HỘI HOẠ Bài viết Nhà thơ LÊ MINH QUỐC “ngoại tình” với hội họa

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC “ngoại tình” với hội họa

ngoai-tinh-voi-hoi-hoa

      Anh vốn chung thủy với thơ ca, phụ trách trang văn nghệ của báo Phụ Nữ TP.HCM, kiêm phụ trách chhon5 thơ cho báo Tuổi Trẻ online, tập san Áo Trắng, cuối năm ngoái anh xuất bản tập trường ca Hành trình của con kiến, và năm nay đùng một cái, anh "ngoại tình" với hội họa, bằng việc sắp mở triển lãm tranh.

ngoaitinh-R

 

      *Nghe tin nhà thơ Lê Minh Quốc chuyển nghề sang vẽ tranh và đang mở phòng tranh riêng?

      -Không phải mở phòng tranh riêng mà sắp... triển lãm tranh. Vì sau khi xem tranh của tôi vẽ, có một vài anh em họa sĩ “tình thương mến thương” gợi ý nên tổ chức chung cho vui. Mà cũng là vui đấy thôi, chứ không hề có một ý định gì khác. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng tháng 11.2007 chúng tôi sẽ triển làm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nếu không, qua năm 2008 tôi sẽ triển lãm cá nhân. Hiện nay, đã có một vài galery có lời mời rồi. Thật ra, không phải vì tôi vẽ “như họa sĩ chuyên nghiệp” mà họ yêu mến mình đấy thôi.

      *Xuất phát từ đâu mà anh vẽ tranh, bởi không phải cứ lấy bút lông, màu ngoệch ngoạc vài nét là thành tranh được?

      -Tôi không biết. Chỉ biết, đã rất lâu rồi, từ trong vô thức tôi đã viết khá nhiều thơ về hội họa. Thậm chí còn có cả tập thơ lấy tên “Tôi vẽ mặt tôi” nữa. Những vần thơ đã hiện về không tính toán, nhưng đã dự báo công việc của ngày hôm nay. Hơn mười năm trước, tôi đã viết:

*...bây giờ tôi vẽ mặt tôi

một dòng sông chảy qua môi khô cằn

*... để vẽ được nàng, tôi phải ăn hết một trăm bông hoa cúc

từng đêm ngồi ngộ độc

quét màu trên khung vải

hỡi thiên thần lang thang trên trời cao mê mải

cho tôi được nghe lời mặc khải

chúc tụng nàng

*... họa sĩ hát lên bằng lời màu sắc

hững tím, đen, vàng, đỏ  lướt qua

sẽ đọng lại người tình muôn mặt

dục tình đang hấp hối cõi người ta

*... em vẽ mơ hồ tiếng gió reo

bóng tôi lững thững đứng lưng đèo

ô hay sự vẽ như sự sống

màu sắc là nước mắt trong veo

...*

vẽ tôi lưng cúi như tôm

cong lên mặt đất chiều hôm máu nhòe

vẽ tôi tròn mặt bánh xe

đường xa cát bụi còn nghe oán hờn

bước qua danh vọng trợt trơn

mặt mày như một bãi đờm búng ra

     Đó là sự huyền bí của thi ca đối với người làm thơ. Thế rồi, một hôm tôi muốn được vẽ. Khi sáng tác, nghĩ cho cùng là anh muốn trình bày lại tâm trạng của chính mình. Có thể để mọi người cùng chia sẻ và cũng có thể... chẳng để làm gì cả! Với tôi, dù thích làm thơ nhưng có lúc tôi cũng thích viết qua những thể loại khác.

    *Cảm giác của anh thế nào khi ngồi vẽ?

      Đây là một cảm giác lạ lùng mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được. Chao ôi! Cái khung vải nhỏ ấy bỗng có một ma lực hấp dẫn lạ lùng và lạ lùng nhất là tôi nhìn thấy ở đó thăm thẳm như biển khơi chập chùng sóng vỗ. Vẽ gì đi chứ! Nào ai biết vẽ gì! Tôi ngồi thừ người ra và nhẹ nhàng... đặt cọ xuống. Tâm trạng này diễn ra diễn lại đến nhiều lần. Nhưng rồi, tôi lại tự nhủ: Mình vẽ như là đi chơi, chứ nào mong điều gì khác đâu mà sợ? Mà trên đời này, chỉ có... đi chơi là sướng nhất! Nghĩ thế, tôi mạnh dạn cầm cọ lên và vẽ. Thế là những sắc màu nguệch ngoạc trên giấy gió, trên khung vải đã hiện ra.  Chẳng biết các họa sĩ chuyên nghiệp nhìn vào sẽ đánh giá như thế nào? Nhưng không sao. Mình vẽ để treo trong nhà mình kia mà. Nghĩ thế tôi yên tâm và tiếp tục vẽ. Và may mắn (?!) là tranh của mình vẫn có người thích. Đã thích thì tôi tặng. Thế là quán cà phê Miss Saigon là nơi trước nhất treo tranh của tôi.

