Tạp chí VĂN HỌC: Số đặc biệt về TẢN ĐÀ

 

tan-da-DTB-tang

Phát hành tại  Sài Gòn ngày 15.5.1970


Khu lưu niệm Tản Đà được xếp hạng di tích lịch sử
18:29' 22/05/2004 (GMT+7)  


(VietNamNet) - Sáng 22/5, UBND tỉnh Hà Tây và Sở VHTT tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia khu tưởng niệm thi sĩ Tản Đà, nhân 115 năm ngày sinh của ông.

Trên diện tích hơn 60m2 tại thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, nhà tưởng niệm và khu mộ được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Khu tưởng niệm gồm 3 gian 2 chái với hệ thống vì kèo, lợp ngói âm dương, theo phong cách kiến trúc nhà Việt cổ châu thổ Bắc bộ. Hệ thống nghi môn gồm: tam quan, trụ biểu, bia đá tứ diện, nằm giữa khung cảnh non  Tản sông Đà toát lên cốt cách và tinh thần của thi sĩ  Nguyễn Khắc Hiếu.

Công trình này được khởi công cách đây gần 10 năm dưới sự tài trợ của Quỹ Văn hóa Thuỵ Điển. Tuy nhiên, theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội, trước mắt Sở VHTT tỉnh Hà Tây cần có kế hoạch mở đường, xây hồ nước và trồng cây xanh quanh khu di tích để cải thiện môi trường, thu hút khách du lịch. Mặt khác, số hiện vật trưng bày tại khu lưu niệm bao gồm: di cảo và các tác phẩm lý luận, phê bình về danh nhân hiện quá ít ỏi và sơ sài. Ông Nguyễn Khắc Đại, con út cố thi sĩ, cho biết: “Mặc dù NXB Văn học đã ấn hành Tuyển tập Tản Đà, song số tác phẩm bị thất lạc vẫn còn nhiều. Hồi cụ mất, chúng tôi còn bé, chưa có ý thức gìn giữ, sưu tập trước tác của ông. Hơn nữa do điều kiện thời tiết, chiến tranh, nên cũng khó mà bảo quản được”.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 25/5/1889 tại thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Họ Nguyễn của Tản Đà là dòng họ khoa bảng lâu đời gốc ở Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội. Trong họ còn có nhiều nhân vật lỗi lạc như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (tác giả Dư địa chí), Nguyễn Công Thể, Nguyễn Huy Tú...

Với 50 tuổi đời, Tản Đà để lại một gia tài văn học đáng kể trên nhiều lĩnh vực: dịch thuật, biên khảo, sân khấu, thơ ca... Nhà nghiên cứu Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, đã gọi ông là “nhà thơ của hai thế kỷ”. Các tác phẩm đáng chú ý của Tản Đà gồm: Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Khối tình con, Khối tình lớn..., và nhiều tiểu thuyết, khảo luận trên Nam Phong Tạp Chí, An Nam Tạp Chí, Tiểu Thuyết Thứ Bảy

(nguồn: VietNamNet)

 

Ghi chú:

Tờ tạp chí này do nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng

Chia sẻ liên kết này...

Add comment