3 tựa sách mới nhân ngày giỗ thứ 2 (13/07/2016) của cố nhà văn Tô Hoài

ToHoai-SoTay-Viet-Van-01RR

 

Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu trong hành trình Dế mèn phiêu lưu ký và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, thì độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành những tượng đài bất tử như Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ…

Tưởng nhớ hai năm ngày mất của cố nhà văn Tô Hoài, Công ty Sách Phương Nam giới thiệu 3 tác phẩm độc quyền xuất bản: Cỏ dại; Những gương mặt và Sổ tay viết văn như một lời tri ân sâu sắc.

CỎ DẠI

Số trang: 144
Khổ: 13x 20.5cm
Thể loại: Hồi ký
Giá bìa: 78.000 VND

ToHoai-CoDai-01RR


Cỏ dại là hồi ký đầu tay của Tô Hoài, được viết khi nhà văn mới ngoài hai mươi tuổi (1944). Thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn của cây đại thụ làng văn học Việt được tái hiện rõ nét trong Cỏ dại, thông qua nhân vật chính là Cu Bưởi.

Cuộc sống của Cu Bưởi gắn liền với gia đình nhà ngoại trong ngôi nhà gạch cũ ở vùng Nghĩa Đô gần Kẻ Chợ. Sống cùng những người lớn luôn đầu tắt mặt tối với những lo toan mưu sinh hằng ngày, cậu bé không có ai quan tâm, bầu bạn nên chỉ biết tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi với ếch nhái, cây cỏ… Những kỉ niệm lúc nhạt mờ lúc sâu đậm về thầy u, những bỡ ngỡ giữa phố thị đông người và cả những tủi hờn trong những ngày ra phố sống nhờ, ở đậu với niềm mong mỏi ngày mẹ đón về,… cứ man mác buồn theo từng trang viết.

Không chỉ là câu chuyện của một người, với Cỏ dại, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động của những ngày xưa cũ từ nhiều cảnh đời, nhiều tính cách, số phận con người khác nhau. Với giọng văn mộc mạc, tự nhiên, câu chuyện buồn của những cuộc đời cũ thỉnh thoảng vẫn “lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ”. Cỏ dại giúp ta hiểu một cách sinh động những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như những nét đặc sắc trong phong cách Tô Hoài.

Đánh giá tác phẩm

“Trên toàn bộ bức tranh Cỏ dại, không đâu không thấm một nỗi buồn. Buồn vì sự quanh quẩn, cùng quẫn của mọi lớp người lao động. Buồn vì những xa cách, chia phôi và vắng thiếu tình người. Buồn vì một cái gì như đang tàn dần và sắp tắt… Một mảng sống u buồn, với cái buồn từ chính bản thân nó toát ra một cách tự nhiên, chứ không cố ý. Trong u buồn thỉnh thoảng vẫn thấy lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ, và như là sự thăng bằng trở lại giữa hai vế: vui – buồn, hài - bi, ngộ nghĩnh - nghiêm trang, có thế mới là diện mạo đích thực, là sự tồn tại đích thực của cuộc đời, theo cảm quan nghệ thuật độc đáo ở Tô Hoài.”

(GS. Phong Lê)

 
“Ở Cỏ dại, hết chuyện cậu bé chốc đầu được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn. Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi.”

(Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn)

NHỮNG GƯƠNG MẶT

ToHoai-NhungGuongMat-01RR

Số trang: 264
Khổ: 13x 20.5cm
Thể loại: Hồi ký
Giá bìa: 119.000 VND

Nằm trong hệ thống hồi ký văn học của Tô Hoài, Những gương mặt được coi là tác phẩm mở đầu cho thành công về đề tài chân dung văn học của ông. Với Những gương mặt, Tô Hoài đã dành những nét vẽ chân thật và sinh động nhất để phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,… đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính,… Họ trong trang viết của Tô Hoài không bao giờ màu mè, khoa trương mà luôn chân thật như bước thẳng từ cuộc đời đi vào trang sách. Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên đã khiến những gương mặt văn nhân với độc giả tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi hơn. Và hơn hết thảy, đằng sau những gương mặt ấy là chân dung của một Tô Hoài giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.

Đánh giá tác phẩm

“Đọc Tô Hoài, người ta có thể dễ dàng hình dung lại một cách chân xác chân dung của lịch sử, không khí của mỗi thời. Có lẽ, vì mỗi chi tiết dẫu là nhỏ nhất trong văn Tô Hoài chính là một tế bào của đời sống được Tô Hoài cấu trúc lại theo quan niệm nghệ thuật của mình. Dường như, trong mỗi một thông điệp mà ông trao đến cho người đọc, lẩn quất một nụ cười hóm hỉnh, một cái nheo mắt của Tô Hoài: cái thời ấy, cái hồi ấy, nó là thế, cả cái hay lẫn cái dở, cả cái cao cả lẫn cái nhem nhuốc thường ngày.”

(Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp)

“Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường hơn.”

(Nhà phê bình Vương Trí Nhàn)


SỔ TAY VIẾT VĂN

ToHoai-SoTay-Viet-Van-01RR

Số trang: 216
Khổ: 13x 20.5cm
Thể loại: Bút ký - Tản văn
Giá bìa: 99.000 VND

Là một đứa con tinh thần do chính Tô Hoài chắt chiu, gom góp từ những kinh nghiệm viết lách của mình, Sổ tay viết văn được xem như cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai yêu thích chữ nghĩa. Với ông, viết là thành quả lao động vô cùng tận và người viết cần chăm chút, tẩn mẩn từng li từng tí. Như chính lời con trai của ông, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, chia sẻ: “Đã từ lâu, từ khi cầm bút, bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu, với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông.”

Tô Hoài quan niệm: “Kinh nghiệm viết văn, cả về tư tưởng và cách viết, là kinh nghiệm lao động, do hàng ngày lao động sáng tác mà nảy nở. Nó vô cùng tận. Không thể nói lúc nào hoàn hảo, mỗi bước phấn đấu lại được kinh nghiệm mới. Cứ thế thay đổi và đổi mới mãi, đem lại tiến bộ cho người viết”. Sổ tay viết văn không chỉ là cuốn Bách khoa toàn thư dành cho những người theo đuổi con đường văn chương chữ nghĩa mà nó còn giống như một gợi ý giúp độc giả có thể nhìn nhận, đánh giá khách quan khi thưởng thức bất kỳ tác phẩm nào.

Đánh giá tác phẩm

“Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa toàn thư mà không viện sĩ nào, không học giả nào có thể sánh được.”
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

“Quen biết nhiều, từng trải lắm, quả thật có thể nói Tô Hoài đã trở thành một cuốn từ điển sống của nghề văn. Qua các tác phẩm đã in của ông, mãi mãi người ta còn tìm thấy hình ảnh con người một thời, với tất cả những lo toan hàng ngày, sự phấn đấu của chúng ta cùng những khó khăn những hạn chế hoàn cảnh đã đặt ra mà không ai trong chúng ta vượt qua nổi. Thời gian sẽ sàng lọc để chọn ra những gì tinh hoa Tô Hoài đã viết, từ đó làm giàu thêm cho văn học Việt Nam.”

(Nhà phê bình Vương Trí Nhàn)


(nguồn: Công ty Sách Phương Nam)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment