BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN LÝ THÚ VỀ HỌA SĨ VẼ TIỀN VIỆT NAM

LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN LÝ THÚ VỀ HỌA SĨ VẼ TIỀN VIỆT NAM

 

chuyen-ly-thu-ve-hao-si-vee-tien-VN

 

Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly là người đầu tiên có sáng kiến in tiền giấy. Về sau, thời thuộc Pháp, dù các loại tiền của Pháp đang từng bước thống lĩnh trên thị trường, nhưng có thời kỳ các đảng phái cách mạng Việt Nam ở hải ngoại cũng bí mật tổ chức in... tiền! Người đầu tiên có sáng kiến độc đáo này là nhà cách  mạng, “bậc thiên sứ” Phan Bội Châu.

 

Trong Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan cho biết: “Quân dụng phiếu chia ra 4 loại, mặt trước hàng trên viết chữ: “Việt Nam Quang phục quân dụng phiếu”, hàng giữa viết số tiền bằng chữ lớn in rõ số bạc 5$, 10$, 20$, 100$. Bốn góc cũng viết chữ số như thế, mặt sau viết hai thứ chữ Hán và Quốc ngữ: “Phiếu này do lâm thời quân chính phủ của Việt Nam Quang phục quân phát hành, đổi lấy thực ngân, đợi sau này chính phủ dân quốc chính thức thành lập, sẽ đem thực ngân đổi lại và trả lại gấp đôi, cấm không ai được làm giả, người nào trái lệnh sẽ bị trừng phạt”, dưới ký tên Phan  Sào Nam, người kiểm phát là Hoàng Trọng Mậu. Phiếu in bằng điện rất tinh xảo không khác gì giấy bạc Trung Hoa” (Phan Bội Châu niên biểu - Nguyễn Khắc Ngữ dịch -Nhóm Nghiên cứu Sử Địa XB năm 1971, tr.160)

 

"In điện" có thể hiểu in bằng máy móc chứ không phải thủ công. Tờ giấy bạc thuộc hàng cực quý, cực hiếm này, ngay cả các tập sách như 100 năm tiền giấy Việt Nam (NXB Trẻ, Hội Tem TP.HCM - 1994), Lịch sử tiền tệ Việt Nam (NXB Văn hóa  Sài Gòn - 2010) của Nguyễn Anh Huy… cũng không trưng ra được. Thông tin trên tờ An Ninh Thé Giới Xuân 2015 cho biết, vào năm 1970 tại hội chợ đấu giá tiền tổ chức ở Hồng Kông, nhà sưu tập Howard A. Daniel nhìn thấy hiện vật độc nhất vô nhị nằm trong phần tiền Trung Quốc. Linh tính mách bảo ông không phải tiền Trung Quốc mà của Việt Nam.

 

Quả nhiên, nhờ chữ có “An Nam” in trên tờ giấy đó. Là dân sưu tập chuyên nghiệp, lõi đời, Howard A.Daniel thừa biết đây là báu vật mà ông và các đồng nghiệp chưa hề nhìn thấy bao giờ. Giá bán khởi điểm 65 USD, ông muốn mua ngay với số tiền gấp mười lần. Tuy nhiên một người bạn đứng gần khẽ bảo không nên vội vàng, vì như thế, thiên hạ sẽ chăm chú, tìm hiểu giá trị của tờ giấy này. Và sẽ đẩy giá lên rất cao. Chi bằng cứ tỉnh bơ xem sao. Cuối cùng, ông đã sở hữu với giá chỉ 85 USD. Về sau, có nhà sưu tập người Việt ở hải ngoại sẵn sàng mua lại với giá 10 ngàn USD nhưng ông từ chối.

Ta biết, từ khi đồng tiền xuất hiện trên thương trường, chế độ nào cũng tổ chức đúc tiền hoặc in tiền. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng vậy. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, những người đứng đầu nhà nước đã gấp rút tiến hành công tác in tiền để phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Điều này càng có ý nghĩa bức thiết khi mà tổng khởi nghĩa năm 1945, lực lượng cách mạng “Không chiếm được Ngân hàng Đông Dương cho nên sau này chính quyền nhân dân đã lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính do địch gây ra” (Cách mạng tháng Tám 1945 - Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng biên soạn, NXB Sự Thật - 1971, tr. 136).  

