BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta

LÊ MINH QUỐC: Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta

golim-thai-ghem-thi-mnh-ly-ta

 

Xin trở lại với một kỷ niệm cũ: “Dịp giáng sinh năm kia, tôi được mời ăn “rề vay dông”. Chưa kịp thưởng thức miếng bánh bông lan, chị chủ nhà đã bảo: “Chà, lúc nẫy nướng bánh, ngọn lửa hỗn quá, nó táp cháy sém. Thông cảm nhá”. Nói xong, chị bạn tôi đưa dao con và bảo: “Đố Q phải chọn từ nào cho phù hợp trong cách xử lý phần bánh bị cháy sém? Này nhá: cắt, chặt, lạng, tước, thái, chẻ, pha, đẵn, đẽo, tiện, rọc, xắn, xén, xẻo, róc, lóc, tỉa, khứa, cạo, cứa, lẻo, thẻo,  gọt, vót, hớt, xắt…?”.

Hoảng quá, tôi post câu hỏi này lên mạng xã hội: “Nè, bồ tèo, giúp tớ đi, trong 26 từ này chọn từ nào đây ta?” Lập tức, có nhiều comment khác nhau. Xin liệt kê:

- Nếu bánh bị cháy lớp mỏng ở mặt trên lồi lõm, với con dao lưỡi thẳng, ta vuốt như mài dao gọi là "cạo" bỏ lớp cháy. Nếu cháy lớp mỏng ở mặt dưới đáy khuôn bằng phẳng và con dao lưỡi gai (dùng cắt bánh mì) thì gọi "nạo". Nếu lớp cháy dày không thể “cạo/nạo” được mà phải dùng cạnh bén của dao để cắt thì gọi "lạng"; khi cắt mặt phẳng trên hoặc dưới bánh, gọi "lóc"; nếu cắt đường cong quanh bánh, gọi "róc"; nếu cắt nhiều đường thẳng quanh bánh, gọi là "xẻo"; nếu cháy tương đối dày, cần cắt bỏ một mảng cháy sâu xuống thân bánh, gọi là "gọt"… (Phong Vu).

Với trường hợp chiếc bánh bông lan này, dùng từ "lạng" hoặc "lóc" là chính xác hơn, vì "cạo" là cách dùng lưỡi dao hơi chếch so với bề mặt cần cạo và chỉ cạo với vật cứng, dai; còn "nạo" chỉ dùng nạo phần bánh cháy dính ở đáy khuôn thôi, không nạo cái bánh được (Nguyễn Quang).

- Thường loại bỏ phần cháy xém khi nướng gì đó, ta hay nói “cạo” bỏ phần cháy khét đi; hoặc “lạng” bỏ nó đi (Minh Nhật).

- Người Sài Gòn như tôi thì “lẻo” miếng cháy đó đi (Nguyễn Dzũng).

- Loại bỏ phần bị cháy sém, miền Bắc: xắn; miền Nam: xén, người Sài Gòn: xẻo (Vũ Trân).
- Hớt phần bánh bị cháy sém (Minh).

- Vạt bỏ phần khét đó đi (Nguyễn Thị Hồng Phụng).

- Người miền Tây Nam bộ như gia đình tui thì xài từ đại khái như rọc giấy, tỉa cành, tỉa tóc, xắn đất, tước lá, chẻ củi, pha trà, đẽo cây, róc mía, xắt thịt, khứa cá, cắt bánh…. Như trường hợp trên thì nói “cắt” bỏ phần bị khét đi (Quang Khai).

- Như tôi thì tôi “lẻo/ thẻo” (Nguyễn Dũng), “hớt”; hoặc “lạng/ vạt/ lẹm” bỏ chỗ cháy xém đó đi (Nguyễn Quang).

Cuộc tranh luận chẳng ai chịu ai, tưởng chừng như bất tận.

Thú vị quá. Cùng một động tác loại bỏ phần bánh bị cháy xém, nhưng trong tiếng Việt có nhiều từ để sử dụng - tất nhiên còn tùy theo động thái lúc thực hiện nữa. Hơn nữa, với vật dụng gì, với dụng cụ gì thì ta chọn cách nói cho phù hợp.

