BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Lưu Đình Triều: NHÀ BÁO NHẬP VAI NHÀ GIÁO

Lưu Đình Triều: NHÀ BÁO NHẬP VAI NHÀ GIÁO


hoinhavao-21xxx6Từ phải: Nhà báo Lưu Đình Triều, người thứ 2, áo đỏ.




Thầy ơi!

Dòng tin nhắn trên facebook  mang âm vang một lời gọi thôi thúc. Tiếp theo: Lúc này thầy có khỏe không? Trong những ngày chôn chân một chỗ, thầy thế nào rồi?...  

Giữa chuổi ngày cách ly xã hội vì đại dịch Covid -19, thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin nhắn như thế từ những đồng nghiệp - học trò. Thật lòng mà nói, có người tôi nhớ, có người tôi quên. Dù quên hay nhớ, những lời thăm hỏi trong thời điểm phải tỉnh tâm đã làm tôi ngẫm nghĩ nhiều về chuyện tham gia đứng lớp truyền nghề.

* Cái thuở ban đầu khó quên ấy

Nhớ, đâu khoảng năm cuối của thập kỷ 20, trong một lần sang làm việc với Tuổi Trẻ, nhà báo Hồng Phương - nguyên Phó chủ tịch Hội nhà báo TPHCM bất ngờ bảo tôi: “Triều tham gia đứng lớp của Hội sắp mở nhé”. Tôi giãy nảy như đỉa phải vôi: “Dạ! Em có biết gì đâu mà đứng lớp”. “Thì xem lại lý luận của thời học đại học báo chí, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của gần hai chục năm viết báo ấy. Chủ yếu là chuyện trò, truyền đạt kinh nghiệm về nghề với các bạn trẻ đi sau…”.

Cuối cùng tôi cũng xiêu lòng.

Có lẽ do hồi ấy tôi đang làm Tổng Thư ký tòa soạn, nên được lớp giao mảng biên tập. Trước ngày lên lớp, cứ rảnh là tôi vào thư viện tìm sách lý luận báo chí mà đọc. Tôi cũng lân la hỏi chuyện, xin truyền đạt kinh nghiệm biên tập, đứng lớp của ông anh Nam Đồng - nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM… Chuẩn bị hơi kỹ như thế, nhưng trước giờ lên lớp,  bụng tôi vẫn đánh lô tô.

“Chào thầy ạ!”. Lời chào có vẻ hơi thân mật mà như đùa, khi tôi đang  bước vào lớp. Ngoái nhìn mới nhận ra người nói là nhà báo Bùi Thuận - bạn tôi ở báo Đồng Nai. Sự có mặt của Bùi Thuận, cùng vài đồng nghiệp quen ở các báo khác, giúp tôi dễ dàng làm theo lời dạy của anh Nam Đồng: “Mày đừng nghĩ mình là thầy mà lên giọng chỉ dạy gì cả. Cứ xem như đó là một cuộc trò chuyện, trao đổi thẳng thắn mà thân tình giữa các đòng nghiệp với nhau”. Đứng trên bục, chào các đồng nghiệp, nói vài lời phi lộ xong, tôi cầm micro đi xuống dưới. Lúc tôi nói và xen kẽ nêu câu hỏi, lúc các bạn trả lời, trao đổi lại. Cứ thế cuộc trò chuyện xoay quanh công việc biên tập rôm rả hẳn lên.

Hôm ấy có bạn cắc cớ hỏi: “Trong  biên tập, theo anh điều gì là khó nhất?”. Sau 30 giây ngẫm nghĩ, rồi tôi cứ trả lời thật theo suy nghĩ của mình: “Với tôi cái khó nhất của công việc biên tập là làm sao tiếp sức cùng tác giả biến bài báo thành một món ăn phù hợp với khẩu vị của người đọc”. Một tràng pháo tay rộ lên đã giúp tôi yên tâm mà tiếp tục công việc.

