BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy

LÊ MINH QUỐC: Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy

comomthicap-co-nap-thi-day-1R

Ai lại không xúc động khi nghe lại câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”? Đó là lúc người mẹ “mớm” cơm cho con. “Mớm” còn có nghĩ là xúi một cách khéo léo để người khác nói/khai theo chủ ý của mình: mớm lời, mớm cung; cũng còn nghĩa làm thử như đục mớm lỗ kèo… Khi lớn lên một chút, đứa trẻ ăn bằng động tác nhai nhỏ nhẹ, gọi là măm; hoặc có khi mút. Ăn tham, trúng thực ắt mửa. Trúng gió, có khi méo miệng. Về già, có người móm miệng/móm mém vì răng rụng, môi sụp vào. Các động tác từ miệng, thường đi với âm “mờ”.

“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, nhưng vẫn có kẻ lười biếng chỉ muốn “há miệng chờ sung”, “miệng mồm đỡ chân tay”. Ta thường nghe nói, miệng có quai xách; quai mồm ra mà cãi; miệng quá mang tai… nhằm chỉ những người lắm lời, nhiễu sự, nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Thành ngữ “Há miệng mắc quai”, hiểu thế nào cho đúng? Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng Hợp TP.HCM) của Nguyễn Đức Dương giải thích: “(Muốn) há miệng (nhưng không thể hạ được cằm vì cứ) bị cái quai (nón) giữ chặt lại” (tr.419). Nhóm tác giả thuộc Viện Ngôn ngữ học trong Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ (NXB Khoa học Xã hội) lại cho rằng: Quai có nhiều nghĩa, ở đây có thể hiểu “quai là từ rút gọn của quai hàm” (tr.182).

Tuy vậy, cả hai tập sách nêu trên, đều trùng nhau cách giải thích nghĩa bóng: “Hay dùng để chỉ rõ tình cảnh chẳng thể mở được miệng để nói ra những điều mình muốn do lỡ ăn các thứ được người ta ban tặng cho”; “Không dám nói khiếm điểm của người khác vì sợ đụng chạm đến cả những khuyết điểm mà mình đã phạm phải”. Nếu không dùng thành ngữ này, ta có thể thay bằng câu “Ăn xôi chùa ngọng miệng”.

Thời buổi này, mấy câu thành ngữ trên vẫn còn có giá trị hiện thực đấy chứ? Nếu không, tại sao ngày càng nhiều sự việc bê bối tuầy huầy ra đó, chẳng ra làm sao nhưng người đứng đầu hoặc “im thin thít thịt nấu đông”; hoặc “nói lúng búng như húp cháo nóng”. Đố đương sự dám há miệng ra kết luận, đánh giá sự việc rạch ròi, minh bạch, dứt khoát, “nói như chém rựa xuống đất”. Ngượng miệng chết.

Nói bằng miệng, nhưng “khua môi múa mép”, “mồm mép tép nhảy” cũng là nói, nhưng là khoác lác, ba hoa, bẻm mép, “ba voi không được bát nước xáo”. Đáng sợ cho “miệng bà đồng như lồng chim khướu”, bọn đồng cốt quàng xiên đã “hót” thì con kiến trong hang cũng chui ra, tin cái miệng của chúng có ngày bán thóc giống! Oách nhất là “miệng kẻ sang có gang có thép”. Vậy “ngon” chứ gì? Có vế đối lại cực kỳ hiểm độc: “Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”. Thế mới biết, ông cha ta xài chữ nghĩa đắc địa vô cùng. Tương tự, còn có câu thuộc loại “tiểu đối” cũng quái chiêu không kém: “Miệng quan, trôn trẻ”! Thiệt hết biết cho cái sự so sánh của người Việt mình!

Muốn nói ắt phải “mở miệng”, vậy không nói gì, như ta đã biết trái nghĩa với “mở” là “đóng/khép”, ta gọi “đóng/khép miệng? Không, “ngậm miệng” là làm thinh. Lúc giận, thay vì nói, người ta mắng/mắng mỏ/mắng nhiếc. Khi nghe câu phê bình: “Thằng nhỏ đó cái miệng ăn mắm, ăn muối” là ngụ ý nó nói điều xúi quẩy, kiêng kỵ lẽ ra không nên nói; nhưng với câu: “Chà, đúng là cái miệng thêm mắm, thêm muối” là chê kẻ đặt điều, thêm thắt, nói quá, nói vống lên về sự việc nào đó. Khi nói phải cẩn trọng, “một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, không khéo “vạ miệng” như chơi; đừng nói nói quá lố, quá mức khiến người bên cạnh “bụm miệng” không kịp.

