BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Trông mặt mà bắt hình dong

LÊ MINH QUỐC: Trông mặt mà bắt hình dong

 

trong-mat-ma-bat-hinh-dong-ttc

 


“Trông mặt mà bắt hình dong”. Xem ra, trong cơ thể con người ta cái mặt quan trọng lắm, chỉ cần nhìn mặt mà có thể đoán biết tính cách, tính nết, tình cảm của họ. Có một điều cực kỳ lý thú, ta thấy các bộ phận khác trên gương mặt hầu hết bắt đầu từ âm “m/mờ”. Này nhé, mắt, mi, mí, miệng, mũi, môi, mày…; ngay cả biểu hiện cảm xúc cũng thế: mếu máo, mím môi, mếu, mỉm, mấp máy...

Mặt đi với các từ khác, ắt có sắc thái khác. Ta thường nghe câu: thò lò sáu mặt; mặt tam mày tứ - là chỉ kẻ tráo trở, lừa lọc, lúc thế này, khi thế khác chẳng ai lường trước được. “Mặt rô” là loại du côn, dân anh chị dao búa, đầu bò đầu bướu. Khi nghe câu: “Cái mặt không chơi được”, không phải nói về cái mặt ấy xấu hay đẹp mà chính là lời chê trách dành dành cho kẻ kém tư cách, thiếu đạo đức. Loại hung hãn, ngang ngược, không có tình người bị ví là “đầu trâu, mặt ngựa”. Lại có câu “mặt dài như mặt ngựa”, chỉ là sự so sánh, không liên quan gì thành ngữ trên. Tương tự, những kẻ “mặt choắt bằng hai ngón chéo” - là cái mặt gầy, quắt, chứ không hẳn nói về tính cách.

Cái mặt nào mà không có máu? Nhưng nghe câu: “Đừng gây sự với thằng Z, nó là dân “máu mặt”, chứ chẳng xoàng đâu”, có thể hiểu Z là người có quyền lực, quan hệ hệ rộng hoặc có tài chánh hơn người. Trong câu nói: “Bữa tiệc hôm ấy có nhiều vị “tai to mặt lớn” đến dự” - ắt phải hiểu đó là những người có quyền hành, có địa vị cao trong xã hội. Thế nhưng, “Mặt trơ trán bóng” lại nghĩa chỉ người trơ trẽn, mặt lì, lì lợm không biết hổ thẹn, chẳng khác gì “mặt trơ như mặt thớt”.

Các câu “Mặt dạn, mày dày”, “Mặt chai, mày đá” chỉ những kẻ trơ lì cái mặt, không biết xấu hổ, nếu cần thì ta “vạch mặt chỉ tên” chứ không thèm úp úp mở mở: “Loại mặt mẹt, mặt mo ấy, chơi làm gì. Lần sau, cạch mặt nó ra”. Ai đó dù nói năng hùng hồn, dũng mãnh nhưng trong bụng đang lo sốt vó, có câu: “Mặt tái mét, nói phét thánh thần”. Phải sống trong thời bao cấp, mới cảm nhận hết nỗi âu lo, thẫn thờ, đờ đẫn thể hiện qua “mặt nghệch như người mất sổ gạo”. Có những người làm việc cật lực, quần quật “Tối mày tối mặt”, đến độ “Mặt se mày xám”. Ngược lại, có kẻ lười biếng, hễ nghe chỗ nào có gõ thớt là vác mặt tới ăn. Nói “vác mặt” - hàm ý coi khinh kẻ đó.

Hiểu thế nào về câu “dọn mặt đi ăn cỗ”? Có thể giải thích nôm na dù đang buồn bực cau có, dù thế nào đi nữa cũng phải mang lấy một bộ mặt khác khi đến một nơi chốn khác để có chung một bộ mặt như thiên hạ. Dù bộ mặt thể hiện sắc thái như nhau, cũng cười cười nói nói nhưng biết đâu “bằng mặt mà không bằng lòng”? Vậy thì, chỉ quan sát bề mặt, ngoài mặt thì chưa chắc đã đánh giá đúng tâm địa người đó.

