BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều TRƯƠNG BẢO CHÂU: Một món quà của cuộc đời mình

TRƯƠNG BẢO CHÂU: Một món quà của cuộc đời mình


Trong những năm tháng làm phóng viên của mình, thể loại mình viết nhiều nhất đó là viết về nhân vật. Sinh viên giỏi, thanh niên giỏi, các loại giỏi. Bài viết nào hầu như cũng được đăng, dù có bài thức mòn đêm ký túc xá viết đi viết lại 4-5 lần.

Cái người bắt mình phải viết tới viết lui thức đêm thức ngày đó, thực sự trong lòng mình gần 20 năm qua theo học một nghề mà nói - chính là nhân vật mà mình mong được có dịp nào tỏ bày về anh nhất.

Không phải viết như một bài báo. Mình muốn kể cho bạn bè nghe một câu chuyện.

khongho_sau_LDT

Một số bài báo của tác giả Lưu Đình Triều đăng trên Tuổi Trẻ tháng 12-2004


Câu chuyện dài bằng quãng thời gian một người tuổi đôi mươi đi tìm tương lai còn vô định. Mày mò, vụng về, cái gì cũng không biết, cho đến lúc nhận về những đồng tiền và chút giá trị bản thân đầu tiên.

Bạn có nhớ mình nhận đồng tiền đầu tiên lúc nào không? Có nhớ đồng nghiệp đã tôn vinh mình lần đầu tiên là lúc nào không?

Lúc đó rất xúc động đúng không. Cố nhớ lại. Mình cũng vậy. Ngày gửi được cho má những đồng tiền đầu tiên bằng việc viết ra một thứ trên mặt tờ báo mà ba mình đọc hàng ngày (rồi ao ước con mình nó leo lên được đây) - là cái ngày tim đập bồi hồi mãi không quên nổi.

Có người đã giúp mình mà thành ra được vậy.

Người đã gửi cho mình lời nhắn gặp sau khi mình tham gia một bài thi trên Tuổi Trẻ. Mình đi bộ ra bưu điện và gọi một cuộc, mình xưng cháu gọi chú và bị anh í chỉnh đốn, nếu em theo nghề báo, em phải gọi người đối thoại bằng anh, dù họ có lớn hơn mình nhiều tuổi, phải có tư thế bình đẳng thì mới trao đổi sòng phẳng được. Anh ấy đề nghị mình suy nghĩ về việc một buổi đi học và một buổi đến TT tập làm báo.

Đó là một cơ hội mà SV báo chí mơ ước không cần phải suy nghĩ nhiều. Mình đã có được nó nhờ vào sự công tâm nhân ái của một người chứ không bằng thân thế quen biết gì cả. Mình chỉ có một mình và nghèo quá mức ở giữa Sài Gòn lúc đó luôn.

Mình không biết cách viết một cái tin. Cái bài thì còn loay hoay bạo. Nhưng ảnh thì muốn mình phải nhanh chóng kiếm ra ít nhuận bút để dẹp cái cảnh không có tiền.

Chỉ có một cách, là em phải đi ra đường. Đi cơ sở. Anh không cần biết em có xe hay không, nhưng anh phải thấy em đi. Đó là mệnh lệnh của anh ấy dành cho tất cả mọi người bước vào cái ban đó. Không ai ở lì trong phòng mà thấy thoải mái với ảnh. Ảnh đi qua đi lại tằng hắng, rồi hỏi giọng rất nhẹ nhàng mà không chút gì thân thiện, thế là mọi người có tự trọng đều phải nhào ra đường mà moi tin trở về.

Mình đã đạp xe, mượn xe, đi bộ, có hôm về mồ hôi chảy ròng ròng mà viết không ra tin, anh ấy hì hục viết lại và phân tích ngay cái tin mà anh ấy phải làm lại. Có rất ít trưởng ban sau này mình gặp làm cái việc tận tụy đó, và mình học được rằng gác bài và chê ai đó thì luôn dễ dàng hơn là cho họ biết họ yếu kém chỗ nào.

Nhưng ảnh vẫn chưa hài lòng về mình. Anh thấy em quá tiểu thư. Em phải đi nhiều nữa thậm chí là ngủ lại với người ta.

Mình đã biết ngủ lang từ dạo đó. Nổi tiếng ngủ với sinh viên. Thân với sinh viên. Đứng lớp Mùa hè xanh vận động kế hoạch hóa gia đình giùm SV luôn. Và người ta gọi mình là chuyên gia Mùa hè xanh, không ai hiểu cái Mùa hè xanh của cái thành phố này bằng mình, có thể tự tin mà nói vậy.

