BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU - Bút ký du lịch

LƯU ĐÌNH TRIỀU - Bút ký du lịch

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU - Bút ký du lịch
* “Ta balô” cùng tàu euro
* Nghệ sĩ... “cái bang”
* Chen chân cùng Expo 2010
* Chuông nhạc Việt ngân vang xứ Úc
* Jakarta, nhìn từ đường phố
* Bay bay cùng lễ hội bướm hoa
* Đi tìm nàng Dae Jang Geum
* Tour tập tu hành
Tất cả các trang

 

 

 

Picture-117rrr

Nhà báo Lưu Đình Triều (thứ 3, từ phải qua) cùng đồng nghiệp tại Úc (2005)

Với nhà báo, khi du lịch không chỉ  đi để mà đi, còn là dịp quan sát, nhận xét và ghi chép... Nhờ vậy bài báo mới có sức hấp dẫn bạn đọc.

 

DSC02516trieuR

Nhà báo Lưu Đình Triều (từ trái: hàng sau, thứ 3) cùng đồng nghiệp trong một chuyến tác nghiệp ở nước ngoài (2010)

 

Nhà văn Sơn Nam có lần tán ngẫu, ông đố tôi: "Thế nào là một bài báo hay?". Tất nhiên có nhiều cách trả lời, còn ông, ông cười khà khà: "Là trong bài báo đó phải có những chi tiết mà ngay cả dân chuyên môn trong lãnh vực đó cũng phải ngạc nhiên và thán phục". Ở đây, sau một chuyện ngao du, nhà báo Lưu Đình Triều cũng đã tìm ra nhiều chi tiết độc đáo. Đọc xong, chắn hẵn nhiều người gật gù: "Ừ, nhà báo đi du lịch có khác". Và bây giờ, mời bạn...

L.M.Q

IX.2012


 

“Ta balô” cùng tàu euro

 

Đọc truyện tranh Doreamon, trẻ con lẫn người lớn (?) cũng đều thích được sở hữu bửu bối của chú mèo máy này. Thử hỏi, nhà báo có "bửu bối" không? Theo tôi là có. Khi du lịch, nhà báo không chỉ thọc tay vào túi quần, hoặc vội vã hoặc lững thững đi và ngắm nhin cho thỏa chí tò mò. Họ còn phải sử dụng đến "bửu bối" của họ.  Thứ nhất, "tập trung" để có sự "chú ý"; thứ hai, "trầm tư" để có sự "quan sát"; thứ ba, biết quay vể "chính mình" để có cảm giác, cảm nhận riêng biệt.

Loạt bài “Ta balô” cùng tàu euro của nhà báo Lưu Đình Triều đã sử dụng một cách thuần thục "bửu bối" đó. Đơn giản, anh là nhà báo chuyên nghiệp, một cây bút "có nghề".


MG-9965

Nhà báo Lưu Đình Triều và người bạn đời. Nguồn: H. Trà

 

Loạt ký sự này, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hết sức thú vị. Quen mà lạ. Lạ mà quen. Cứ thế, người đọc lại cuốn hút theo dòng chữ còn hừng hực cảm hứng của người vừa đi xa về.

Đọc xong, ta những muốn thoát khỏi cái ghế ngồi mọc rễ ngày này qua tháng nọ của một công chức mẫn cán để làm một chuyến phiêu du cho đỡ nhàm chán, cho hả hê với cái thú giang hồ...

L.M.Q

XI.2012


Vé trong tay, Euro là của bạn


Không một hồi còi, chẳng thanh âm ken két của những toa tàu rùng rùng chuyển bánh, tàu TGV 9553 nhẹ nhàng rời khỏi ga Đông - Paris (Pháp) lúc 9g10. Vun vút lao với tốc độ 310km/giờ, cuối cùng tàu đỗ xịch ở ga trung tâm của Frankfurt (Đức) lúc 13g05, kết thúc cuộc du hành 12 ngày đêm xuyên châu Âu bằng tàu hỏa của chúng tôi.

Anh soát vé nhã nhặn trả lại chúng tôi tấm vé và yêu cầu ghi bổ sung ngay số hộ chiếu, ngày đi đầu tiên và cuối cùng vào những dòng còn để trống. Khi chúng tôi thực hiện xong, anh nhanh nhẹn đưa vé vào chiếc máy nhỏ cầm tay, bấm nhẹ.

Trên vé hiện ra ngày 13-10-12 (ngày đầu tiên chúng tôi dùng xe lửa đi từ Frankfurt đến Dresden, Đức). Nghĩa là từ giờ trở đi, chiếc vé có thời hạn 15 ngày bắt đầu được tính thời gian sử dụng.

1T

Diện tích Công quốc Monaco chỉ có 2km2 nhưng đây là nước có GDP trên danh nghĩa cao nhất thế giới. Có lẽ vì đất hẹp nhưng giàu nên nhà ga phải xây trong núi mà vẫn rất sang trọng? - Ảnh: Duyên Trường

 

Vé thông hành “nặng ký” hơn hộ chiếu

 

Eurail Global Pass là tấm vé đi toàn tuyến của Eurail mà tôi đặt mua ở TP.HCM, với giá cho hai người, ngồi toa hạng nhất là 914 euro (1 euro khoảng 27.000 đồng). Kèm theo vé là bản đồ đường tàu nối liền các thành phố lớn của 23 nước châu Âu và bảng lịch trình 2012 ghi rõ giờ, phút đi và đến của... 11.000 chuyến tàu.

“Your pass. Your Euro”. Đó là hàng chữ ghi trên bảng lịch trình mà tôi tạm dịch cho oai “Vé trong tay, Euro là của bạn”. Với hai cặp vé trọn tuyến (Eurail Global Pass), tôi và ba người bạn bên Nhà xuất bản Trẻ, nếu có sức và giỏi chạy sô thì có quyền đi tất tần tật 23 nước, trong vòng nửa tháng.

Lần đầu tiên “vượt biên” trên chuyến tàu từ Berlin (Đức) qua Prague (Czech), ngoài vé, chúng tôi được dặn dò thủ thêm hộ chiếu. Khi tàu vừa qua đường biên giới, bóng dáng những cảnh sát Czech đã xuất hiện. Hai người trong số họ đi dọc toa tàu nhìn chúng tôi, cười chào và... đi thẳng. Ở nhiều đường biên khác cũng chẳng ai soát xét gì hộ chiếu, cứ như thể chúng tôi là dân Euro thứ thiệt. Thôi thì kết luận vui: Đúng là “thủ tục hải quan” ở đây lỏng lẻo quá!

Nhưng “Euro của tôi” không phải nơi nào cũng giống nhau. Một sáng ở ga Marseille, khi chúng tôi hối hả kéo vali vào đường ray đi Cannes thì bị chặn lại ngay từ ngoài. Cô nhân viên Pháp xinh xắn nhưng rất kiên quyết không cho chúng tôi vào vì chưa đăng ký đặt chỗ trước theo quy định (áp dụng ở Pháp và Ý).

Trình bày lý do không kịp đăng ký, kèm theo bài ca đậm màu than vãn, cuối cùng người đẹp đường tàu ”động lòng trắc ẩn” và... dắt cả nhóm tới gặp trưởng tàu. Sau hai nụ hôn áp má chào nhau buổi sáng theo đúng kiểu Tây (rất tiếc là chỉ giữa nhà tàu với nhau) cùng vài câu trao đổi ngắn, chúng tôi thở phào bước lên tàu.

 

Đi xe lửa nhớ máy bay

 

Sạch. Thoáng. Hiện đại. Giống như đi máy bay ở Việt Nam... Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên tàu ICE của Đức, đi từ Frankfurt đến Koln (Cologne). Kéo vali đi dọc các toa tàu hạng hai, chúng tôi nhìn thấy những ghế ngồi bọc nỉ sang trọng. Các toa tàu rộng thoáng, cửa ra vào, cửa sổ đều làm bằng kính trong để khách thoải mái phóng tầm mắt ngắm cảnh.

Có toa dành riêng làm nhà hàng được thiết kế rất “teen”. Riêng toa hạng nhất có những phòng nhỏ 4-6 người, có bàn xếp, tạp chí, kệ trên đầu để cất đồ, ổ cắm điện, đèn bàn, đèn trần... Tàu chạy chừng 15 phút đã có anh nhân viên đẩy xe đến gửi bánh, kẹo, nước ngọt. Còn ở chuyến tàu TGV 9553 hai tầng, từ Pháp sang Đức, bữa ăn thật “ngồn ngộn” gồm bánh mì thịt jambon muối, trứng luộc, phômai, bơ, bánh croissant, yaourt, nước cam. Các cánh cửa ngăn toa đều bấm nút hoặc tự động.

Nhiều chuyến đi liên tiếp giúp chúng tôi hiểu ra đúng là xe lửa Tây có sang hơn, hiện đại hơn, nhưng không phải là tuyệt đối, tất cả. Có vài chuyến tàu đến tờ tạp chí đọc chung cũng chẳng có nói gì kẹo bánh. Trên chuyến tàu địa phương từ Roma đến Genova (đều thuộc Ý), sự cũ kỹ của từng ghế ngồi, toa tàu, nhà vệ sinh cứ lồ lộ ra như cô thiếu nữ đã qua tuổi xuân sắc mà quên phấn son, trang điểm. Cũng may đây là chuyến tàu Tây duy nhất mà chúng tôi gặp phải trong suốt cuộc hành trình.

 

2_T

Đa số tàu châu Âu đều sạch, hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Mỗi đoàn tàu luôn có toa giải khát bày biện lịch sự, thiết kế khá bắt mắt. Trong ảnh: quầy giải khát trông giống quầy bar trên con tàu cao tốc TGV đi từ Marseille về Cannes (Pháp) - Ảnh: Duyên Trường

 

Ga châu Âu - bức tranh nhiều sắc màu

 

Đi Eurail có cái sướng là lịch trình của 11.000 chuyến tàu đều được ghi rõ đến từng phút (và không hề có chuyện delay như đi máy bay ta). Chọn chuyến, định giờ và cứ thế mà đi. Tuy nhiên với các chuyến tàu đêm và một số tuyến thì bắt buộc phải đăng ký chỗ trước.

Chẳng hạn chuyến tàu đi Vienna (Áo) đến Venice (Ý), từ 20g40-8g34, chúng tôi phải đăng ký và muốn ngủ ngon thì đặt giường nằm, giá 36 euro. Du lịch bụi mà xài như thế thì sang quá, nên ép thân chọn ghế ngồi, chỉ 9 euro. Tàu chạy, bốn ghế ngồi được kéo ra, đấu nối vào nhau thành hai chiếc giường nhỏ đủ cho nhóm chúng tôi nằm như cá mòi đóng hộp và cố đánh giấc.

