BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Từ “lỗ cốt” đến “con cu hai cốt”

LÊ MINH QUỐC: Từ “lỗ cốt” đến “con cu hai cốt”

 

lococoncuhai-cot

 

Quái quỷ thiệt! Đôi khi người Việt đọc tiếng Việt nhưng chắc gì đã hiểu tường tận? Vừa rồi, đọc đọc câu thành ngữ Trâu già lỗ cốt, chẳng thể hiểu nghĩa của nó ra làm sao. Khó ơi là khó. Bèn tìm đọc lại một vài truyện ngắn liên quan đến con trâu để xem sao, may ra có thể lý giải được không? Mà này, có phải trâu chíp hoi, còn non, còn tơ, dậy thì chanh cốm thì gọi là nghé? Có bài đồng dao cực hay:

 

Nghé ọ nghé ơ

 

Con nghé nhà ta

 

Như bông như hoa

 

Như gà trong trứng

 

Mẹ nuôi mẹ nấng

 

Cho vững đường cày

 

Cho ngay đường bừa

 

Đi sớm về trưa

 

Cày bừa khó nhọc

 

Ta săn ta sóc

 

Là nghé nghé ơ…

 

Thế thì, với con nghé, muốn nó “vững đường cày, ngay đường bừa” thì người ta phải xỏ vàm. Nhà văn Bình Nguyên Lộc có viết truyện ngắn Người xỏ vàm nghé. Vậy, vàm là gì? Hỏi thế cũng hỏi. Dễ ẹt. Việt Nam tự điển (1931) giải thích rành rọt: “Cửa rạch, cửa ghềnh chảy ra sông: Thuyền đã vào vàm”. Hò Nam Bộ có câu: “Hò rao từ ngọn chí vàm/ Ai mà đối đặng kết làm đệ huynh”. Ơ hay, vàm này có ăn nhậu liên quan vì đến vàm trong vàm nghé? Hoàn toàn không. Thật ra, vàm này chính là giàm/ dàm. Nói cách khác, phải viết “xỏ giàm/ xỏ dàm” thì đúng hơn. Nói có sách mách có chứng, theoViệt Nam tự điển (1971) in tại miền Nam của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính: “Dàm/ giàm: Dây xỏ vô hai mũi con trâu và bò rồi cột quàng lên sừng để làm lợi khí điều khiển: Dây dàm, giựt dàm, xỏ dàm”.

 

Hiểu rành mạch rồi, đọc truyện ngắn Người xỏ vàm nghé đã hay lại càng hay. Rằng, nếu không sinh sống ở nông thôn, chắc gì mấy ai có thể hình dung ra cách xỏ dàm? Thôi thì, ta có thể tìm hiểu qua đoạn văn cực kỳ ấn tượng này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết sinh động, hấp dẫn. Đại khái, trước hết, người đó phải có dụng cụ xỏ dàm là cây dùi làm từ cây gỗ găng: “Giăng là một thứ cây tạp, dùng làm củi, nhưng gỗ của nó cứng hơn cả danh mộc nữa. Vì cây không lớn được nên không dùng vào việc gì khác hơn là chụm lửa, không thôi nó đã được vào hạng danh mộc hạng nhứt, chớ chẳng vừa”; còn phải có thêm chiếc dây đánh bằng vỏ mây chẻ nhỏ rồi đánh lại. Lúc ấy, con nghé bị đè cổ lên một cây ngang vừa tầm bề cao của nó.

 

“Xong đâu đó, hắn lấy cây dùi bằng găng mà hắn chuốt nhọn khi nãy rồi ngắm nghía đoạn đâm qua mũi con nghé, quyết chọc thủng miếng sụn ngăn cái mũi con ghé làm hai buồng. Nhưng dùi găng không đủ bén nhọn mà sụn mũi trâu lại rất dai, nên hắn không thành công ngay. Con nghé rống lên một tiếng kêu đau nghe rởn óc, rồi thụt đầu vào chuồng tức khắc. Sụn không bị chọc thủng nhưng vẫn bị thương nặng. Mũi nghé chảy máu ròng ròng”.

 

Không chịu thua, hắn lại lôi cổ con nghé trở lại vị trí cũ.

 

“Hắn bặm môi rồi vận dụng cả toàn lực, cho hết mạnh lực đó vào cả cánh tay mặt là tay cấm dùi rồi hắn đâm ngang một cái, lần này mạnh hơn hai ba lần trước. Con nghé lại rống lên một tiếng rồi thôi… Hắn bình tĩnh rút cây dùi ra, như là rút từ dưới đất lên môt cái nọc chôn sái chỗ, mà đất không biết đau đớn gì cả. Con nghé lại rống lên một lần nữa… Vẫn chưa hết. Hắn lại bình thản xỏ sợi dây may đánh, qua cái lỗ vừa xoi thủng ấy. Dây này quá cứng mà vết thương còn mới ràng ràng nên con nghé lại rống lên lần thứ tư. Con nghé đã được xỏ vàm, lần đầu tiên trong đời nghé của nó, và suốt đời trâu, nó sẽ vâng lịnh loài người luôn luôn, vì vết thương sẽ lành, nhưng nó không sao dám dùng sức mạnh của nó để thoát khỏi sợi dây mũi ấy, bởi mũi da nó non, hễ nó chống lại, một thằng bé cũng đủ sức làm cho nó đớn đau vô cùng”.

