BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ ĐÔI CHÂN NHÀ BÁO

LƯU ĐÌNH TRIỀU: HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ ĐÔI CHÂN NHÀ BÁO

anhphiucden-tu-doi-chnan-nhan-bao

 



“Ở những con người ngay từ khi sinh ra, nghề đã chọn lấy họ. Nếu là nghề báo - ở một đứa trẻ sơ sinh, tôi ngờ rằng xem kỹ dưới lòng bàn chân, trong lòng bàn tay ắt sẽ thấy nhiều dấu vết chằng chịt. Như màng nhện. Như bàn cờ. Nó báo hiệu đường đi những chuyến viễn du của tương lai....”.

 

1.

 
Đoạn viết trên của nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc khá cảm tính nhưng tôi rất thích. Một nhà báo có thể hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau song nếu chỉ ngồi một chỗ thì... buồn ơi là sầu! Nhất là thời 4.0, cứ ôm máy tính, bấm điện thoại, dạo mạng xã hội, không khéo có thể “ chết đứng như Từ Hải”. Chân nhà báo nên luôn đi. Đi / chạy loanh quanh để có tin, bài thời sự. Đi về những miền xa để tìm kiếm những ký sự, phóng sự ... Gần hay xa, mỗi chuyến đi đều có kiểu cọ xát thực tế, tạo thêm vốn sống cho nghề. Từ trải nghiệm hàng chục năm đi gần lẫn đi xa, tôi cảm nhận ra các chuyến viễn du - như cách nói của Lê Minh Quốc, lại tạo cho tôi nhiều kinh nghiệm tác nghiệp, lẫn cảm xúc thú vị nhất.

Tháng 12. 1982, đang học Lớp đại học báo chí ở Hà Nội, tôi mon men làm một chuyến tập tành tác nghiệp. Nơi tôi đến là một nhà máy sửa chữa ô tô lớn, tuy thuộc thủ đô nhưng cách trung tâm gần 50 km. So với điều kiện xe cộ hồi ấy vậy là hơi xa. Trong gió đông se lạnh, hiện ra trước mắt tôi những dãy nhà ngói đỏ nằm trải trên triền đồi theo hình nấc thang. Một hình ảnh yên ả, thanh bình. Thế nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng mất biến. Anh cán bộ nhà máy vừa kể, vừa chỉ tay về phía dãy nhà, cùng khu sản xuất gần đấy, giọng như nghẹn lại: Cách nay tròn 10 năm, sau hai đêm bị  ném bom rải thảm, nhà máy biến thành một vùng đất tan hoang, một “ bãi sỏi hồng”, đầy xác người, xác máy. Có những người chết, chúng tôi vừa moi lên, chưa kịp cho vào áo quan thì đã phải chết một lần nữa...

Lời anh nói, gợi nhớ trong tôi lời ca của Trịnh Công Sơn Ngưới chết hai lần/ Thịt da nát tan. Câu ca ấy còn vọng lại, khi tôi đặt chân vào Phòng truyền thống của Nhà máy, gặp nhiều hình ảnh khắc sâu nét hũy diệt của bom đạn. Câu ca lại luyến láy, khi tôi lân la tìm gặp những người may mắn sống sót, để cùng hồi tưởng về không khí căng thẳng, cùng chia sẻ nỗi đau buồn của hơn 200 người thợ trước bài điếu văn đọc bên nấm mồ tập thể...   

Tôi đã từng nghe nói đến chiến dịch ném bom Hà Nội bằng B52, kéo dài 12 ngày đêm (từ 18 đến 30 tháng 12.1972). Song thật lòng mà nói chỉ qua chuyến đi thực tế đầu đời đó, tôi mới cảm nhận hết nét bi tráng trong cuộc chiến đấu ngoan cường của quân, dân thủ đô. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng mình chẳng lên gân chút nào, khi đặt tựa cho ký sự đầu tay là  Một pháo đài thép của Điện Biên Phủ trên không...

Tôi cũng từng nghe nói nhiều về nhà tù Côn Đảo như là một địa ngục trần gian. Thế nhưng phải đến gần cuối năm 1983,  thực tập tại báo Vũng Tàu- Côn Đảo, nhận phân công đi viết báo Xuân, tôi mới được đặt chân đến Côn Đảo

Côn Đảo thật đẹp và thơ mộng, với những con đường nhựa nhỏ, trải ra dưới các tán bàng rợp mát, chạy cặp bờ biển, cận kề bãi cát trắng uốn lượn cong cong... Nhưng rồi những tư liệu ở Phòng trưng bày, những vết tích còn lưu lại trong Chuồng Cọp, chuồng Bò... khiến tôi chạnh lòng. Những kiểu tra tấn thật kinh hoàng: đổ nước mắm, xà bông vào mũi họng người tù; quậy vôi bột với nước, ngâm người tù vào đó, hai tháng sau da còn lột, thịt còn thúi; người tù bị dìm vào cái hố phân hôi thối, chỉ có thể ngửa mặt ngáp ngáp chút không khí, qua một cái lỗ nhỏ duy nhất ở cánh cửa sắt... Mỗi bước chân đi, một ánh mắt nhìn của tôi nơi đảo ngọc đều như chạm vào quá khứ, đầy dẫy những vết tích nhục hình, những kiểu chết đọa đầy của gần 20 ngàn người tại địa ngục trần gian ngày trước. Đọc sách báo viết về nhà tù Côn Đảo cũng nhiều, nhưng chỉ qua chuyến đi đó - dù có những việc, những chuyện còn khoảng cách, chưa đầy đủ  so với thực tế, tôi mới thật sự thấm nỗi kinh hoàng mà những người tù năm xưa phải đối mặt. Từ đó, tôi càng cảm nhận thêm cái ý nghĩa của bốn từ : địa ngục trần gian.

Ra Côn Đảo bằng máy bay, nhưng khi về, tôi chọn tàu hàng, để được lần đầu đi  biển. Mùa gió chướng, sóng biển cứ quăng quật hành khách không thương tiếc.Tàu cặp bến, tôi lên bờ chân bước liêu xiêu như một gã say rượu. Trải nghiệm say sóng đó, 11 năm sau đã hổ trợ tôi phần nào trong chuyến đi ra Trường Sa giữa mùa giông bão. Đến 2013, đi thực tế vùng biển Tây Nam, ngay cả khi tàu lắc lư, tôi vẫn ung dung ngồi trên boong ngắm nhìn những đợt sóng dập dìu và khi  lên Hòn Chuối, Hòn Khoai, đôi chân vẫn thẳng bước...


2.


Thuở nhỏ, sống với ngoại, tôi thường hay được bà chọn là người đi ra khỏi nhà sau lễ cúng giao thừa, theo hướng bà chỉ, để lấy may mắn cho gia đình. Duyên số tương tự hay sao ấy mà 1984, vừa tốt nghiệp đại học báo chí, chưa về nhận việc ở Tp. HCM, tôi đã được Ban biên tập Tuổi Trẻ chỉ hướng tác nghiệp: lên biên giới phía Bắc, nơi cuộc chiến vệ quốc vẫn đang tiếp diễn. Ngẫm lại đó cũng là một hướng ” lấy may” cho việc trải nghiệm cùng nghề báo.

Từ Hà Nội, tôi mò mẫm đến Quảng Ninh, rồi Hà Tuyên. Nói mò mẩm vì tôi là người miền Nam, chưa một lần đi các tỉnh biên giới phía Bắc. Tôi lại đi mình ênh, cũng chẳng quen biết ai nơi đất lạ. Thời đó, chưa có google để tôi tra cứu dữ liệu, lại chẳng kịp thời gian để vào thư viện lục tìm. Nhận lệnh, là đi thôi!

Bài học đầu tiên từ chuyến viễn du này là đường đi, chốn ở tại nơi xa lạ đều nằm trong... miệng nhà báo. Xuống xe, qua phà ở Quảng Ninh, tôi hỏi thăm đường đến tòa soạn báo. Thấy đồng nghiệp miền Nam lạ nước lạ cái, anh em ở báo Quảng Ninh nhiệt tình giúp đỡ. Báo giới thiệu tôi sang nhà khách tỉnh ủy, ở qua đêm, rồi sau đó cử phóng viên hổ trợ tôi đi tác nghiệp.  

Ngồi trên chiếc U oát chạy ra Trà Cổ, lòng tôi cứ nôn nao. Tôi dường như quên béng chuyện Trà Cổ đang là trung tâm hứng chịu đạn pháo, đạn bắn thẳng từ bên kia biên giới. Tôi chỉ nghĩ đến niềm vui khi sắp được giáp mặt, đặt chân lên cái bãi biển nức tiếng “ nhan sắc” ở miền Đông Bắc của Việt Nam. Đẹp thật! Một bãi biển mênh mông, bát ngát đang hiện ra trước mắt tôi. Như say men sung sướng, bất chấp cái rét mùa Đông, tôi chạy ùa xuống biển, vọc hai bàn tay vào nước, khua khuấy. Phải xong cái phần thư giản ấy, tôi mới vào việc, tiếp cận hỏi chuyện tổ dân quân đang tuần tra trên biển, rồi đến với các anh bộ đội đang chốt canh trên mõm Sa Vĩ...

Còn ở Hà Giang (tỉnh Hà Tuyên), dù rất ấn tượng với chiếc cầu sắt nằm ngay giữa lòng phố, những con đường lên xuống bồng bềnh..., tôi vẫn cứ băng băng tìm đến những địa chỉ cần thiết để lấy tư liệu. Thị xã này đang oằn mình hứng chịu hàng chục ngàn quả pháo từ bên kia biên giới dội sang nên tôi không còn hứng thú với việc ngắm cảnh. Tôi lần mò tìm đến những ngôi nhà trúng pháo. Tôi đăng ký xe để đến với những người lính trên chốt. Tôi xin vào Xưởng sản xuất bánh kẹo Hà Giang, xí nghiệp chè Hương, Hợp tác xã Dệt 3-2, nơi có những người thợ vừa làm, vừa luyện tập để sẵn sàng chiến đấu... Ở mỗi nơi, từ những cuộc chuyện trò ngắn dài, tôi có thêm nhiều thông tin ghi vào sổ tay, để sau đó chuyển tải lên mặt báo, giúp người dân miền Nam ở xa hiểu thêm về không khí thời chiến, về ý chí đối mặt với áp lực của đạn bom của người dân, người lính nơi vùng biên giới.

Tôi cũng có những buổi xế chiều lang thang tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của một thị xã đang trong thời chiến. Trong đời làm báo, tôi rồi sẽ không bao giờ quên được những dòng chữ ghi trên tấm biển nhỏ đặt trên đường phố: “Nước chè phục vụ bộ đội và dân công”. Tôi lân la chuyện trò cùng tác giả của những tấm biển ấy -  các bà mẹ Hà Giang. Dù có lệnh sơ tán, một số bà mẹ cứ nằng nặc xin ở lại thị xã. Không chỉ mở quán nước chè, cháo đường (miễn phí),  những tấm lưng còng ấy còn đến bệnh viện đút cháo, sữa và quạt mát cho thương binh. Trong sổ tay tôi còn ghi chép chuyện hay của mẹ Hiếu. Mấy tháng liền mẹ tiện tặn sống dựa vào tiền trồng rau, nuôi heo. Còn hai quý lương hưu mẹ dành góp ủng hộ chiến sĩ...
Chắc do cái duyên  chọn - hướng - xuất - hành - vào - nghề hay sao ấy mà sau này tôi rất nhiều lần đi tác nghiệp, làm chiến dịch truyền thông ở Hà Giang và các  tỉnh dọc biên giới phía Bắc. Đôi lúc cùng bạn bè, đồng nghiệp tán gẫu về sự dấn thân, lao xốc vào thực tế cuộc sống, thỉnh thoảng tôi hay thiếu kềm chế để mà tự sướng. Rằng, nhờ nghề báo, đôi chân mình đã đi khắp 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, tuy là nhà báo ở phía Nam nhưng đã cày xới tổng cộng mấy chục lần các đường biên của 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Nơi nhiều nhất gần chục lần, chính là Hà Giang và Điện Biên....

3.

Tết Kỷ Hợi 2019, tôi trở lại Hà Giang. Không phải một chuyến đi tác nghiệp mà là du lịch cùng gia đình. Hà Giang vẫn đẹp cùng núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp... Cảnh cũ đấy và người xưa- là tôi, vẫn yêu thích nó. Nhưng trong tôi không thể nào có lại cái cảm xúc như những chuyến đi trước đây, trong nhiệm vụ nhà báo. Đúng là đến tác nghiệp ở một miền đất xa lạ, dù xinh đẹp, nổi tiếng hay căng thẳng đạn bom, thì lúc rời đi, trong lòng nhà báo thường vẫn đậm đà tình cảm quyến luyến với cảnh của trời, hương của đất, tình của người. Nếu gọi điều đó là một loại hạnh phúc riêng có của nghề báo, chắc cũng không sai!

L.Đ.T

(nguồn: Đặc san XUÂN 2020 của Hội Nhà báo TP.HCM)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com