BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết VĨNH BIỆT CHỊ MINH HIỀN

VĨNH BIỆT CHỊ MINH HIỀN

vinhbiet-chi-minh-hien


“Nhà báo Minh Hiền vừa qua đời”. Sáng chủ nhật, tình cờ gặp nhau tại Đường sách, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương đã thốt lên ngậm ngùi. Với tôi, lập tức trong ký ức hiện lên một gương mặt dung dị, đẹp, hiền lành. Ngày tháng đó, tòa soạn còn trú tại 188 Lý Chính Thắng. mỗi chiều thứ 2 thường có giao ban chung. Chị Minh Hiền trên cương vị Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, thường ít nói, nhưng một khi tòa soạn đã “gút” xong đề tài, kế hoạch thì chị luôn có thái độ quyết liệt, phải thực hiện cho bằng được.Âu cũng là một cách mà “sếp” truyền lửa cho anh em phóng viên.

Còn nhớ, ngày chị nhập viện, chừng đã hơn hai mươi năm trước. Lúc chúng tôi vào thăm, chị vẫn luôn lạc quan, tươi cười. Trong câu chuyện,  chị nhắc nhiều đến bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và tỏ ra yên tâm. Sự lạc quan kỳ lạ ấy, khiến chúng tôi cảm phục, nghĩ rằng, chị thừa sức chiến thăng được bệnh tật. Lúc nào cũng thấy chị mỉm cười và nói năng nhỏ nhẹ, hòa đồng với mọi người. Quả nhiên như thế. Nghị lực của một con người quyết liệt sống, yêu thích công việc và dám bênh vực lẽ phải trên từng mỗi số báo, có lẽ “thần chết” cũng nể nang.

Dăm năm trước, tại Hội sách tại Công viên Lê Văn Tám, tình cờ gặp nhau, qua lúc tâm tình, chị nhắc nhiều đến Hổ - cậu con trai cực kỳ thông minh mà vợ chồng chị rất tự hào. Có một kỷ niệm nho nhỏ, với tôi khó quên, đại khái có lần chị bảo: “Hổ học tiếng Pháp giỏi. Em thử làm bài thơ để cháu dịch xem sao”. Nếu tôi nhớ không lầm đó cũng là đề tài của một cuộc thi nào đó của Hổ. Ngày đó, tôi sung sướng phổng mũi vì bài thơ triển khai từ cái tứ: “Với chữ “nếu”, người ta có thể nhé cả Paris vào trong một cái lọ” đã được chị khen hay. Nói như thế vì khi phụ trách nội dung của báo, chị rất thẳng thắn. Nói thẳng, không uốn éo trước chất lượng bài vở của anh em. Hay, khen hay, cho đăng; dở, chê dở và gác bài chứ không nại ra một lý do tế nhị nào đó để nói trớ đi.

Hiểu tính cách ấy - một tính cách cần thiết của một nhà báo chuyên nghiệp, vì thế, chúng tôi không ngạc nhiên sau khi rời khỏi báo Phụ Nữ TP.HCM, chị vẫn tiếp tục đeo đuổi lãnh vực báo chí. Ban đầu, chị làm tờ bản tin Công Thương, ít lâu sau, “lột xác” trở thành tuần báo Doanh nhân Sài Gòn. Có thể nói, trong cái rủi luôn có cái may, nhờ thế, chị đã đặt nền móng vững chắc từ buổi ban đầu cho tờ báo của giới doanh nhân.

Nhân đây cũng xin nhắc lại, hiện nay, Nhà nước ta đã chọn ngày 13.10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Công đầu thuộc về chị Minh Hiền. Báo Doanh nhân Sài Gòn số 38 (ra ngày 14.4.2004), với cương vị Tổng biên tập, chị là người đã chính thức khởi xướng. Bài báo đó, có đoạn viết thống thiết: “Phải xóa bỏ cho được định kiến bất công về một lớp người đang chiến đấu vì tương lai phú cường của dân tộc, mà một trong những cách làm, theo báo Doanh nhân Sài Gòn là chọn ra một ngày trong năm để tôn vinh họ, như chúng ta tôn vinh thầy thuốc, nhà báo, nhà giáo... bằng các ngày 27.2, 21.6, 20.11... đó là một ngày có thể lấy tên “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Thiết nghĩ, đời người làm báo, với một sáng kiến trên diễn đàn công luận đã trở thành hiện thực cũng là một đóng góp to lớn cho cộng đồng.

Khi nằm bệnh viện, chị bảo, phải sống cho bằng được, ít ra là lúc cậu con trai đã tốt nghiêp phổ thông. Và nay, chị đã đạt được ý nguyện. Vĩnh biệt chị, chúng tôi biết rằng chị đã thanh thản, hài lòng với một chuyến đi xa. Dù chẳng bao giờ có thể gặp lại nữa, nhưng tinh thần, nghị lực, tính cách của một nhà báo chuyên nghiệp vẫn còn sống trong tâm thức người cùng thời. Xin chia cùng gia đình chị Minh Hiền, chia buồn cùng nhà biên kịch, nhà văn Nguyễn Hồ - người bạn đời đã chung sống chung thủy những năm tháng tươi đẹp nhất.

Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM  ngày 25.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com