HỘI HOẠ Bài viết HỘI NGỘ CẢM XÚC

HỘI NGỘ CẢM XÚC

Triển lãm  tranh “Mùa xuân chín”:

HỘI NGỘ CẢM XÚC

“Mùa xuân chín” là chủ đề cuộc triển lãm tranh của 9 hoạ sĩ và một nhà thơ - nhà báo khai mạc ngày 17/12/2008 tại Bảo tàng Mỹ tbuật TP. HCM (97A Phó Đức Chính - quận 1). Những bức tranh đa dạng về chất liệu, kích cỡ, đề tài, phong cách vẽ …  thể hiện cảm xúc của các tác giả về cái đẹp của cuộc sống.

Tranh-Bui-Suoi-HoaR

Sơn dầu Suối Hoa

 

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm đã chọn chủ đề  “Trâu”  không chỉ đơn giản vì năm tới là năm con trâu mà chính vì chị  cảm nhận và liên hệ sự cực nhọc của thân trâu cả đời kéo cày chẳng khác gì kiếp người cả đời vất vả với cuộc mưu sinh. Điều thú vị là hình ảnh những con trâu hiện ra trong tranh của chị không phải ở những giờ phút kéo cày nhọc nhằn mà lại ở những thời khắc nghỉ ngơi. thư nhàn như những câu thơ của chị : “Trưa hè của cõi riêng ta/ Có hoa tím nở, có dòng nước xanh/ Có tiếng sáo đâu xa tít/ Cho ta tận hưởng chút phù du … Trâu”.

Hoạ sĩ Nguyễn Lệ Dung vẫn gắn bó với đề tài phụ nữ, phong cảnh và tĩnh vật. Tranh chị thể hiện nét đẹp của phụ nữ từ trẻ đến già, từ nông thôn đến thành thị, trong thời chiến và trong thời bình : “Cô gái tóc dài”, bà cụ “Bên bình trà”,Nữ tự vệ vùng biển” … Bức “Cô gái áo đỏ” chị vẽ chân dung con gái mình - cũng là một họa sĩ như bố mẹ.  Bức sơn mài “Chợ vùng cao” (4m x 1,2m) của chị cũng là bức tranh có kích thước lớn nhất trong phòng tranh này.

Những bức sơn dầu của họa sĩ Cao Thị Được gồm 2 mảng: phụ nữ Chăm và phong cảnh Đồng tháp mùa nước nổi. Phụ nữ Chăm là đề tài chị theo đuổi suốt mấy chục năm nay và cũng là thế mạnh của chị. Chị bị cuốn hút bởi cái đẹp của phụ nữ Chăm -  cái đẹp tinh thần và cái đẹp hình thức. Màu sắc của phụ nữ Chăm rất hợp với sở trường sử dụng màu nguyên của chị.

Tranh-Cao-Thi-DuocR

Sơn dầu Cao Thị Được

Tranh của hoạ sĩ Bùi Suối Hoa tập trung cho chủ đề “Hoan ca”. “Trải qua bao nhiêu thăng trầm, buồn vui của cuộc sống, tự sâu lắng trong tâm hồn chợt trào dâng mãnh liệt khúc hoan ca”. Những cung bậc của hoan ca đã được chị thể hiện bằng cảm xúc phiêu linh, bay bổng với những thoáng gợi thoắt ẩn thoắt hiện qua các tông màu đơn sắc.

Những bức với chủ đề “Bất chợt Sapa” của  họa sĩ Nguyễn Đình Hiền khắc hoạ chân dung của người dân tộc vùng Tây Bắc - những bức chân dung  mạnh mẽ, thô ráp, gây ấn tượng với những đôi mắt sâu, cái nhìn mãnh liệt, đôi mày luôn chau… Mảng tranh “Sàigòn city” của anh thể hiện nhịp điệu hối hả, náo nhiệt của một thành phố năng động với những nóc nhà, những cửa sổ…

Từ thời còn là sinh viên, Huỳnh Quang Cường đã mê vẽ tĩnh vật. Nhiều năm nay, anh theo đuổi tĩnh vật và đãø tạo được dấu ấn với tranh tĩnh vật. Tranh tĩnh vật và phong cảnh của họa sĩ Huỳnh Quang Cường thiên về tả chất với cách vẽ tĩnh tại, sâu lắng, gợi nghĩ… Anh luôn muốn đi tìm con đường riêng của mình.

