HỘI HOẠ Bài viết Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Tôi tập vẽ"

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: "Tôi tập vẽ"

thao-1

Nhà thơ Lê Minh Quốc được biết đến như một người cả đời chạy theo thơ, đến với thơ như đến với người tình. Anh còn là một nhà sưu tầm nghiên cứu về danh nhân lịch sử nước Việt với nhiều đầu sách được công chúng đón nhận. Thế nhưng thật bất ngờ khi anh tuyên bố chuẩn bị mở triển lãm tranh cá nhân vào mùa thu năm nay với hơn 50 bức sơn dầu.

Gặp anh trong một ngày nắng đẹp sau những cơn bão và áp thấp nhiệt đới, khi anh đang tất bật với việc chung: Trưởng ban VHNT báo Phụ nữ TP.HCM, phụ trách Ban Thơ đương đại Hội NVTP.HCM, lo Hội thảo Thơ- Văn Trẻ của TP, và việc riêng: hoàn tất các tác phẩm tranh để chuẩn bị cho triển lãm… Rất chân tình, cởi mở, anh vui vẻ nói ngay "Tôi tập vẽ mà".

- Anh đang làm thơ và rất được công chúng yêu thơ ngưỡng mộ thơ anh, vậy mà anh lại chuyển sang vẽ tranh, hay nguồn thơ đã cạn?

- Sáng tác nghệ thuật, nghĩ cho cùng, là để trình bày lại tâm trạng của chính mình. Có thể để mọi người cùng chia sẻ và cũng có thể chẳng để làm gì cả. Với tôi dù thích làm thơ nhưng cũng có lúc tôi thích viết qua những thể lọai khác. Cũng là một cách để tự mình khám phá mình đấy thôi.

Và trong một ngày đẹp trời bỗng dưng tôi lại nổi hứng muốn vẽ. Thật ra phải gọi đúng tên là “tập vẽ”. Trên báo Thanh Niên Xuân 2007 tôi có trình bày tâm trạng của mình khi ấy: "Trước khung tranh trắng toát một màu / Anh cảm thấy như sắp lao xuống biển/ nhưng chẳng biết bơi/ Vẽ gì đi tôi ơi/ biết vẽ gì khi tâm hồn trống rỗng”…

Đây là một cảm giác lạ lùng mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được. Chao ơi! Cái khung vải nhỏ ấy bỗng như có một ma lực hấp dẫn lạ lùng, lạ lùng nhất là tôi nhìn thấy ở đó thăm thẳm như biển khơi trập trùng sóng vỗ. Vẽ gì đi chứ. Nào ai biết vẽ gì. Tôi ngồi thừ ra và nhẹ nhàng… đặt cọ xuống. Tâm trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng rồi tôi tự nhủ, mình vẽ như là đi chơi, chứ mong điều gì khác đâu mà sợ. Mà trên đời này chỉ có đi chơi là sướng nhất.

Chẳng biết các họa sĩ chuyên nghiệp nhìn vào sẽ đánh giá như thế nào, nhưng không sao, mình vẽ để treo trong nhà mình để mình thưởng thức. Và cũng may mắn tranh của tôi có người thích. Thích thì tôi tặng. Thế là quán café Miss Sài Gòn là trước nhất treo tranh tôi.

Xem tranh của Lê Minh Quốc có cảm giác rất lạ, người xem khó có thể xem qua quít vì ý tứ trong tranh bắt người ta phải suy ngẫm. Nếu như nói anh không chuyên nghiệp về hội họa thì người nào không biết anh là nhà thơ sẽ không tin điều đó, vì cách phối màu sắc và cách sử dụng màu sắc để thể hiện ý tưởng trong tranh anh thật sự rất hài hòa, thể hiện cái nhìn tinh tế và cảm giác màu sắc rất tốt của anh.

Nhà thơ vẽ tranh không phải là sự “hiếm” trong giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam, nhưng là hiếm đối với làng văn nghệ TP. HCM.

- Hội họa đối với anh có gì lý thú?