Nhà ga ở Vienna, Venice hay nhiều thành phố khác đều có điểm giống nhau: như một trung tâm thương mại nhiều tầng. Các shop rộn ràng thời trang mùa đông. Các tiệm sách, báo, quán ăn, cửa hàng giày dép nhan nhản. Nhà ga lớn càng hoành tráng, nhiều sắc màu. Tàu chạy trên đầu mặc tàu, bên dưới người người vẫn nhộn nhịp mua sắm, ăn uống. Một điều thật ý nghĩa với những “ta balô” là giá cả trong các nhà ga quốc tế này cũng “xêm xêm” giá các cửa hàng ngoài phố.

Với 18 thành phố chúng tôi đi qua, nhà ga Công quốc Monaco tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất dù thuộc hàng ga nhỏ với chỉ ba đường ray xuôi ngược. Vừa bước chân xuống tàu tôi đã bị lóa mắt bởi vòm hầm tàu làm bằng gỗ. Những ngọn đèn vàng chạy dài hắt ra dòng ánh sáng ấm cúng mà sang trọng. Theo thang cuốn, ngược lên sảnh lớn tìm cà phê, tôi ngỡ ngàng hơn khi dưới chân mình là những ván gỗ bóng loáng. Bước đi trong ánh đèn vàng tương tự dưới hầm, tôi cứ ngỡ như đi vào một nhà hàng, bar rượu sang trọng nào đấy. Ra khỏi sảnh mới phát hiện ga nằm trong lòng núi.

Một balô, một bản đồ

Hết ngày dài lại đêm thâu

Chúng tôi đi trên đất châu Âu

Ăn như mèo và ngủ như trâu.


3_T

 

Venice được xây dựng trên một quần đảo và đến thế kỷ 19 mới có đường chính nối vào đất liền đem đến một trạm xe lửa, rồi sau đó là một đường cho xe hơi. Tuy nhiên đi lại bên trong thành phố vẫn hoàn toàn trên những con đường khá hẹp (ảnh trái) và kênh đào - Ảnh: L.Đ.T. - Thành Nam

Lời chế lại câu thơ của nhà văn Kipling vang lên lúc gần 1g sáng, trong căn phòng trọ 9m2 thuộc khu ngoại ô Paris lạnh lẽo. Cả đám cười ồ. Nhẩm tính 12 ngày làm “ta balô”, chúng tôi đã có 60 giờ 20 phút để ngồi xe lửa, chừng vài giờ đồng hồ “quá giang”xe buýt, tàu điện ngầm, còn lại cứ tì tì cuốc bộ ròng rã.

Một balô trên lưng, một bản đồ cầm tay và thỉnh thoảng... hỏi đường, mỗi ngày trung bình chúng tôi có thể tự tạo ra một tour đi bộ trên dưới chục cây số.

“Công nghệ đi lại”

Euro là của bạn, nhưng bạn phải biết làm chủ nó bằng “công nghệ đi lại”! Tôi nhủ thầm với chính mình khi vừa xách vali nhảy mau xuống một trạm dừng, rồi hộc tốc chạy tìm một chuyến tàu khác nhảy lên. Đó là lần lên nhầm tàu khi di chuyển từ thành phố Linz về Vienna (Áo).

Đến bất kỳ nhà ga nào ở châu Âu cũng luôn gặp một chợ đời nhộn nhịp. Nếu cứ xăm xăm dạo chợ, lữ khách sẽ không có đường ra. Do đó, theo “công nghệ “được truyền đạt từ những người đi trước, vừa đến ga là phải có phút lặng, tìm chỗ... đứng. Từ đó sẽ tiến hành các thao tác: tìm phòng hướng dẫn thông tin, soi các bảng điện tử về chuyến tàu đến - đi ở đường ray nào. Rồi cứ thế kéo vali mà chạy tìm cổng lên/xuống đường ray của tàu mình.

Tại những ga không trang bị hoặc có mà ít thang cuốn, khách phải ì à ì ạch vác vali leo lầu. Nếu lên nhầm cầu thang, bi kịch khuân vác sẽ xảy ra. Còn lần đi từ Pháp sang Đức, chúng tôi cứ phải xách vali lên xuống liên tục để tìm chỗ ngồi vì các toa tàu không thông suốt. Ở ga hoặc ở nhà trọ, theo lịch trình tự soạn, gửi hành lý lại (khoảng vài đồng euro/vali gửi ở ga), rồi thì mỗi người một balô trên lưng, bắt đầu bài ca đi bộ kết hợp xe buýt, xe điện hay metro.

Thành Nam, nhiều năm liền đi châu Âu, lại là thầy dạy tiếng Anh, được giao trọng trách là người dẫn đường cho nhóm. Đến ga,thành phố nào, công việc đầu tiên của Nam là tìm mua bản đồ. Song bản đồ không phải lúc nào cũng có sẵn loại lớn hay có thêm “phụ đề” tiếng Anh.

Praha là nơi thử thách cao độ lữ khách vì bản đồ toàn tiếng Tiệp, các bảng chỉ đường cũng thế và người dân lại ít biết tiếng Anh. Tình huống “đường xưa lối cũ” đi tới đi lui vì vậy vẫn hay xảy ra trong tour đi bộ.

4_T

Louvres là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm bên bờ sông Seine - Paris được xây dựng vào năm 1190. Đây là một địa điểm thu hút nhiều lữ khách tìm đến thả bộ trong khu vực rộng lớn của bảo tàng, nếu mỏi chân khách có thể ngồi nghỉ, thư giãn ngoài trời hay trong quán cà phê - Ảnh: L.Đ.T.

 

Chậm bước cùng thành phố đi bộ

 

Venice (Ý), thành phố được tạo dựng trên 117 hòn đảo, với 150 kênh đào, nước bao quanh nên có tên là “thành phố nước”. Nhưng cả Venice không có chiếc xe nào, muốn tham quan trong thành phố chỉ có đôi chân nên mới có tên “thành phố đi bộ”.

Từ nhà ga Santa Lucia bước ra đã nhìn thấy “đại lộ nước” (Grand Canal), cùng trạm “xe buýt dưới nước” (vaporetti) trước mặt. Mua chiếc vé 7 euro và theo xe - một phà lớn, chúng tôi làm một vòng, trước khi bắt đầu tour đi bộ, kéo dài đúng một buổi.

Từng xem nhiều phim, ảnh về Venice, ấn tượng đọng lại là những chiếc thuyền mũi cong truyền thống Gondonla, lướt nhẹ nhàng trên con kênh nhỏ, nước trong xanh. Còn giờ đây, trong mắt tôi hiện ra một bộ mặt khác của Venice.

Ngoài đường lớn ở sát đại kênh đào song bị đứt quãng, còn lại chỉ là những con đường nhỏ như hẻm ở nhà. Đường rộng 2-3m, thậm chí 1m cũng có, trải đá, chạy đan dọc trong khu vực trung tâm. Ở một số đường nhỏ có nhiều shop thời trang be bé, bày biện rất lịch sự, sang trọng và nếu soi về giá thì chi phí cả chuyến đi xuyên châu Âu của tôi có khi chỉ mua được... một tấm áo. Những ngôi nhà trên phố hẹp cũng rất nhỏ về bề ngang, nhưng được tô vẽ màu sắc rực rỡ. Nhiều ngôi nhà tô đậm thêm nét lãng mạn của thành phố bằng khóm cây xanh, chùm hoa rũ trên bancông, cửa sổ. Qua tìm hiểu được biết dù kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, những căn hộ be bé này vẫn có giá trên 10.000 euro/m2.

Thú vị nhất là vừa qua, vừa ngắm cầu Rialto. Cao 11m, dài chưa tới 50m, làm bằng đá trắng, được trang trí bằng nhiều gương mặt được chạm trổ với tuổi thọ trên 400 năm, Rialto nối liền hai bờ của kênh đào lớn. Đứng trên thành cầu nhìn xuống, nhìn vào, nhìn xa là có thể “tóm gọn” khung cảnh của Venice lãng mạn và kỳ ảo này: những con thuyền, những con tàu lướt trên sông nước mênh mang; những tòa nhà cổ kính, hoành tráng mấp mé chực chờ chìm trong nước, quảng trường rộng nằm sát kênh đào với nhà thờ, quán ăn, cà phê ngoài trời và thi thoảng những chú bồ câu lững thững dạo chơi...

Cứ mê mải ngắm nhìn và chạnh nhớ: ôi kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn của ta vừa được cải tạo, nâng cấp nhưng không biết đến khi nào có được gương mặt nước và khung cảnh xung quanh như thế này nhỉ?

 

Đâu rồi bảo tàng sôcôla?

 

Nghe nói ở Bonn (Đức) có Bảo tàng sôcôla lớn nhất nước Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, nên sau khi tham quan mấy điểm di tích ở Cologne xong, chúng tôi ra tàu trực chỉ Bonn. Để rồi vừa dạo qua nơi ở của nhà soạn nhạc cổ điển Beethoven xong, mới tá hỏa khi nắm lại thông tin: bảo tàng nằm ở Cologne. May là hai thành phố này cách nhau chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc. Lại nghe Bảo tàng sôcôla Cologne mang hình dáng một con tàu nằm bên bờ sông Rihne, nên cả nhóm cứ hỏi đường ra sông mà trực chỉ. Rihne xinh đẹp hiện ra trong trời chiều mới quyến rũ làm sao.

Người dẫn đường nhanh chóng mở bản đồ ra, à nó nằm tay phải, cách chừng 2-3km. Để cho chắc, anh tiến ngay đến một xe cảnh sát đậu gần đấy hỏi đường. Cảnh sát Đức trông nghiêm đến thế nhưng lại cười thật tươi và rất nhiệt tình, vừa đưa tay chỉ hướng, vừa xổ mấy câu tiếng Anh: qua hai cây cầu là tới thôi nhưng ở bờ bên kia sông.Thế là đi. Gặp cầu thứ nhất, sẵn đèn xanh qua bờ bên kia luôn cho tiện. Chao ôi, sông Rihne rộng chi mà rộng thế, đường dẫn lên cầu lại dài và dốc nên vừa đi vừa thở. Mất khoảng nửa giờ là đã đến bến bờ mơ ước. Thêm một lần hỏi đường lại, chớ nhìn trên bản đồ không ra nó nằm ở bờ bên nào cả. Người thứ nhất rồi đến người thứ hai đều trả lời như đinh đóng cột, kèm tay chỉ... qua bờ bên kia! Sông Rihne ơi, lần tái ngộ này sao thấy mi rộng khủng khiếp, rộng khiến từng bước chân như muốn khuỵu xuống.

Từ ngoài nhìn vào, con tàu sôcôla lộng lẫy thật, nhất là ở tầng trên nhìn qua lớp kính trong, thấy những thỏi kẹo to đùng, vàng chóe như những nén vàng ngày xưa. Đúng là bảo tàng sôcôla, vì đủ loại sản phẩm đa dạng, đẹp mắt, lại có cả biểu diễn quy trình sản xuất. Thật thú vị và ngọt ngào, đủ để quên chuyện chocolate ở bến bờ nào...

