Trà theo chiều hướng xấu đi, cần phải khắc phục nhằm trả lại diện mạo vốn có của “báu vật” này.

Không chỉ là tiếng nói tâm huyết có trách nhiệm của nhà văn mà dư luận cả nước, trên diễn đàn Quốc hội, kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã có sự quan tâm đặc biệt.
Qua tập ký sự này, chúng ta thêm có lòng tin rằng, không một ai có thể phản bội lại thiên nhiên, nhất là với Sơn Trà và có thể can thiệp làm thay đổi niềm tin bất biến ấy. Một niềm tin đã lan truyền ngày một rộng rãi trong mỗi lòng người:

“Ngày mai

Sơn Trà huy hoàng sáng láng

Các ngươi được nô đùa với đàn voọc đuôi trắng giữa rừng xanh

Các ngươi sẽ được ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt mỹ

Các ngươi sẽ lạc giữa Sơn Trà cõi tiên trần thế

Khỏi hổ thẹn với bia đá muôn đời”.

Và khi kết thúc tập Ký sự Sơn Trà, nhà văn Bùi Công Dụng đã nói lên tiếng nói của người đương thời lẫn thế hệ sau: “Sơn Trà của NHÂN DÂN sẽ là một Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong tương lai sẽ là hình ảnh đẹp đẽ của một Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Hải Vân - Sơn Trà. Điều đó có nghĩa, người dân Đà Nẵng xin phép Chính phủ được rút dự án Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà ra khỏi danh mục đầu tư của Nhà nước để có điều kiện thực hiện những dự án môi trường thiên nhiên bền vững mà mọi người luôn mong đợi. Nguyện vọng và niềm tin cuối cùng của nhân dân là như thế!”.

Trong tinh thần tích cực đó, NXB Hội Nhà văn trân trọng giới thiệu tập sách Ký sự Sơn Trà của nhà văn Bùi Công Dụng. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý chân thành từ bạn đọc để tập sách ngày một hoàn thiện hơn.

NXB HỘI NHÀ VĂN

(Nguồn: Ký sự Sơn Trà - NXB Hội Nhà văn - 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment