BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Lưu Quý Kỳ - Nhà báo của Đảng

Lưu Quý Kỳ - Nhà báo của Đảng


Kể từ truyện ngắn “Vượt ngục” đăng trên báo Tin Vắn tại Hà Nội năm 1935 đến khi từ giã chúng ta, ông đã làm báo suốt 47 năm không gián đoạn. Được giáo dục, bồi dưỡng và chỉ đạo của Đảng, Lưu Quý Kỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổ quốc giao trên mặt trận báo chí. Ông xứng đáng với danh hiệu mà nhân dân và đồng nghiệp tặng: Nhà báo của Đảng.

nha_bao_luuquyky

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ chủ tịch, khoảng năm 1968 (trích từ tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản).

Lưu Quý Kỳ suốt đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí, là nhà báo, nhà văn tên tuổi, xuất sắc trên lĩnh vực nghề nghiệp, lại như một chiến sĩ nếm trải gian khổ, đói rét, đi bộ hàng nghìn cây số đường rừng, lội suối trèo đèo, xông pha bom đạn dọc dải Trường Sơn vào tận Đồng Tháp Mười để làm báo và cùng nhân dân Nam Bộ đánh giặc.

Lưu Quý Kỳ sinh ngày 31.10.1919, tại làng Hóa Đông, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc. Gốc người làng Minh Hương, phủ Điện Bàn, nay thuộc TP.Hội An. Sinh ra trên một vùng quê dâu tằm ven sông Thu Bồn thơ mộng, ngay từ nhỏ ông đã có khiếu viết văn và làm thơ. Cha là thợ hớt tóc, mẹ đi bán hàng rong, với cảnh khốn cùng nghèo túng, Lưu Quý Kỳ biết cảm thông sâu sắc cuộc đời người dân sống trong nô lệ. Từ đó, đã hình thành trong lòng cậu học trò nghèo tư tưởng làm cách mạng, giải phóng dân tộc.

Cống hiến hết mình

Năm học lớp Ba trường làng, cậu bé Kỳ đã đọc các báo: Tiếng Dân, Phụ nữ Tân văn, Phong Hóa, Ngày Nay… là những đầu báo có nội dung yêu nước. Tốt nghiệp lớp Năm (primaire), Lưu Quý Kỳ đã viết bài báo đầu tiên “Nhiệm vụ của thanh niên” đăng trên báo “Nước Non” của Trần Trung Viên tại Hà Nội, lúc ấy mới 15 tuổi. Năm 16 tuổi, Lưu Quý Kỳ viết truyện ngắn “Vượt ngục” đăng ở báo Tin Vắn của Thái Phỉ, xuất bản tại Hà Nội.

Năm 1935, Lưu Quý Kỳ vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế. Đến tháng 4.1937, sau khi tham gia cuộc bãi khóa của học sinh ông bị đuổi học. Tháng 8.1937 ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng và lần lượt đảm nhiệm: Phụ trách tuyên huấn của Chi bộ Đảng Hội An; vào Nam kỳ làm Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ. Sau khi báo “Dân” bị cấm ở Trung kỳ, ông được phái vào Sài Gòn tiếp tục xuất bản báo “Dân Muốn”, “Dân Tiến”, “Tiến Tới” thay cho báo “Dân”. Những tờ báo này, Lưu Quý Kỳ đều làm Thư ký Tòa soạn.

Giữa năm 1938, cả 3 tờ báo trên lần lượt bị cấm lưu hành, Lưu Quý Kỳ sang công tác thanh niên. Năm 1939, ông là người viết chính cho tờ báo “Mới” của cơ quan Đoàn Thanh niên dân chủ Nam kỳ, đồng thời làm biên tập cho các báo Lao Động, Phổ Thông, Dân Chúng… là những tờ báo của Đảng ta xuất bản công khai. Ông còn viết nhiều tin, bài về các cuộc đấu tranh của công nhân để đăng trên các báo tư sản như: Công Luận, Điện Tín, Thế Kỷ… Một số bài của ông nói lên quan điểm của người cộng sản Việt Nam trước thời cuộc như: “Dưới khải hoàn môn”, “Công lý sẽ thắng”…

Ngoài những bài viết về các phong trào đấu tranh, thời cuộc chính trị, dưới bút danh Thanh Vệ, Phúc Căn, Lưu Quý Kỳ cũng đã có một số tác phẩm trên lĩnh vực văn nghệ như: “Tuổi trẻ mất một văn hào vĩ đại - Macxim Gorki”, “Tố Hữu - nhà thơ của tuổi trẻ”…

Để đẩy mạnh công tác vận động các nhà văn tiến bộ thời bấy giờ, Đảng chủ trương thành lập “Đông Dương văn sĩ tả phái Liên đoàn” do Trần Hữu Độ làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Diệp Văn Kỳ làm Phó Chủ tịch. Lưu Quý Kỳ được cử làm Tổng Thư ký của Ban vận động.

Tháng 6.1939, bị thực dân Pháp bắt và cầm tù tại Tra-kê (Tây Nguyên), mãi đến đầu năm 1945, ông mới thoát khỏi nhà tù trở về Hội An tham gia Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Lưu Quý kỳ trở lại công tác tuyên truyền báo chí. Từ cuối năm 1945 đến năm 1948, ông lần lượt làm Chủ nhiệm báo Quyết Thắng và Tạp chí Ánh Sáng, thường trực Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, Chủ bút Báo Cứu Quốc của Liên khu 4, Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Sáng Tạo.

Tháng 8.1948, chấp hành quyết định của Đảng, Lưu Quý Kỳ theo đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ. Sau 9 tháng đi bộ dọc Trường Sơn, ông đến Đồng Tháp Mười. Tại đây, ông được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin, Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ; làm Chủ bút Tạp chí Thống Nhất - cơ quan của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Nam Bộ, Chủ bút báo Nhân Dân miền Nam, Chủ nhiệm Tạp chí Lá Lúa - cơ quan của Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ.

Góp phần xây dựng nền báo chí

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Lưu Quý Kỳ tập kết ra Bắc. Từ năm 1954, ông được cử làm Vụ trưởng Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ năm 1962, làm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Thư ký Tòa soạn báo Thống Nhất, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt, Lưu Quý Kỳ trở lại miền Nam, đi dọc Trường Sơn vào chiến trường Bình Trị Thiên dưới những trận bom hủy diệt của giặc Mỹ để làm báo, chiến đấu.

images1179154_KYYUEHOINHAVAN_vn

Thông tin từ Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam biên soạn - NXB Hội Nhà văn - 2010 (ảnh trên trang cá nhân của nhà báo Lê Minh Quốc).

Với những thành tích trong cuộc đời hoạt động của mình, Lưu Quý Kỳ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Ông còn được tặng thưởng 6 huy chương của nước ngoài, trong đó có Huy chương “Nhà báo cống hiến cho sự nghiệp báo chí dân chủ quốc tế” của OIJ năm 1971, Huy chương “Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị” năm 1979.

Suốt cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ sau này trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc, Lưu Quý Kỳ đã viết rất nhiều bài đăng trên các báo và phát trên các đài phát thanh. Suốt 47 năm liên tục, ông đã có trên 3.000 bài báo và 27 đầu sách được xuất bản. Các bài báo của ông có lượng thông tin dồi dào, có tính tư tưởng, sức chiến đấu cao. Văn ông ngắn gọn, súc tích, sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề với hình ảnh sinh động. Sách của ông được bạn đọc hoan nghênh và được in lại nhiều lần.

Ngoài công việc viết báo, với tư cách là Vụ trưởng Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương và Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Lưu Quý Kỳ đã đóng góp tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo nước ta. Ông đã tham gia mở những lớp bồi dưỡng người viết báo và giảng bài về công tác báo chí. Trong đời hoạt động của ông, Lưu Quý Kỳ đã tổ chức xây dựng được 15 cơ quan báo chí.

Hoạt động báo chí của Lưu Quý Kỳ ở nước ngoài cũng là một nét nổi bật. Ông đã đi thăm trên 20 nước và viết bài về các nước đó. Đã dự hàng chục hội nghị quốc tế. Ông hoạt động tích cực trong Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) và góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các nhà báo nước ta và giới báo chí thế giới, thông qua đó, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Vào tháng 10.1981, tại Đại hội lần thứ 10 Tổ chức Quốc tế các nhà báo họp tại Matxcơva, ông được bầu vào Đoàn Chủ tịch và trở thành một trong những Phó Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế các nhà báo.

Lưu Quý Kỳ trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ 50 phút ngày 1.8.1982 tại Sứ quán Việt Nam ở Băng-cốc, Thái Lan, thọ 62 tuổi, khi ông đang trên đường đến Jakarta trong đoàn đại biểu cao cấp các nhà báo Việt Nam thăm Indonesia.

NGUYỄN HẢI TRIỀU (baoquangnam.com.vn)

(nguồn: http://hoian.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=13359)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com