 

Tìm lại dấu xưa

 

Theo những chuyến tàu đêm ngày, đến những thành phố lớn nhỏ, nhóm “ta ba lô” chúng tôi không thể nào bỏ qua những dấu xưa của châu Âu.

Đó có thể là những vùng đất lâu đời với những thành quách lâu đài xưa cũ. Đó cũng còn là những vết tích lịch sử của những năm tháng chưa hẳn đã xa...

 

5_T

Tại quảng trường nhà hát Dresden, du khách có thể gặp lại hình ảnh những bậc “vương giả” ngày trước đang dạo chơi - Ảnh: L.Đ.T.

 

Nhan nhản khu phố cổ

 

Lần đầu tiên đặt chân đến một khu phố cổ châu Âu- ở thành phố Frankfurt am Main (Đức), chúng tôi cảm thấy ... tê người. Những ngôi nhà cổ được gìn giữ gần như xưa (ấy là tôi đoán thế) với các đường nét kiến trúc đẹp không lẫn vào nay được. Quảng trường Romer rộng rãi, lót đá đen, từng bước chân vọng âm vang vui tai. Nhiều quán ăn, quán cà phê lộ thiên thật xinh xắn, dễ thương.

Giữa quảng trường có một tượng người khỏa thân (như nhiều tượng khác ở châu Âu) đặt giữa một vườn hoa nhỏ. Và bất ngờ từ trong một tòa nhà cổ to lớn bước ra một đôi vợ chồng vừa “bóc tem”. Bạn bè cầm mỗi người một cành hoa đứng hai hàng chào. Rồi những nụ hôn vợ chồng, bằng hữu trao nhau. Rồi chiếc xe hoa chạy kéo lê lóc cóc một dây lon rỗng phía sau...

Chẳng riêng Frankfurt, 18 thành phố ở châu Âu tôi qua đâu đâu cũng có những khu phố cổ hay quảng trường dễ thương đến nao lòng. Mỗi nơi một vẻ, như ở Prague (CH Czech), khu phố cổ Old Town mang nét đẹp vừa cổ kính vừa quý phái và toát lên dấu ấn độc đáo nhờ tháp đồng hồ thiên văn Astronomical... Chỉ có điều tình thiệt mà thưa, việc tiếp cận sâu các giá trị văn hóa ở những địa chỉ cổ thường phá vỡ kế hoạch chi tiêu của “ta balô”. Như đến Ý vào đấu trường La Mã Colloseum ngày nào, chỉ ngắm nhìn những tường đá không “lành lặn” cũng đã mất 12 euro...

Đi dưới rặng bồ đề

Buổi sáng cuối thu, chớm đông ở Berlin, thong thả rảo bước trên đại lộ Unter den Linden (dưới rặng cây bồ đề), bốn cái miệng không ngớt lời cảm thán về sự quyến rũ của một khung cảnh yên bình. Đại lộ có vỉa hè rộng lớn với đường dành cho người đi bộ, người đi xe đạp và đường dành cho...những hàng cây bồ đề chạy dài. Chút thu còn đọng lại trên cành lá những sắc màu đa dạng-xanh phớt, vàng nhạt lẫn đỏ thắm, như tô thêm nét đẹp thơ mộng cho con đường trứ danh này.

Ở một góc cuối đại lộ, cổng thành Brandenburg sừng sững hiện ra với sáu cột đá chính lớn, cùng tượng nữ thần chiến thắng Victoria trên cỗ ngựa tứ mã (Quadriga). Với số tuổi hơn 220 năm, từ lâu cổng thành này được xem là một trong những biểu tượng chính của Berlin, nên du khách cứ nườm nượp vào ra. Anh Stilwell - người duy nhất ngồi bán bưu thiếp và “đóng dấu visa” ngay giữa quảng trường kề sát cổng thành, nhìn tôi xác định quốc gia và bất ngờ tung ra câu hỏi lơ lớ “Khỏe không?”. Qua anh, chúng tôi được biết bức tường Berlin ngăn chia Đông Đức và Tây Đức trước đây cũng chạy ngang cổng thành này. Còn bây giờ?

Sau gần đúng một buổi, vừa đi ngắm thiên hạ, cửa hàng trên con đường mua sắm, vừa dừng uống cà phê, ăn nhẹ ở quán vỉa hè, vừa dò bản đồ và hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu tưởng niệm Gedenkstätte Berliner Mauer trên đường Bernau vào lúc xế chiều. Tại đây chỉ còn lưu giữ một đoạn tường dài gần 1 km cũ kỹ, lỗ chỗ, lòi cả cốt thép bên trong. Kề liền bờ tường là một hàng cột thép nâu đỏ, dựng có khoảng cách rộng hẹp khác nhau để nhìn xuyên vào trong.

Lách qua hàng cột thép này, chúng tôi bước vào một sân cỏ rộng lớn như sân bóng. Đập vào mắt du khách là hàng trăm ảnh chân dung những người mà sự sống hay cái chết của họ liên quan đến bức tường chia cắt và tái hợp. Chúng tôi tò mò đến những cây cột lớn hình khối đặt gần đấy mới biết đó là những phòng trưng bày thu gọn. Chỉ cần đọc hướng dẫn, bấm số là du khách có thể xem nhiều tư liệu, hình ảnh, những thước phim video, có thuyết minh về những “dấu xưa” đã xảy ra trước đây ở hai phía bức tường...

6_T

Du khách xem ảnh những người đã chết tại khu tưởng niệm bức tường Berlin - Ảnh: Duyên Trường

 

“Leo gắng sức” cùng đỉnh cao Vatican

 

Nối đuôi dòng người đứng xếp hàng trên quảng trường rộng lớn của thành quốc Vatican, mất hơn nửa giờ chúng tôi mới tới cửa an ninh. Cũng giống như thủ tục khi vào phòng chờ máy bay, tất cả đồ đạc mang theo phải đưa qua máy soi.

Bước chân vào trong đại giáo đường thánh Peter, dù là người ngoại đạo, tôi vẫn cảm được không khí tôn nghiêm đang bao trùm không gian tĩnh lặng rộng lớn. Người người lặng lẽ qua lại, kẻ thì say mê, nhìn ngắm những bức tượng bằng đá cẩm thạch, những bích họa hoành tráng hoặc bỏ 2 đồng euro vào máy dập để có một mảnh kim loại nhỏ với biểu tượng của tòa thánh về làm kỷ niệm...

Sau màn tham quan nhẹ nhàng, nhóm chúng tôi bàn với nhau việc “chinh phục “đỉnh giáo đường. Theo số liệu ngay tại chỗ thì chiều cao mái bát úp với cửa trời trên mái là 138m, tổng cộng có 551 bậc thang lên, ai yếu sức thì dùng thang máy sẽ giảm bớt được 320 bậc.

Một khuyến cáo được đưa ra: những người có bệnh sử về tim, thần kinh yếu thì không nên thử sức mình. Điều này làm tôi nhớ cách đây vài năm, một lần đi khám tim mạch và được yêu cầu làm thử nghiệm “đạp gắng sức “. Hồi ấy tôi đã đạp đến mức sắp không còn thở nổi thì mới được dừng. Thôi thì cứ thử “leo gắng sức”, đến lúc hết leo nổi thì lại dừng. Thế là tất cả đồ đạc mang theo, kể cả áo ấm được cởi bớt cho vào balô, gửi lại một bạn trong nhóm - đã từng đến thành quốc này và leo đỉnh rồi, trông coi hộ để nhẹ người mà thử sức.

Lối đi lên đỉnh tháp giáo đường phần lớn là hẹp, với nhiều đoạn hình xoáy trôn ốc. Cứ bước đi lên, quay vòng vòng một lúc là hoa cả mắt. Muốn dừng lại đi xuống cũng không được vì bậc thang quá hẹp chỉ vừa đủ cho một người đi. Tôi phải vừa đi vừa dừng, liên tục ngoái đầu nhìn ngược về sau để khỏi chóng mặt. Cuối cùng cuộc “leo gắng sức” cũng đạt đích. Hành lang vòng cung trên chóp mái quá hẹp. Lố nhố người chen nhau nhìn hoặc chụp ảnh bên dưới và cũng một lượng người tương ứng dựa lưng vào tường...thở tự do liên hồi. Muốn di chuyển qua lại phải chen nhau mà đi. Dăm phút ngắn ngủi ngắm nhìn trời xanh và chụp ảnh khung cảnh hạ giới bằng điện thoại di động, tôi nhanh chóng tháo lui.

Xuống sân, chưa kịp hoàn hồn đã nghe bạn ở lại “dưới trần” thông báo: có một tin buồn! Mới quay qua quay lại thoáng cái đã bị chôm mất một balô. Tôi điếng người khi trong balô bị mất của tôi có máy ảnh và sổ tay ghi chép cuộc hành trình cả tuần qua. Tiếc cái tài sản giá trị này, tôi và cả nhóm đi lục từng thùng rác một, mong kẻ cắp chê quyển sổ không giá trị mà ném lại. Vô vọng!

Lủi thủi rời khỏi thành quốc Vatican và tự an ủi rằng: còn có nhiều người đồng cảnh như mình khi đến đây. Bởi theo một thông tin trên Bách khoa toàn thư thế giới, thành Vatican có tỉ lệ tội phạm trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới!

 

Mái nhà cho người du lịch bụi

 

Sau một ngày mệt nhoài vì cuốc bộ tham quan Dresden và ngồi tàu, 8 giờ tối chúng tôi đặt chân đến sân ga Berlin và lếch thếch đi tìm chỗ trọ. Trong đêm vắng lạnh, tiếng lốc cốc của vali kéo trên nền đá gợi nhớ âm thanh vang vang của xe ngựa trên đường ra chợ sáng tinh sương hay lúc chiều về ở quê nhà ngày xưa...

 

7_T

Tại những phòng trọ tập thể, khách phải ở ghép, không phân biệt màu da, giới tính và rất bất tiện về chuyện vệ sinh. Trong ảnh là phòng bốn người ở một nhà trọ gần ga Berlin - Ảnh: Duyên Trường

 

Khách sạn như nhà mình

 

Meninger, khách sạn mà chúng tôi đăng ký trước qua mạng, là một tòa nhà cao tầng nhưng chẳng có sao nào cả. Phòng nhỏ, sạch sẽ, không điện thoại, bố trí khá ngồ ngộ với... hai giường tầng đâu góc nhau. Với giá sinh hoạt đắt đỏ của châu Âu mà chỉ 14 euro/người, vậy là tốt rồi.

Trên tờ rơi quảng cáo của Meninger có hàng chữ The urban traveller’s home (tạm dịch Ngôi nhà đô thị dành cho du khách). Tôi chỉ có thể cảm hết ý nghĩa của cụm từ này vào sáng hôm sau, khi tính toán chuyện ăn sáng. Meninger có tổ chức ăn buffet, nhưng mỗi khách phải đóng thêm 5,9 euro.