Thời gian này, ngoài đồng tiền Đông Dương do người Pháp lưu hành, ta phải chấp nhận tạm thời cho tiêu dùng cả đồng Quan kim và đồng Quốc tệ của quân đội Tưởng! Đối phó trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, Đảng và Chính phủ ta đã phát động phong trào yêu nước, quyên góp tài chính trong nhân dân dưới các hình thức như “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”... Theo tài liệu Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), “Ngày 4.9.1945 Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh số 4/SL tổ chức Quỹ Độc lập; tiếp theo, từ ngày 17 đến 24.9 Chính phủ lại phát động Tuần lễ vàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân đã quyên góp được 370 ký vàng, 20 triệu cho Quỹ Độc lập và 40 triệu cho quỹ Quốc phòng” (NXB Giáo Dục - 2003, tr.13).

Không những thế, các họa sĩ ưu tú nhất đã được Chính phủ mời tham gia vào công việc vẽ tiền. Nhân chứng là họa sĩ Mai Văn Hiến có kể lại những ngày đầu tiên này với nhiều chi tiết thú vị, cảm động: “Ngày ấy Trung ương triệu tập về Thủ đô 20 họa sĩ và thợ vẽ, chia làm 4 nhóm. Nhóm của họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ tờ bạc 100 đồng. Nhóm họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng. Nhóm của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 10 đồng. Nhóm của họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ tờ 5 đồng...

Chúng tôi được Chính phủ lâm thời giao nhiệm vụ vẽ tờ mẫu giấy bạc của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 10.1945. Ông Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó và ông Phạm Quang Chức trực tiếp phụ trách việc vẽ và cho in tờ giấy bạc. Công việc rất khẩn trương và phải được giữ tuyệt đối bí mật. Cả bốn tổ đều tập trung vẽ ở hành lang bên trong Tổng Nha ngân khố cũ (nay là trụ sở Sở Thương mại Hà Nội) số 10 phố Lê Lai, ngay bên cạnh làm việc của ông Phạm Văn Đồng.

Theo sự phân công của tổ chức, mỗi họa sẽ phác thảo một mẫu để chọn lọc, trình duyệt sau đó mới vẽ chính thức. Tôi vẽ mẫu giấy 5 đồng và chọn hình một anh công nhân lực lưỡng đang quai búa rèn sắt trên đe. Bí mật cùng anh Nguyễn Đỗ Cung xuống phân xưởng cơ khí nhà ga Hàng Cỏ, chúng tôi quan sát anh em công nhân làm việc. Ở đó, tôi chọn được mẫu hình mong muốn. Vẽ giấy bạc, hồi ấy tất cả đều phải làm bằng tay với dụng cụ thô sơ như bút chì, hòn tẩy, bút sắt, bút lông, mực nho, thước kẻ, com-pa... Mẫu giấy bạc phải vẽ to ít nhất gấp 4 lần tờ bạc thật để khi thu nhỏ nét vẽ mới được tinh vi. Chúng tôi làm việc say sưa suốt ngày đêm. Tất cả đều miệt mài và im lặng. Ông Phạm Văn Đồng thường đến xem anh em làm việc và lần nào cũng có những lời động viên rất thấm thía. Một hôm đúng giữa trưa thì ông đến:

- Anh em làm việc như thế này thì ăn cơm ở đâu? Ông hỏi.

- Sau mỗi buổi, ai về nhà nấy ăn cơm rồi đến làm việc. Tôi đáp.

- Thế thì không được. Phải tổ chức ăn cơm tại nơi làm việc, nghỉ ngơi tại đó rồi tiếp tục vẽ thì mới bảo đảm được sức khỏe và rút ngắn được thời gian làm việc.

Thế là ngày hôm sau, bữa ăn trưa và chiều của anh em được tổ chức ngay trong nhà số 10 Lê Lai. Một hôm khác ông Phạm Văn Đồng lại hỏi:

- Có cách nào cho anh em vẽ nhanh hơn không? Ông Cụ (tức Bác Hồ) nhắc ghê lắm đấy và dặn anh em hết sức cố gắng.

Chúng tôi rất cảm động. Phát hiện ở sở vẽ bản đồ Đà lạt có những bác thợ rất thạo vẽ những đường nét tỉ mỉ, chúng tôi đề xuất với Chính phủ mời số này tham gia. Chỉ mấy ngày sau, 4 bác thợ đã ra Hà Nội và bắt tay vào việc ngay. Công việc từ đây nhanh hơn. Tuy vậy chúng tôi vẫn sốt ruột, nhất là khi ra phố thấy bọn Tàu Tưởng ngạo mạn, nghênh ngang tung vào lưu thông không biết bao nhiêu là tiền Quan kim, Quốc tệ để vơ vét lương thực thực phẩm, hàng hóa của ta bằng tỉ giá ép buộc. Liên tưởng tới Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, tôi nghĩ thầm: “Phải chẳng vẽ mẫu giấy bạc Việt Nam lúc này cũng là lúc “sát Thát”?

