BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: MỘT SÀI GÒN CUỒNG NHIỆT

LÊ MINH QUỐC: MỘT SÀI GÒN CUỒNG NHIỆT

 

MOT-SAIFGONCUOGNHIET

 

1.

 

Thế nào là người Sài Gòn?

Để hiểu thêm về tính cách người Sài Gòn, có lẽ nên nhìn qua những con người cụ thể, nhưng con người đã từng để lại dấu ấn trong tâm trí của nhiều thế hệ. Khó lý giải tại sao thế hệ trước đây lại có những hành động lạ lùng đến thế. Hiểu sao về nhân vật Phan Xích Long? Mới ngoài 20 tuổi, tự xưng là con trai của Vua Hàm Nghi, tự lên ngôi Hoàng Đế, đặt tên vương quốc là Đại Minh Quốc, có cả quốc kỳ là cờ vàng đính 7 ngôi sao. Tôi thử hình dung ra khuôn mặt Phan Xích Long khi bị xử bắn ở Đồng Tập Trận năm 1916. Không hiểu tại sao, tôi cứ thấy trên khuôn mặt tươi trẻ ấy có nhếch nụ cười khinh bạc trước hòn tên mũi đạn! Đó là tính cách người Sài Gòn chăng?

Mỗi lúc giẫm chân trên đại lộ Lê Lợi, trong tâm trí tôi lại mường tượng ra chàng thanh niên có mái tóc bom-bê, tay ôm báo Tiếng Chuông Rè, miệng rao lanh lảnh: "Báo đây! Báo đây!". Mới ngoài 20 xuân, nhưng Nguyễn An Ninh lại diễn thuyết bằng tiếng Pháp, từng vào tù ra khám vì hoạt động chính trị. Dù là con nhà giàu, từng đi Tây, học giỏi và yêu tư tưởng "Tự do, bình đẳng, bác ái" của Cách mạng Pháp, nhưng ông sẵn sàng chống lại thực dân Pháp. Lạ thật, đó là con người của tư tưởng, lại cũng là con người của hành động. Nếu cần thì ông cạo trọc đầu đi tu, đi bán dầu cù là và thành lập Đảng Thanh niên Cao Vọng! Nếu cần, ông sẵn sàng ra chợ Bến Thành đứng bán hàng rao với dòng chữ tự tin, bản lĩnh: "Năm nay còn ăn Tết được". Điều gì đã hun đúc nên khí phách Nguyễn An Ninh?

Nhà văn Vũ Hạnh có lý khi cho rằng: "Dù biến thể cách nào, tính cách anh hùng là một truyền thống lâu đời của người Sài Gòn, và truyền thống ấy vẫn còn luân lưu ở trong huyết quản của họ". Điều gì đã góp phần tạo nên tính cách người Sài Gòn? Vì yêu công lý chăng? Nhà văn hoá lớn của đất Gia định xưa là Trịnh Hoài Đức đã có nhận xét: "Nhân dân ở đây khinh rẻ tiền của, nhưng rất mộ công lý". Điều này khiến tôi nhớ đến chàng Lục Vân Tiên "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả" của cụ Đồ Chiểu.

Người Sài Gòn cũng giàu nhân nghĩa, và đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Sau Hòa ước 1862, những sĩ phu yêu nước ở Nam Kỳ đã dấy lên phong trào "Tị địa", họ chọn Vĩnh Long, Bình Thuận để làm nơi tiến hành các hoạt động cứu nước, chứ không thèm ở trong vùng đất mà giặc đã tạm chiếm. Trong khi đó, mộ của bậc Gia Định Xử võ sĩ Võ Trường Toản còn nằm trong đất giặc, thế là đám môn sinh đã dời mộ cụ về làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long). Tinh thần tôn sư trọng đạo như thế thật hiếm có thay.