Du lịch balô dè sẻn đến từng đồng một, nên bốn chúng tôi lấy mì gói mang từ Việt Nam sang, xuống dưới sảnh tìm xin nước sôi, nào ngờ được cô tiếp tân chỉ dẫn vào một căn phòng nhỏ y như ở nhà. Có bàn ăn, bếp, nồi niêu xoong chảo, chén đũa, mấy lọ gia vị... Cạnh bếp có tủ lạnh, mở ra thì thấy để sẵn jambon, phômai, bánh mì, yaourt, chuối kèm tờ giấy nhỏ: Mời dùng miễn phí. Đây chắc là của du khách nào mang theo dùng không hết nên để lại làm “công tác xã hội”?

Kề bên là một tủ giặt sấy quần áo, bỏ vào 5 euro là có thể giải quyết nhanh chóng những bộ đồ dơ! Thì ra ở khách sạn nhưng sinh hoạt cứ y như ở nhà mình.

Gõ Google, được biết châu Âu có rất nhiều nhà trọ (hostel) tạo điều kiện sinh hoạt y như ở nhà mình. Tiếc rằng Meninger lại là “hàng hiếm” trong suốt chuyến du hành. Một số nhà trọ, khách sạn bình dân khác mà chúng tôi đến ở đều không được kiểu “nhà mình”. Như ở Prague, khách sạn Louis Leger, chúng tôi phải kê khai, trình hộ chiếu; với Ferrarese ở Rome, hai sao hẳn hoi, ngoài 120 euro tiền phòng còn lấy thêm 2 euro/người gọi là thuế thành phố...

Phòng trọ đồng hương

Hai tấm đệm nhỏ dành cho ba gã đàn ông, một chiếc giường nhỏ dành cho quý bà duy nhất, một chiếc tủ đứng đặt quần áo và một cái bàn nước mini là đã chật kín căn phòng chưa đến 10m2. Muốn mở vali ra ư? Xin nhanh tay dựng một chiếc đệm lên! Muốn đi vệ sinh? Vui lòng bước ra ngoài, vào phòng kế bên và gõ cửa để tránh chạm mặt với người không quen...

Đó là phác họa về căn phòng trọ (thuộc khu 3 ngoại ô Paris) của bốn chúng tôi trong ba ngày đêm ở Paris. Do “đụng hàng” với một số anh chị ở Tiền Giang qua dự hội chợ, nên chỗ ở của chúng tôi bị thu hẹp chỉ còn bằng nửa. (Chút vui đính kèm: giá thuê phòng cũng giảm tương ứng). Phòng nằm trong một căn nhà có khuôn viên khá rộng rãi, với một diện tích lớn phía trước là sân. Phòng ở gia chủ cùng nhà bếp nằm bên dưới, còn lại ba phòng tầng trên dành cho thuê.

Chủ nhà là một cặp vợ chồng Việt kiều. Chồng tài xế, vợ làm nhà trẻ kiêm luôn quản lý nhà trọ không tên. Giá rẻ hợp lý (15 euro/người), giao tiếp dễ dàng, vui vẻ, nên nhiều dân Việt công tác hay du lịch balô thường tìm đến đây.

Những ngày ở Frankfurt, Đức chúng tôi cũng trọ tại nhà người Việt. Anh Tòa, dân Bình Phước, đi nấu ăn thuê, vợ là chị Thoa, người Hải Phòng, ở nhà chăm nom con cái. Thỉnh thoảng có mối quen giới thiệu, hai vợ chồng cho người Việt ở trọ, gọi là cải thiện kinh tế chút chút. Nơi trọ này rất là “nhà mình”. Phòng ở rộng rãi, ngăn nắp sạch sẽ, chẳng có sự “trộn lẫn giới tính”.

Không chỉ cho trọ, chị Thoa còn sẵn lòng nấu món ăn Việt theo yêu cầu, với chi phí đố kiếm đâu ra trên nước Đức. Hai vợ chồng đều vui vẻ, nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ đồng hương khi có yêu cầu. Có hôm sau chục ngày đi bụi, mệt và ngán ngẩm thức ăn Tây, chỉ cần alô trước, về đến nhà đã có sẵn nồi cháo gà Việt Nam nghi ngút khói. Trở trời, viêm họng, khô da, hỏi một tiếng là có thuốc ngay...

Được biết những phòng trọ nặng tình đồng hương ở trời Âu giờ cũng kha khá. Có nơi lên mạng để quảng cáo, có nơi in card để đưa người ở trước giới thiệu người ở sau.

8_T

Một quán cà phê hè phố ở thành phố Cannes, Pháp - Ảnh: Duyên Trường

 

Tôm hùm “mai phục”

Tại các thành phố châu Âu mà chúng tôi đến, từ những quảng trường lịch sử rộng lớn cho đến những con phố nhỏ đi bộ đều có các quán cà phê ngoài trời. Những quán này bày biện khá lịch sự và chẳng hề bát nháo như quán lề đường của ta. Trong tour đi bộ, bao giờ chúng tôi cũng chọn loại quán này để ăn nhẹ hoặc uống cà phê kết hợp ăn trưa với “thực đơn” mua từ siêu thị mang theo. Thỉnh thoảng có những cuộc đi bộ, rồi tàu điện xe lửa nối tiếp nhau cấp tập khiến thời gian không cho gì vào bụng lên đến gần 20 giờ. Sau lúc ấy, thường chúng tôi lại vào quán hẳn hoi, mỗi người một suất theo kiểu Tây và xin thêm vài cái đĩa không để tạo thành một bữa ăn chung nhiều món như ở quê mình.

Sau cả chục ngày ăn uống theo kiểu du lịch bụi ở trời Tây, tôi mới thấm thía hai câu Đi Tây phải sống như ta/Để khi về nhà ta sống như Tây được ghi lại trong Vì cuộc đời là những chuyến đi của Hiên Bonnin Trần. Nhưng cuộc đời luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên có lúc đi bụi mà cũng ăn sang.

Đó là giữa tour đi bộ thành Venice, chúng tôi dừng bước để ghé vào một quán ăn - cà phê ngoài trời khá dễ thương. Đã 16 tiếng đồng hồ, tính từ lúc lên tàu ở Vienna, chúng tôi chưa có gì bỏ bụng nên quyết định ăn cho đầy đủ. Một xà lách trộn, một khoai tây - bò và một spaghetti hải sản mà chúng tôi chỉ nhìn thấy hình quảng cáo trước quán (không thấy giá), có để những con sò đen rất lạ.

Tiết kiệm, gọi ba món dùng chung cho bốn người. Món hải sản dọn ra, chia nhau xơi trước những con sò đen bên trên. Kế đến là spaghetti. Nhưng chỉ một gắp đũa đầu tiên là phát hiện cái đầu tôm nhọn nằm ẩn khuất dưới những cọng mì. Trời ơi... một chú tôm hùm bị xẻ đôi nằm chìm bên dưới. Dù chú ta thuộc dòng họ tôm hùm khiêm tốn về vóc dáng, nhưng cứ “hùm” là nghe đã đe dọa túi tiền rồi.

Khỏi nói thêm gì về mặt mũi của những nhà “ta balô” lúc này. 80 euro riêng cho đĩa mì Ý hải sản có thể sẽ làm tăng thêm sự nể trọng khách Việt Nam ở anh bồi bàn, nhưng sẽ làm teo tóp lại những bữa ăn kế tiếp.

Dù sao thì Venice ơi, với chú “tôm mai phục” này, bạn đã tạo thêm một ấn tượng nhớ mãi cho chuyến du lịch bụi. Chuyến du lịch mà chúng tôi chỉ mất gần 1.000 euro/người cho 12 ngày dùng xe lửa đi 18 thành phố ở châu Âu. Cái giá đó tôi không dám chắc là có rẻ hơn so với đi xe hoặc máy bay không. Chỉ có thể nói rằng với xe lửa kết hợp đi bộ, chúng tôi đã cảm thấy là đã có được lợi thế hơn trong việc tiếp cận và cảm nhận phong phú nhịp đời cùng cảnh quan châu Âu.

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: báo Tuổi Trẻ từ số ra ngày 25.11.2012 đến ngày 28.11.2012)



Nghệ sĩ... “cái bang”

 

Lần đầu tiên nhìn thấy một phụ nữ đứng bất động trước nhà thờ lớn Frankfurt với đôi bàn tay chụm lại giữ lấy một “ống bơ”, chúng tôi sững người ra.

1_ImageView.aspx

Ăn xin tập thể: tám người đàn ông với quần áo, mặt nạ, mũ đội đầu cùng xám, ngồi dựa tường lặng yên. Có khách bỏ tiền vào thì tám “pho tượng” chuyển động và… vỗ tay reo hò

Ở một đất nước Đức giàu có, phúc lợi xã hội cao mà cũng có người ăn xin ư? Lòng vòng qua hàng chục thành phố thuộc hàng đỉnh của xứ Tây, chúng tôi ngộ ra rằng ăn xin không phải là “nghề” độc quyền của những đất nước nghèo khó. Có khác chăng là kiểu ăn xin “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại” nhằm lấy thương hại làm mủi lòng rất ít có ở trời Tây. Thay vào đó là những màn trình diễn “có làm mới có ăn” rất đa dạng và có phần tao nhã của đội ngũ cái bang xứ này.

Một chiều ở khu đền Pantheon (thành phố Rome, Ý), chúng tôi thấy khá đông du khách đang chen chân lắng nghe một giọng ca opera cao vút. Người hát là một phụ nữ mặc khá lịch sự - áo vàng bỏ trong váy đen, hai bàn tay cô đan vào nhau, hát tự nhiên và thoải mái. Dưới chân cô là một cassette phát nhạc, kề bên là một vali nhỏ mở bung chờ đón nhận những đồng tiền euro. Hát, chơi đủ loại nhạc cụ từ guitar tới kèn trompette, saxophone... là ngón nghề khá phổ biến.

Cá biệt ở Prague (Cộng hòa Czech), có người còn chơi cả đàn ly. Những “nghệ sĩ cái bang” này thường trình diễn ở các phố cổ, quảng trường, cầu đi bộ. Có khi họ chơi như một ban nhạc thực thụ, với phong cách vui nhộn, sinh động. Một hình thức biểu diễn khác cũng rất phổ biến là làm nhân tượng. Một thân người quấn kín bằng vải trắng hay vải nhũ vàng với gương mặt Ai Cập, cả lon xin tiền cũng quấn vải trắng, vàng, đứng bất động giữa trời đông.

“Đói cho sạch, rách cho thơm” và ăn xin cũng cho ra thể diện! Có thể tóm gọn như thế về các “nghệ sĩ cái bang” chuyên nghiệp, tự trọng ở trời Âu.

