Thực đơn ngày giỗ ông bà tại Đà Nẵng (2015)

chuan-bi-do-cung-gio-1Rchuan-bi-do-cung-gio-2Rjpg

thuc-don-dam-gio-2015-R2thuc-don-dam-gio-2015R

 

BA TÔI

Xuân năm 1945, tại làng Kỳ Vỹ, huyện Gia Khánh (Ninh Bình) dưới cơn mưa phùn xám xịt, dưới bờ ruộng có một thiếu niên nằm co quắp, xanh xao, yếu đuối - bên cạnh là những xác người đã chết vì đói, khi lưỡi hái tử thần chuẩn bị gặt lấy linh hồn chàng đem về trời thì may thay lúc ấy có một tốp bộ đội đi ngang qua. Họ nhặt chàng đem đi. Hình ảnh khủng khiếp của một thiếu niên quằn quại trong cơn đói, sau này chính là ba tôi. Rồi trên chuyến xe lửa của đoàn quân Nam tiến với những tráng sĩ như bước ra từ dòng thơ Đường, họ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan và từ lồng ngực thanh tân bật ra tiếng hát phóng khoáng, yêu đời: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Nào có sá chi, đâu ngày trở về…” thì có cả nhịp vỗ tay của ba.

Từ đó, ba tôi trở thành người lính, suốt năm tháng kháng chiến, ông là bộ đội quân y phục vụ ở chiến trường Quảng Nam. Rồi đình chiến, không trở ra Bắc, ông hồi cư về Đà Nẵng và trở thành “Việt cộng nằm vùng”. Khi tôi lớn lên, tôi chỉ biết ông làm nghề hớt tóc dạo. Ba tôi là người hà tiện tiếng cười, dù đang vui hoặc buồn. Có lẽ nỗi ám ảnh của cơn đói năm xưa đã khiến ông dạy con cái phải ăn uống kham khổ. Tôi còn nhớ đến món khoai chà dự trữ trong nhà. Ở Quảng Nam, sau khi thu hoạch khoai, người ta để dành bằng cách đem bào ra thật nhỏ, phơi khô, bỏ trong hũ. Mỗi lần muốn ăn, đem ra và đổ nước sôi vào, nó sền sệt, ăn thật bùi, thật ngọt. Đến bây giờ, tưởng như vị ngọt ấy chưa tan trên lưỡi.

Vậy mà, thuở ấu thơ, có lần tôi chê món ăn này, cứ đòi ăn món cá diếc thật ngon. Chiều ý tôi, ông đồng ý, chẳng may tôi bị mắc xương. không nói không rằng, cả đĩa cá diếc tươi roi rói như thế được ông hất tung xuống đất. Thái độ đột ngột của ông đã khiến tôi nghĩ rằng, đừng bao giờ cãi lại lời của ba.

Rồi mùa xuân năm 1968 do bị điểm chỉ, nhiều cơ sở nằm vùng bị đánh phá khốc liệt. Tôi đã thấy những “Việt cộng nằm vùng” bị xiềng tay dẫn đi trên đường, có người tìm cách trốn chạy, bị chúng bắn vỡ sọ, rồi đạp xác xuống cống ven đường. Xa xa có những tiếng pháo mừng Xuân mới vọng về… Bọn lính quần áo rằn ri, lăm lăm súng ống trên tay, đằng đằng sát khí xộc vào nhà tôi. Chúng bẻ quặt tay ba tôi ra sau lưng. Chiếc còng số tám lạnh lùng siết chặt. Tống lên xe bít bùng. Tôi sợ hãi khóc không thành tiếng. Thời gian này, ba tôi bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Ấn tượng dữ dội đã tạo một vết sẹo không phai trong ký ức. Do bị bệnh nặng, chúng đã chuyển ông ra bệnh viện Đa khoa. Ông mặc áo tù, nằm trên giường, gương mặt tím bầm. Hai chân của ông bị treo ngược lên cao bằng những sợi dây xích. Mỗi lần ông cựa quậy thì tiếng sắt va chạm vào nhau tạo nên một âm thanh khô khốc đến rợn người. Âm thanh ấy đập vào tai tôi và vang vọng suốt một đời. Sau đó, chúng đày ông ra Côn Đảo.

Chúng bí mật đưa ra đảo nên gia đình tôi không hề biết. Mẹ tôi cùng bà ngoại đã đi khắp chùa chiền để nguyện cầu. Nghe chỗ nào có thầy bói hay là lại tìm đến để dò hỏi tông tích của ba. Nhưng tất cả đều đoán trật lất. Từ đó, mẹ tôi không còn tin gì vào thần thánh. Cuối cùng, bọn đầu trâu mặt ngựa mới bắn tin đã đưa ba ra Côn Đảo và đòi hối lộ. Lúc bấy giờ, gia đình tôi đã khá giả, cả họ hàng bên ngoại đều bán vàng ở chợ Cồn với những hiệu lừng lẫy một thời: Vĩnh Châu, Vĩnh Thái, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận… Mẹ tôi mới sai thợ làm sáu chiếc lắc, mỗi chiếc năm lượng vàng ròng. Với yêu cầu đó, không thợ nào làm nổi. Sau cùng, cậu tôi phải đứng ra làm, ròng rã nửa tháng trời mới xong.