Đối với cụ Phan Châu Trinh, những năm tháng cuối đời đã được nhân dân Sài Gòn đùm bọc chí tình. Lúc cụ mất, Hội tương tế Nghĩa trang Gò Công đã dành một phần đất để an táng cụ. Và cũng từ Sài Gòn này, đám tang Phan Châu Trinh đã lan rộng cả nước để trở thành quốc tang, và là một sự kiện đáng chú ý nhất của năm 1926.

Một câu hỏi được đặt ra, tùy theo góc nhìn, mỗi người có cách lý giải khác nhau: “Điều gì tạo nên tính cách, phẩm chất của người Sài Gòn?”.

 

2.

 

Không riêng một vùng đất nào, khi đề cập đến tính cách của cư dân bản địa, không thể tách rời vị trí địa lý của vùng đất mà dân tộc đó đã sinh sống từ nhiều năm tháng. Có thật vậy không?

Năm 1818, một nhân vật tiêu biểu cho cá tính hành động của người miền Nam là Thoại Ngọc Hầu (1761- 1829), sau khi hoàn thành công trình đào kinh, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá), ông viết: “Người nhờ núi nêu danh mà trâm tóc vẻ vang, ân vua gội rửa; núi nhờ người được hiệu mà cỏ hoa tươi tốt, ân chúa thấm nhuần. Trước ân đức cao thâm đó, nhãn não thần mở rộng, tâm quan thần thầm ghi. Thật là: Vận núi được hội tốt tao phùng, lão thần có duyên may tế ngộ. Nếu không phải vậy, vì đâu mà được duyên may như thế?”. Rõ ràng, vai trò của con người và hoàn cảnh địa lý nơi ấy có tác động lẫn nhau.

Với Sài Gòn, có vị trí tốt, là cảng biển để dễ dàng giao lưu nhiều nguồn văn hoá, mà tạo nên dấu ấn Sài Gòn. Tính cách phổ biến ấy là gì? Là  năng động, nhạy cảm thích nghi với cái mới, cái tiến bộ. Một khi cái cũ, lỗi thời, lạc hậu thì họ dám bỏ một cách dứt khoát, không chần chừ - nói như GS. Trần Văn Giàu (1911 - 2010) thì "đã tròn thì rất tròn, đã vuông thì rất vuông, dứt khoát rõ ràng, như rựa chém đất, không lắt léo, khó hiểu".

Nhìn lại quá khứ, dù thoáng qua, ta giật mình nhớ trường hợp “ông Tây” André Menras tự nhận mình thuộc... “bộ tộc Tà Ru” (tức tù ra) đã được những người tù chính trị trong khám Chí Hòa đặt cho cái tên Hồ Cương Quyết. Trong thập niên 1970 của thế kỷ XX, ông đã dũng cảm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên tượng thủy quân lục chiến ở trụ sở Quốc hội Sài Gòn (nay là Nhà hát lớn Thành phố). Sau khi ra tù, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng Ra khỏi nhà tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo và nó đã có mặt tại Hội nghị Paris năm 1973.

Đó là tính cách người Sài Gòn chăng?


3.

 

Đã từ lâu, tôi rất thích câu thơ của thiên tài Nguyễn Trãi (1380-1442): “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày). Lý giải về người Sài Gòn, không thể tách rời khỏi chiều dài của quá khứ, nếu thế, chỉ là sự phi biện chứng, máy móc.

Sau này, các nhà làm từ điển ghi nhận, giải thích một số cụm từ mới trong lãnh vực kinh tế, chỉ mới xuất hiện trong thời gian Đởi mới, tôi quả quyết họ phải lấy các dẫn chứng từ thực tế của Sài Gòn, của miền Nam. Thử liệt kê xem sao: Bung ra, cởi trói, xé rào, sửa rào, xóa bao cấp, ba lợi ích, xe cứu đói, vượt đèn đỏ, xả lũ, đột phá…Những từ này, đành rằng là nguyện vọng, ý thức, hành động của con dân cả nước trong thời điểm thập niên 1980, nhưng phải chính từ vùng đất này - một vùng đất có nhiều con người cụ thể đã dám đi những bước thử nghiệm tiên phong, thậm chí, trong đó, còn có cả sự dè dặt mày mò, sau đó, tự điều chỉnh để dạt đến sự tốt đẹp, tươi sáng hơn.