 

2_ImageView.aspx

Miệng thổi, tay đàn, chân nhịp - một nghệ sĩ biểu diễn “toàn thân”


3ImageView.aspx

“Người không đầu” bên lối vào lâu đài Saint Angelo, bảo tàng quốc gia của Ý. Du khách sẽ bất ngờ khi bỏ tiền vào ống bơ: chiếc đầu “tàng hình” sẽ cử động…


4ImageView.aspx

Xiếc, ảo thuật hay kungfu tại quảng trường Romer, thành phố Frankfurt (Đức)


5ImageView.aspx

Một ban tứ tấu trên chiếc cầu nổi tiếng mang tên Charles bắc qua dòng Vitava (Prague, Cộng hòa Czech)


6_ImageView.aspx

Một lão nghệ sĩ say sưa thổi kèn trong khi du khách đang chọn mua đĩa nhạc của ông

 

DUYÊN TRƯỜNG - LƯU ĐÌNH TRIỀU thực hiện

(X.2012)

(nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/517926/Nghe-si-%E2%80%9Ccai-bang%E2%80%9D.html


Chen chân cùng Expo 2010

 

Hội chợ triển lãm thế giới tốn kém nhất trong lịch sử. 58 tỉ USD được chi cho triển lãm cùng các công trình hạ tầng... Một bảo tàng nghệ thuật về những ý tưởng và cảm hứng của con người...

d_1

Đường sá trong hội chợ rộng lớn nhưng lối vào các nhà luôn trở nên chật hẹp

 

Những lời tán tụng kèm hình ảnh hấp dẫn trên hệ thống truyền thông đã khiến nhiều người Việt Nam không đắn đo móc hầu bao bay sang Thượng Hải. Tôi cũng đi với chút băn khoăn: đi lại, tham quan sẽ như thế nào trong khuôn viên rộng đến 5,28km2?

d_2

Xếp hàng đủ kiểu

“Điệp khúc” bắt buộc

Vương miện phương Đông của Trung Quốc tọa lạc trên một ngọn đồi cao. Đứng trong hay ngoài khuôn viên Expo 2010 Shanghai China tôi đều nhìn thấy nó - hoành tráng, hào nhoáng. Tuy nhiên tôi đã bất lực không đến với nó được. Anh hướng dẫn viên người Trung Quốc an ủi: “Tôi đã bốn lần đến đây nhưng vẫn chưa thăm được ngôi nhà của mình. Vì xếp hàng vào mất 6-7 giờ”.

Xếp hàng! Xếp hàng mọi chỗ, mọi lúc! Đó là điệp khúc mà bất kỳ khách nào cũng phải “hát” khi vào Expo 2010.

Anh hướng dẫn cho biết tùy thời điểm sáng hay xế chiều, tùy gian nhà của mỗi quốc gia - lớn, nhỏ và nội dung trình bày bên trong... mà thời gian xếp hàng có thể từ 10, 15 phút đến vài giờ. Bước xuống xe, ở cổng số 4 (có tất cả tám cổng), tôi đã hoa mắt trước một dòng người dày đặc, ùn ùn chuyển động. Mới đầu giờ mở cửa, khách ùa vào cùng lúc rất đông.

Theo thông tin từ quầy vé, lượng vé bán trong ngày này là 470.000 người. Còn mai, thứ bảy, ngày nghỉ? Số vé đăng ký trước đã là 600.000! Giá vé mua cá nhân là 160 nhân dân tệ (1 tệ bằng 2.800 đồng), mua theo đoàn là 130 tệ. Cầm vé rồi nhưng để vào được bên trong tôi phải mất hơn nửa giờ xếp hàng, chờ qua hai vòng kiểm soát nghiêm ngặt. Đặc biệt ở vòng 2 cũng rà, cũng dò như đi máy bay. Không ít chai nước, bật lửa phải chui vào sọt rác tại nơi này.

Qua cổng đã thấy nhiều tình nguyện viên đứng sẵn ôm cả xấp bản đồ (tiếng Hoa và tiếng Anh) phát không. Khu vực hội chợ quá rộng lớn, nếu không có bản đồ thay hướng dẫn viên (chỉ đưa khách qua cổng) soi đường chỉ lối coi như tôi botay.com. Nhưng cầm bản đồ trong tay rồi tôi lại phân vân. Đi đâu? Những 220 pavilion (tạm dịch là nhà), theo ước tính của cánh hướng dẫn viên, khách chỉ đi và xem không thôi, chưa kể thời gian xếp hàng, cũng mất ít nhất khoảng...15 ngày. Thôi thì cứ theo tâm lý “cục bộ địa phương”, tôi lủi vào khu châu Á, sát ngay cổng 4.

Ưu tiên “mì ăn liền”

Đảo mắt một vòng, thấy trước sảnh đường CHDCND Triều Tiên xếp hàng ngắn mà lại đang chuyển động nên tôi tiến vào luôn. Chỉ 10 phút sau là tôi có thể ung dung ngắm nhìn thành cổ, thác nước chảy... được tạo dựng cũng khá bắt mắt.

Bài học “chọn hàng ngắn, đang chuyển động, hiệu quả mì ăn liền” được cấp tốc nhân ra. Trong vài giờ tôi có thể “giải quyết” hàng loạt nước như Iran, Jordan, Palestine, Yemen, Bahrain, Afghanistan, Syria... và cũng kịp quay lại ngắm nhìn Dòng Sông Tre - VN. Nhà ta, vỏ ngoài, theo một số khách xem cũng độc đáo, nhưng nội dung trưng bày bên trong chưa thu hút lắm.

Có lẽ vì vậy khách đến thăm nhà đầy kín nhưng cửa vào không đến nỗi kẹt cứng. Một địa chỉ “mì ăn liền” khác là trung tâm văn hóa của hội chợ hình ôvan. Với mặt bằng rộng lớn lại tới năm tầng lầu, nên dù đông khách tới đây tham quan, trốn nắng và ăn trưa, việc vào ra cũng khá thoải mái.

Bên dưới trung tâm có cả một sân khấu khổng lồ 18.000 ghế ngồi, được thiết kế khá hiện đại dành cho những ai say mê nghệ thuật. Còn tận trên tầng năm mở ra một góc nhìn khá nên thơ: bên trái, dòng sông Hoàng Phố lượn lờ cạnh dãy công viên cây xanh; bên phải, “khu vườn treo” của Saudi Arabia, cung điện vòm mái tròn Ấn Độ nổi lên rực rỡ trong nắng trưa...

Lê la gần cả ngày trong hội chợ, tôi mới phát hiện một kiểu “mì ăn liền” khác là... dạo xe buýt (miễn phí). Xe đẹp, to rộng, nhưng bởi người quá đông, khách lên giữa chừng cứ bị ép sát vào nhau như “cá mòi đóng hộp” trông... tràn đầy tình cảm. Suốt lượt đi đầu tiên, tôi chỉ biết ngẩng cao đầu lên để dễ thở. Tới cuối đường tôi nhảy liền qua xe chạy ngược lại, trở thành những người khách đầu tiên có ghế ngồi khá thoải mái.

Cứ thế, xe chạy tới lui dọc đại lộ Shibo, cộng lại chắc cũng hơn cả chục kilômet, tôi có đủ tầm nhìn thưởng thức những nét đẹp kiến trúc đa dạng và lạ mắt. Từ cung điện hạt giống của Anh, thành phố gợi cảm của Pháp, đảo tằm tím của Nhật... cho đến những khối nhà liên kết to lớn của châu Phi, Liên Hiệp Quốc... Tất nhiên đi kiểu này (có thể dùng thêm xe điện - 10 tệ/người cho mỗi lần lên xe) rất đúng bài “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đánh điểm

Mang tiếng đi khám phá tinh hoa của thế giới mà chỉ dạo quanh những sảnh đường nhỏ bé thôi sao? Phải vào cho được một vài nhà “hàng hiệu” cho biết chứ. Ngay trong ngày đầu tôi đã “mạo hiểm” đi vào nhà Hàn Quốc. Nhưng đứng phơi mình dưới cái nắng như đổ lửa ở nhiệt độ 35OC, chưa tính đến độ nóng và hương lạ từ vô số thân nhiệt tỏa ra, quả là mệt mỏi.

Chờ hơn được nửa giờ mà hàng ngũ không cục cựa, tôi đành tháo lui. Ở ngày thứ hai, hạ quyết tâm cao, vừa vào cổng 8, sát khu vực châu Âu tôi phóng ngay đến nhà Nga, diện tích đến 6.500m2. Chờ. Nhích một đoạn. Dừng. Lại nhích một chút. Không gian xếp hàng có tám làn đường, mỗi làn dài khoảng 100m, trong đó có ba làn lọt trong mái che, còn lại lộ thiên. Canh đồng hồ, mất đúng 1 giờ tôi mới vào được khung cảnh được bài trí như “xứ sở thần tiên của Alice”.

Theo đường dẫn đi lên hình vòng cung, tôi vừa đi vừa ngắm nhìn MC ảo - một cậu bé đội mũ rộng vành chóp nhọn, giới thiệu về những công nghệ mới trong các lĩnh vực khoa học, qua các màn hình ẩn trải dài theo đường đi... Sau Nga, tôi lại dấn bước vào nhà Tây Ban Nha, được thực hiện bằng sợi liễu gai khá lạ mắt, trông như những chiếc giỏ cói khổng lồ đặt liền nhau.

Xếp hàng mất khoảng 1 giờ rưỡi, tôi được chui vào một đường hầm truyền hình đa chiều và điểm kết thúc là một cậu bé người máy khổng lồ, mắt xanh nhấp nháy chốc chốc lại nở nụ cười hiền... Càng về chiều nhà “hàng hiệu” cũng có phần giảm giá. Tính cả thời gian xếp hàng lẫn tham quan, ngắm nhìn những pho tượng huyền bí trong sảnh đường Ai Cập, tôi chỉ mất khoảng 1 giờ...

Xe chở chúng tôi rời khu hội chợ khi trời vừa sụp tối. Nhìn từ trên cầu cao, cả khu hội chợ bừng sáng như những chùm sao rơi rụng trên đất. Có ai đó buông câu: “Đi Expo vất vả thật!”. Vất vả nhưng vẫn thèm thuồng tiếc nuối. Người kêu đi ít quá. Người tiếc chưa kịp đón phà qua bên kia sông để xem những công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Riêng Hằng, một nhân viên PR, cùng cô bạn quyết định bỏ thêm một số tiền nữa bằng giá vé cả tour du lịch chỉ để ở lại xem Expo cho đã.

d_3

Sau cơn “bĩ cực” xếp hàng, một em bé vui sướng chụp ảnh cùng em bé người máy Tây Ban Nha

* Những món hàng được mua khá nhiều là hộ chiếu, ghế xếp nhỏ, dù. Hộ chiếu Expo nếu ghi đầy đủ thông tin cá nhân và ép nhựa có giá 60 tệ (1 tệ bằng 2.800 đồng). Nhà nào cũng có người chuyên đóng dấu visa vào từng quyển hộ chiếu vòng quanh thế giới này. Ghế xếp có đủ loại, bằng vải, nhựa, gỗ, kích thước nhỏ tiện cầm tay, giá 10 tệ, dùng để ngồi cho đỡ mỏi chân trong lúc xếp hàng. Dù để che nắng trong lúc xếp hàng và dạo hội chợ, giá từ 10 tệ trở lên.

