BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết 19/5/1975 - 19/5/2018: 43 năm ân nghĩa

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 năm ân nghĩa


43-nam-an-nghia-Phunu-1R

 

pnoHơn bao giờ hết, những ngày này, thế hệ tiếp nối chúng tôi lại càng nhớ, để thưa với bạn đọc rằng, Báo Phụ Nữ TP.HCM: “Mãi mãi là người bạn trung thành, tích cực và xứng đáng với lòng tin cậy của bạn đọc và chị em”' 

Một buổi sáng như nhiều buổi sáng khác, đến cơ quan, tôi chưa vào vội, lặng lẽ đứng nhìn vào tòa soạn. Báo Phụ Nữ TP.HCM đó. Tòa nhà thiết kế tựa như trang báo đang mở ra. Nơi ấy, có quá nhiều kỷ niệm của năm tháng tươi trẻ.

Rồi tôi lại nhớ về “căn nhà” ở 188 Lý Chính Thắng - nay thuộc Nhà văn hóa Phụ Nữ. Nơi ấy cũng từng là tòa soạn của báo - nơi chúng tôi đã đi những bước đầu tiên trong nghề báo - cái nghề nhọc nhằn mà thấm đượm ân tình đồng nghiệp.

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 nam an nghia
Thắp nén nhang tưởng nhớ bác Nguyễn Văn An - người đã tính toán, bảo trợ việc ấn loát 50.000 bản phát hành Báo Phụ Nữ Sài Gòn vào chiều 19/5/1975

Bấy giờ, những lúc đi công tác xa, phóng viên sẽ đến sớm, đưa phiếu, để bảo vệ phát xăng; nếu không có xe máy thì được mượn xe của cơ quan. Thời ấy, Báo Phụ Nữ cần một nam nhi có sức khỏe để đảm đương mảng công tác Hội LHPN TP.HCM ở các xã, huyện vùng sâu vùng xa. Do đó, vừa thấy mặt tôi, Tổng biên tập Thế Thanh nhận ngay, không phải qua một ngày thử việc.

Nơi ấy, ngày ấy, cậu sinh viên từ miền Trung quyết ở lại Sài Gòn lập nghiệp - là tôi, đã tìm thấy một “mái ấm” từ các đồng nghiệp. Nói thế, vì bấy giờ, không riêng gì tôi mà nhiều sinh hoạt thường ngày của các anh chị khác cũng diễn ra ở nơi này. Còn nhớ, các anh chị Lý Tiến Dũng, Quỳnh Đông, Bạch Mai, Hồng Điệp, Kim Diệp, Kim Loan, Việt Nga… thường gửi con lại cơ quan để đi tác nghiệp.

Cả thảy đều thân thiết như người một nhà. Khi tôi về công tác vào năm 1989, thỉnh thoảng, các dì Đỗ Duy Liên, Phương Điền, Mười Mai… dù đã chuyển nơi khác, vẫn ghé thăm luôn.

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 nam an nghia
Giây phút hội ngộ, sum vầy của các thế hệ làm Báo Phụ Nữ

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo” ấy, sáng 17/5, đại diện cho các thế hệ nhà báo đã trưởng thành từ mái ấm này, chúng tôi: nhà báo Bạch Mai, Kim Dung và Tổng biên tập Lê Huyền Ái Mỹ đã đến thăm các vị tiền bối - những người dì đã góp phần sáng lập ra tờ báo Phụ Nữ ngay sau năm 1975.

Đã bước sang tuổi ngoài 90, các dì vẫn còn khỏe mạnh. Vậy là mừng. Mừng lắm. Dì Đỗ Duy Liên chỉ ngồi yên lặng, thỉnh thoảng cười như trẻ thơ, rất đôn hậu. Dì Mười Mai vẫn còn minh mẫn, tóc cắt ngắn, thỉnh thoảng còn góp vui câu chuyện chung với các em, các cháu. Đó chính là những “thủ lĩnh” đã từng hoạt động nội thành, gắn bó với bà con tiểu thương chợ Bến Thành, Bà Chiểu… bất chấp bắt bớ, tù đày của một thời oanh liệt.

Trong câu chuyện, nhà báo Bạch Mai nhắc kỷ niệm năm 1976 đã trở thành phóng viên của Báo Phụ Nữ. Ngày ấy, dì Vân Trang đã đến Hội Phụ Nữ ở Q.Phú Nhuận xin chị về báo, đơn giản chỉ vì chị đang là cán bộ Hội nhưng đã biết viết tin, cộng tác thường xuyên với báo. Dù chưa gặp mặt, tôi có cảm tình với dì Vân Trang qua hành động ấy. Và tôi chợt nhớ ra, dì là một trong những nhân sĩ trí thức Sài Gòn có tên trong nhóm biên tập tạp chí Tin văn một thời lừng lẫy ở miền Nam.

