BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: KỶ NIỆM CỦA NHÀ THƠ KHI… LÀM BÁO

LÊ MINH QUỐC: KỶ NIỆM CỦA NHÀ THƠ KHI… LÀM BÁO

 

kyniem-nha-tho-diu-viet-bao

 

Câu thơ của nhà văn Nguyễn Vỹ (1910 - 1971) lại “vận” vào cuộc đời từ ngày… tôi đi làm báo:

 

Còn tôi bưng thúng theo đàn bà

 

Ra chợ bán văn, ngày tháng qua

 

Ba mươi năm là quãng thời gian không dài đối với một người đàn ông viết báo Phụ Nữ. Thật ra, có mười năm hoặc một trăm năm thì chúng ta cũng không sao hiểu được phụ nữ! Khi tôi mới về tòa soạn thì được Tổng biên tập Thế Thanh phân nhiệm vụ đi viết về… công tác Hội ở ngoại thành. Thời đó, tôi còn trẻ. Mỗi lần đi xa như thế thì tôi không quên chở theo “mèo” để tâm sự suốt đoạn đường xa hun hút. Đó là thời gian thú vị, vừa đi công tác, vừa hẹn hò tán tỉnh, thử hỏi có mấy nhà báo được như tôi?

 

Nhưng có một lần làm tôi tởn tới già! Trong một lần tôi về huyện Nhà Bè để viết về phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, mặc dầu tôi đã đưa ra giấy giới thiệu, nhưng mấy chị trong Hội vẫn khăng khăng cầm tay… cô bồ của tôi mời vào phòng làm việc. Còn tôi thì nghe được câu phán ngọt ngào: “Anh là chồng của cô nhà báo hả. Vậy anh ngồi ngoài đợi một chút nhé!”. Không đợi tôi trả lời, thế là tôi bị kéo tuột ra ngoài. Thế cũng hay. Để xem sao.

 

Sau hơn một giờ làm việc, cô bồ của tôi mặt bí xị! Cô ta ném trả lại tôi tờ giấy giới thiệu, thì ra trong giấy ghi rõ “PV Trần Thị Vĩnh Phúc”. Các chị ở Hội hiểu lầm là phải. Sau vụ “động trời” này, may mà Ban biên tập không biết, tôi bèn lẳng lặng bỏ bút hiệu này. Sau đó, tôi chuyển qua ký hiệu “Huyền Sương”. Tên này nghe cũng tuyệt đấy chứ!

 

Có một lần, một bạn đọc mày râu bặm trợn xộc vào tòa soạn tìm nữ phóng viên Huyền Sương! Tôi phải ra tiếp khách. Sau một hồi khen ngợi những bài viết của Huyền Sương, anh ta muốn gặp mặt nữ phóng viên này, tôi đáp: “Cô ta đi vắng. Anh có nhắn lại gì không? Tôi sẽ chuyển giúp”. Sau một lúc ngồi suy nghĩ, anh ta lấy trong túi áo một cánh hoa hồng và lá thư tỏ tình viết bằng mực tím đưa cho tôi! Trời đất! Tôi hoảng quá! Không thể không nói rõ với anh ta về sự oái oăm này, tôi nén tiếng thở dài: “Thưa anh, chính tôi là phóng viên ký tên Huyền Sương”.

 

Chuyện gì sẽ xảy ra?

 

Anh ta đứng bật dậy và đi ra khỏi tòa soạn một mạch mà không thèm bắt tay tôi! Đấy, làm báo Phụ nữ mà ký tên cho giống phụ nữ thì hãy… liệu hồn (!).

 

Với hai mẩu chuyện này, nay nhớ lại thỉnh thoảng tôi còn tủm tỉm cười.  Và lãnh vực mà tôi đeo đuổi lâu dài nhất trong thời gian làm báo chính là mảng văn hóa nghệ thuật. Tôi nghĩ, độc giả đọc bài viết văn hóa nghệ thuật không giống như đọc bài của các lãnh vực khác là để nắm thông tin mà họ cần cả phong cách riêng của người viết.

 

Thử đọc lại những bài báo đã in trên báo chí trước đây, tại sao ta vẫn thích khi mà giá trị thông tin không còn cần thiết? Tôi sực nhớ lại tác phẩm phóng sự Trước vành móng ngựa của nhà báo Hoàng Đạo đã in từng kỳ trên báo, rồi sau này in thành sách đã phát hành cách chúng ta mấy mươi năm nhưng sao nay đạo lại vẫn thấy thích? Thích là vì phong cách viết của nhà báo đó tạo ra một sắc thái riêng không nhầm lẫn với ai khác. Trong khi đó, những bài báo tương tự trong các chuyên mục như “ký sự tòa án” viết về sự kiện mới diễn ra ngày hôm nay nhưng nay đọc lại đã thấy cũ mềm?

 

Không chỉ đi thực tế và viết bằng ngẫu hứng của riêng mình, nhà báo

viết lãnh vực văn hoá nghệ thuật còn phải làm công tác tư liệu. Thoạt nghe thì thấy buồn cười. Phần trên thì người viết bài này gần như đứng từ một góc độ cho rằng, nhà báo viết văn hóa nghệ thuật cần có tư duy nhà văn và bây giờ, lại cho rằng, phải có tư duy của một nhà nghiên cứu nữa chứ?

 

Buồn cười thật!