Một trong những nhân vật đáng kính trọng ấy, với nhận thức của tôi, trước hết phải kể đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998) lúc ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM. Nhìn lại đóng góp tích cực có tính cách tiên phong, đột phá, Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp dã nói chính xác: “Công lao “đổi mới” thuộc về tập thể, nhưng tôi nghĩ công bằng mà nói, đồng chí Nguyễn Văn Linh bằng tấm lòng và tư duy của mình, từ thực tiễn của thành phố và những tỉnh thành bạn, là người đã góp phần to lớn, quan trọng và đi trước” (Nguyễn Văn Linh hành trình cùng lịch sử - NXB Trẻ -1999, tr.114- 115).

Qua đó, một trong những kinh nghiệm qua trọng nhất, ông Nguyễn Văn Linh đã rút ra là gì?

Đọc lại tác phẩm chính luận Đổi mới để tiến lên (NXB Sự Thật - 1988), tôi nhận ra rằng, ông rất thức và tâm đắc tư duy: “Phải biêt lắng nghe”. Nghe điều hay lẽ phải. Nghe từ dân, từ trí thức, từ cộng sự… Biết nghe cũng là một phẩm chất của người cộng sản, nếu đánh mất ắt trở nên độc đoán, ù lì, sơ cứng, tụt hậu. Bài học này, sau đó, những thế hệ lãnh đạo ở TP.HCM đã kế tiếp đã tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy.

Có thành tâm như thế, diện mạo của Sài Gòn- TP.HCM ngày nay mới đạt đến những khát vọng lớn lao để trở thành môi trường đầu tư và kinh doanh không chỉ trong mà còn ngoài nước. Môi trường này ngày càng thuận lợi, minh bạch, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, tiếp tục khẳng định vị trí là đầu tàu về kinh tế - xã hội của thành phố đối với khu vực và cả nước. Đây không là khẩu hiệu, “làm văn”, “chơi chữ” mà đã có những con số cụ thế. Chỉ xin đơn của một thí dụ: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần so với cả nước; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GDP ngày càng tăng, bình quân đạt 33,4%, gấp 1,92 lần so với giai đoạn 2006 - 2010” v.v...

Từ thập niên 1960, nhà thơ Xuân Diệu đã viết những câu thơ: “Trăm dâu đổ đầu tằm/ Trăm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm/ Bàn ghế ở đâu xộc xệch: người ấy phải lo/ Đường sá ở đâu bụi bặm: người ấy phải lo/ Trẻ con bụng còn giun lãi: người ấy phải lo/ Hàng xóm bực mình chửi đổng: người ấy phải lo/ Một lá rau, hạt muối: cũng cơ đồ/ Một tấm áo cũng to như biển cả/ Một người khóc, phải giải sầu, nâng đỡ/ Trên núi còn run: lỗi đó tại mình”. Câu thơ ấy, nhắc nhở cho Đảng cầm quyền? Đúng. Không chỉ có thế, cũng còn là ý thức đồng hành của người dân.

Với người Sài Gòn, đã từ lâu nay, họ đã hình thành một tư duy, một tính cách không dị ứng cái cái mới mà còn ủng hộ cái mới.

Mới đây, UBND TP.HCM làm lễ trang trọng đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn khi vào Nam kinh lược năm 1698. Nhắc lại chi tiết này, để thấy rằng, nhìn lại lịch sử từ những năm tháng đó, người Sài Gòn đã có những hành động tích cực trong sự tiên phong đổi mới và dám chấp nhận cái mới..

L.M.Q

(nguồn: Báo PHỤ NỮ XUÂN 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com