BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi cùng tình yêu ở lại

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi cùng tình yêu ở lại

 

xuanquybnh-luu-qunang-vu-mai-cug-tinh-yeu-o-lai

 

Ngày 29-8 tới đây là tròn 30 năm ngày mất vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của đôi nghệ sĩ tài hoa đang ở đỉnh cao cống hiến cho văn học nghệ thuật, để lại niềm tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp và công chúng mến mộ trong suốt 30 qua. Đúng như câu thơ của Xuân Quỳnh: "Chỉ còn em và anh/ Cùng tình yêu ở lại". Tình yêu của họ dành cho nhau và dành cho văn học nghệ thuật mãi ở lại trong lòng công chúng.

Chuyện tình đi vào huyền thoại

Bà Vũ Thị Khánh - mẹ của anh Vũ - kể lại: "Tính cách của Quỳnh và Vũ khác hẳn, gần như trái ngược. Thế nhưng, cặp vợ chồng ấy sống với nhau rất đầm ấm, hạnh phúc và điều quan trọng hơn là sống bên nhau, cả hai người đều làm được nhiều việc, luôn cảm thấy cần thiết và có ích cho nhau. Tình yêu của Vũ và Quỳnh suốt 15 năm không phai nhạt mà theo thời gian cứ được nhân lên mãi. Tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chiều chồng như Xuân Quỳnh. Yêu đến đam mê, đến cả quên bản thân mình".

Không những thế, ngay cả em chồng là nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ cũng dành cho chị dâu nhiều tình cảm, ngưỡng mộ, quý mến.

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi cùng tình yêu ở lại - Ảnh 1.

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ Ảnh: TƯ LIỆU

Rõ ràng, câu nói quen thuộc "Mẹ chồng nàng dâu", "Chị dâu em chồng" không thể "có cửa" trong mối tình này. Nhiều người tán thành, khâm phục về tình chồng nghĩa vợ của họ khi cả hai cùng tận hiến cho cuộc đời. Trong nền văn học Việt Nam có thể kể đến vợ chồng nhà thơ, nhà văn Đông Hồ, Vũ Tú Nam, Chu Lai, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lưu Quang Vũ… cùng nghề, cùng có niềm cảm hứng khi sống cùng con chữ. Tình yêu ấy đã nuôi lấy cảm xúc bền theo năm tháng và năm tháng ấy lại nuôi dưỡng thăng hoa cho sự sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên, từ đó, cả hai lại có những trang viết thắm thiết tình nồng nàn yêu dấu. Mà trang viết ấy, không còn là riêng tư nữa, nó trở thành món quà dành cho bạn đọc: "Trái tim anh trong ngực em rồi đó/ Hãy giữ gìn cho anh/ Đêm hãy mơ những giấc mơ lành/ Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh/ Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất/ Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất/ Dành cho em, chưa kịp viết tặng em/ Tấm màn nhung đỏ thắm/ Mới bắt đầu kéo lên/ Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc/ Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát/ Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh/ Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh".

Câu thơ này Lưu Quang Vũ viết riêng cho Xuân Quỳnh. Không, những người đang yêu nhau vẫn nghĩ rằng tác giả viết cho họ. Những câu thơ này, Lưu Quang Vũ viết ngày 7-6-1978, giai đoạn tình yêu đã tràn đầy nắng ấm. Chính đó là lúc Lưu Quang Vũ rất ý thức về thời gian, đã viết trong bài thơ "Cho Quỳnh những ngày xa": "Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại/ Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối/ Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu/ Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau/ Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết/ Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Shakespeare: "Tồn tại hay không tồn tại/ Không có nghĩa là sống hay không sống/ Mà là hành động hay không hành động, nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?".

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi cùng tình yêu ở lại - Ảnh 2.

Thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh (ảnh chụp tư liệu gia đình)

Và khi yêu, được yêu, Xuân Quỳnh đã viết được những bài thơ hay nhất. Trong số đó, nếu chỉ chọn một, dứt khoát tôi tin nhiều người sẽ chọn lấy "Tự hát". Một bài thơ mãnh liệt, dữ dội lại chan chứa cảm xúc nữ tính. Một bài thơ có sức khái quát, nó đã mang tầm phổ biến chung cho người đang yêu dù đang ở chân trời góc biển nào: "Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi".

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi cùng tình yêu ở lại - Ảnh 3.

Thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ (Ảnh chụp tư liệu gia đình)

Lưu Quang Vũ đã cảm nhận: "Như chưa hề khổ nhọc/ Như chưa hề đắng cay/ Anh ở cạnh em đây/ Đừng sợ xa nhau nữa/ Nắng chiều trên ngọn lá/ Gió cồn bụi trắng bay/ Nẻo dài còn đợi đấy/ Ngủ đi, bạn đường ơi!".