Đang học dở dang trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Trọng Mười ngưng học để gia nhập quân ngũ. Suốt mấy chục năm qua, anh làm công tác thiết kế và chỉ huy thi công những công trình xây dựng cho nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội. Thời gian gần đây, được sự động viên của bạn bè cùng học mỹ thuật, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Mười mới bắt đầu tập trung sáng tác. 18 bức tranh sơn dầu với đề tài nông thôn trưng bày trong cuộc triển lãm này đã được anh tập trung vẽ ngày vẽ đêm trong thời gian hơn hai tháng. Anh hi vọng đây sẽ làbước đầu tiên tạo đà để anh trở về với hội hoạ - niềm ước mơ anh hằng đeo đuổi từ thời tuổi trẻ.

Mười hai bức sơn dầu của họa sĩ Vũ Hải tập trung vẽ chân dung người già và trẻ em. Đó là chân dung đời thường của những người lao động  - những vẻ đẹp lam lũ, khắc khổ. Với Vũ Hải, vẽ chân dung không đơn thuần là miêu tả một gương mặt mà chính là khắc hoạ một cuộc đời, một thân phận đằng sau gương mặt đó.

Hoạ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú hoạt động trong nhiều lĩnh vực: hội hoạ, giảng dạy, điện ảnh và báo chí. Những bức tranh nude lãng đãng, phiêu bồng của Hùng Tú gây ấn tượng đặc biệt. Tranh nude của anh đậm tính ẩn dụ với khuynh hướng bán siêu thực. Vẻ đẹp của thân thể phụ nữ chỉ là cái cớ để họa sĩ chuyển tải ý tưởng và thể hiện cảm xúc. Ngoài mảng tranh nude, đợt này anh còn bày một số tranh phong cảnh Nga và phong cảnh Việt Nam.

Tranh-Do-Lenh-HungR-Tu

Sơn dầu Đỗ Hùng Lệnh Tú

Nhân vật duy nhất không-phải-họa-sĩ góp mặt trong cuộc triển lãm chung này là nhà thơ -  nhà báo Lê Minh Quốc. Mới vẽ trong một thời gian ngắn, lần đầu tiên đưa tranh ra triển lãm, vậy mà lại triển lãm chung với các hoạ sĩ chuyên nghiệp…, nhiều người bảo là Quốc “liều”. Anh chỉ cười sảng khoái như anh đã từng cười khi nghe ai đó khen chê tranh mình. Với Quốc, vẽ là “giỡn với sắc màu”. Nếu đã có một Lê Minh Quốc sắc sảo với báo chí, một Lê Minh Quốc phiêu bồng với thơ ca thì nay lại có một Lê Minh Quốc hồn nhiên với hội hoạ. Lê Minh Quốc như một đứa trẻ lạc trong “mê cung” của hội họa, vừa hốt hoảng, bất an lại vừa hạnh phúc, mê đắm. Có sao đâu! Hãy cứ “giỡn”, cứ “chơi” với sắc màu, “miễn chơi là chơi, chơi như một sự tự thân - chứ không phải chuẩn bị để rồi chơi hoặc bắt chước chơi như kẻ khác”. Không có gì lạ khi Quốc đã viết nhiều câu thơ đầy cảm xúc về hội hoạ: “Có những ngày đi xuống cõi người ta/ Tôi lại thèm ăn những xanh, vàng, tím, đỏ…/ Tôi thèm uống những tiếng cười trẻ nhỏ/ Để giữ cho mình cảm xúc tươi non/ Đêm nay tôi ngồi vẽ/ Một bóng đen vây bủa linh hồn/ Đã hát lên những lời ca ánh sáng…”.

 

Diễm Chi

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com