- Thơ của tôi muốn cho nhiều người đọc cũng không thể vì đôi khi rào cản ngôn ngữ biểu đạt. Nhưng hội họa là loại hình nghệ thuật không biên giới, sắc màu nói lên tất cả.

Tranh của tôi không được đặt tên, người xem muốn đặt tên như thế nào là tùy theo cảm nhận của người ấy. Rất lý thú bởi khi mình vẽ là trong tâm trạng của mình, nhưng khi xem tranh là tâm trạng người xem, nếu như có sự đồng điệu trong cảm xúc thì đúng là gặp tri kỷ, nhưng nếu như không đồng điệu thì đó lại là sự khám phá một khía cạnh khác mà mình không thấy được ở bản thân mình.

- “Thi trung hữu họa”, nhưng ngược lại trong tranh anh có thơ không?

- Trước khi vẽ tranh tôi đã làm nhiều bài thơ có chút “liên can” đến hội họa, nhưng khi đó tôi chưa nghĩ tới có một ngày mình sẽ vẽ tranh. ”Bây giờ tôi vẽ mặt tôi / Một dòng sông chảy qua môi khô cằn…”, “Họa sĩ hát lên bằng lời màu sắc / Hồng, tim, đen, vàng, đỏ lướt qua / Sẽ đọng lại người tình muôn mặt / Dẫu tình đang hấp hối cõi người ta…”, “Em vẽ mơ hồ tiếng gió reo / Bóng tôi lững thững đứng lưng đèo / Ô hay sự vẽ như sự sống/ Màu sắc là nước mắt trong veo…”.

Thơ trong tranh tôi là ý tưởng, có thể là màu sắc, khi dùng gam nóng, gam lạnh, khi thì nét vẽ phóng túng, khi thì như có một chút sương phủ ảo mờ, là những hình ảnh thiếu nữ với nhiều biểu cảm khác nhau trên gương mặt, là bầu trời trong xanh không gợn mây. Đôi khi để tăng thêm cảm xúc tôi viết thêm một câu thơ, một bài thơ ngắn vào bên cạnh tranh, thơ – họa giao hòa, lúc đó là trong tranh có thơ và trong thơ có họa.

- Anh có cảm thấy chút gì tự ti khi anh chỉ là nhà thơ vẽ tranh, chứ không phải họa sĩ chuyên nghiệp?

- Không! Tôi không có chút gì tự ti, tôi là người “tập vẽ” mà. Nhưng tôi không “đua” với các họa sĩ chuyên nghiệp, họ học hành bài bản làm sao tôi theo kịp nếu chỉ theo màu sắc. Song tôi tự tin vào tranh của mình. Tranh của tôi mỗi bức là một ý tưởng, ý tưởng của một nhà thơ thì bay bổng, lãng mạn và nhiều cấu tứ vô cùng phong phú, tôi tin ít có họa sĩ nào có được.

Ví dụ bức tranh tôi vẽ về tính cách người phụ nữ, tôi chia làm 6 ô, 5 ô là 5 gương mặt phụ nữ nhiều sắc thái, ô thứ 6 vẽ bầu trời, nhưng bầu trời cũng chính là gương mặt thứ 6, nhìn vào có thể thấy sự phức tạp trong tình cảm con người. Có nhiều người bạn họa sĩ khi xem tranh của tôi cũng nói “rất lạ, rất độc đáo về ý tưởng”.

- Anh có kiểu vẽ chân dung rất lạ, luôn vẽ cùng lúc 2 mặt người... Có ý tưởng gì trong đó?

LMQ-ve-LMQrrr


Lê Minh Quốc tự họa bản thân, với hai gương mặt, một sáng, một tối.

- Đúng, có ý tưởng. Tôi quan niệm trong cuộc sống Thiện - Ác thường song hành, con người ta cũng vậy, cũng có đủ “thất tình, lục dục”, có tham - sân- si, nhưng cũng có từ - bi - hỉ - xả. Có cuộc sống trong lầu son gác tía trên nhung lụa, cũng có kẻ sống tha phương cầu thực, nghèo đói khổ cực, vất vả lam lũ… Vẽ chân dung là vẽ cuộc đời, tôi muốn thể hiện hai khía cạnh đối nghịch nhau trong một con người.