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 nam an nghia
Tổng biên tập Báo Phụ Nữ trong vòng tay của dì Mười Mai

Nhắc lại chi tiết trên để thấy, những người sáng lập ra Báo Phụ Nữ cũng chính là các dì, các chị đã có quá trình hoạt động bí mật và công khai tại Sài Gòn, đã dùng ngòi bút chiến đấu vì hòa bình, vì thống nhất nước nhà. Các dì xứng đáng được thế hệ làm báo nối gót theo sau ca ngợi: “Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam”.

Trong không khí gặp gỡ thân tình ấy, dù không nói ra, chúng tôi nhớ các dì Phương Điền, Lê Thị Giàu, Trương Kim Liên, Nguyễn Thị Liên, Lê Thị Thanh…; các chị Thế Thanh, Dương Ánh Sáng, Mai Hiền, Hà Phương, Hồ Thị Minh Nguyệt… Đó là những đàn chị, những gương mặt đã từng tận hiến vì tờ báo, để rồi tin cậy trao lại cho thế hệ sau.

Ấn tượng nhất là lúc vừa gặp mặt, dì Mười Mai - người họa sĩ trình bày, lo toan giấy, in ấn cho tờ báo thời còn “trứng nước” - đã vụt miệng nói: “A, Ái Mỹ giờ trông lớn rồi ta”. Câu nói như reo, như mừng của người mẹ, khi nhìn thấy đứa con mình đã trưởng thành. Câu nói ấy, tôi hiểu, là sự tin cậy dành chung cho chúng tôi, để tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu Báo Phụ Nữ mà các dì đã đặt nền móng từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 nam an nghia
Lần thăm hỏi, trò chuyện đầy xúc động giữa hai thế hệ họa sĩ Báo Phụ Nữ (họa sĩ Mười Mai và họa sĩ Lan Huê)

Điều có thể bất ngờ với bạn đọc: lúc chuẩn bị ra những số báo đầu tiên, các dì không có một xu. Sau này, chúng tôi được nghe dì Đỗ Duy Liên kể: “Nhờ cơ sở nội thành là ông Nguyễn Văn An đã cho các dì mượn 200.000 đồng để in báo. Để có số tiền lớn này, ông An phải bán đi 10 lượng vàng”.

Tinh thần nghĩa hiệp của ông An với Báo Phụ Nữ mãi là cái ơn sâu nghĩa nặng tình. Lúc bước vào nhà, thắp nén nhang cho ông, như một sự “báo cáo” từ nguồn vốn ban đầu ấy, nay Báo Phụ Nữ đã ngày một trưởng thành, chúng tôi lặng người khi đọc di bút của ông, có câu: “Tôi còn sống được đến giờ/ Là nhờ ơn nghĩa chính nhờ người dưng”.

Con gái của ông bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, đấy là câu cảm tác lúc ông thập tử nhất sinh thời chiến tranh, đã được người dưng, không quen biết cưu mang, sống sót. Tôi nghĩ, khi giúp vốn cho Báo Phụ Nữ, ông An cũng xuất phát từ tấm lòng nghĩa hiệp. Người ta giúp mình, mình lại giúp người khác. Thấy việc nghĩa thì làm. Nhẹ nhàng như không.

19/5/1975 - 19/5/2018: 43 nam an nghia
Các thế hệ làm Báo Phụ Nữ về quây quần bên dì Tư Duy Liên - người đặt nền móng cho sự ra đời của Báo Phụ Nữ Sài Gòn - Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày nay

Mà nghĩ cho cùng, tấm lòng của các nhà báo - những tiếng nói xây dựng và phản biện thời cuộc - cũng lấy sự nghĩa hiệp đó làm điểm xuất phát, tức hành động bất vụ lợi, chỉ vì cái chung, vì ích nước lợi nhà.

Hơn bao giờ hết, trong những ngày này, thế hệ tiếp nối chúng tôi lại càng nhớ, để cùng thưa với bạn đọc rằng, Báo Phụ Nữ TP.HCM: “mãi mãi là người bạn trung thành, tích cực và xứng đáng với lòng tin cậy của bạn đọc và chị em”. Đây là câu tuyên ngôn mà các dì, các chị sáng lập báo đã hứa với bạn đọc từ số 1 - phát hành ngày 19/5/1975.

Lê Minh Quốc
Ảnh: Minh Thanh

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 18.5.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com