BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ông BIỀN Áo Trắng

LÊ MINH QUỐC: Ông BIỀN Áo Trắng

LÊ MINH QUỐC

Năng lượng của thơ nằm ở đâu? Là ở nỗi ám ảnh day dứt, không nguôi trong trí nhớ của người đọc, khi gặp điều kiện thì lập tức từng con chữ thơ ấy lại tạo nên sự chấn động trong sâu thẳm tâm hồn. Với tôi, mỗi khi trong trí nhớ vọng về câu thơ “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” (Huy Cận) thì lập tức tôi lại nhớ đến... nhà văn Đoàn Thạch Biền! Mới đây thôi, cách đây chừng dăm năm, vào một chiều ba mươi Tết, ngoài trời nắng nhạt. Một thứ nắng thơ mộng và não nùng như màu son trên đôi môi thiếu phụ vừa hồi xuân. Có lẽ tâm đắc với cách ví von dí dỏm như thế nên ông Biền hào hứng khom lưng, bưng chậu hoa cúc vàng từ góc sân ra phía trước để không gian tăng thêm phần tươi trẻ. Kỳ lạ không chứ! Vừa lấy sức nhấc chậu hoa cũng là lúc ông... đổ khuỵu luôn xuống sân! Thì ra, cụp xương sống! Thế là mấy ngày Tết, nhà văn mà tôi yêu mến phải ăn Tết chèo queo trong bệnh viện! Nhờ vậy, ông mới có được tập kịch Đêm của cỏ. Ra đến Hà Nội, tôi đã gặp một người uống rượu thuộc loại “thần sầu quỷ khốc” là NSƯT Trịnh Lê Văn. Anh Văn nhận xét: “Chưa bao giờ tôi thấy trong cuộc vui, ông Biền bỏ về nửa chừng!”. Nhận xét đó đúng. Ông Biền lại cười cười tỉnh bơ: “Sợ nhất là người viết văn hay. Tớ viết văn không hay thì phải uống cho hay”. Thế nào là uống hay theo cách của nhà văn? Tôi hình dung qua hình ảnh của ông Biền qua thơ của tôi:

Bi-n

(Nhà văn Đoàn Thạch Biền)