Sự tinh tế của tiếng Việt còn là ở chỗ, có nhiều cách biểu đạt khác nhau. Rất phong phú, đa dạng, thậm chí có nhiều từ còn gợn lên âm thanh nữa. Sở dĩ vế đối, tương truyền của Đoàn Thị Điểm đã khiến nhân vật láu lỉnh, thông minh, hoạt ngôn cỡ Trạng Quỳnh phải botay.com chính do âm thanh của hai từ tượng thanh: “bì bạch”. Mãi đến nay, lớp “hậu sinh khả úy” cũng “chịu chết” trước vế đối: “Da trắng vỗ bì bạch” là vậy.
Không chỉ có 26 từ mà chị bạn tôi đã đố, còn có thể kể thêm nữa: pha, băm, chém, phát, cưa, xẻ, bổ. Khiếp nhỉ? Ai còn biết, xin bổ xung thêm.

Trong khi chờ ý kiến của các bạn, tôi xin có giải thích nho nhỏ về vài từ, có thể do vùng miền nên nhiều người chưa hiểu thấu đáo. Chẳng hạn: “Bao giờ rau cải làm đình/ Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta”. Thái là xắt nhỏ, xắt mỏng. Dạy con làm bếp, nhiều bà nẹ dặn con gái: “Miếng thịt này, muốn ngon, nhai mềm, trước hết con phải thái đúng thớ”. Thớ là đường dọc có hình sợi ở trong miếng thịt hoặc gỗ, đất, đá... Và “thái” cũng có nghĩa là cả, lớn, quá lắm, quá chừng - người miền Nam còn phát âm “thới”.

Còn “pha” là cắt, một vật gì theo chiều ngang thành nhiều mảnh/miếng mỏng. Trong phóng sự Tập án cái đình, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Người của làng tôi chỉ có con dao để pha thịt Ông Ỷ”. Ỷ là tên gọi con lợn tế thần. Con dao ấy, phải được chùi sạch bằng… miếng thịt nầm, tức là “giải thịt ở bụng con lợn, chạy theo chiều dài của một dẫy vú”. Vì sử dụng cho việc thành kính thiêng liêng liêng nên không ai gọi trẽn trơ “miếng thịt”, phải gọi “thần huệ”.

Nhân đây lam man thêm một chút. Con lợn/heo không chỉ gọi “Ông Ỷ” mà còn gọi “Ông Voi” (còn gọi Ông Đám). “Lễ hội rước lợn sống và gọi Ông Voi dường như chỉ có ở Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh. Ngày hội, các “Ông vui” được tắm sạch sẽ, đánh phấn cho hồng hào rồi đưa vào cũi. 12 “Ông Voi” được để dọc ai bên lối vào cửa đình được cho ăn thật đầy đủ để bảo đảm khỏe mạnh trong những ngày hành lễ” (Tạp chí Kiến thức ngày nay số ra ngày 10.8.2008). Trong bài báo này tác giả Phạm Học còn cho biết thêm: Người hành lễ sẽ lấy lông gáy của 12 “Ông Voi”để vào đĩa và dâng lên án thờ từ đêm 30.5 cho đến ngày kết thúc lễ hội 3.6, tính theo âm lịch. Ngoài thờ 6 vị tiên công lập làng còn có thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh quê ở Đồ Sơn. Quảng Ninh có liên quan gì đến Đồ Sơn? Ở đây có câu truyền miệng từ đời này sang đời nọ: “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn”, ý muốn nói ngư dân Đồ Sơn là những người tiên phong đến lâp làng nơi này.

Trở lại với từ “pha”.

“Pha”  còn có nghĩa trộn lẫn, đổ lộn vào nhau. “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Truyện Kiều có câu: “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” là hiểu theo nghĩa đó. Có câu thành ngữ được nhiều người thuộc làu làu: “Giả mù sa mưa”, thật ra đó chỉ “dị bản”. Nói theo kiểu tiếng Tây ba rọi của bà con Quảng Nam thì câu “ô rin rin” (original) của nó là “Giả mù pha mưa”. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Mượn khí mù mù như hơi sương móc mà xen hạt mưa, chỉ nghĩa là mượn chuyện nhỏ mọn mà làm ra chuyện lớn, như mượn tiếng nói chơi mà mắng thiệt, mượn sự đánh chơi mà đánh thiệt v.v…”.  Thử hỏi “pha” trong “nhà pha” là gì? Là nhà tù, trại giam chứ còn gì nữa.

Về từ “phát”, những ai sống ở nông thôn miền Nam đều nhìn thấy cái phãng lưỡi béng, dày mép, mũi bằng, chui cong có tra cán gỗ. Nó  dùng để phát cỏ, phát bờ rào, phát bụi rậm… Đứng thẳng lưng, vung tay dứt khoát một “phát” ắt chiếc phãng tiện gọn băng, sát đất những thứ gì cần gạt bỏ.