Như chân dung tự họa của tôi. Hai phần rõ rệt: phía dưới là gương mặt tôi với gam đen lạnh, thể hiện tham vọng, những u tối lẩn khuất trong con người; phía trên gương mặt tôi, môi đỏ mặt sáng, là phần trong sáng thánh thiện của con người mình.

- Chân dung thơ và chân dung họa của anh có gì giống có gì khác nhau?

- Giống: Vẫn là tôi, nhà thơ Lê Minh Quốc.

Khác: trong thơ tôi đã “định dạng” tôi một cách rõ ràng, tôi là thế, tôi yêu, tôi ghét, tôi thích, tôi sống… Mọi cái đều được thể hiện trong ngôn ngữ, đọc thơ là thấy một phần con người tôi. Nhưng trong tranh thì khác, người xem cảm nhận qua màu sắc, hình ảnh, mang cái “tôi” của họ để nhận dạng tôi. Và khi đó tôi trong mắt họ có nhiều chân dung khác nhau. Đó cũng là điều thú vị mà trong thơ không thể có.

- Khi vẽ tranh, anh có nghĩ đang theo trường phái hội họa nào?

- Tôi không học hội họa, chỉ là do ý thích chợt nảy sinh, trường phái hội họa đối với tôi thật sự là “bí ẩn”, và tôi cũng không định tìm hiểu làm gì. Tôi vẽ theo cảm xúc của tôi, thích vẽ như thế nào là do cái đầu với ý tưởng đưa đẩy. Nhiều lần tôi cũng thử định sẵn mình sẽ vẽ cái này, nhưng khi vẽ xong nhìn không có thần sắc, vô hồn, vô cảm hoặc không thể vẽ được ra cái gì. Vẽ theo sự dẫn dắt của cảm xúc, màu sắc cứ như tự nó bật ra theo cây cọ, tranh sẽ “phiêu” hơn. Tranh của tôi, theo tôi là thuộc trường phái Nhà thơ Lê Minh Quốc!

- Hơn 50 bức tranh của anh phần lớn là sơn dầu, vì sao anh chọn chất liệu này?

- Tôi đã từng vẽ trên giấy dó, bằng mực tàu và bột màu, tranh của tôi treo ở Miss Sai Gòn là tranh giấy dó. Nhưng chất liệu dân gian này tuy tôi thích song không thể biểu đạt hết cảm xúc, ý tưởng của tôi, mà chỉ có sơn dầu, với sự pha trộn màu sắc phong phú của sơn, chất liệu vải toan, tôi có thể “phóng” ý tưởng của mình “bay” theo sắc màu trên toan. Ngay cả khổ tranh cũng thế, tôi theo trạng thái tình cảm, cảm xúc của mình mà thể hiện trên tranh lớn hay nhỏ không theo qui luật nào hết.

- Anh có ý định vẽ tới khi nào?

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, không ai nói trước được điều gì. Tôi đang vẽ và vẽ đến lúc nào tôi không biết, chỉ biết là tôi vẫn đang tiếp tục vẽ. Vẽ và làm thơ vẫn cứ song hành cho đến lúc này.

- Và cảm xúc bây giờ của anh?

- Trong tôi bây giờ thế nào à? Xin thưa: "Chẳng biết nữa bởi vì anh đang tập vẽ/Từng mảng màu cuồn cuộn rủ nhau đi/Từng sắc màu dậy sóng/ cuốn đêm tìm về phía xuân thì/ Anh đã trải lòng anh trên khung vải/vải một màu hoang dại/trắng như đen/Anh vẽ bóng hình em/không là có/Đêm đã thơm vườn khuya xanh mướt cỏ/Anh đang ngồi tập thở…”.

- Chúc triển lãm tranh của nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ có được nhiều tri kỷ.

Hoài Hương (thực hiện)
Việt Báo (Theo_VTC)
http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-tho-Le-Minh-Quoc-Toi-tap-ve/75163602/105/

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com