Ông bà ta bảo: “Giỡn chó, chó liếm mặt” - là dặn dò chớ nên luông tuồng, dễ dãi quá mà kẻ dưới mà nó đâm ra lờn mặt/nhờn mặt, không giữ đúng mực, phép tắc như ban đầu. Chê trách ai tráo trở, lật lọng có từ “trở mặt”. Ca dao có câu: “Bạc tình chi lắm hỡi ai/ Lên non cao trở mặt, xuống dốc dài quay lưng”. “Xa mặt cách lòng” cũng là thói thường của người đời chăng?

Mà đôi lúc “mặt mũi/mặt mày” cũng nhằm chỉ…  mỗi cái mặt, dù rằng có “mũi/mày” kè kè đi theo sau: “Thằng chả mặt mũi trong cũng bảnh đấy chứ!”; hoặc: “Ối, hết người rồi à? Sao cậu  là mê cái thằng mặt mày như Chí Phèo?”. Có bao giờ cái mặt bị mất đi không? Có chứ sao không! Chẳng hạn, ông bố mắng con: “Trời đất! Con làm như thế mất mặt bố mẹ quá. Người ta qua nhà mình mắng câu này, rủa câu nọ, bố mẹ sượng trân, vuốt mặt không kịp”. Trong ngữ cảnh này, đứa con làm mất uy tín, thể diện, danh dự của bố mẹ. Chưa hết giận, ông bố còn thòng thêm một câu: “Con không thay đổi tính nết, chắc bố mẹ lúc đi ra đường phải đeo mo vào mặt”. Nhưng nếu đứa con ngoan, học hành giỏi giang, được thiên hạ khena ắt bố mẹ “mát mặt”, “nở mày nở mặt”.

Có anh chàng nọ tí ta tí tởn dẫn mèo dạo phố, nào ngờ bị vợ bắt quả tang, mắng xối xả bèn tự nhủ: “Xấu hổ quá, cất cái mặt đi đâu hở trời?”. Nói như thế vì cái mặt “đại diện” một cách toàn diện cho bản thân con người đó. “Muối mặt” là làm việc gì đó, dù biết người ta không thích, khinh ghét nhưng vẫn cứ làm, chẳng hạn: “Cô ta nợ nần tùm lum, thế mà còn muối mặt đến đây vay tiền”. “Mặt đối mặt” là cả hai người/ hai phe đối chọi trực tiếp. Lúc đó, mới biết ai “mặt sứa, gan lim” - thuộc loại cứng rắn, không dễ lung lạc tinh thần.

Ngoài ra còn có hàng loạt từ khác liên quan đến cái mặt nhằm chỉ những sắc thái tình cảm, cảm xúc khác nhau cực kỳ phong phú: mặt nặng như chì, mặt nặng như đeo đá (chỉ cái mặt nặng, lầm lì, bực bội); mặt như gà cắt tiết; mặt như đưa đám; mặt xanh, nanh vàng; mặt nạc, đóm dày; mặt phèng phẹt như cái mâm; mặt rỗ như tổ ong bầu; mặt sắt đen sì; mặt rắn như sành; mặt ngây như ngỗng ỉa; mặt nhăn như bị; mặt bủng, da chì; mặt như chàm đổ; “Ai rằng ta chẳng khôn này/ Đến khi nói dại, mặt ngây cán tàn” v.v… Đi với sự so sánh nêu trên, cái bổn mặt ấy không đẹp chút tẹo nào!

Mặt đẹp phải là: mặt hoa, da phấn; mặt ngọc, da ngà; mặt tươi như hoa; mặt trái soan; mặt hoa, mày liễu; mặt vuông chữ điền; mặt chữ điền trăm tiền cũng đáng… Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” của Hàn Mặc Tử gợi nhớ trong tâm tưởng nhiều người. Mấy cô mấy cậu trẻ người non dạ, “mặt búng ra sữa” luôn thích da mặt mịn màng, chẳng hề khoái chút nào khi… mặt mụn!

Và có lẽ bên cạnh các thành ngữ như gọt chân cho vừa giày, gọt gáy bôi vôi… cần bổ sung thêm “gọt mặt”. Từ này mới du nhập nhằm chỉ kỹ nghệ làm đẹp chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, trước đó chưa hề có. Biết đâu cũng do kỹ thuật “gọt mặt”, từ đó, cái mặt được “tân trang” đẹp hơn, quyến rũ hơn… thì biết đâu thành ngữ “trông mặt mà bắt hình dong” sẽ không còn đúng nữa chăng?

L.M.Q
(nguồn: TTC 15.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com