BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI của NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG

LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI của NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG

TAP-SACH-DUNG-DAY-VA-BUOC-DI-CUA-NGURN-HUONG-DUONG-1R


 

MỘT LẼ TỰ NHIÊN TRONG CÕI SỐNG

LÊ MINH QUỐC

Có những hình bóng thật và ảo trong cõi sống, cõi đời này, thỉnh thoảng lúc ngã lòng, ngao ngán, mêt mỏi, lạnh lẽo, lạ thay, nhớ đến gương mặt ấy, nụ cười cươi ấy, như một lẽ tự nhiên, ta lại thấy ấm áp thêm một chút. Với tôi, một trong những gương mặt ấy là Nguyễn Hướng Dương.

Sự yêu mến, thật lạ, có những người chỉ thoáng gặp đôi lần, thậm chí chưa hề găp bao giờ nhưng chỉ đọc nhũng gì họ đã viết, có thể đã viết từ hàng trăm năm trước, vậy mà đã như bắt gặp tri âm. Tôi đã đọc Đứng dậy và bước đi của Nguyễn Hướng Dương từ bản in lần thứ nhất. Những trang sách ấy, lúc ấy đã cho tôi một suy ngẫm:

Chúng sinh thường tiếp cận tôn giáo qua hai ngã:

1. Từ tranh, tượng thờ Phật, Chúa; học, đọc giáo lý…

2. Từ hệ thống triết học tôn giáo đã được “chuyển hóa” qua các loại hình nghệ thuật khác như thơ, ca, nhạc, họa…

Hai ngã đường này, nghĩ cho cùng cũng là điều bình thường. Hữu ích đấy, cần thiết đấy nhưng không bằng tiếp cận qua một ngã đường khác nữa:

3. Từ bản thân của người trong cuộc. Họ đã trải qua niềm thống khổ, tuyệt vọng, tự đứng dậy trong lúc đấu tranh sinh tồn với ý thức: Cánh cửa này khép lại, sẽ mở ra một cách cửa khác. Đừng tuyệt vọng. Chấp nhận nỗi đau với nụ cười nhẹ nhàng: “Tất cả đều là hồng ân. Bất hạnh lại càng là hồng ân”.

Những chàng trai không tay không chân Nick Vujicis (Úc), nữ phi công cụt tay Jessica Cox (Hoa Kỳ) hoặc Hướng Dương và nhiều số phận bất hạnh khác cất lên tiếng nói về nghị lực đã vượt qua, về sự chia sẻ tình yêu thương đồng loại… sẽ được cộng đồng tin cậy hơn. Và hơn ai hết, họ mới là người thấu hiểu sâu xa nhất, cảm nhận “hồng ân” ấy nhiều nhất bằng chính sự sống của họ chứ không chỉ từ các hình thức bên ngoài.  

Nay, tôi vẫn nghĩ thế, không khác.

Có điều, xin bổ sung thêm một  suy ngẫm nữa, muốn có được đức tin ấy, điểm xuất phát đầu tiên vẫn chính là nghị lực phi thường của chính họ. Đôi khi nhìn những hoàn cảnh bất hạnh tự vượt lên, ta cảm thấy xấu hổ bởi lẽ so với họ, ta có nhiều thuận lợi hơn, ít ra về sự toàn vẹn hình thể, nhưng rồi ta có làm được, có vui sống được như họ? Những tấm gương ấy, như trái chín đầu mùa khiến ta tự nhủ phải cần phấn đấu nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn. Há chẳng phải là một niềm vui sống ở đời đó sao?

Thật lạ lùng, có những con người dù phải gánh lấy sự bất hạnh nhưng họ lại có khả năng đem lại niềm vui, sự hữu ích cho người khác. Với Nguyễn Hương Dương, chị đã làm được một việc, chỉ cần một việc làm mà lại cần thiết biết bao nhiêu, đó là từ năm 1998, chị đã sáng lập Quỹ từ thiện sách nói cho người mù, Thư viện sách nói dành cho người mù. Nhờ có sách nói, những người khiếm thị có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Có lần, cô hiệu trưởng trường mù Nguyễn Đình Chiểu có phát biểu một ý rất hay: “Bất hạnh của Hướng Dương đã đem lại niềm vui cho trẻ em mù”. Hãy chú ý đến 2 từ “niềm vui” bình dị ấy. Hãy tự hỏi lòng mình, có bao giờ ta đã đem lại niềm vui cho người khác?

Tập sách Đứng dậy và bước đi của Nguyễn Hướng Dương, nếu tóm gọn trong 2 từ mà phản ánh được chủ đề của nó, tôi tin bạn đọc sẽ chọn như tôi, đó là “Buông bỏ”. Buông bỏ đi những gì sự cố, những gánh nặng, những bất hạnh, những hắc ám lằng nhằng đã xẩy ra dù mình không chờ đợi. Hãy buông bỏ và chấp nhận thực, đối diện cùng thực tại ấy như một lẽ hiễn nhiên. Há chẳng phải là niềm vui sống đó sao? Nghĩ cho cùng, sự bất hạnh ấy, nếu có, âu cũng là dưỡng chất tinh thần của chính mình đấy thôi.

“Dù đời tôi có gặp bất cứ chuyện gì đi chăng nữa, tôi cũng vẫn an nhiên chấp nhận tất cả. Tôi đã hiểu ra rằng hạnh phúc hay đau khổ đều do tâm mình mà thôi nên tôi quyết định chỉ tìm hạnh phúc ngay nơi tâm mình, không cầu gì ở bên ngoài bởi lẽ tâm chính là suối nguồn của an lạc rồi”, trong phần kết, Nguyễn Hướng Dương đã tâm niệm như vậy.

Sông khuya lấp lánh ánh vàng

Ngư ông, chú cá mơ màng giỡn trăng

Chị Hằng ơi, có biết chăng?

Ngư ông câu được một vầng trăng thu

Bài thơ có tứ hay đấy chứ? Vâng ạ. Khép tập sách của Nguyễn Hướng Dương, tôi lại suy ngẫm: Trên đời có những số phận bi thảm khốc liệt, dẫu chênh vênh, chông chênh giữa bờ vực sinh - tử nhưng họ vẫn tìm ra một điểm tựa để vượt qua, sống nhẹ nhàng, sống có ích. Trang sách Đứng dậy và bước đi đã gieo vào lòng ta một niềm tin, đã đánh thức về một lẽ tự nhiên trong cõi sống…

L.M.Q

(Nguồn: Tập sách Đứng dậy và bước đi (NXB Trẻ- 2017) của Nguyễn Hướng Dương)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com