BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: NƠI PHÁT KIẾN "MẦN ĂN"

LÊ MINH QUỐC: NƠI PHÁT KIẾN "MẦN ĂN"

 

NOI-PHAT-KIEN-MAN-AN-1R

 

Trong quan niệm lạc hậu trước đây, buôn bán là việc thấp kém, không đáng coi trọng. Chẳng hạn, một bậc túc nho đã đậu đến Hoàng giáp là Trần Danh Án (1754- 1794), nhưng trong thư gửi cho con có khuyên: “Người ta nuôi được thân thể, nuôi được vợ con không đến nỗi đói rét khổ sở là phải có phương pháp: đọc sách, thi đỗ, yên hưởng lộc trời là bậc nhất; cày cấy mà ăn, cần kiệm để lập cơ nghiệp là bậc thú hai; làm thầy thuốc, thầy cúng, nghề thợ, nghề buôn, được người ta nuôi mình là bậc thứ ba”.  

Rõ ràng, trong quan niệm cũ thì nghề buôn được xếp vào hạng thấp nhất! Nhưng thực tế đã chứng minh “Phi thương bất phú”. “Phú” ở đây đối với nhiều nhà doanh nghiệp không chỉ là làm giàu cho riêng mình, mà còn được thể hiện với ý thức tích cực “Dân có giàu thì nước mới mạnh”.

Nhân đầu xuân mới, xin được nhắc đến một hội chợ với ý nghĩa trên do các nhà báo Sài Gòn đứng ra tổ chức. Trên báo Phụ nữ Tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận có phản ánh hoạt động của “Hội chợ phụ nữ” từ ngày 4 đến ngày 7.5.1932 tại đường Lareynière (nay đường Trương Định). Mục đích hội chợ này nhằm tạo quỹ giúp cho Hội Dục Anh nuôi trẻ em mồ côi.

Đặc biệt, ngoài những gian hàng được tổ chức chu đáo, nhằm thu hút mọi người, báo Phụ nữ Tân văn còn tung một “chiêu” khá hấp dẫn: “Trong Hội chợ phụ nữ tới đây, sẽ có thêm một trò vui mà cũng lạ nữa, là có nữ tướng ra đời. Cô Phan Thị Chẩn, 36 tuổi ở Giồng Luông, Bến Tre, bửa ấy sẽ có mặt tại hội chợ, mà không phải cô đấu xảo nữ công, cô đòi tỷ võ! Thật đấy, cô sẽ đăng tên vào sổ của Hội chợ rồi. Hôm ấy bất kỳ đàn ông đàn bà, ai muốn thi võ nghệ với cô, cô bằng lòng tỷ thí hết. Ai đi coi Hội chợ nên dò chương trình mà coi cho được cuộc tỷ thí này, kẻo bỏ qua uổng lắm” (số 129, ra ngày 28.4.1932).

A! Một phụ nữ dám thi võ nghệ với đám mày râu thì cũng “oách” lắm chứ! Tiếc rằng bấy giờ không có ai dám thách đấu với cô. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng, khi tổ chức những nhà báo tại Sài Gòn đã linh hoạt, đưa ra nhiều sáng kiến để thu hút mọi người.  

Trước 1975, tại Sài Gòn cũng đã có Hội chợ kỹ nông công thương được tổ chức quy mô tại khu vực trường Đại học Dược khoa và Nông Lâm súc Sài Gòn (nay nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng), từ ngày 3.10.1970 đến 18.10.1970. Có tất cả 105 gian hàng bố trí thành bốn khu vực: kỹ nghệ; thương mại; tiểu công nghệ; nông lâm ngư súc trong diện tích 30.000 mét 2. Tổng chi phí xây dựng hội chợ trên 70 triệu đồng, chưa kể vật liệu xây dựng và nhân công do các xí nghiệp ủng hộ.

Ngoài biểu ngữ, băng ron treo khắp mọi ngả đường phố ta thấy còn có cả ca khúc “Việt Nam cường thịnh” (không rõ tác giả) cũng được phát liên tục trong những ngày diễn ra hội chợ: “Khuếch trương chất lượng cao, kỹ nông công thương tiến mau. Hội chợ công thương tháng mười, đề cao năng suất đương thời. Thịnh cường đem tăng tiến, người Việt Nam thêm sáng tươi đời đời. Mọi ngành đua tăng tín nhiệm nhiều, làm cho năng xuất gia tăng đều cường thịnh cho quê thắm, cho đồng lúa ngát hương chiều... Thịnh cường tăng lên mãi từng ngày, làm cho non nước xinh tươi này người người thêm sung túc, từ nay Việt Nam thêm yên vui mai đây”.

Nhìn lại những biến động chính trị ở miền Nam trong giai đoạn này, ta có thể thấy hội chợ này không chỉ “hưởng ứng Năm năng suất châu Á do Tổ chức Năng suất châu Á đề xướng” mà còn nhằm đạt đến những mục đích khác sâu xa hơn, nhất là về chính trị.

Không những thế, trước năm 1975 tại Sài Gòn đã có siêu thị. Ngày 16.10.1967, lần đầu tiên siêu thị Nguyễn Du ra đời- mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành buôn bán lẻ ở miền Nam. Siêu thị này ở số 33 Nguyễn Du - góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh với diện tích tổng quát 30.000m 2. Từ ngày khai trương đến ngày 26.11.1967, chiếc đồng hồ nhảy số đặt ở cửa đã chỉ tới con số 99.999. Người thứ 100.000 là ông Lê Văn Sâm, được ông Quản đốc Thái Văn Huyên trao tặng thưởng trị giá 10.000 đồng tiền Sài Gòn cũ, tức khoảng 1 lượng vàng vào thời điểm ấy.

Với mục đích tôn vinh những doanh nhân, doanh nghiệp biết làm ăn vì mục tiêu “Dân giàu Nước mạnh”, báo Doanh nhân Sài Gòn số 38 (ra ngày 14-20.4.2004), do bà Nguyễn Minh Hiền làm Tổng biên tập, đã chính thức khởi xướng “Ngày doanh nhân Việt”. Trong bài báo có đoạn viết thống thiết: “Sau khi tuyên bố độc lập, ngày 13.1O.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Sáng kiến này được ủng hộ từ nhiều phía và nay đã thành hiện thực. Đó là ngày 13.1O hằng năm - “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, cũng là dịp chúng ta cùng nhận thức lại vai trò của những con người lao ra thương trường với ý thức “Dân giàu Nước mạnh”.

L.M.Q

(Nguồn: Giai phẩm Doanh nhân Sài Gòn XUÂN 2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com