À, từ “khứa” cũng hay ho không kém. “Khứa” là cắt sấn ngang, cắt từng khúc, từng miếng. Người mẹ bảo: “Còn “khúc cá” ngon, mẹ để dành cho con đây” ắt biết đó là một khúc cá đã cắt rời. “Khứa”, có thể cắt dính hoặc cắt rời. Chị bảo em: “Muốn con cá này thấm gia vị, em đừng quên khứa ngang khứa dọc”, tức chỉ hằn vết cứa trên con cá. Trước đây ở miền Nam có câu: “Nói đưa khứa” là nói đẩy đưa, nói cho qua việc. Lại còn nghe: “Thằng khứa đó, lắm của nhiều tiền đó nghe”, do có từ “khứa” lò tò đi theo sau, lập tức câu nói mang sắc thái xem thường người đó.

Những từ này, dù nhiều người đã biết nhưng cũng xin nhắc lại. Chẳng hạn, “cắt”: dùng vật sắc làm đứt ra. “Cắt cổ gà không cần dao phay” là chỉ việc cỏn con, không cần người tài giỏi phải ra tay. Cũng “cắt cổ” nhưng lại chỉ đến giá cả, lãi xuất cao quá mức. Chẳng hạn, “Thằng cha đó cho vây với lãi suất cắt cổ”; hoặc “Đừng vào quán đó, chủ quán chém đẹp”. “Chém” trong ngữ cảnh trên cũng hàm nghĩa tương tự.
Chém là lấy dao, gươm, đao  chém một phát cho đứt lìa. Có ai lấy lưỡi ra… chém không? Thành ngữ có câu: “Chém nhau đằng lưỡi” - chỉ hành động đối xử tàn nhẫn, không còn tình nghĩa, vì thế, ông bà ta khuyên: “Anh em chém đàng dọng, không ai chém nhau đằng lưỡi”. Vậy “lưỡi” ở đây không phải “cái lưỡi” mà chính là phần bén của con dao, gươm…

Trong Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân có viết về nhân vật Bát Lê rất thiện nghệ với lối chém treo ngành. Đọc lại vẫn còn lạnh cả xương sống: “Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp, các quan chỉ nghe thấy cái âm lơ lớ rờn rợn. Quan Công sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ gục đến đấy. Những tia máu phun kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”. Có thể hiểu, “chém treo ngành” là dứt một nhát gươm/dao, cái đầu lìa khỏi cổ, nhưng vẫn còn dính lại một phần da nên “không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”.

“Chặt” là chém mạnh xuống cho dứt. Trong lúc chém/chặt đôi lúc cũng phải nhìn trước ngó sau, không khéo vì cái này mà mất lòng cái kia. “Chặt bụi tre dè bụi chuối”, “Chém tre phải dè đầu mặt”, nói cách khác “Đánh chó phải ngó chủ”. Với người Việt, cây tre vốn thân thiện, rất cần thiết, gắn bó trong việc dựng nhà cửa, đan sọt v.v… “Thứ nhất chặt tre, thứ nhì ve gái” - là hai việc làm không hề dễ dàng, tốn nhiều thời gian, công sức.

“Đẵn” là chặt, cắt đứt. “Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan/ Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn/ Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai/ Miệng ăn măng trúc, măng mai/ Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng”. Ngoài ra, nếu không dùng các từ lạng, tước, thái, chẻ, pha, đẵn, đẽo, tiện, rọc, xắn, xén, xẻo, róc, tỉa, khứa, cứa, lẻo, gọt, vót, hớt, xắt…, tùy ngữ cảnh ắt dùng “bổ”.

“Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. “Bổ” là dùng dao hay búa… tách một vật theo chiều dọc hoặc làm cho vỡ toác ra. Chẳng hạn, “Anh ấy, mỗi ngày thường bổ củi”. Một người bạn bảo: “Bồ uống nước tăng lực à? Bổ béo/bổ báu gì thứ đó”, ta hiểu là ngầm chê bai. “Bổ” còn đồng âm với nghĩa là ngã/té như bổ chửng, bổ nhào, bổ chỏng gọng, bổ cái oạch/ té cái ịch/ ngã cái đụi... Hò Huế có câu du dương, trữ tình khôn xiết: “Chiều chiều bóng bổ qua cầu/ Con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa”. Cha chả là hay.

Khen câu hò hay hay đang tự khen bài viết của mình? Xin thưa, khen cả hai đấy chứ.

L.M.Q
(nguồn: Báo TTC 1.8.2016)


Ghi chú: Bản chính của tác giả

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com