Ngoài ra còn có một loạt từ khác cũng đi với miệng như vui miệng, lạt miệng, kín miệng, xấu miệng, khớp miệng, làm miệng, mỏi miệng, đắng miệng v.v… lại có ý nghĩa khác hẳn, chứ không thể hiểu theo nghĩa của từ đi chung đã đứng/sau trước nó. Chẳng hạn, khi người này hỏi: “Cứ xía vào chuyện nhà người ta, bộ ngứa miệng à?”; “Ối dào, thằng chả độc miệng lắm”. Lại hỏi: “Nhà anh có mấy miệng ăn?”, tức hỏi nhà có mấy người. Còn “miệng thế/ miệng tiếng” là lời xì xào, bàn tán, chê bai của thiên hạ. Thôi, hơi đâu mà lo, ông bà ta bảo: “Miệng thế gian như làn sóng biển”. Tuy nhiên, “Trăm ngăm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” lại khác. “Bia miệng” là tiếng xấu để lại, lưu truyền mãi về sau.

“Khéo miệng mà chẳng khéo tay/ Đẽo cày ra cuốc, còn hay nỏ mồm”. Đã vụng về lại còn miệng mồm tía lia, suốt ngày “mồm loa miệng chảo, mách lẻo đôi co”, ai mà chịu nổi? “Mồm mép/ miệng lưỡi” là chỉ kẻ nói nhiều, lém lỉnh, hoạt ngôn, nói đến độ miệng không kịp kéo da non - đúng là  “mồm năm miệng mười”. Lại có câu: “Kẻ cắp già mồm” chỉ kẻ làm việc sai trái mà còn cãi chày cãi cối, tranh lời người khác đặng tự bào chữa, giành phần thắng về mình. Những kẻ đó, dân gian bảo: “Lưỡi như thoa mỡ” là vậy.

Thơ trào phúng Tú Mỡ có câu: “Nói lời rồi lại ăn/ Thực là mồm sẹo gỗ”. Có thể hiểu, người đó xoạc mồm ra mà nói, nhưng sau đó “nuốt lời” như chơi, tiền hậu bất nhất, không đáng tin. Lại còn có mồm cá ngão, miệng hỏa lò, miệng bình vôi - nhằm chỉ ai đó có cái miệng rất rộng. Nhưng “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” lại hoàn toàn không liên quan gì đến con người mà nhằm chỉ giống trâu khỏe, dai sức, cày tốt.

Cũng là cái miệng nhưng khi ghét bỏ, khinh miệt hoặc chỉ súc vật lại có từ khác như mõm, mỏ, mồm… Ca dao có câu: “Sự đời như chiếc lá đa/ Đen như mõm chó chém cha sự đời”. Khi nghe câu: “Sợ gì, cứ đấm vào mõm nó là xong”, chẳng phải vung tay, vung chân đánh chó mà đem tiền của hối hộ cho ai đó! Nhục thật, dẫu có cái miệng sờ sờ nhưng vì ngậm của đút lót nên thiên hạ mới khinh bỉ gọi bằng mõm. Đáng đời chưa?

Ngoài các từ đồng nghĩa với miệng vừa nêu trên, còn có thể thay bằng từ gì? Anh chàng nọ (như tôi đây) bị vợ cằn nhằn mãi vì đem tiền cho gái, nghe riết đâm bực, bèn quát: “Rác cả tai. Có câm họng đi không?”. Sức mấy, cô vợ vẫn gân cổ mà xoen xoét miệng mồm. Hoảng quá, anh chàng đành… “cứng họng”! Thành ngữ xưa có câu, nay ít ai hiểu nghĩa “Khỏi họng, bọng dơ”. Bọng là biến âm của bụng, ý nói cần cẩn thận với miếng ăn khi đưa vào miệng.

Tóm lại, “Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy”. Phải giữ mồm giữ miệng, cẩn thận lời tiếng nói để khỏi lỡ lời, vạ miệng.

L.M.Q

(nguồn: TTC 1.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com