BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: “Triệu Tử Long”… vang bóng một thời

LƯU ĐÌNH TRIỀU: “Triệu Tử Long”… vang bóng một thời

 

Gặp lại người Đội trưởng Đội biệt động đặc công CS, đơn vị anh hùng khu Sài Gòn - Gia Định:

“Triệu Tử Long”… vang bóng một thời

Trên xa lộ Biên Hòa hướng từ Sài Gòn ra, gồm ngã rẽ vào khu Lâm Viên (Thủ Đức), phía bên trái có một chòi sửa xe đạp nhỏ. Chủ nhân chiếc chòi là Nguyễn Lộc, tuổi đã 50 song vóc người còn rắn rỏi. Chú Nguyễn Văn Diện, cán bộ hưu trí ở khu vực này cho biết: “Lúc mới về đây, tôi chỉ nghĩ anh Lộc là người sửa xe bình thường như bao lao động nghèo khác. Cho đến hôm bố anh, một cán bộ hưu trí ở Đà Lạt xuống chơi, chuyện trò, tôi mới được nghe bác nhắc đến một tên gọi khác của anh: “Triệu Tử Long”. Tôi băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ đó lại là Triệu Tử Long, người chiến sĩ biệt động đặc công nổi tiếng thời đánh Mỹ. Đúng là anh ấy! Thật không ngờ…


TRIEUTULONG


Hai mươi tuổi, theo sự dẫn dắt của cô Út, cô Cúc, Lộc tham gia công tác với quân báo Quân khu 4 Sài Gòn. Hồi đó đồng đội mến phục sự gan dạ, dũng cảm của anh, đặt cho anh biệt danh “Triệu Tử Long”, 25 tuổi, anh được chuyển qua làm tổ trưởng tổ đặc công đội 5F100 Biệt động Sài-gòn - Gia Định. Đến 1969, thì trở thành Đại đội trưởng biệt động C5 - Z32. Năm 1965, anh cùng đồng đội làm nên hai chiến công lẫy lừng: đánh cư xá sĩ quan không quân Mỹ METROPOL ở đường Nguyễn Cư Trinh; ôm mìn đánh địch ở nhà hàng Mỹ Cảnh 1968; cùng tổ đánh vào bọn chỉ huy  bảo vệ an ninh sân bay Tân Sơn Nhất mà đối tượng chính là tướng của quân đội Sài Gòn Lưu Kim Cương, diệt tên tình báo ác ôn Tám Thủ ở chi khu Hậu Nghĩa; 7-10-1969 chỉ huy trận đánh cư xá Boloma của bọn sĩ quan Hải quân Mỹ ở đường Nguyễn Văn Thoại.

Chiến đấu dũng cảm, tài ba, nhưng anh hùng cũng có lúc sa cơ. Năm 1966, địch bắt được anh, đến giờ còn để lại trên người anh những vết tích, những cơn đau ở đầu, ngực, chân - hậu quả của bao trận đòn thù. Nhưng rồi không moi được gì, chúng buộc phải thả anh ra. Và anh lại trở về tổ chức của mình, tiếp tục những trận đánh, những chiến công cho đến ngày giải phóng.

Một buổi trưa, tôi ghé thăm chòi sửa xe của anh. Trời nắng, vắng khách. Anh mặc chiếc áo bộ đội bạc màu và cái quần lấm lem dầu, bụi, thiu thiu ngủ trên chiếc võng. Bé Nguyễn Duy Út, 9 tuổi, đang ngồi chơi với con chó nhỏ.

- Cháu không đi học à?

Lắc đầu:

- Ở nhà với ba không hà!

- Anh chị đâu hết rồi? Còn mẹ?

- Bịnh về ở với bà ngoại…

Sau, anh Lộc tiếp lời con:

- Bà ấy cũng dân biệt động B-11. Bị mấy vết thương cũ hành phải về ngoại trên Củ Chi chữa bệnh. Có đứa con gái theo phụ chăm sóc. Tháp tùng “sơ tán” còn có thằng con trai 19 tuổi. Hồi nhỏ, núp hầm, bị bom dội nên nay mắc bệnh thần kinh. Một đứa nhỏ hơn thằng Vũ cũng về trên đấy học lớp 5 - đó là đứa duy nhất được đi học. Còn thằng này, anh đưa tay chỉ bé Út, định cho vào trường nhưng nghe đóng ba,bốn chục ngành đành rút luôn. Tiền đâu?

Tiền đâu? Mười hai năm qua, câu hỏi cứ xoáy mãi trong đầu đôi vợ chồng biệt động này. Năm 89, đang là cán bộ Phòng cảnh sát giao thông, vợ ốm, con đau, đồng lương không đủ sống, buộc anh Lộc phải tính tới tính lui. Gia đình khó khăn, tâm trí không ổn định, lại ảnh hưởng công tác mãi sao? Lòng tự trọng khiến anh phải làm đơn xin thôi việc, về quê kiếm sống. Nhưng rồi, tình hình kinh tế khó khăn chung đến mức anh phải chia gia đình ra để bươn chải mà sống…

Trong căn nhà cây, mái tranh của anh nằm thụt phía sau chòi sửa xe, trịnh trọng treo tấm bằng liệt sĩ của bố vợ và bằng Huân chương Chiến công hạng Nhất của Nguyễn Thị Bê, vợ anh. Còn tài sản chỉ lèo tèo cái giường, cái bàn, mấy chiếc ghế (của trường An Ninh 2 cho). Điện thì kéo dây từ trường An Ninh 2. Còn nước thì chiều chiều anh đạp xe chở thùng ra Suối Tiên lấy về. Anh tâm sự:

- Dẫu sao cũng  phải ráng giữ truyền thống gia đình chứ. Nghèo cũng thà cạp đất mà ăn chứ không thể để mất phẩm chất người lính.

Thế nhưng tôi được biết sắp tới chắc anh cũng không còn đất để mà “cạp”. Nói đúng hơn là đất cắm dùi. Vì miếng đất mà vợ chồng anh gom góp (tài sản được 300.000 đồng) để sang nhượng nay đã có lệnh giải tỏa. Rồi anh sẽ đi về đâu khi một chỗ ở cũng không còn? Ước mơ sau hòa bình có một mái nhà nhỏ bé, các con được học hành đàng hoàng chưa bao giờ thực hiện trọn vẹn. Túng cùng, anh làm đơn gửi đi khắp nơi với hy vọng được Nhà nước ngó đến. Vì “có lẽ trăm công nghìn việc nên Nhà nước đã quên vợ chồng chúng tôi”..

Chia tay anh, tôi thầm hy vọng, những lá đơn sẽ không rơi vào khoảng không?

 

L.Đ.T

(nguồn: báo Tuổi  Trẻ 1.1.1991)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com