Xuyên suốt của bao lần lên lớp sau này, tôi đều sử dụng lời khuyên của anh Nam Đồng. Và lớp nào cũng thế không khi nào tôi đứng suốt trên bục mà chuyên la cà bên dưới. Đi nhiều quá, mỏi thì ngồi nghỉ tí và rồi lại chậm rãi rảo bước. Cứ vòng vòng để làm sao tiếp cận, gần gũi với tất cả học viên trong lớp

* Đi thực tế xin đừng cưỡi ngựa xem hoa


Thuở ban đầu tham gia truyền nghề, ngoài biên tập, tôi còn được giao hướng dẫn viết Người tốt việc tốt, Ký chân dung. Gì chứ món này, tôi thấy phù hợp với mình nhất vì đã có gần 10 năm chuyên viết thể loại này. Tôi đã lục lại các bài viết cũ - sau này được in thành sách với tên gọi Bật một que diêm, nhớ lại những hoản cảnh cắc cớ, éo le khi đi thực tế, đem ra kể rút  kinh nghiệm. Trong số đó có bài viết về những cô TNXP trên rừng Đắk Nông mà tôi luôn thấy xấu hổ mỗi khi nhắc lại.

Trong vai trò phóng viên, tôi đã đến nông trường Đắk Nông, ghi nhận những hình ảnh, câu chuyện hay đẹp, có phần lãng mạn thú vị trong sinh hoạt của các cô Thanh niên xung phong. Và viết. Sau đó vài tháng có một bạn đọc đến Tuổi Trẻ gặp và bảo: “Lúc đó em gái tôi vừa thi rớt đại học, đọc bài viết thích quá nên đã tìm đến Đăk Nông.  Để rồi chỉ được một tuần là nó… bỏ về. Anh chỉ đưa cái hay cái đẹp phô bài mà không soi được cái xấu, cái chưa hay trong lán trại lúc đêm về… Anh không chịu tìm hiểu tường tận đầy đủ gì cả. Có những nữ quái bị ép vào đấy và họ đã thiết lập một chế độ theo kiểu xã hội đen, bắt những người khác phải phục dịch họ. Ai không làm theo thì bị đánh. Em tôi đã không chịu được…”.

Bài học đắt giá về chuyện đi thực tế có phần cưỡi ngựa xem hoa, luôn được tôi nhắc lại trong các chuyến đi thực tế. Qua đó, tôi lưu ý các bạn rằng: “Hãy căng mắt ra, quan sát tường tận. Có chi tiết nào hay, đáng lưu ý thì ghi ngay vào sổ. Phải đảm bảo tính xác thực, không làm sai lệch bản chất, ý nghĩa sự kiện”. Nhớ một lần đi thực tế về Đất Mũi - Cà Mau. Sau khi nghe giới thiệu xong, đoàn kéo nhau đi tham quan. Khung cảnh đẹp, nam cũng như nữ đều đua nhau chụp ảnh.

Duy chỉ có 2 bạn nữ hơi khác thường là ngồi bệt trên bờ kè dúi mắt vào điện thoại. Tò mò tôi tới hỏi. “Dạ lúc nãy tụi em nghe nói Đất Mũi là xã thuộc huyện Ngọc Hiển. Còn trước giờ, ở Sài Gòn nhắc tới tận cùng đất Mũi là nhắc đến Năm Căn; phải đi ca nô mới ra được chứ không đi đường bộ như đoàn mình đi… Do đó hai đứa em phải tra ông Google tìm hiểu căn kẽ, để tránh bài tập có chi tiết sai….”. Kỹ lưỡng, cẩn thận, tìm hiểu đến nơi đến chốn  như 2 học viên này thì đúng là điều mà cả thầy cũng phải học.

* 4.0 có gì khác không thầy?

Theo ghi nhận của tôi, vào thời 4.0, ngoài các lớp thường xuyên của Hội Nhà báo TP.HCM, bắt đầu có thêm những lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng báo chí từ những báo điện tử chuyên ngành, cho đến trang web của nhiều Sở, Ban ngành, quận huyện, hội đoàn .v.v.. Ở các lớp này, tôi thường tham gia hướng dẫn kỹ thuật viết tin là chính.