Mình đã có tất cả, cái thời hoàng kim của viết nhân vật và mấy cái giải thưởng - với người khác không lớn lao gì nhưng với mình và cha mẹ mình, nó chính là cánh cửa tương lai đã mở ra như một tiếng reo. Chiếc xe máy đầu tiên, cái máy ảnh đầu tiên, niềm tin vào lòng người đầu tiên, và những thứ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đầu tiên - là cái thời mình được anh trực tiếp đào tạo mà có.

Không nói dối, không quá đề cao mình, không giành hết lợi của đồng nghiệp, không đổ lỗi.. những thứ đó nói ra có người chắc không tin nổi nhưng ở trong cái ban đó, mỗi việc anh làm đều là điều anh dạy cho mà tự rút ra học lấy, những bài học về tư cách cũng nhiều ngang những bài học về nghiệp vụ.

Lâu lâu đi ngang qua thấy mình ngồi phiền muộn quá ảnh cho ít tiền đi mua giày mà mang. Ai lâu không có bài anh đều biết và thúc giục cho có bài bằng được mà sống. Chế độ đề xuất đúng hẹn như boong và khen thưởng, phê bình công bằng, khi bị lính thắc mắc chưa được công bằng anh toàn ủa ủa sao em bức xúc mà em không nói ra ngay. Hành xử của anh chẳng để lại cái gìkhúc mắc lâu dài.

Cái ngày biết tin anh rời ban để lên chức mình đã suy nghĩ quá luôn. Về năm tháng mình gặp ảnh. Có con người mà ráng suy nghĩ không phóng đại đến mức nào, thì chính xác họ vẫn là người đã làm thay đổi cuộc đời mình.

Nếu bạn cố gắng thì duyên trời cũng sẽ cho bạn một món quà nào đó, mình thấy vậy. Cũng như duyên đã cho mình một người sếp đầu tiên để biết ơn và thương mến tự đáy lòng sâu sắc. Mình đã sống 15 năm qua kể từ ngày không còn làm nhân viên trực tiếp của anh với một lòng kính trọng đặc biệt và yêu mến anh như vậy.

Anh là nhà báo kỳ cựu Lưu Đình Triều, người đã viết hàng trăm bài báo về thanh niên với trái tim hài hước và nhiệt tình hiếm có. Đi đâu anh cũng viết, làm sếp cỡ nào vẫn viết, không bao giờ chịu nhận mình già nên cỡ tuổi nào cũng viết. Giờ đây, Có khi ngồi biên tập bài anh đi đây đó mà mình cứ nghĩ mãi về những ngày anh còng lưng sửa bài cho mình. Rất là đúng kiểu tre già măng mọc.

Anh là người có một cuộc đời đầy nhạy cảm, con trai của nhà báo Cách mạng nổi tiếng Lưu Qúy Kỳ. Quá khứ chính trị của anh có lúc phải chịu sóng gió, thành kiến. Chắc nó cũng đủ sức dày vò bất cứ con người nào, nhiều lúc thấy tim mình cũng buốt giá luôn nhưng mà anh Triều chọn sự nhẹ nhàng mà sống.

Có lần trên canteen mình hỏi: Anh không bao giờ bức xúc giận dữ ai cái gì hả anh?

Anh Triều nói ngắn gọn: Đâu để làm gì em.

Còn đối với mình, dù gió có thổi về đâu thì cũng không thể thổi con người bằng xương thịt của anh mà mình đã gặp, đã sống và làm việc rất gần, bàn anh cách bàn mình có một mét rưỡi, mọi thứ đều bộc lộ và mọi thứ đều tốt đẹp.

Hôm nay là ngày anh chính thức nghỉ hưu. Không hiểu sao mình lại là người cuối cùng của cơ quan này biết được cái tin này. Thật buồn và hối tiếc cho sự lơ đễnh của mình. Chỉ mong anh bỏ qua cho em vì anh biết rõ em đã thương mến anh nhiều nhiều nhiều, đến mức mà em không thể chấp nhận được bất kể một suy nghĩ xấu nào từ cuộc sống này dành cho anh cả.

Em chúc anh Triều trẻ mãi như mỗi ngày anh đều mong ước, tiếp tục viết báo, làm công việc của một nhà báo chân chính đáng mến nhất mà em được biết, anh Triều ơi.

 

T.B.C

(nguồn: Facebook TRƯƠNG BẢO CHÂU ngày 31.7.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com