Những tưởng hối lộ xong thì ba sẽ được tự do, nào ngờ mãi đến năm 1972 ông mới được trở về đất liền. Lúc ấy, ba bị phù thủng nên mỗi lần cười thì gương mặt méo xệch. Ông trở nên trầm ngâm hơn, ít nói. Mỗi lần ba dẫn tôi đi ăn mì Quảng. Những hột đậu phộng rơi vãi trên bàn, ông cẩn thận nhặt lấy bỏ vào tô của tôi. Vì đậu ngon hay ông tiết kiệm? Ăn xong, hai cha con đứng dậy trở về nhà. Đến đầu đường Nguyễn Trãi, tôi chợt thấy một người đeo kính đen, y ngồi trên xe honda kín đáo nhìn theo. Ít lâu sau, ba tôi lại bị bắt. Ông ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà.

Tôi lại nhớ đến tủ sách của ba tôi. Ông là người mê đọc sách. Trong tủ gụ làm bàn thờ Tổ tiên và trong tủ búp-phê của ông chứa nhiều sách lắm. Tôi đã lục lọi và đọc hết. Tôi biết yêu văn chương chính là nhờ những quyển sách này. Thử tưởng tượng những ngày thu mơn man nắng ấm, tôi trèo lên cây để nằm đọc sách. Trưa yên tĩnh lạ thường. Có ai nghe được tiếng gà gáy giữa trưa mới cảm nhận được sự yên ả của một vùng quê đất Quảng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy:

Những mái ngói phơi trong nắng mai

Chim chóc bay về làm tổ

Hót ríu ran vườn cây nhà ông ngoại

Ngày giỗ chạp mẹ tôi về lại

Thắp nén nhang thơm ngát tuổi thơ tôi.

Trong tuổi thơ, chỉ một lần tôi được nhìn thấy ba tôi cười như trẻ thơ. Đó là lúc ông nhận được thư của họ hàng từ miền Bắc gửi vào. Lá thư ấy được ông khoe khắp xóm. Rồi cải tạo công thương nghiệp - những sóng gió đi ngang trên mái nhà, xáo tung tất cả. Gương mặt ba tôi rắn lại như một thanh sắt nguội. Trước ngày tôi lên đường đi bộ đội, ông trầm tĩnh: “Rồi người ta cũng sẽ hiểu mình”. Tôi nghiệm thấy điều này đúng.

Sau này, lao vào trường văn trận bút với biết bao hăm hở đầu đời, tôi đã vấp ngã tưởng chừng không đứng lên được. Bởi lẽ tôi quan niệm viết văn, làm thơ không phải để nổi danh. Danh vốn bọt bèo và nhiều đố kỵ. Mà để làm vui lòng ba mẹ tôi. Từ năm 1989, tôi bắt đầu in những tập thơ: Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi, Tôi vẽ mặt tôi, Nếu không còn cổ tích, Thơ tình rồi in tiểu thuyết Sân trường kỷ niệm, Hoa cúc không phải màu vàng, Về nơi nào để nhớ, Thời của mỗi người, Xin lỗi ông là ai? Và trước đó, từ năm 1985, tôi đã đoạt giải nhất thơ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong, giải thưởng thơ của Hội nhà văn TPHCM… Chỉ tiếc ba tôi không thấy được sách của tôi đã in, mẹ tôi không đọc được những gì tôi đã viết hoặc người ta viết về tôi vì bà mù chữ.

Rồi tôi vấp ngã với tiểu thuyết “Xin lỗi ông là ai?”. Qua năm sau, tập thơ Tôi vẽ mặt tôi vừa phát hành đã bị phê phán trên báo chí từ Nam chí Bắc. Tôi ngã lòng. Nếu thi sĩ Phùng Quán tự nhủ: “Lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Vịn vào thơ tức là vịn vào cõi tâm linh của chính mình. Tôi không có đủ bản lĩnh ấy, tôi chỉ biết vịn vào câu nói của ba tôi: “Rồi người ta cũng sẽ hiểu mình”. Tôi đứng dậy với một loạt tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại do NXB Văn học ấn hành và liên tiếp được tái bản với iết bao lời khen thưởng. Không dừng lại đó, tôi tiếp tục thực hiện Tủ sách danh nhân Việt Nam dưới hình thức truyện tranh, và bây giờ tôi đang tiếp tục viết bộ sách nhiều tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam (NXB Trẻ). Nhiều bạn văn nhụt chí sau những lần bị phê phán đã hỏi làm sao có thể viết tiếp được như thế? Tôi nhắc lại lời răn dạy của ba tôi. Câu nói ấy, tôi gìn giữ làm hành trang đi trên đường dài của đời mình và lấy đó làm phép ứng xử khi va chạm với hỷ, nộ, ái, ố… trên trần gian muôn mặt này.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: báo Thể thao & văn hóa ngày 13.4.1999)

 

Cùng một chủ đề:

KHÊU NGỌN ĐÈN XANH

Thực đơn đám giỗ ông bà tại Đà Nẵng (2014)

Nghi lễ đời người tại Quảng Nam

Lê Thị Ái - Chị về cuối bến tình yêu

Chia sẻ liên kết này...

Add comment