* Tất cả các sảnh đường thường có quầy bán hàng lưu niệm. Đồng thời cạnh nhiều nhà thường có quầy ẩm thực giới thiệu món ăn, thức uống của từng nước.

* Suốt thời gian hội chợ từ 1-5 đến 31-10-2010, ngày nào cũng có những chương trình nghệ thuật của các quốc gia, diễn phục vụ trong nhà hoặc ngoài trời.

 

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=388102&ChannelID=100)


Chuông nhạc Việt ngân vang xứ Úc

 

TT - Sydney, tòa thị chính, đêm 2-11, 22g45... Ban nhạc Friends chơi bài Duyên dáng VN cho hơn chục ngôi sao nhạc Việt cùng cất cao tiếng hát. Dưới sân khấu, 2.000 khán giả tây - ta chẳng ai bảo ai cùng đứng dậy vỗ tay hòa nhịp...

Một kết thúc đẹp cho chuyến “Úc du” của hơn 100 ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu...

ddvn_1

Khán giả lưu luyến khi đêm diễn kết thúc - Ảnh: Thanh Niên

 

Chấn động

Văn Nghệ tuần báo ở Úc ngày 27-10 - 2005đã chạy một cái tít khá giật ngay trên trang 1 kèm ảnh một người mẫu: “Chương trình ca nhạc Duyên dáng VN - một sự kiện chấn động cộng đồng người Việt tại Úc”. Dù với hàm ý nào tựa đề trên đã phản ánh đúng một thực trạng: chương trình này được cộng đồng người Việt tại Úc rất quan tâm ngay từ khi nó chưa xảy ra.

Từ thủ đô Canberra đến TP Sydney, câu hỏi mà chúng tôi được nghe từ nhiều bà con Việt kiều là kiếm giùm vé xem Duyên dáng VN được không. Nguyễn Huỳnh Thanh Tú vừa tốt nghiệp ĐH Canberra, tự nhận là fan của Lam Trường và Phương Thanh, cho biết mọi người thích đi xem vì đây là cơ hội có một không hai - chương trình qui mô lớn tập trung nhiều ca sĩ nổi tiếng.

ddvn_2

Khán giả Úc và những chiếc nón lá VN trong đêm diễn DDVN tại Sydney - Ảnh: TN

Kỹ sư Hồng Thanh làm việc tại thủ đô thì kiếm vé cho ông chủ người Úc của mình, vì ông ta tò mò muốn biết về văn hóa VN. Đại biện lâm thời VN tại Úc Trần Văn Hính, sau khi chạm ly rượu vang chúc mừng đoàn đến Úc, nói liền với chúng tôi: “Khổ lắm, mấy hôm rồi bà con Việt kiều đến sứ quán xin vé rất đông, nhưng làm sao đáp ứng đủ. Như Nhà hát Canberra chỉ có 1.200 chỗ ngồi mà chỉ riêng nhu cầu đối ngoại, quan hệ với bạn Úc, khách quốc tế tại chỗ đã quá nhiều...”.

Nếu như qui mô hoành tráng của chương trình đã là một sức hút thì thông tin trên báo điện tử trong nước và cả báo chí Úc lại tạo nên không khí náo nức, chờ đợi. Một số báo, đài truyền hình đã đăng ký trích phát và giới thiệu chương trình Duyên dáng VN, trong đó có kênh 9, kênh ABC, báo Canberra Times...

Một cán bộ sứ quán đánh giá tiếng ngân vang của hồi chuông âm nhạc Duyên dáng VN sẽ còn vang vọng vài tháng nữa trong cộng đồng Việt kiều ở đây. Đó cũng là thời gian để kiểm nghiệm hiệu quả cụ thể do tác động của chương trình với người Úc.

 

Sau Úc, là...?

ddvn_3

Phương Thanh với Dạ cổ hoài lang - Ảnh: Ngọc Hải

Chuyến ra quân lần đầu đã thành công. Liệu sẽ có chuyến đi thứ hai sau này? Câu hỏi được đặt ra với hai nhà tổ chức. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN Phạm Ngọc Minh cười: “Chủ trương của hàng không VN vẫn là quảng bá hình ảnh VN đến mọi nơi. Song đây là một câu hỏi khó trả lời ngay lúc này”.

Tại bàn ăn sáng ở khách sạn Avillion - Sydney, tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế cho rằng chuyến đi này như một cuộc thử lửa để có thể mở tiếp những chuyến đi khác. Và trong đầu ông đã dự tính chuyến đi năm tới sẽ là Mỹ. Vậy ông lo nhất là gì? - Vẫn là nội dung chương trình!

Với một chuyến đi ra nước ngoài có hàng trăm người, tiền bạc quả là một chuyện đau đầu. Nhưng hiệu quả - mục đích chính của chuyến đi - vẫn là do chất lượng chương trình. Theo dõi liền hai đêm diễn ở Canberra và Sydney, chúng tôi khó quên được cảm xúc lâng lâng trước những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Đặc biệt ở Tòa thị chính Sydney, khán phòng lớn hơn với 2.000 người, tiếng hò reo, vỗ tay càng thêm mạnh mẽ như sóng trào.

Có những nhóm bạn Việt - Úc đã cùng đứng dậy uốn người nhảy múa theo bài ca kết thúc của các ca sĩ... Một hình ảnh về nhịp cầu văn hóa rất cụ thể. Song như thế cũng chưa thể yên tâm kết luận rằng chương trình quá tốt, đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu khán giả tây - ta. Một cuộc bàn luận trên xe giữa các vị lãnh đạo ngành văn hóa, du lịch, các nhà báo tháp tùng cũng chỉ thống nhất được là nhìn tổng thể đạt yêu cầu. Còn đi vào một số tiết mục lại có cự ly khen chê khác nhau...

Từ đó nảy ra một số câu hỏi khi làm chương trình diễn ở nước ngoài: tính dân tộc và yếu tố đương đại phối hợp thế nào cho ra cái duyên Việt? Liệu có thể xây dựng một nội dung vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của Việt kiều xa quê (nhiều thành phần, lứa tuổi), vừa giới thiệu văn hóa đất nước với người dân bản xứ?

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, người sát cánh với chuyến đi, cho rằng trong các hoạt động đối ngoại của VN, đã có nhiều hoạt động về chính trị, kinh tế và hiện đang rất muốn phát triển về khía cạnh văn hóa... Sắp tới, đối với các đoàn giao lưu văn hóa, Bộ Ngoại giao sẽ liên hệ với phía nước ngoài, với các sứ quán của ta, sẽ tham gia hỗ trợ bằng cách thông tin, vận động hỗ trợ tài chính cho các đoàn...

 

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn:  http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/106458/Chuong-nhac-Viet-ngan-vang-xu-Uc.html



* Jakarta, nhìn từ đường phố

 

long_lay

Jakarta về đêm lộng lẫy

 

Indonesia - cái tên gây ấn tượng trong tôi, khổ nỗi lại chỉ là chuyện tai ương: động đất, sóng thần, cháy rừng, rớt máy bay, đắm phà. Và lần đầu đến Indonesia, tôi thấy...

Trên cao nhìn xuống, sân bay Shoekarno - Hatta trông giống như một ngôi làng châu Á cổ vừa thay ngói mới. Những mái nhà đỏ hồng trong nắng nối tiếp, trải dài chen giữa màu xanh cây cỏ, hoa lá. Từ máy bay bách bộ vào trong, dọc theo những hành lang lát gạch đỏ, hai bên là kính trong, nhìn ra thấy mát mắt với những vườn hoa, cây xanh... Cái cảm giác như đi nghỉ mát ở khu resort nào đó ùa tới.

Hiện đại và lụp xụp

Sau những cú chào lịch sự, chiếc xe chở đoàn chúng tôi vào khách sạn Gran Meliã không bằng cổng chính mà bằng ngõ phụ. Ở đó có một nhóm người gồm cảnh sát, nhân viên khách sạn chờ sẵn. Họ đưa tay lên ngang đầu chào khách rất lịch sự. Sau đó người mở cửa xe ngó vào dưới các băng ghế, người thì cầm dụng cụ rà bom mìn dò dưới gầm xe. Sau đó là một lời cảm ơn kèm theo một cú chào trước khi xe lăn bánh. Nhưng vẫn chưa hết... Xe đỗ xịch trước tiền sảnh. Một đôi mắt "dò xét" và cái mũi khịt khịt của... một chú quân khuyển. Tiếp đó, túi xách cùng tất cả đồ đạc trong người đều chạy qua máy dò kim loại, còn người bước qua cánh cổng để nhân viên "cà cả” người bạn... Chị Ngà - người có khoảng 20 lần đến Indonesia - trấn an: "Kiểm tra như thế để đảm bảo an toàn tối đa thôi chứ tình hình an ninh trật tự cũng êm lắm"...

Đường từ sân bay vào trung tâm Jakarta chừng 40km, khá lớn gần gấp đôi xa lộ Hà Nội ở TP.HCM. Hai bên đường, nhà cửa trông tuềnh toàng, tầm tầm như ta. Chẳng lẽ đất nước có thu nhập GDP bình quân trên đầu người gấp đôi nước ta, nhưng mức sống chưa nhân hai được?

30 phút sau đó, tôi mới ngộ ra mình nhầm. Trước mắt tôi, bắt đầu hiện lên những tòa cao ốc hoành tráng, hiện đại, đủ kiểu dáng mọc san sát nhau. Về đêm, "nét giàu có” Jakarta càng lộng lẫy hơn với những dòng sông ánh sáng tuôn chảy trên các đại lộ, trung tâm thương mại.

Những căn hộ chung cư cao vòi vọi, những khu dân cư ngay hàng thẳng lối ở thủ đô thường không nằm sát đường mà hơi lùi vào trong. Có một chiều, chúng tôi đã thử thâm nhập một khu nhà bên đường JI. Patal Senayan. Không khí náo nhiệt, ồn ào của xe cộ lặn đi để mở ra một không gian yên tĩnh, thanh nhã. Đa số nhà đều có chân cao trên đất, tựa như những mái nhà của người dân tộc ở nước ta.

Nhưng có một nhịp sống khác có khoảng cách khá xa so với nhịp sống phồn vinh ở trung tâm thủ đô. Ở ngoại thành, cách trung tâm 20km, một khu chợ bày ra ngay dưới lòng đường, bán từ cọng rau cho đến miếng thịt, con cá trên những cái mẹt, tấm trải... Những mái lều tôn, phủ che mấy tấm nilông xanh đỏ là thành một cửa hàng bán giày dép, mỹ phẩm... Xe xích lô đậu chỏng chơ đợi khách hay những xe đẩy bán nước, bán trái cây gọt sẵn...