Lại một đêm, gần 12 giờ, thấy đèn còn sáng, ông Phạm Văn Đồng vào xem tôi và anh Nguyễn Đỗ Cung vẽ. Ông hỏi chúng tôi về chỗ ngủ của anh em họa sĩ trong những đêm phải làm việc khuya và cho biết Bác Hồ rất quan tâm đến công việc anh em đang làm. Ông nói: “Đêm đã khuya, hai anh lên ngủ với tôi”. Đêm đó, chúng tôi ngủ tại phòng làm việc của ông Phạm Văn Đồng.

Khi tờ giấy bạc 5 đồng hoàn thành thì mọi điều kiện in ấn cũng chuẩn bị xong. Cầm tờ giấy bạc 5 đồng vừa in thử, tôi bồi hồi xúc động. Nước Việt Nam độc lập và dân chủ từ nay đã có đồng tiền của mình rồi. Sau đó, các mẫu giấy bạc 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng cũng xong và đưa đi in” (1).

Ngày ấy, ngoài đồng tiền in bằng giấy, Nhà nước ta còn phát hành tiền nhom 1 đồng. Ông Trần Huy Bá - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam kể lại: “Chiều cuối năm 1945, có một chiếc xe con đỗ lại trước cửa nhà ông bá ở 18- 20 phố Harmand (nay là phố Trần Xuân Soạn - Hà Nội). Cả hai người đàn ông bước thẳng vào trong nhà. Một ông tự giới thiệu là Ủy viên Chính phủ lâm thời và đi thẳng ngay vào vấn đề: “Ông cho biết cái máy dập tiền trinh Bảo Đại nó vẫn dập tiền nay ở đâu?”. Ông Bá trả lời: “Ở dưới nhà bát giác Viện Bảo tàng”. Ông Ủy viên đề nghị dẫn đi xem, nhưng lúc đó Bảo tàng đã đóng cửa, người cầm chìa khóa xuống đường hầm không ở lại đó. Hai ông hẹn sáng mai đến và họ đã đến đúng hẹn. Hai ông xem máy thật kỹ, mời người đến thử máy và giao nhiệm vụ dập đồng nhom 1 đồng cho Chính phủ. Đồng nhom đó được khắc khuôn ở hầm bát giác Viện Bảo tàng Lịch sử và được dập ở cuối phố Lò Đúc (Hà Nội). Sau này ông Bá mới biết người thẳng thắn trao đổi với ông là ông Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (2).

Cuối tháng 10.1945 cơ quan ấn loát của ta đã bắt đầu in giấy bạc loại 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và giập tiền nhom loại 2 hào và 5 hào. Về loại tiền nhom, ngày 1.12.1945, Chính phủ cho lưu hành loại 2 hào; cuối tháng 1.1946 phát hành tiếp loại 5 hào. Về tiền giấy, ngày 31.1.1946 Chính phủ ta phát hành ở phía Nam vĩ tuyến 16; đến tháng 8 giấy bạc này được lưu hành ra miền Bắc và cuối năm 1946 được lưu hành trong cả nước.

Đây là những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hệ thống tiền tệ dần dần đi vào ổn định. Trên những tờ giấy bạc này, ta thấy có ký tên của các ông Bộ trưởng Bộ tài chính theo từng thời kỳ (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến), của ông Giám đốc Sở Kho bạc Bộ tài chính (Nguyễn Văn Khoát) và có in dòng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”. Đặc biệt trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ở trong vùng tự do từ Liên khu V đến X, các ủy ban hành chính kháng chiến cũng phát hành tín phiếu, tiền Nam Bộ, phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác...

Song song với “đồng bạc Cụ Hồ” thì trong vùng tạm chiếm (kể cả Lào, Campuchia), thực dân Pháp vẫn phát hành tiền của chúng, trên tờ giấy bạc có ghi “Viện Phát hành” và dòng chữ “Hình luật phạt khổ sai cho những kẻ nào làm giả mạo giấy bạc do Viện Phát hành Việt Nam, Cao Miên, Lào phát ra”. Không hiểu sao chữ “giả mạo” lại ghi “giã mạo”! Theo lời kể của nhiều nhân chứng, do mệnh giá lớn nên khi thiếu tiền lẻ người ta cũng... xé giấy tiền ra làm đôi để thanh toán! Điều này, khiến ta nhớ đến việc “chặt” tiền đồng Con Ó ra làm tư, làm tám thuở xa xưa. Loại giấy bạc này ở ngoài Bắc bị cấm lưu hành kể từ ngày 30.10.1954; tại miền Nam theo Dụ ký  58 và 59 là kể từ ngày 22.9.1955.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở ngoài Bắc, ngày 28.2.1959 Chính phủ ra quyết định phát hành hệ thống tiền mới thay cho hệ thống tiền cũ đang lưu hành (1 đồng tiền mới trị giá 1.000 đồng tiền cũ). Trên tờ giấy bạc mới có hình Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mặt sau ghi: “Ngân hàng quốc gia Việt Nam”. Còn ở miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống từ ngày 1.1.1955 cũng phát hành tiền “Quốc gia Việt Nam”, trên tờ giấy bạc chỉ ghi “Việt Nam” và và mặt sau cũng ghi “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” và dòng chữ: “Hình luật khổ sai những kẻ nào giả mạo giấy bạc do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát ra”. Có một điều rất thú vị, song song với hệ thống tiền tệ của chính quyền Sài Gòn, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng phát hành tiền lưu hành trong vùng giải phóng, trên tờ giấy bạc có ghi dòng chữ: “Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.