Theo nếp từ khi hướng dẫn viết tin bên Hội Nhà báo, trước khi lên lớp bao giờ tôi cũng soạn đề cương chi tiết và luôn cập nhật dẫn chứng bằng những thông tin mới nhất từ các tờ báo lớn. Tuy nhiên, với các lớp sau này, bao giờ tôi cũng tìm xem thêm trang web của đơn vị mở lớp. Xem để hiểu rõ hơn các hoạt động, các sự kiện, vấn đề nóng của riêng từng ngành, đơn vị... Đây là một trong những bài học, tôi rút tỉa từ  những người thầy ở đại học báo chí: trước khi phỏng vấn, tiếp cận nhân vật mình phải tìm hiểu trước các tư liệu, bài viết, xem họ là ai, hoàn cảnh sống, làm việc như thế nào…

Với tôi viết cũng như dạy, đều cần phải hiểu đối tượng của mình. Như chuẩn bị lên lớp cùng anh em Cảnh sát Phòng cháy & chữa cháy, tôi phải đọc, tìm hiểu xem trong tháng gần nhất Thành phố đã có bao nhiêu vụ cháy; quận nào xảy ra cháy nhiều nhất,v,v..  Vậy mà đôi khi tôi vẫn bị “bí“ trước học viên vì những điều đơn giản. Chẳng hạn, ở Khóa tập huấn thông tin báo chí 2019 của Ban Thông tin truyền thông Phật giáo TPHCM, tôi không biết xưng hô với học viên - chư tôn đức tăng ni, cư sĩ thế nào cho đúng. Cuối cùng phải nhờ Đại đức Thích Tâm Hải Trưởng Ban tư vấn cho.

Làm tin thời siêu tốc; Viết tin tốc hành; Viết tin thời 4.0… Đó là tít của các đề cương mà tôi muốn nhấn mạnh. Trong trao đổi, tôi còn dùng cụm từ Thời  - đã - khác để các bạn thấm thêm chuyện thông tin thời 4.0. Tuy nhiên cũng có học viên chưa thỏa mãn: “Thầy ơi, thời nay khác thời trước những gì?”. “Thông tin truyền đi gần như ngay tức khắc; Cạnh ranh thông tin quyết liệt hơn; Tin săn từ mạng xã hội nhiều hơn, nóng hơn”. “Thưa thầy, thế còn cách viết tin có gì khác trước không?”. Tôi hơi khựng lại một chút: “Theo tôi, cách viết vẫn ngắn gọn như ngày trước. Tuy nhiên, với báo điện tử, thông thường chỉ một đến hai câu, là xuống hàng - tách đoạn. À còn tít, theo tôi để ý, thường không còn ngắn gọn như trước mà dài hơn, từ dùng gợi cảm, hấp dẫn. Song theo tôi, các bạn nên tránh dùng những tít tựa gợi cảm, câu khách quá mức, đến dung tục”.Rồi tôi nêu ra vài tít: Ghen tuông, vợ dùng dao cắt “của quý” của chồng  ném xuống  kênh; Xác cô gái lõa thể trong bao tải: Bông hồng ma quỷ trên vai.… Lớp học nhao nhao, những ý kiến trái ngược nhau vang lên: “Tít ghê quá, rẻ tiền quá; Tít vậy mới dễ thu hút bạn đọc, dễ bán báo chứ” v.v…

Tôi thử làm một cuộc thăm dò tại chỗ, bằng việc biểu quyết đưa tay. Kết quả số đồng tình việc dùng tít gợi cảm, dung tục chi ít hơn một chút so với số phản đối. Dù sao cuộc tranh luận cũng  giúp tôi hiểu hơn về suy nghĩ, cách thể hiện của những người đồng nghiệp trẻ thời 4.0.

*

2019, lần đầu tiên tôi được mời họp mặt mừng ngày 20.11, với tư cách Nhà giáo. Bồi hồi. Vui vui. Xúc động. 20 năm trôi qua có bao nhiêu lần đứng lớp? Không nhớ nổi. Chỉ nhớ nhiều lần lên lớp, đứng trên nhìn xuống cứ cảm thấy mình như lớn hơn và già hơn. Nhưng cũng không ít lần lại thấy tâm tĩnh hơn và có cảm giác mình như bé nhỏ lại trước nghề báo.

Mà già hơn hay bé lại khi đứng lóp có quan trọng gì đâu. Quan trọng là mỗi lần lên lớp, tôi cũng như các nhà báo đồng cảnh ngộ có dốc được hết trí não, cùng  kinh nghiệm thâu nhặt để chia sẽ và tiếp lửa nghề cho đồng nghiệp đi sau chưa?

L.Đ.T

(nguồn: Đặc san kỷ niệm Ngày Nhà báo Cách mạng VN năm 2020 của Hội Nhà báo TP.HCM)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com