 

Cho dù có buồn cười thì sự việc vẫn phải diễn ra như thế, nếu ta muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

 

Trước đây vài năm trong thị trường chữ nghĩa nước ta rộ lên những cây nữ. Tên tuổi lạ hoắc, nhưng lại có nhiều tác phẩm dầy cộm và được mọi người tìm đọc! Với một nhà báo chuyên theo dõi về lãnh vực văn hóa nghệ thuật thì quả là hiện tượng đáng lưu ý. Tôi tìm đọc thì thấy văn phong trong đó và cốt truyện dường như  được viết... cách đây mấy mươi năm. Thế là tôi bỏ công đi điều tra. Một người làm sách tư nhân cho biết, các tác giả đó đã lấy truyện in trước 1975, đổi tên nhân vật, sửa đổi một vài chi tiết nhỏ, ký tên mình rồi bán bản thảo cho đầu nậu sách. Biết thì biết như thế nhưng lấy gì để chứng minh sự đạo văn trắng trợn này?

 

Như thế một trong những việc làm đầu tiên của tôi là phải vào thư viện tìm đọc lại những truyện in đó. Nhưng trước đây thị trường miền Nam đã in cả một rừng tiểu thuyết thì phải chọn đọc như thế nào? Như thế, đứng trước tình hình này muốn giải quyết vấn đề không chỉ đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức nhất định mà còn phải cần sự hỗ trợ của công tác tư liệu. Tư liệu đã sắp xếp từ nhiều năm qua giúp cho tôi hình dung ra “lịch trình tiến hóa” của tiểu thuyết miền Nam và phân loại ra các tác gia nào chuyên viết loại tiểu thuyết có cốt truyện tình ái tay ba, tay tư tương tự như thế? Thời gian đọc đã giúp tôi phát hiện ra là các “tác giả” đó đã lấy lại truyện của Chu Tử, Nhã Ca.. .đem in và ký tên mình, cho dù họ khôn khéo cắt xén, bổ sung...

 

Lập tức bài báo được công bố trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh, nhưng ở bài một chỉ báo động hiện tượng trên và dự kiến bài hai sẽ đưa ra chứng cớ so sánh. Tôi phân ra hai bài để hấp dẫn bạn đọc và (nói thật) cũng để có hai lần nhuận bút cho bõ công đeo đuổi theo vụ nầy!

 

Nhưng dự định nhiều khi không diễn ra suôn sẻ như thế. Mới ngay sau bài một, tôi bị kiện vì nhà báo đã “bôi nhọ” danh dự của các “nhà văn” này, rằng chính họ đã viết, đã được nhà xuất bản biên tập, cho dù có trùng lặp từ cốt truyện đến câu văn chỉ là sự ngẫu nhiên v.v...

 

Trong trường hợp này, các “nhà văn” trên vì lợi nhuận và thậm chí vì kiện tụng mà để sách bán chạy thì họ sẽ “níu áo” nhà báo đến cùng.

 

Cách khôn ngoan nhất là tạm ngưng tấn công vào “nhà văn” mà phải biết “truy người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu”. Từ TP.Hồ Chí Minh, tôi phóng xe về Long An - nơi cấp giấy phép in các “tác phẩm” này. Tại Nhà xuất bản, tôi đề nghị cho xem bản giám định tác phẩm này của Biên tập viên, rồi bản thảo của “nhà văn” đó, họ nói đã đưa qua nhà in. Tôi đến nhà in thì tất nhiên để đối phó, bản thảo đã phi tang nên họ không đưa ra được. Và qua đó, tôi còn truy được các tác phẩm trên là do đầu nậu nào in, theo hợp đồng nào có đúng thủ tục hay không v.v... Việc làm này thật ra chỉ là một động tác cần thiết để kéo người có trách nhiệm vào cuộc và dứt khoát những người có chức có quyền ấy vì “có tóc” và vì nhiều lý do khác, họ sẽ không dám “cương” với nhà báo như các “nhà văn” vô danh kia.

 

Như thế, việc ai đạo văn ai có đúng hay không thì bài báo thứ hai chưa nêu ra như cuối bài một như đã hẹn với độc giả mà tôi kịp thời đặt vấn đề với giám đốc xuất bản về quy định trong xuất bản. Điều này rất quan trọng vì nó báo cho công luận biết việc in các tác phẩm này đã diễn ra không đúng theo luật định. Thì cho dù nội dung bài một đúng sai thế nào chưa biết, chứ việc in ấn không đúng Luật Xuất bản là đã diễn ra sờ sờ. Như thế trước mắt, nhà báo đã tạo được những tiếng nói đồng tình từ góc độ bạn đọc và chắc chắn là Cục Xuất bản cũng không thể không quan tâm.

 

Từ hậu thuẫn này, qua bài ba tôi tung ra “ách chủ bài” là căn cứ vào tác phẩm đã in và đối chiếu với tác phẩm còn lưu trữ tại Thư viện để so sánh. Đòn quyết định cuối cùng đã đánh gục đối phương và tạo tiếng vang tốt trong dư luận. Sau loạt bài báo này hiện tượng trên đã chấm dứt hẳn.

 

Kinh nghiệm của vụ này là gì? Ngay từ bước đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị tư liệu và dứt khoát phải được Ban biên tập thông qua, đồng tình và chia sẻ với ý đồ của phóng viên- để trong quá trình thực hiện nếu không diễn ra như dự kiến ban đầu thì vẫn được Ban biên tập ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để làm rõ chân lý.

 

Qua kinh nghiệm của những năm tháng chuyên viết về văn hóa văn nghệ, tội nhận thấy khó có sự phân biệt rạch ròi giữa cảm xúc ngẫu hứng và quan sát thực tế; giữa chất liệu thu nhặt từ thực tế và làm công tác tư liệu để nâng trọng lượng cho bài báo. Tất cả đều không có ranh giới rõ rệt.

 

L.M.Q

(nguồn: Đặc san XUÂN 2020 của Hội Nhà báo TP.HCM)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com