Chênh lệch giàu - nghèo ở quốc gia đông dân hàng thứ tư trên thế giới (trên 220 triệu người) vẫn đang trong tình trạng như Việt Nam. Chuyện xóa đi khoảng cách ấy vẫn là một thách thức lớn trên đường đi tới.

Nhiều ôtô, ít xe máy

Đường sá ở thủ đô Indonesia nhìn chung rất rộng thoáng, phần  lớn có từ sáu đến chục làn xe với dải phân cách hẳn hoi. Trên những đường lớn bên ngoài trung tâm hiếm có ngã tư, ngã năm mà thay vào là cầu vượt, đường trên cao. Đi trên đường phố Jakarta, tôi phát "ngộp" vì xe hơi đông như xe gắn máy ở ta. Xe lớn, xe bé cứ nối đuôi nhau chạy vô tư. Jakarta vẫn còn xe máy nhưng ít hơn nhiều so với ôtô. Có khi chạy suốt một con đường, giữa hàng trăm ôtô chỉ thấy lẹt đẹt vài chiếc xe máy. Vào gần trung tâm thành phố, những chiếc ôtô chạy chậm đều, bởi mật độ xe dày hơn và có thêm sự xuất hiện của nhiều xe buýt.

Guan Swee Kwee là một thương nhân Malaysia, song qua lại Indonesia như cơm bữa. Gần đây, anh nhận định tình hình kinh tế Indonesia phát triển, đời sống cao hơn, nên tầng lớp trung lưu trở lên mua ôtô nhiều hơn. Xe nhiều nhưng hiếm hoi mới bị kẹt xe. Hiện thành phố qui định chỉ có xe chở trên ba người mới được vào thành phố giờ cao điểm... Và xem ra đi lại ở Jakarta cũng thoải mái hơn thủ đô Bangkok, Thái Lan chứ chưa so sánh với TP.HCM hay Hà Nội.

Tình ca hòa quyện thánh ca

Hình ảnh những phụ nữ Hồi giáo ẩn trong chiếc áo choàng phủ đến tận chân, cùng chiếc khăn quấn đầu, tôi đã được nhìn thấy khá nhiều khi đến Malaysia. Vậy mà lạ, ở thủ đô của đất nước có đến gần 90% người Hồi giáo này, thi thoảng lắm tôi mới gặp một vài phụ nữ có tuổi trong bộ trang phục truyền thống.

Ở một cửa hàng ăn nhanh tại trung tâm thương mại Cybubur Junction, cô gái tuổi mới lớn Nuria nom rất nhí nhảnh trong bộ đồng phục của cửa hàng - áo pull trắng, váy màu cam. Cô luôn cười tươi. "Trang phục truyền thống chỉ còn mặc vào dịp lễ hội thôi" - cô nói. Dù Indonesia là đất nước của đạo Hồi song luật pháp ở đây bớt nghiêm ngặt về chuyện ăn mặc và hành xử trên sân khấu đối với giới nghệ sĩ hơn Malaysia. Tuy nhiên, ở hai điểm nhạc sống mà tôi đã đến, sự "hở" cũng có mức độ.

Cánh nam giới cũng vậy. Ở những hàng quán ẩm thực Indonesia mới thấy những nam phục vụ quấn "xà rông". Đi quán đi phố, họ có thêm những áo hoa may bằng vải batik nổi tiếng trông rất ư là nghệ sĩ. Đàn ông ở Jakarta thường để râu, nhìn khá ngầu. Ấn bản thứ hai của tạp chí Playboy Indonesia cũng đã phát hành rộng rãi từ giữa năm ngoái tại thủ đô... Nhưng phần lớn chẳng có vẻ ngầu, ăn chơi tí nào. Cho dẫu lang thang đến giữa đêm cũng chẳng tìm thấy một đám cãi vã, nói gì đến ẩu đả. Giọng lè nhè, dáng liêu xiêu chực ngã trên đường thì càng tuyệt đối chẳng có. Điều này có thể lý giải một cách đơn giản: đàn ông đạo Hồi có đụng đến chai rượu hay bia bao giờ!

Nhẫn nại! Từ này tình cờ tôi được nghe thấy ở Jakarta khi ngồi cùng ông Byung Ki Lee, chủ Tập đoàn Korindo, người Hàn Quốc: "Tôi qua sống ở đây cùng gia đình đã được 20 năm. Tôi sống được chừng ấy thời gian dài vì tôi thấy con người và đất nước Indonesia hiền hòa. Chính sự hiền hòa và cả nhẫn nại đó đã góp phần giáo dục ngược lại tôi, bớt nóng nảy hẳn đi so với lúc mới trở thành cư dân ở đất nước này...".

Sáng chia tay Jakarta. Đầu óc tôi đang lan man với một thông tin mới vừa nghe lóm được: một album nhạc hòa quyện tình ca với thánh ca mới được phát hành, mang tên My longing for you. Tác giả lại là một chính trị gia, nguyên là một vị tướng: tổng thống Indonesia đương thời Susilo BambangYudhoyono. Thật thú vị!

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/228720/Jakarta-nhin-tu-duong-pho.html)

 


 

 

* Bay bay cùng lễ hội bướm hoa

 

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 ở Hàn quốc là thời gian giao mùa Xuân  Hè - Cô Chon, nhân viên của  Ban tổ chức Festival bươm bướm 2010 mở đầu câu chuyện. Từ lâu lắm  rồi tại quê hương chúng tôi cứ đến thời điểm này là bươm bướm túa ra  bay lượn trên những ngọn đồi, trên những cánh đồng rất đẹp mắt. Đó là điểm khởi nguồn cho sự ra đời của  Lễ hội bươm bướm …

05-le-hoi-6510-300A1

ảnh: Internet

Bước chân qua chiếc cầu gỗ vắt ngang dòng suối chảy phía trước khu vực lễ hội, là chúng tôi đã hòa nhập  vào thế giới bươm bướm. Bướm thật , bướm khô, bướm tượng, bướm tranh,…giăng giăng khắp nơi.

Nổi bật nhất là hai cánh bướm rất to mà cô Chon bảo rằng làm bằng hoa Đỗ quyên, nằm khoe mình trên sườn núi  Susanbong, sát cuối khu vực  lễ hội.. Trên các lối đi ngập tràn các loại hoa đủ sắc màu làm nền cho bướm. Đặc biệt những vườn bông cải vàng ươm lại trở nên lộng lẩy trong nắng chiều thu hút rất nhiều bông hoa người ăn theo chụp ảnh.  Khung cảnh rất thiên nhiên đó được điểm tô thêm những hình ảnh khá dễ thương: các đôi nam nữ kéo nhau ra hồ nước nhân tạo đùa giỡn hoạc ngồi riêng dưới một tổ kén lớn tâm tình.

05-le-hoi-6510-300A2


những cô cậu bé  ra điệu ra  bộ uốn éo chụp ảnh bên những tượng bướm…Có cô, cậu sà vào “ túp lều họa sỹ” chờ vẽ bướm lên đôi má bầu bỉnh  để làm duyên.

Tuy nhiên trên các con đường rộng lớn trong khuôn viên lễ hội, cánh  bướm bay bay hãy còn thưa thớt. Chúng tôi phải đứng xếp hàng trong dòng người khá dài để chờ vào ‘ động” bướm thật. Đó là một vườn hoa  khá lớn  mà ngay chính giữa là nhà  vòm bằng  nhưa để cho hàng đàn bướm bay lượn mà không… bay luôn được ra ngoài. Từ khu vực này bước đi một quảng là chạm mặt “ bảo tàng” bướm mini. Những xác bướm xanh, đen,vàng đỏ, trắng, nâu…trải dọc các bức vách.  Những kệ đứng đặt gần đó trưng bày những ổ kén, những chú sâu bướm ngọ nguậy…Ai yêu thích loại côn trùng này tha hồ tìm hiểu, ngắm nhìn mà không cần tới kính hiển vi…

clip_image003


Sự độc đáo của lễ hội không dừng ở việc phô diễn những cánh bướm. Trên bất kỳ lối đi nào, du khách đều có thể nhìn thấy hình tương của những loài côn trùng khác. Ngay trong “động bướm”,  có một hàng dài  những hồ nước bằng kiếng trong suốt cho đủ loài cá bơi lội. Ngoài ra khu vườn thực vật nằm liền kề “động bướm” giới nhiệu khá nhiều loại cây ăn quả , thào dược….

Cứ rảo bước trong lễ hội vài giờ đồng hồ , dù chân bắt đầu mõi nhưng tâm hồn du khách như  cứ lâng lâng, bay bay trong cái khung cảnh thiên nhiên yên bình , thơ mộng mà gần gũi ấy. Những hồi ức tuổi thơ “đuổi bướm cạnh cầu ao”, những kỷ niệm hẹn hò trong vườn hoa thắm sắc màu …cứ lãng đãng theo bước chân chia tay lễ hội…/.

05-le-hoi-6510-300A3

ảnh: Internet


Box 

Thuộc vào hàng top của thế giới, Lễ hội bươm bướm diễn ra mỗi năm một lần tại huyện Hampyeong tỉnh Jeollanam ( cực nam Hàn quốc). Năm nay là năm thứ 12, lễ hội kéo dài đúng 12 ngày và vừa kết thúc vào ngày 9.5. Ngoài yếu tố vui chơi, thưởng ngoạn, theo Ban tổ chức đây còn là địa chỉ thích hợp cho thanh thiếu niên tìm hiểu về sinh thái học, về những hoạt động liên quan đến nông nghiệp.



* Đi tìm nàng Dae Jang Geum

TT - Với tôi, gần sáu năm qua nàng Dae Jang Geum (trong bộ phim truyền hình cùng tên) đã là một biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống của xứ kim chi. Liệu còn mấy bóng dáng nàng Dae Jang Geum trên một nước Hàn hiện đại?

trieu_1

Quan “du xuân” trong cố cung Gyeongbok - Ảnh: L.Đ.T.

Giữa trưa nắng chói chang một ngày đầu tháng 5, hàng ngàn khách vẫn rồng rắn đổ vào cố cung Gyeongbok, nằm phía cuối đại lộ chính Seoul.

Từ cố cung đến công viên thiên niên kỷ

Ở Hàn Quốc có nhiều tour trải nghiệm văn hóa mà học làm kim chi là một loại. Khi vào lớp, mọi người phải mang tạp dề và chia nhóm bốn người đứng đối diện nhau trước bàn bếp để sẵn các loại nguyên liệu, gia vị. Cô giáo Hàn đứng sau bếp lớn, hướng dẫn cách thái củ cải, su hào, trộn gia vị, cách xếp, cuộn gia vị xen giữa các lá bắp cải thảo... Gần 30 học viên thoải mái vừa học vừa chơi trong suốt gần hai giờ, sau đó hớn hở ra về với hộp kim chi do mình tự làm kèm thêm một giấy chứng nhận.