Như vậy từ năm 1954 - 1975, tại nước ta có ba hệ thống tiền tệ cùng tồn tại.

Sau thống nhất Tổ quốc, ngày 25.4.1978 theo Quyết định số 87 của Hội đồng Chính cả hai miền Nam - Bắc sử dụng một hệ thống tiền tệ thống nhất “phát hành tiền mới, thu tiền cũ ở miền Bắc và miền Nam”. Đến nay, tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất ở nước ta là 500.000 đồng, chính thức lưu hành vào ngày 17.12.2003. Họa sĩ Hồ Trọng Minh - hiện giảng dạy tại tại Trường Đại đọc Mỹ thuật Việt Nam là người nhận nhiệm vụ thiết kế mặt sau tờ tiền 500.000 đồng, cho biết: “Tôi đã suy nghĩ về chủ đề và hình tượng. Dựa trên phong cảnh thực tại làng Sen để tượng trưng cho quê hương Việt Nam, tôi lựa chọn 7 hình tượng được sử dụng trong mặt sau tờ 500.000 đồng là: ngôi nhà, lũy tre, hàng cau, cái võng, ngọn đèn dầu, khung cửi dệt vải và hoa sen. Tất cả đều liên quan tới tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi nghiên cứu về tiền, tôi cũng mới nhận ra điểm khác biệt của chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy VN như: chân dung Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất trên tiền VN; các nước khác có thể dùng nhiều chân dung cho tiền của quốc gia mình. Chân dung Hồ Chí Minh thường thể hiện nhìn thẳng (các nước khác thường nghiêng 3/4); góc nhìn chính diện, mang phong cách riêng, đặc trưng của văn hóa VN vì góc nhìn này cho cảm nhận nghiêm trang, thành kính. Đặc biệt, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được đặt ở vị trí bên cạnh - cách đặt này nhằm tránh việc nếp gấp đôi tờ bạc vào chính giữa chân dung” (Báo Thanh Niên ngày 2.9.2019).

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam loại tiền giấy được sử dụng bằng chất liệu polymer. Với giấy nền polymer cho phép người thực hiện ứng dụng nhiều kỹ thuật chống giả trong đồng tiền. Bên cạnh những yếu tố bảo an được ứng dụng tương tự trong tiền đồng in trên giấy cotton (như hình bóng chìm, hình định vị, chữ siêu nhỏ, dây bảo hiểm, yếu tố phát quang), thì nó còn có yếu tố bảo an đặc trưng như có cửa sổ trong suốt với hình ẩn hoặc dập nổi, giúp chống giả bằng các thiết bị photocopy, scan hay máy in lase. Việc in tiền trên chất liệu này cũng tính tới khả năng phân biệt tiền giả cho người khiếm thị. Giấy nền polymer có độ bền cơ học cao (khó dùng tay xé rách tờ bạc). Đồng thời, nó có cấu tạo sợi, trên bề mặt lại được phủ véc - ni nên tiền polymer không hút ẩm, giữ ẩm hay các chất bẩn khác. Vì vậy, nó sạch hơn tiền giấy và thích ứng tốt với môi trường khí hậu của Việt Nam. Giấy nền polymer có khả năng thích ứng với các thiết bị xử lý tiền như máy ATM, máy đếm tiền, tuyển chọn tiền…

Nếu trong thời điểm này, Nhà nước ta còn phải thuê các nhà máy in tiền ở nước ngoài thực hiện. Chẳng hạn tiền xu kim loại do một công ty tại châu Âu đúc toàn bộ, còn loại giấy bạc bằng chất liệu polymer được in tại Úc. Chắc chắn về lâu dài, sau khi học hỏi được kinh nghiệm và công nghệ in tiền của nước ngoài, người Việt Nam ta sẽ in tiền Việt Nam đạt chất lượng quốc tế ngay tại trong nước.

(1), (2) Báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày 31.1.1996. 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1049 ngày 1.10.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com