 

Đọc cũng là một cách học đấy chứ? Vậy, con nghé bị xỏ dàm này, suốt đời đóng vai Trâu cày, ngựa cưỡi, Trâu buộc ghét trâu ăn, Đàn gẫy tai trâu, Trâu già chẳng nệ dao phay… có dính dáng gì đến Trâu già lỗ cốt? Ta hãy bàn sau. Vì rằng, đang đọc truyện ngắn, cứ việc đọc tiếp, khoan vội bàn chữ với nghĩa, cứ để mạch cảm xúc lâng lâng sảng khoái trong tâm trí. Nghĩ thế, bèn đọc thêm truyện ngắn Bốn cái ngu của Sơn Nam, trong đó có chi tiết liên quan đến câu ca dao:

 

Trên đời có bốn cái ngu

 

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

 

“Gác cu”, về cái ngu thứ ba, ta hiểu là nhốt con chim cu vào cái lục rồi dùng sào gác lên ngọn cây. Con chim này là chim mồi. Khi nó cất tiếng gáy, cu rừng nghe tiếng, ghét quá vì dám tranh giành lãnh địa, liền tìm tới đá đuổi, cũng gáy lại inh ỏi thách thức, rồi nhào tới một phen sống mái. Đó chính là chủ ý của người gác cu. Lúc đó, chim rừng làm bật cái chốt, lập tức cửa lục đóng sập lại. Nó bị nhốt luôn với con chim mồi. Người gác cu hốt trọn. Cái lục còn gọi cái lụp, ngoài phủ lá cây ngụy trang đánh lừa chim cu rừng. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển suy luận sở dĩ: “Lồng cu có tên riêng là cái lục, có lẽ vì lồng che lá xanh tươi (lục) chung quanh lồng để nhái cảnh rậm rừng. Lục cu nhỏ bé và thấp vừa mình con chim chớ không khoảng khoát như các lồng chim khác” (Phong lưu cũ mới, NXB TP.HCM-1991, tr.47). Tuy nhiên, vẫn dễ hiểu hơn, nếu ta gọi đó là cái lụp. Với con chim rừng sập bẫy trong cái lục/ cái lụp đó đem về nhà nhốt trong lồng tre, nhà văn Sơn Nam viết tiếp:

 

“- Cục cu cu… cu! cu!

 

Ông Hai Kiểm bước tới lui, ngắm nghía con cu mới mua ở Xẻo Bần với giá mười giạ lúa. Ông bắc ghế, đứng lên, mang cặp kiếng, nói thì thẩm:

 

- Ồ! Con cu hai cốt. Chưa chắc! Hồi bữa hổm, nó gáy tới bốn cốt.

 

Rồi bác đưa tay lên miệng, bụm lại, nhái giọng gáy:

 

- Cúc cú cu…cu!

 

Tức thời con cu đương nhảy nhót, vỗ cánh đòi bay ra khỏi cái lồng tre. Nó dừng lại, há mỏ, ưỡn ngực:

 

- Cúc cúc cu… cu! cu! cu! cu!

 

Ông Hai Kiểm cười giòn:

 

- Giỏi quá. Trót làm thằng ngu thì ngu luôn cho trọn kiếp. Sáng mai mày nhớ gáy đủ bốn cốt cho tao”.

 

Vậy, cốt là gì?

 

Lâu nay, ta vẫn thường nghe nói đến Ông đồng bà cốt; Một đồng một cốt; Ông thầy khoe tốt, bà cốt khoe hay; Bà cốt ngửi mùi tàn hương - cốt/ bà cốt ở đây là chỉ người đàn bà chuyên nghề đồng bóng. Cái nghề này xuất hiện đã từ thời xửa thời xưa, bằng chứng là Từ điển Việt-Bồ-La (1651) đã ghi nhận: “Bà bóng bà cốt được quỷ nhập vào, tay cầm tên người chết. Làm cốt: làm những phù phép nói trên. Đi cốt: Đi hỏi bóng cốt”.

 

Người Nam Việt ta thờ thần, thờ thánh

 

Là cốt lợi dụng các ngài như cánh con buôn

 

Cốt ở đây hiểu theo nghĩa bóng là cái cần thiết nhất, mục đích chính cần đạt được, do đó, nhà thơ Tú Mỡ viết tiếp:

 

Như hai đức thánh họ Trần, họ Phạm

 

