BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Sách mới của HUỲNH DŨNG NHÂN

LÊ MINH QUỐC: Sách mới của HUỲNH DŨNG NHÂN

Chiều ngày 18.7.2012, tại Hội Nhà báo TP.HCM nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chính thức ra mắt hai tập sách mới: Tuyễn tập phóng sự Kính thưa O6sin, Để viết phóng sự thành công (NXB Thông Tấn). Nay post bài tôi viết về Huỳnh Dũng Nhân từ năm 1994, và anh đã chọn in lại trong tập sách ấn hành dịp này.

de-viet-phong-su-thanh-cong_14_5x20_51

 

Những trang viết ngồn ngộn sức sống

Mặc dù, trước đây tôi đã từng đọc phóng sự này trên báo, nhưng khi đọc “Tôi đi bán tôi” tôi vẫn không ngờ Huỳnh Dũng Nhân lại đi đến nhiều nơi, nhiều chốn đến như thế. Anh nói: “Đi, yêu và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời”, và anh đã thật sự sống như thế. Mới gặp anh ở Trường Sa, xứ Lạng lại thấy anh nhảy qua đảo khỉ, mới thấy ở thành phố cảng, Thái Lan, Long Hải, Cà Ná… thì nay đã đến xứ sở Hansen…”

Huỳnh Dũng Nhân là cây bút “có nghề”. Lằn ranh của thể loại phóng sự và chất văn như hòa vào nhau trong tác phẩm của anh. Có thể tìm gặp ở đây những chi tiết ghép rất báo chí, nhưng cũng có thể bắt gặp ở đây những hình ảnh, ngôn ngữ đầy chất văn học. Vì lẽ đó, người đọc đi vào trang văn của anh một cách dễ chịu. Con mắt của một nhà báo đã buộc anh không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Khi đến làng cùi Qui Hòa, anh ghi: “Thi sĩ Hàn Mặc Tử - bệnh nhân mang số 1134”, đi về miền Tây, anh ghi: “Cô nữ diễn viên thủ vai “người tình” ấy cũng đã ở tại khách sạn Sa Đéc ba đêm bốn ngày, tại phòng 211, loại sang nhất giá 20 USD một đêm…”. Đó là những chi tiết sống động không thể viết bằng sự tưởng tượng. Đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến Sơn Nam, đã có lần ông bảo tôi: “Một bài báo hay là trong đó người viết nêu lên được những chi tiết mới lạ mà ngay cả dân chuyên môn của lãnh vực đó cũng không phát hiện được”. Trang viết của Huỳnh Dũng Nhân ngồn ngộn những chi tiết quý báu như thế. Máu tò mò của nhà báo đã giúp cho anh chăng?

Bên cạnh đó, khả năng diễn đạt về văn học của anh đã giúp cho người đọc hình dung vấn đề một cách sinh động hơn. Đấy là lúc chuyến xe của anh đi vào làng cùi chưa có một đoàn cứu trợ nào tới – làng Dakpolan: “Cứ đi một lúc, xe phải dừng lại để dò đường. Thỉnh thoảng, cả đoàn phải xúm vào đẩy, khiêng xe. Rồi chặt cây, vác đá lót đường. Đẩy nổi cả gân đít mà xe không thèm nhúc nhích. Ai nấy thở phì phò, bùn bắn lên tận mặt”. Đấy là lúc anh phóng xe vào khu vực đàn voi dữ Xuyên Mộc: “Cứ lẩn quẩn trong đầu tôi với ý nghĩ ấy nên tôi muốn xỉu khi nhìn thấy hai con voi lù lù xuất hiện bên đường. Tôi thắng gấp, đuôi xe quay một vòng, Voi nhà hay voi rừng đây?... May quá, lúc ấy có một chiếc xe hơi đến. Hai con voi lẩn vào bụi cây. Tôi phóng xe vọt nhanh đến nỗi chiếc xe hơi kia không đuổi kịp…” hoặc những đoạn mô tả anh tụt xuống hầm than ở Mông Dương, những chuyến du hành về phương Nam, những lần Tôi đi bán tôi… là những đoạn sinh động, hấp dẫn. Cứ như là đang đọc tiểu thuyết.

Chất báo chí và chất văn học trong phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân đan quyện vào nhau làm nên một giá trị đặc sắc. Hãy đọc thử mẩu đối thoại này khi anh đến Sơn La và gặp hoàn cảnh cay nghiệt của người đàn bà có con ngoài giá thú: “Anh cứ nghĩ mà xem, phụ nữ không sinh nở như cây không đơm bông kết trái. Chúng tôi là phụ nữ, thèm được cái quyền làm mẹ, khao khát được giặt giũ, bú mớm, may vá, dạy dỗ cho một đứa con. Mà ở vùng cao thì “ba xu một mớ đàn bà, đàn ông đàn iếc còn chả thèm ngó đến chúng tôi nữa. “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Ngẩng lên thấy núi, cúi xuống thấy đèo…” ai lấy mình cho khổ. Tôi đọc mà rưng rưng trong lòng.

Tôi lại nhớ một đoạn trong quyển “Dạo chơi” của nhà văn Sơn Nam: “Người chuyên làm báo, khi bỏ nghề hoặc nhắm mắt, chỉ còn cái bút hiệu, không có tác phẩm”. Điều này chắc hẳn không đúng với trường hợp của Huỳnh Dũng Nhân với “Tôi đi bán tôi” hay “Ăn tết trong rừng chó sói”. Những trang phóng sự đẫm chất văn học này, tôi tin rằng anh sẽ…

… Mà thôi, Huỳnh Dũng Nhân hiện nay vẫn còn đang viết khỏe và đi cũng khỏe. Tập phóng sự này là thành quả đầu tiên của anh mà không phải bất cứ nhà báo nào đi nhiều, viết khỏe cũng có thể đạt được một chất lượng như thế. Khi giới thiệu tập sách này, nhà báo kỳ cựu Tống Văn Công viết: “So với chúng tôi ngày xưa, cây bút Huỳnh Dũng Nhân năng động hơn, sát cuộc sống hơn, có duyên giao lưu với bạn đọc hơn. Anh là cây bút của báo chí đổi mới”.


Lê Minh Quốc, 12-1994

(nguồn: Kính thưa Ô sin của Huỳnh Dũng Nhân)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com