BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tập sách KHOA HỌC VÀ VĂN NGHỆ của NGUYỄN ĐÌNH ĐẠI

LÊ MINH QUỐC: Tập sách KHOA HỌC VÀ VĂN NGHỆ của NGUYỄN ĐÌNH ĐẠI

 

khoahoc-van-van-nghe-cua-dai

MỘT TẬP SÁCH GỢI MỞ NHIỀU ĐIỀU THÚ VỊ

 

Chân đi ắt hẳn không cần đất/ Lạc giữa trần gian bước hững hờ”, câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh nói về tâm thế của người làm văn nghệ chăng?  Xét ra, đúng đấy chứ? Mà này, có thật là đúng không?

Chưa chắc.

Thật ra, văn nghệ rất gần với tư duy khoa học. Trong sự phiêu bồng lãng đãng sương khói ấy, vẫn có sự lớp lang, chỉn chu đâu ra đó, chẳng hạn, cứ xem sự nhịp nhàng bằng trắc, quy định của câu chữ ắt rõ. Thậm chí, muốn miêu tả một sự việc nào đó, người làm văn nghệ cũng quan sát chu đáo, tường tận đâu ra đó, chứ không thể ngẫu hứng, tùy thích, tùy tiện; dù có lúc ngẫu hứng, vượt ra ngoài khuôn phép đi nữa nhưng vẫn từ hiện thực mà ra.

Nói như thế để thấy rằng, một khi tác giả Nguyễn Đình Đại đặt vấn đề Khoa học và Văn nghệ (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2019) là một sự nghiêm túc. Và tôi cho rằng, không những thế, đây còn là một điều thú vị, có khả năng mở ra một hướng khác khi ta tiếp cận một vấn đề nào đó thuộc lãnh vực văn chương chữ nghĩa.

Trước hết, ta hãy cùng thưởng thức về một chữ trong kiệt tác Truyện Kiều mà Nguyễn Đình Đại đã bàn đến. Rằng, Thúy Kiều bán mình: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”, có nhà nghiên cho rằng, phải là “vâng ngoài bốn trăm” là đồng ý với bốn trăm lạng bạc, chứ không phải vàng. Nguyễn Đình Đại không đồng tình, và lập luận: “Theo Minh sử, lương tri huyện một năm là 45 lạng bạc và một lạng bạc có thể mua được hai bao gạo (mỗi bao nặng 94, 4 kg). Xem ra sức mua của một lạng bạc thời Minh tương  đương 5 triệu đồng (tiền Việt ngày nay) và như hiện tại”.

Và sau khi tính toán, tác giả cho biết: “Tóm lại, 1 lạng bạc có sức mua tương đương 5 triệu đồng. 300 lạng bạc tương đương 1 tỉ rưỡi đồng. 300 lạng vàng tương đương 12 tỉ đồng. Theo quý vị vụ án Vương Ông khiến Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha trị giá bao nhiêu? Một tỉ rưỡi hay mười hai tỉ?”. Với câu hỏi này, chúng ta đang phân vân suy nghĩ, tác giả “đá giò lái” qua sự liên tưởng cực kỳ thời sự, nếu cứ cho là vàng: “Thậm chí số tiền đó vẫn còn nhỏ hơn 16,5 tỉ đồng trong vụ kiện “hợp đồng tình yêu” mới đây của một cô hoa hậu Việt kiều”. Câu chuyện đang gây cấn bỗng… gặp ngay tiếng cười vui vẻ.

Âu cũng là phong cách chung của Nguyễn Đình Đại trong tập sách này.

Thật khéo léo khi anh đã chọn lối viết nghiêm túc, thỉnh thoảng lại xen vào đó một chút bông lơn, tinh nghịch nhằm tạo ra tương tác thân mật giữa người viết và người đọc - do đó, không phải ngẫu nhiên anh tự nhận mình chỉ là Bác Bảo Vệ. Đùa vậy thôi. Mà cũng nhờ có tinh thần khoa học, anh đã nhìn lại vấn đề có liên quan đến văn hóa, lịch sử, thi ca… khiến ta đôi lúc giật mình suy ngẫm và nếu thích, vẫn có thể tranh luận lại. Tức là một khi soi rọi các vấn đề đó dưới cái nhìn khoa học, lý luận mà lâu nay ít ai nói đến thì rõ ràng, nếu có sự “cãi lại” với anh cũng tất nhiên thôi. Mà đã khoa học, đã văn nghệ nếu không tranh luận, không ‘cãi lại” làm sao có thể tiếp cận đến chân lý?

Phải nói rằng, tầm kiến thức của Nguyễn Đình Đại ở tập sách này có thế mạnh do hiểu sâu, hiểu rộng nhiều lãnh vực. Tôi bị cuốn hút từ phi thuyền Apollo 13, vụ nổ tàu con thoi Columbia, thám hiểm Mộc tinh… và lúc dừng lại ở đoạn anh giải thích bom A, bom H -  thú thật tôi mới hiểu rõ hơn về câu thơ của Chế Lan Viên: “Chằng còn tên anh chẳng phải tên em/ Chúng nó treo trên đầu ta bom A bom H/ Tên đôi ta sao bỗng thành giết chóc/ Mặt trời đau vì tội ác ban đêm”.

Nói cách khác, cách đặt vấn đề của anh dù chưa giải quyết một cách rốt ráo hoặc thật sự thuyết phục nhưng cũng là cách nhìn mới,  khác trước là sự gợi mở cho người đọc nhìn lại những vấn đề đã quen thuộc, đã định hình, theo tôi, đây chính là sự hấp dẫn của tập sách Khoa học và Văn nghệ.

Ngoài ra, bên cạnh đó còn những vần thơ rất đỗi đời thường của anh, chung quy lại vẫn là niềm lạc quan, yêu đời. Tôi thích quan niệm về “Cười”:

“Dung” trong tứ đức em ơi,

Là tươi nét mặt rạng ngời như hoa.

Cười lên người khác vui mà,

Làm cho người khác vui là mình vui!

Văn là người. Đọc văn thấy người. Một con người thế này, nếu làm bạn ắt là sự thú vị của lúc đàm đạo trà dư tửu hậu và sẻ chia những điều tâm đắc trong cuộc sống. Qua tập sách này, xin chúc mừng anh và mãi mãi vẫn giữ lấy khát vọng “Đi trong lịch sử mộng duy tân” mà anh đã tâm niệm từ thời trai trẻ.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Tâp sách Khoa học và văn nghệ của Nguyễn Đình Đại, NXB Văn hóa Văn nghệ - 2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com