BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường - * Những nhà lãnh đạo chưa qua tuổi 18

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường - * Những nhà lãnh đạo chưa qua tuổi 18

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường
* Vũ Nhật Tân: Giao hưởng cải lương
* Giai điệu tương lai
* Những nhà lãnh đạo chưa qua tuổi 18
* “Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”
* “Huyền thoại Đào Mai”
* Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình
* Ngô Đình Đức: “Không thể sống mà không có niềm tin”
* Lời giao lưu cuối cùng gửi Nguyễn Kiều Liên
* Thúy Thúy: Không chịu thua số phận
* Người như anh sao lại chết ở tuổi 20?
* Đường du học của một học sinh nghèo
Tất cả các trang
  

 

Những "nhà lãnh đạo" chưa qua tuổi 18

Đêm trăng trên bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) thật đẹp. Một nhóm bạn trẻ ngồi bệt dưới cát, say sưa đàn hát, hết bài này sang bài khác.

Người đàn là Huỳnh Minh Sơn, bí thư Đoàn Trường PTTH Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Kèm hai bên Sơn là Trần Ngọc Quang, bí thư Đoàn Trường Phổ thông trung học Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bùi Thu Huệ, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường PTTH Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Cả ba đều ở tuổi 17, đang chuẩn bị lên lớp 12 và vừa quen nhau trong Hội nghị cán bộ Đoàn trường học và Hội Sinh viên Việt Nam.

Sơn cho biết: “Đàn hát là một “tài lẻ” mà người cán bộ Đoàn học sinh cần có để dễ hòa nhập với đoàn viên thanh niên”. Nhưng tại hội nghị, cùng với ba bí thư Đoàn trường khác: Nguyễn Thị Hồng Thủy - phổ thông trung học số 1 Vĩnh Linh (Quảng Trị), Trần Vũ Tài - Trường Phan Đăng Lưu (Nghệ Tĩnh), Lê Thị Thiệu Hạnh - phổ thông trung học Sa Đéc, các bạn đã gây được sự chú ý mạnh mẽ không chỉ ở “tài lẻ”.

Họ đã báo cáo hoạt động Đoàn của trường một cách rất sinh động: tổ chức câu lạc bộ theo sở thích, trại giao lưu, thi bí thư chi đoàn giỏi, làm văn nghệ dưới hình thức sân khấu hóa... Đáng kể hơn là trước những câu chất vấn hóc búa của các anh chị, những nhà lãnh đạo Đoàn trẻ tuổi này rất bình tĩnh và bản lĩnh trong đối đáp.

Chẳng hạn một anh nhận xét: “Xem ra hoạt động giáo dục chính trị, lý tưởng cho đoàn viên thanh niên chắc chưa được gì?”. Các bạn sôi nổi vặn lại: “Chính trị, lý tưởng với tuổi học trò là gì? Là học tập, là yêu trường, yêu lớp. Hoạt động mà anh gọi là bề nổi, thực tế dẫn đến những mục đích gần gũi trên. Vậy là chính trị, lý tưởng rồi...”.

...Đêm trước ngày chia tay, tôi làm một bàn tròn tọa đàm bỏ túi với những người bạn trẻ này. Điều trao đổi đầu tiên: Là học sinh, khi làm việc với ban giám hiệu có “rét” không? Sơn thú nhận: “Sợ thì không sợ, nhưng dù sao cũng có khoảng cách về tuổi tác, vai vế. Nhất là ở trường Sơn, thầy hiệu trưởng mới về, chưa hiểu, không tin tưởng ở bí thư Đoàn là học sinh...”. Thái độ dè dặt, nghi ngờ nơi thầy cô, bạn nào cũng gặp phải, không ít thì nhiều.

Cách thuyết phục, chứng minh tốt nhất theo các bạn vẫn là bằng hoạt động, công tác. Lúc đầu chưa tạo được niềm tin thì phải khéo léo. Chẳng hạn trước hội đồng giáo viên: “Ban chấp hành tụi em muốn làm chương trình như thế này. Thầy cô xem có thể giúp đỡ tụi em không”. Và đừng quên nhờ vào sự hỗ trợ của giáo viên trợ lý thanh niên - một yếu tố quan trọng.

Về bí quyết thành công của công tác Đoàn, các bạn đề cập đến lòng nhiệt tình, cách làm việc hợp lý, chính xác, làm ra làm, chơi ra chơi. Trước mỗi buổi họp, Quang suy tính đề mục chương trình, hướng dẫn các bạn chuẩn bị trước, vào họp chỉ trình bày, trao đổi rụp rụp. Có thế mới còn thời gian cho học tập.

“Chứ là như Đoàn cấp trên thì “chết” - Mời họp bảy giờ mà bảy giờ rưỡi, tám giờ các anh chị vẫn còn rung đùi uống trà”. Hay dự một hội nghị cỡ to như thế này, sáu bạn đều hi vọng, chờ đợi học hỏi nhiều điều. Cuối cùng như lời Huệ thỏ thẻ: “Chẳng có vấn đề nào “vỡ” ra. Cứ nói chung chung, hoặc cãi qua cãi lại rồi thôi...”.

Một yếu tố thành công khác, theo những nhà lãnh đạo Đoàn nhỏ tuổi, là lôi kéo được các bạn theo mình, vừa bằng năng lực, vừa bằng tình cảm, sự gần gũi. “Thầy cô luôn muốn tụi em lúc nào cũng ra vẻ bí thư Đoàn, phải khác học sinh. Đồng ý có những lúc cần như thế, nhưng cũng lại cần những giờ phút bình thường vui đùa bên các bạn cùng lứa tuổi”. (Điều này tôi rất “thấm thía”, khi tọa đàm xong, một chiếc dép của tôi bị biến mất và Quang, Huệ “ra giá” cho tôi chuộc lại...).

Điều đáng nói ở những người bạn trẻ này là các bạn không chỉ biết lao vào làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Hạnh vừa tốt nghiệp lớp 12 và mùa hè, Hạnh không phủi tay, coi như “thoát nợ”. Cô mở lớp tập huấn cho những bạn mà cô đã tính toán đưa vào đội dự bị cho Ban chấp hành mới.

Sơn cũng đầu tư sẵn người thay mình và khi “dự những cuộc họp như “ri”, em phải ghi chép cẩn thận bao kinh nghiệm, về nói lại cho Ban chấp hành... Các bạn cũng nói về ước mơ, nguyện vọng làm sao để Đoàn đừng đánh mất niềm tin trong thanh niên và lôi cuốn được nhiều thanh niên vào công tác xã hội... Làm sao tìm những nét mới cho hoạt động Đoàn...

Các bạn Sơn, Quang, Hạnh, Tài, Huệ, Thủy đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho Đoàn. Nhưng Hội nghị toàn quốc cán bộ Đoàn trường học hơn trăm người mà chỉ vỏn vẹn có sáu đại biểu là học sinh, cán bộ Đoàn chưa qua tuổi 18, cũng là một thể hiện mất cân đối vai trò của lớp trẻ mới lớn.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn trong độ tuổi 20? Và nhìn rộng hơn, hôm nay không gieo trồng, chăm sóc cho những “nhà lãnh đạo đoàn thể nhỏ tuổi, thì ngày mai làm sao có những thứ trưởng, bộ trưởng ở tuổi 30 như nước ngoài?”.

LƯU ĐÌNH TRIỀU



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com