giữa những cuộc vui tẻ nhạt
anh tìm một chỗ ngồi khuất
nhìn mây bay chìm dưới ly bia
hát khẽ những điệu nhạc vớ vẩn
anh say trước mọi người
nhưng lại về sau cùng
anh không có gì cả
ngoài cô đơn sủi bọt
bàn tay nghiêng chai rót
sóng sánh ngoài thời gian...
Ở Đoàn Thạch Biền, tôi nhận thấy, ông là mẫu người chỉ tự tin khi mặc áo pull và quần jean; còn lúc diện bộ cánh sơ mi màu trắng tinh khôi lại lóng ngóng, nói năng vụng về! Dứt khoát lúc ấy ông... đi họp! Cái khác của ông Biền với người viết trưởng thành sau 1975 tại miền Nam là ở chỗ ông tự nguyện làm “huấn  luyện viên” trên sân chơi của những anh em sinh viên học sinh mới chập chững vào nghề văn. Bởi từ thập niên 1990 khi NXB Trẻ giao thực hiện tuyển tập Áo Trắng, thì ông đã rong ruổi từ Nam chí Bắc đến các trường trung học, đại học tìm kiếm sáng tác mới, phát hiện các cây bút mới để giới thiệu họ. Về sau, đây là sân chơi đã góp phần hình thành một lực lượng viết trẻ rất đáng kể, mà nay đã có nhiều người đã thành danh. Không những thế, có thời ông còn giúp NXB Văn Nghệ TP.HCM rồi NXB Văn hóa Sài Gòn tuyển chọn, in ấn, phát hành một loạt sách của các cây bút mới trong “Tủ sách Tác phẩm đầu tay”. Ông làm bền bỉ không vụ lợi. Đó là một đức tính tốt khiến những việc ông làm không hề có “lời ong tiếng ve”. Vì thế, nhiều anh em văn nghệ “bán trời không mời thiên lôi” kháu nhau, ông Biền đi đến nơi nào cũng có “hậu phương” tiếp đón thân tình. Vì thế, khi nhắc đến ông Biền, những anh em đã thành danh như Phong Điệp, Dương Bình Nguyên, Đinh Thu Hiền, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Phan Hoàng, Phạm Nguyên Tường, Mai Bửu Minh.... đều nhắc đến ông như một kỷ niệm đẹp.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ trẻ Phan Danh Hiếu (giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đồng Nai) cảm nhận về Đoàn Thạch Biền: “Chính ông, người đã gửi cho tôi và những bạn viết cùng lứa những lá thư nhận xét về tác phẩm đầu tay, động viên chúng tôi bước tiếp trên hành trình đầu tiên lắm đắm say nhưng cũng đầy hoang mang với văn chương. Mà đúng là hoang mang thật, khi văn mình viết ra mà không có “đất” để trồng, không có nơi để gửi gắm. Đúng lúc đang đứng giữa những bâng khuâng thì ông Biền xuất hiện, cũng nhẹ nhàng như những lời nói của ông: “Cứ viết đi”. Tuyển tập Áo Trắng của ông đã là nơi ươm mầm cho thế hệ chúng tôi, thế hệ của những con người trẻ tuổi say văn và mê đắm những tơ lụa của cuộc sống. Nhiều cây bút trẻ cũng từ đó mà thành những nhà văn, nhà thơ. Có người giờ đã thành tên tuổi. Còn ông Biền thì vẫn cứ cặm cụi với những lớp người viết mới”.
Mà ông Biền đã gắn bó với bạn đọc của lứa tuổi áo trắng như duyên nợ. Ngay từ cái thuở mới chập chững bước vào nghề cách đây chừng... 40 năm, ông đã dành ngòi bút của mình để viết riêng cho đối tượng này. Từ truyện dài đầu tay Ví dụ ta yêu nhau, in tháng 7.1974 ký tên Nguyễn Thanh Trịnh, đến những Tình nhỏ làm sao quên, Bất ngờ phía trái tim, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương... với bút danh Đoàn Thạch Biền thì vẫn văn phong ấy, bút pháp ấy. Vẫn lối xưng hô tréo ngoe không “đụng hàng” là “em và... ông” một cách dí dỏm và đối thoại thông minh, lắt léo khiến người đọc phải bật cười thích thú. Ông bộc bạch: “Đối với tôi không có đề tài lớn hay nhỏ mà chỉ có viết hay hoặc viết dở mà thôi. Người ta thường chê những người viết truyện ma quỷ và truyện trinh thám, nhưng cả thế giới đã khâm phục Bồ Tùng Linh và Simenon. Vì vậy một tô cháo hành nấu ngon, tôi vẫn thích hơn một tô cháo gà nấu dở”. Đừng mong tìm trong truyện ngắn của ông Biền những tình tiết gây cấn, câu văn “máu lửa”. Ở đó, chỉ là những nhân vật mới lớn đang sống với ngày tháng phiêu bồng, chưa biết âu lo với “cơm áo gạo tiền”. Tâm hồn họ còn trong sáng và hướng thiện. Họ cũng có tình yêu. Nhưng đó chỉ là một thứ tình mà nhà thơ Đinh Thu Hiền nhận xét rất đúng: “Đoàn Thạch Biền đều viết về tình yêu chia lìa nhưng không quá cay đắng và nghiệt ngã, như một cơn mưa phùn bay qua, đủ để người đi đường thấy thấm ướt áo”. Có điều, khi đọc tác phẩm của ông Biền, ta thấy hầu hết các nhân vật đều thích... ăn uống! Món ăn họ thích nhất là... con dông. Những năm tháng làm thầy dạy môn Triết ở Phan Thiết, được thưởng thức món này nên ông đưa vào văn chương rất “ngon miệng”. Ông tâm sự: “Món ăn ngon bao giờ cũng gợi cho người đi xa nhớ về quê nhà và tuổi thơ. Thậm chí, mùi hương của nước mắm nhĩ miền Trung với tôi còn quyến rũ hơn cả hương hoa hồng”.