Sự kết hợp của định mệnh

Tôi nghĩ, bạn đọc nhiều thế hệ khi tiếp cận với di sản văn hóa của đôi vợ chồng này để lại, có lẽ phải cảm ơn những ngày tháng ấy. Ngày tháng thăng hoa để cả hai đã vắt kiệt sức mình sống và viết. Cuối năm 1987, Xuân Quỳnh đang công tác ở Nga, cuối thư gửi chồng, chị viết: "Em buồn quá! Buồn quá!". Những ngày ấy, Lưu Quang Vũ không thể bỏ dở công việc sang đó, vì đây là thời gian Lưu Quang Vũ đã viết những kịch bản gây tiếng vang lớn, đang phải xem trước đường dây biểu diễn: "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Nguồn sáng trong đời"…

Nhiều bạn bè của đôi tài năng này đều cho rằng họ sinh ra đời là sự kết hợp của định mệnh. Theo nhà văn Nguyễn Thị Như Trang: "Công bằng mà nói, chính tình yêu của Xuân Quỳnh đã gìn giữ, nâng niu, vun xới, góp phần quan trọng cho một tài năng Lưu Quang Vũ nở rộ sau này như chúng ta đã biết, bằng những chu đáo tế nhị trong mọi ứng xử với người bạn đời, cả trong bảo vệ, đấu tranh kiên trì cho những tác phẩm của Vũ ra mắt công chúng".

Chi tiết này, cần nhắc lại là thuở xa xôi ấy, vì một lý do riêng với Lưu Quang Vũ, nhà phê bình Ngô Thảo cho biết: "Văn thơ viết ra không được in đăng trên bất cứ sách báo nào. Nếu Vũ là người nhút nhát, ngại nói, ngại tiếp xúc thì Xuân Quỳnh với tài ăn nói và bản năng của con gà mẹ luôn xù lông che chở cho tổ ấm của mình, đã chạy vạy rất nhiều nơi để Vũ có chút ít công việc tạm thời, rồi in được thơ". Chi tiết này, ngày nay ta cảm thấy nhẹ tênh nhưng năm tháng bao cấp là không dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh như Lưu Quang Vũ viết trong thơ: "Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình".

Và cũng theo Ngô Thảo: "Sau thơ, truyện ngắn, các bài viết về diễn viên được tập hợp in thành tập sách chung với Xuân Quỳnh và Vương Trí Nhàn, Vũ được động viên và gợi ý viết kịch". Trong vòng 10 năm, từ năm 1979 với vở đầu tay "Sống mãi tuổi 17" cho đến lúc mất, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch. Sức làm việc thật phi thường. Làm nên điều kỳ diệu ấy, ngoài tài năng của Vũ còn có sự đóng góp thầm lặng của Xuân Quỳnh trong vai trò "nâng khăn sửa túi": "Ngủ đi vầng trán yêu thương/ Bức tranh đã ngủ mặt tường lặng im/ Ngủ đi, hòn đá thì mềm/ Bàn chân thì cứng ngọn đèn thì xa/ Thời gian như gió thoảng qua/ Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời/ Tay ta nắm lấy tay người/ Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua".

Chuyện tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ lại một lần nữa xác tín rằng trên cõi đời này dẫu có nhiều mối quan hệ nhưng rồi tình chồng nghĩa vợ vẫn là sự thiêng liêng nhất. Bởi ngoài thế hệ tiếp nối ra đời sau đó, còn là nguồn cảm hứng để cả hai cùng sống tốt và cống hiến cho đời.

Tác giả ẩn danh sau kịch Lưu Quang Vũ

Nhìn nhận về vai trò phía sau của Xuân Quỳnh, tôi rất đồng tình với nhận định của nhà văn Nguyễn Thị Như Trang: "Bởi vậy, yêu mến tài năng Xuân Quỳnh, chúng ta còn phải ghi công chị là một đồng tác giả ẩn danh trong những vở kịch của Lưu Quang Vũ".

Nếu Xuân Quỳnh, lúc yêu chồng: "Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu" thì Lưu Quang Vũ thổ lộ cùng vợ: "Anh rất nhớ em. Chúng ta sống với nhau đã 14 năm, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. Anh đã làm được nhiều việc, một phần cũng nhờ em và biết rằng ở trên đời còn có nhiều cô gái khác - những "yêu tinh" khác như em vẫn nói - nhưng chỉ có em là yêu thương và hiểu anh, hiểu đến thói tật đến công việc cùng những nỗi đam mê".

ANH LƯU
(nguồn: Báo Người lao động ngày 19.8.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com