Có những loại hình nghệ thuật đến với con người trên trái đất mà không cần phải thông qua phiên dịch. Hội họa là thế. Chỉ sắc màu của nó, tự nó nói lên mọi điều. Họa sĩ khi vẽ nghĩ đến A, nhưng người xem lại nghĩ đến B thì cũng “bình thường thôi”. Sự cảm nhận ấy không có đúng, sai. Vì thế, tranh của tôi vẽ không đặt tựa. Tùy người xem đặt tựa, gọi tên cho nó vậy.

Trong hành trình của sáng tao, không ai có thể nói trước một điều gì. Tôi đang vẽ và còn vẽ đến lúc nào nữa. Tôi không biết rõ lắm, chỉ biết một điều là hiện nay tôi vẫn còn đang tiếp tục tập vẽ. Nếu bạn hỏi tâm trạng của tôi bây giờ như thế nào? Xin thưa, “chẳng biết nữa bởi anh đang tập vẽ/ từng mảng màu cuồn cuộn rủ nhau đi/ từng sắc màu dậy sóng/ cuốn đêm trôi về phía xuân thì/ anh đã trải lòng anh trên khung vải/ vẫn một màu hoang dại/ trắng như đen/ anh vẽ bóng hình em/ không là có/ đêm đã thơm vườn khuya xanh mướt cỏ/ anh đang ngồi tập thở...”

 

        *Như vậy, phải chăng vì văn thơ không chuyển tải hết những “điệu tâm hồn”?

      -Không phải. Cho đến lúc tận cùng hơi thở đến với trần gian này,  tôi vẫn người tình thủy chung của thi ca. Đó là điều chắc chắn. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ưu thế riêng. Nhưng thơ vẫn là số 1, là đầu tiên, là thứ nhất. Vì sao? Vì bản thân của từng con chữ, qua sự sắp xếp ý thức, vô thức và ngẫu nhiên của nhà thơ thì nó còn có thêm sứ mạng dự báo. Dự báo gì? Cho chính người viết ra nó và đọc nó đấy thôi. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong hàng ngàn câu thơ Kiều, có những câu người ta phải đọc “trại” đi, vì sợ câu thơ đó “vận” vào đời mình. Chẳng hạn, câu “Phận sao phận bạc như vôi” thì bao giờ tôi cũng đọc “Phấn sao phấn bạc như vôi”... Cứ ngẫm lại mà xem.

     *Với anh vẽ tranh chỉ đơn thuần là một thú chơi, hay có một điều gì khác, như lợi ích kinh tế chẳng hạn?

      -Cuộc chơi nào mà không nhọc nhằn? Nhưng chơi với nghệ thuật thú vị hơn cả, vì mỗi lần sáng tác là mỗi lần anh bước lên võ đài và tự mình đấu với mình. Ở đây không có thua và thắng. Chỉ  mỗi một điều mà công chúng quan tâm là anh có “khác” anh? hay anh “lặp lại” chính anh? Tôi vẽ là vẽ. Nếu vì kinh tế thì thời gian đó tôi dành để viết báo thì kiếm tiền nhiều hơn rất nhiều.

      *Gần đây, giới nhà văn có nhiều người vẽ tranh (và cũng đã thu được những thành công ban đầu), anh có nghĩ nó như một trào lưu không?

      -Tôi không nghĩ như thế. Tôi nghĩ đến sự... ngoại tình (!?). Có lúc, người ta cũng muốn tìm cảm giác lạ đấy thôi. Có người ra đi và đến với bến bờ mới. Có người quay trở lại. Không sao cả. Khi tự khám phá mình qua một vài loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích, thì đó cũng là một lạc thú ở đời. Lạc thú này cũng giống như có lần cụ Thánh Thán bảo rằng, vào một buổi chiều đẹp trời, tắm rửa sạch sẽ, vào trong phòng lục lấy mọi giấy ghi nợ lâu năm mà người ta nợ mình đem đốt. Nhìn khói bay vòng vèo nhẹ nhàng há chẳng phải là lạc thú đó sao? Trong suy nghĩ đó, tôi vẽ chứ không mong sẽ đạt đến một điều gì khác. Mà lạ lùng cho nghệ thuật, khi ta làm “như chơi” có lúc lại “được việc”, còn lúc chăm bẳm, cố ý, cố tình thì chỉ đem lại sự thất vọng não nề! Tôi chợt nhớ đến câu thơ Đường tuyệt hay: “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở/ Vô tình dăm liễu, liễu xanh um”.

       *Cám ơn anh!

Thiên Kim (thực hiện)

(Nguồn: Thể thao & văn hóa số 84, 14.7.2007)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com