Cảnh xưa người cũ. Trước chính điện, nhiều du khách chen chân nhìn ngắm, chụp ảnh trong cung, với ngai vàng, phướn lọng, đao, kiếm... Những người lính trẻ, quân phục xanh, đỏ, nón rộng vành giắt lông công đứng lặng im như tượng ngay lối ra vào. Thỉnh thoảng lại có phiên đổi gác, một chuyến “du ngoạn” của vợ chồng một vị quan với đầy đủ lính hộ tống, lọng che... bắt mắt.

Nhưng vượt 370km đến thành phố Gyeongju, khám phá công viên thiên niên kỷ Shilla, bạn còn thấy những hình ảnh sinh hoạt thời cổ một cách sinh động hơn. Công viên xây ngay trên thành đô vương quốc Shilla cổ (năm 57 trước Công nguyên đến 935 sau Công nguyên) nằm ở phía nam Hàn Quốc.

Thành cổ được tái dựng hoành tráng, lưng tựa vào núi, mặt soi hồ nước, có mở nhánh như sông. Rải rác là những ngôi làng xưa, nhà vách đất, mái tranh với nhiều loại đồ dùng sinh hoạt, đánh bắt thô sơ.

Như một suất chiếu phim, đúng giờ đã định cửa thành mở ra, hiển hiện khung cảnh mua bán, vui chơi... Rồi giặc ngoại xâm tràn đến, quân tướng ra sức chống trả, chiến đấu kịch liệt trên bộ lẫn dưới nước...

Thức ăn nhanh thua món Hàn

Với khoảng 300 nhà hát, trung tâm nghệ thuật và bảo tàng, Seoul thừa khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những người muốn tìm lại dáng xưa Dae Jang Geum. Một đêm trong nhà hát Chongdong, tôi cùng đồng nghiệp các nước đã ngồi lặng yên suốt gần 100 phút thả hồn theo nhạc điệu cổ truyền réo rắt, say sưa ngắm nhìn những vũ điệu truyền thống được dàn dựng trong vở Miso.

Tàn vở diễn, tất cả diễn viên giữ nguyên trang phục cổ kéo nhau ra sân để du khách vai kề vai chụp ảnh lưu niệm. Tuy nhiên nói về sự thú vị các bảo tàng Hàn Quốc, nhiều người sẽ không ngần ngại bỏ phiếu ngay cho Tteok - bảo tàng ẩm thực.

Khuôn viên nhỏ nhưng Tteok chuyển tải một giá trị to lớn của một nền văn hóa ẩm thực. Nhớ, có đến mấy chục món cao lương mỹ vị được bày ra thật đẹp mắt chỉ trong vài chục giây xuất hiện ở một cảnh phim Nàng Dae Jang Geum. Còn ở đây dễ có đến vài chục ngàn món từ dân dã đến cao sang, yên vị năm này tháng nọ cho mọi người “khảo sát”. Lại có riêng những thực đơn gắn liền với tập tục truyền thống như món ăn dành cho các bé ngày đầu tiên đi học, mâm cơm mừng 100 ngày sinh...

Những công cụ làm ra thực phẩm cũng được trưng bày đan xen... 10 ngày ở Hàn Quốc, tôi đi nhiều chốn, ăn nhiều món và nghiệm ra văn hóa ẩm thực cổ truyền của đất nước này vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ.

Ở Seoul, nhịp độ sống rất công nghiệp, nhưng chú ý tìm trên đường phố những cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald, Kentucky vẫn hiếm thấy. Jang Su Jin, nữ sinh viên năm 4 khoa tiếng Việt ĐH Ngoại ngữ, trong bộ “vía” rất mốt cười thú nhận không thích lắm thức ăn nhanh và vẫn quen ăn các món Hàn mẹ nấu cho từ bé. Riêng giáo sư Chong ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Hàn Quốc thông tin đầy đủ hơn: những năm 1980, 1990, nhiều tiệm thức ăn nhanh nước ngoài phát triển khá mạnh, nhưng giờ ít đi vì phụ huynh sợ con em mình béo phì.

trieu_2

Nhiều món ăn quá không nhớ nổi, thu vào máy ảnh cho chắc - Ảnh: L.Đ.T.

Gần lại với cha ông

Dưới nhiều tác động khác nhau, chuyện giới trẻ Hàn Quốc tìm về, gắn với văn hóa truyền thống khá phổ biến. Như anh sinh viên năm 3 Kim Do Seong tôi gặp trong một ký túc xá, trông tướng khá bụi nhưng năm nào cũng đi viếng mộ ông nội, ông ngoại.

Như hai cô gái đi dự lễ cưới xúng xính trong bộ hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) trước khách sạn Lotte Seoul. Đến bảo tàng quốc gia, thăm công viên Shilla hoặc dự lễ hội bươm bướm truyền thống của vùng Jeollanam-do... tôi luôn nhìn thấy từng đoàn học sinh, các nhóm bạn trẻ lũ lượt kéo vào.

Ngay trên quảng trường lớn Gwanghwamun cũng là nơi ôn lại văn hóa lịch sử một cách dễ chịu. Ngoài hai tượng đài danh nhân bên trên, tầng hầm bên dưới là những góc bảo tàng thu nhỏ.

Đáng kể nhất, chạy hai bên quảng trường là những con đường nước lịch sử (waterways of history) với lối đi rộng khoảng 1m, ốp đá dưới đáy, trên lấp xấp nước. Ước tính ở phía đông có khoảng 600 viên đá, trên mặt đá khắc năm và sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra trong năm đó (từ năm 1392, khi triều đại Joseon thiết lập cho đến ngày khánh thành quảng trường). Trong lúc đưa tôi thăm quảng trường, Jang Su Jin bộc bạch: “Tôi và chúng bạn thường ra đây thư giãn, sau đó qua con đường bên kia - cô đưa tay chỉ - để ăn uống. Toàn là món Hàn không thôi!”.

Gần lại với Dae Jang Geum! Đó nào là phải chuyện của tôi hay của bất kỳ du khách nước ngoài nào. Đó là việc của những thế hệ đi trước ở Hàn Quốc đã và đang làm cho giới trẻ. Và xem ra họ đang làm rất tốt điều này.

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn:

http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=380035&ChannelID=100


* Tour tập tu hành

TT - Không truyền hình, không máy lạnh, không điện thoại và... không giường ngủ, tour ở chùa đang là một trong những tour trải nghiệm văn hóa thu hút khá nhiều khách nước ngoài tại xứ sở kim chi.

trieu_3_

Vãn cảnh chùa - Ảnh: L.Đ.T.

trieu_4
 

Các “đệ tử mới” chờ giờ đàm đạo (nhà báo Lưu Đình Triều, thứ 2 - từ phải qua trái)  Ảnh: CTV

 Sau gần nửa giờ leo dốc lên núi Chogyesan (tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc), chiếc xe thả đoàn khách 30 người trước cổng chùa Songgwangsa lúc xế chiều. Là một trong ba ngôi chùa quan trọng của Hàn Quốc, Songgwangsa được xây dựng vào năm 867 sau Công nguyên và từ lâu đã trở thành một trung tâm thiền quốc tế với hơn 50 thiền đường lớn nhỏ.

Gọi là chùa nhưng Songgwangsa trông giống một khu resort nằm giữa chập chùng đồi núi và được che chở bởi rừng cây xanh. Khách được chia ra năm người/phòng. Trong phòng để sẵn “đạo phục” khách phải mặc: áo gilê vàng và quần bông màu xám. Không truyền hình, máy lạnh, điện thoại và... giường ngủ là đặc điểm chung ở “resort” này.

Tối, các “tăng sĩ mới” được tập họp trong một căn phòng rộng. Ngồi bệt dưới sàn nhà, đích thân thầy quản lý pha trà và tất cả vừa uống trà vừa đàm đạo. Đoàn khách nhiều quốc tịch nên cuộc chuyện trò thông qua một thầy phiên dịch trẻ khá... đẹp trai và nói tiếng Anh rất lưu loát. Khách được nghe kể về lai lịch chùa, con đường trở thành nhà tu và về sự giác ngộ mà ai cũng có thể đạt tới nếu quyết chí tu hành. Sau đó, mọi người được hướng dẫn cách ngồi xếp bằng, vái lạy đúng kiểu nhà phật và đêm nhập môn kết thúc bằng 10 phút ngồi thiền...

Chị Minhha Bai - một cán bộ văn hóa - cho biết tour ở chùa là một trong những tour trải nghiệm văn hóa thu hút khá nhiều khách nước ngoài. Tour chỉ diễn ra một lần/tuần, kéo dài từ 16g thứ bảy đến 10g ngày chủ nhật. Giá vé trọn gói 40.000 won/người (khoảng 40 USD).

Như các địa điểm tổ chức du lịch khác, nhà chùa cũng lập website, làm tờ bướm tự giới thiệu, quảng bá rộng rãi.

3g sáng mọi người đã được đánh thức và lục tục kéo nhau lên chánh điện. Gió thổi lạnh cắt da nhưng dưới những tượng Phật uy nghiêm đã có gần cả trăm thầy đang ngồi thiền như tượng. Thầy phiên dịch lặng lẽ lấy các tập kinh có phiên âm chữ Latin đặt trước mặt khách.

Một hồi chuông vang lên. Các “pho tượng” chuyển động. Tiếng đọc kinh như một dàn đồng ca đều nhịp. Chốc chốc các thầy đứng lên lạy, rồi quỳ xuống vái. Đã được phổ biến trước, cả đoàn du khách cũng lặng lẽ đọc, vái, lạy. Nhưng quỳ chưa đầy nửa giờ ai cũng mỏi gối, chân run nên dần cứ... xuôi chân, chắp tay lấy có.

Tối qua thầy quản lý cho biết cầu kinh sáng phải lạy 108 lần và mỗi ngày ba lần như thế!

Trở về phòng, nhiều người định... ngủ tiếp nhưng giờ ăn sáng đã tới. Điểm tâm ở chùa cũng có buffet với hai món chính cháo đậu đen và cơm trộn, còn lại là rau dưa và kim chi.

Ăn uống xong du khách bắt đầu viếng cảnh chùa. Càng đi sâu vào Songgwangsa càng có cảm giác như đi vào một làng xưa. Những ngôi nhà lớn nhỏ đều thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống với hoa văn trang trí nghệ thuật. Đường làng quanh theo những con dốc, lên xuống với những bậc thang. Bao quanh làng là một dòng suối rộng lượn lờ bên những tảng đá to và vô vàn cây xanh, hoa lá.

Khung cảnh đẹp cộng với không khí tĩnh mịch, thanh thoát... cảm giác bụi trần, thế tục cứ thế dường như mờ xa...

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=385299&ChannelID=100

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com