Cũng bị đồng cốt bày ra đạo nhảm

 

thì đồng cốt là từ gọi chung ông đồng bà cốt. Khi nói Xương tàn cốt rụi thì cốt lại chỉ xương của người chết hoặc động vật còn giữ lại được, tức phần cốt yếu, chính yếu. Ngày trước người Việt (đàn ông lẫn đàn bà) thường có thói quen ăn trầu, vì thế mới có câu khuyên: “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”. Sau khi đã nhai trầu thật nhuyễn, thật kỹ, trong miệng tiết ra thứ nước gọi là cốt trầu/ cổ trầu. Tùy phương tiện nấu, ép, vắt, ngâm, nhai, giã, chưng cất... nước cốt là thứ nước đậm đặc lần đầu tiên, chưa pha loãng, tinh túy nhất. Thứ nước tiếp theo được lấy sau nước cốt, thường gọi nước dão tức đã nhạt mùi, không còn đậm đà như trước. Thế nhưng với những người nấu rượu ở miền Nam lại gọi nước rượu kế tiếp ấy là rượu ngọn. Cách gọi ngọn này xét ra rất có lý, bởi nước cốt cũng được xem như là gốc, là ban đầu, là trước nhất…

 

Trở lại với từ cốt, thành ngữ có câu Có cốt có vác. Cốt ở đây có nghĩa là đốn, chặt, đẵn, hạ, phạt… sát gốc cây bằng vật dụng nào đó. Đại khái, câu này ngụ ý làm việc gì đó phải trước sau cho trọn, có ăn có chịu, gánh việc gì thì phải làm từ A đến Z, không bỏ dở nửa chừng.. Từ điển phương ngữ Nam Bộ (NXB TP.HCM -1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên, cho biết đồng nghĩa với cốt là cổn. Nhưng cổn cũng có nghĩa là là tọng, đớp, ngốn; thâu tóm tất cả, giành hết, thu sạch, gom lại, gộp lại… tùy ngữ cảnh. Còn cốt đột thì sao? Khi đọc truyện thơ Lục Vân Tiên, ta thấy có nhân vật phản diện Cốt Đột:

 

Vân Tiên đầu đội kim khôi

 

Tay cầm siêu bạc mình ngồi ngựa ô

 

Một mình lướt trận xông vô

 

Thấy ngươi Cốt Đột biến hô yêu tà

 

Cốt đột là từ dùng để chỉ kẻ nghịch ngợm, ngu đần đáng ghét, hồ đồ không suy tính, qua đó, ta thấy cụ Đồ đã đặt tên nhân vật theo tính cách của chính nó, chứ không hề ngẫu hứng. Nếu các tên Xuân Tóc Đỏ, anh Cu Lặc, Kép Tư Bền… thay bằng tên khác, có lẽ hồn vía của nhân vật sẽ nhợt nhạt ít nhiều chăng? Đọc đến đây, biết đâu có người khó tính kêu toáng lên: “Lại chuyện nọ xọ chuyện kia. Dông dài quá đi mất”? Ai nỡ nói thế. Ừ. Dù có nói thế cũng chẳng sao cả. Đã tìm hiểu một từ thì phải cho rốt ráo luôn, đúng không ạ? Nãy giờ khi bàn từ xỏ dàm đến cốt, xét ra cũng không vô ích lắm, không đến nỗi bị mắng nói dài, nói dai, nói dở, phải không ạ? Rất phải. Nghe khen bèn cười mà vẫn không quên nhiệm vụ đang đi tìm hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ Trâu già lỗ cốt. Nào dám quên.

 

Vâng, xin chớ nhầm lỗ cốt với: “Lô cốt bên đường rêu phủ khắp/ Bầy em thi chạy tiếng cười vang” (Huy Cận). Lô cốt là từ vây mượn blockhaus, là công sự chiến đấu kiên cố, đắp bằng gạch đá hoặc bê tông nguyên khối; có thể xây dựng nổi, nửa chìm nửa nổi hoặc chìm vừa dùng làm hỏa điểm vừa để cố thủ vị trí quan trọng. Vậy blockhaus là vây mượn từ tiếng nước nào? Theo Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Đức Dân là từ tiếng Đức; Từ điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave Hue (1937), của Eugène Gouin (1957) lại cho rằng mượn từ tiếng Pháp.

 

Với câu thành ngữ trên, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Lỗ cốt: Hết tủy, trống xương, hết sức. Thường nói về bệnh độc như dương mai. Trâu già lỗ cốt thì là trâu chịu việc nặng nề, lâu năm mà hết sức”. Sự tận tụy của con trâu, Con trâu là đầu cơ nghiệp, đáng quý, đáng thương biết dường nào. Vậy, ta đã hiểu “lỗ cốt” rồi, còn cốt trong “Con chim cu hai cốt” của nhà văn Sơn Nam, hiểu thế nào? Hãy nghe ông giải thích: “Theo tiếng lóng của nhà nghề, mấy tiếng cúc cù cu, gọi là tiếng cốt... Loại cu nào nhiều cốt thì được cu mái say mê”. Trong khi đó ở ngoài Bắc lại không dùng từ cốt, ngay cả chim cu còn được gọi chim gáy: “Giọng của chim gáy có chiều sâu và biến đổi lạ thường. Có con bổ ba, có con bổ bốn, bổ năm. Trường hợp đặc biệt có con bổ sáu. Mỗi tiếng gáy của chúng người ta gọi là bổ, ví dụ: Cúc cù cu là bổ ba v.v…” (Như Mão, báo Lao Động số Xuân 1996).

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 230 tháng 10.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com