Riêng truyện dài Tình nhỏ làm sao quên của nhà văn Đoàn Thạch Biền đã được đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng Hãng phim Giải phóng thực hiện thành phim. Ông Biền kể: “Năm 1971, tôi lên Đà Lạt viết kịch cho một nhóm bạn, tình cờ tôi đã gặp một cô bé mất trí bên bờ hồ. Nghe người ta kể về hoàn cảnh của em, tôi không tin và lý giải sự mất trí nhớ của em theo suy nghĩ của tôi”. Với vai cô bé tâm thần trong phim này, Mỹ Duyên đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim VN lần thứ 9.
Với lợi thế là người giỏi viết đối thoại, ông Biền còn viết kịch. Vở kịch đầu tay của ông là Những chiếc mũ viết trong thập niên 1970. Tay viết kịch nổi tiếng thời bấy giờ là Vũ Khắc Khoan - tác giả Thần Tháp Rùa,  Giao thừa, Hậu trường... - dù đang chói sáng trên văn đàn miền Nam thuở ấy, cũng đã dành những nhận xét ưu ái nhất. Nhưng rồi bẵng đi chừng... vài chục năm mới thấy ông cho in Đêm của cỏ. Hỏi vì sao? Ông xụi lơ: “Kịch thì phải diễn, nhưng thời buổi này đi tìm diễn viên, đạo diễn cũng không dễ. Nên thôi...”. Nhưng nhờ cú... cụp xương sống  vào đúng chiều 30 Tết thì Đêm  của cỏ mới ra đời. Thật may mắn, các vở kịch trong tập này đã được các bạn sinh viên dựng và diễn nhiều lần, thậm chí còn được đài truyền hình phát sóng nữa! Không những thế, ông Biền còn làm thơ. Ông cho biết nay mai sẽ ấn hành tập thơ Hạnh phúc ẩn. Dù cái tựa “bí hiểm”, nhưng thơ lại ngộ nghĩnh và có chút hài hước ẩn giấu đàng sau con chữ:
Em vô tư, tôi vô tư
Ta vô tư quá làm hư cuộc tình
Thôi đừng giả bộ mặt mừng
Khi trong tay bắt đã lừng khừng buông...
hoặc:
Thôi đừng láu cá nữa tôi
Mai sau hết cá, chợ đời buồn hiu”
hoặc:
Có khuôn mặt nhìn một lần đã nản
Gặp lần sau chỉ muốn ngó lơ luôn
Mà ngay cả cái bút hiệu của ông cũng hài hước không kém. Sau năm 1975, khi đang là công nhân xí nghiệp dệt, mỗi lần ăn trưa thấy cô “chị nuôi” Đoàn Thị Biền bán buôn “đắt như tôm tươi” nên ông “láu cá” chọn ngay cái tên Đoàn Thạch Biền! Ông thật thà: “Ước gì chương của mình đến với bạn đọc cũng như vậy! Ký cái tên ấy chắc là... hên!”. Nói nhẹ nhàng như không, nhưng thật ra để tạo một cái tên mới -  sau khi đã có tác phẩm là điều không dễ, phải là một cuộc “lột xác” chứ không đùa. Đơn giản, sau ngày thống nhất đất nước, một số anh em viết trước 1975 được “ai đó” khuyên là phải ký cái tên khác. Trong khi các bạn cùng thời như Từ Kế Tường ký Phan Tường Niệm, Hoàng Ngọc Tuấn ký Huấn Toàn, Nguyễn Bạch Dương ký Lê Trung Hiệp v.v... thì Nguyễn Thanh Trịnh thành Đoàn Thạch Biền!
Trong những cuộc vui, ông Biền thường bảo tôi: “Mình ao ước viết được một tác phẩm trong đó nhân vật không phải nói một câu nào. Nó như một vở kịch câm. Dễ hiểu và nhiều ý nghĩa”. Nói vậy, chứ đã lâu lắm rồi không có thêm một tác phẩm nào mới? Ông lại trầm ngâm: “Nếu không viết nổi được nữa thì mình làm huấn luyện viên cho anh em viết trẻ. Khi không đủ sức nữa thì mình làm cổ động viên vậy”. Thoạt nhìn lên mái tóc ông Biền, tôi thấy những sợi tóc đã bạc màu. Đã sấp sĩ 60 rồi còn gì? Cái tuổi Đinh Hợi của văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Trần Tiến cũng cầm tinh con này, không rõ căn cứ vào đâu lại bảo ông Biền “về hậu vận... cực tốt” (!?). Có lẽ đúng, bởi thông thường, anh em văn nghệ thường “kỵ” nhau, có người chơi được với người này nhưng không thể bắt tay với người kia. Nhưng với ông Biền thì không có khoảng cách ấy. Được nhiều người - nhất là thế hệ viết sau mình yêu mến, quý trọng  thì đã là “cực tốt” rồi chứ còn gì nữa?

L.M.Q

(nguồn: Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN)




Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com