BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Mạo danh người nổi tiếng trên mạng xã hội: “Câu like” hay trục lợi

Mạo danh người nổi tiếng trên mạng xã hội: “Câu like” hay trục lợi

 

MAO-DNAH-NGUOI-NOI-TIENG-FACEBOOK

 

Mạo danh người nổi tiếng trên mạng xã hội:
“Câu like” hay trục lợi

 

Ngày xửa ngày xưa, cái thời thiên hạ chưa hề biết gì về tin học, email, “chít chát”, có câu chuyện như sau: làng nọ, tỉnh nọ, nước nọ có nàng Tây Thi nhan sắc tuyệt trần. Trăm người như một, hễ ai đã gặp nàng ắt phải khen đẹp. Nàng có chứng đau bụng, quái, khi ôm bụng nhăn mặt thì lại càng đẹp hơn. Có cô gái cùng làng dù dung nhan chỉ ngang cỡ Thị Nở, tệ hơn cả Chung Vô Diệm biết được điều đó bèn bắt chước theo. Hễ ra khỏi nhà, bước vào chốn đông người là cô ta ôm bụng mà nhăn mặt. Mọi người trông thấy đều hoảng hồn tưởng gặp ma quỷ, tìm cách tránh, né càng xa càng tốt.
Nếu cô gái kệch cỡm ấy, sống trong thời buổi này, có lẽ đã có một kết thúc khác. Hoàn toàn có thể khiến thiên hạ nhầm tưởng mình là Tây Thi.

Thực hiện bằng cách nào?

Lập trang Fanpage giả mạo tên tuổi của “người đó” - “người của công chúng”. Dễ như ăn ốc. Dễ như bỡn. Dễ như trở bàn tay. Mà tâm lý của con người ta kỳ lạ lắm, hễ đã ái mộ ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ nào đó thì họ càng muốn biết mọi nhu cầu đời thường của người ấy. Cô/chàng ta đã có người yêu chưa; bị “cắm sừng” mấy lần; đã kết hôn hay vẫn “phòng đơn chiếc bóng”; giới tính thật ra sao; thích ăn vặt ở vỉa hè nào; lúc ngủ thường nằm trong tư thế nào, hớ hênh hay kín đáo; thích sử dụng loại nước hoa có mùi gì; thích “trăng mật” theo gu cổ điển hay phá cách? v.v… và v.v…
Những tò mò đầy tính chất “mỹ thuật” và “nhân văn” ấy, chẳng một người nổi tiếng nào dại dột tuyên bố, tâm sự công khai trên báo chí.

Sự quan tâm của một bộ phận trong đám đông, đôi lúc, chỉ đơn giản thế thôi. Họ chẳng cần phải biết những gì “cao siêu” hơn, chẳng hạn, bọn khủng bố quái thai IS con nhà ai, học hành thế nào, chúng nó hoạt động theo phương thức nào; hàng hóa vào dịp Tết tăng gấp bao nhiêu so với ngày thường… Họ chỉ khoái chúi mũi, dán mắt vào những thông tin “bí mật”, những phát ngôn của người nổi tiếng như vừa ăn gì, chơi gì, đi đâu, ngồi với ai, mua sắm gì, vừa nhăng cuội tuyên bố những gì... Mà chỉ ở trang cá nhân thì mới có những chuyện riêng tư ấy. Thế là họ có dịp like, share rồi tha hồ bình luận loạn xạ ngầu vì ai ai cũng cho mình có quyền được bày tỏ lòng yêu mến, ái mộ “thần tượng”.

Do đó, khi giả mạo trang cá nhân của người nổi tiếng, phơi bày tất tần tật các chuyện trên ắt là cách câu view ít tốn kém mà hiệu quả nhất.

Nhưng chỉ có thôi ư?

Nếu thế, quả là ngốc, “ăn cơm nhà vác ngà voi”, tốn kém thời gian, công sức, chỉ được cái danh bọt bèo như bong bóng xì hơi trên thế giới ảo.

Vấn đề là từ sự giả mạo ấy phải đạt đến mục tiêu: bằng mọi cách thu về tiền bạc, càng “khẳm” càng tốt.

Mới đây thôi, dân cư mạng nhốn nháo với ca sĩ Z đang “trên đỉnh của đỉnh” hé lộ nỗi buồn sâu thăm thẳm vì bà mẹ đang bệnh ung thư giai đoạn cuối. Do cần nhiều tiền để chữa trị cho mẹ nên cô kêu gọi lòng hảo tâm của fan hâm mộ. Lâu nay, trên trang Fanpage (tất nhiên trang lừa đảo) mạo danh cô lúc nào cũng ngập đầy hình ảnh cười toe toét, hoa hồng, ánh sáng, tiếng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, thì nay chỉ là gương mặt rầu rĩ như đưa đám vì lo lắng đến bệnh tật của mẹ. Ai lại không động lòng về tấm lòng hiếu thảo ấy?

Thế là nhiều người nhanh chóng chuyển tiền theo số tài khoản đã công khai, cầu mong “thần tượng” sớm vượt qua nổi âu lo mà không hề xác minh, tìm hiểu.

Ừ, cứ thế nhé. Số tiền nộp vào tài khoản ngày một nhiều hơn, đến lúc ca sĩ Z phát hiện thì kẻ xấu đã xa chạy cao bay. Kẻ lừa đảo “ăn ốc”, còn cô phải “đổ ốc”. Phải đăng đàn “nói lại cho rõ”, “thanh ninh thanh nga” bằng chết, nếu không sẽ bị tẩy chay ngay vì biết đâu các fan hâm mộ nghi ngờ là sự cấu kết giữa cô với kẻ xấu! Đúng là oan ông Địa. Những trường hợp này là  sự cố méo mặt của không ít người nổi tiếng.

Lại thêm chuyện đình đám này nữa: Sau khi được đội vương miện giữa hàng vạn tiếng vỗ tay, cô hoa hậu nọ thường thích đi làm từ thiện. Hình ảnh đáng khen này được nhiều báo đưa tin, tràn đầy trên mạng. Ngay lập tức kẻ xấu lập trang Facebook mang tên cô, tất nhiên chỉ chuyên đăng tải các hình ảnh, hoạt động từ thiện của cô, qua đó kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong nước lẫn nước ngoài cùng chung tay, góp sức. Tin vào đó, nhiều người đã sập bẫy một cách dễ dàng. Họ không ngờ đã nộp tiền cho kẻ gian manh, lừa đảo.

Chà, kiếm ăn kiểu này, xem ra cũng nhộn đấy chứ.

Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng: “Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát”. Sự lừa đảo, mạo danh người khác để kiếm chác dù tinh vi đến đâu cũng có ngày bị phát giác, đến lúc pháp luật “sờ gáy” thì đã muộn.

Xin kể lại câu chuyện ngụ ngôn: Do vớ được bộ lông con cọp, một con lừa tinh ranh khoác lên, đội lốt làm cọp. Cả người lẫn vậy nhìn thấy đều tỏ lòng thần phục, ngưỡng mộ, tung hô ca ngợi. Con lừa lấy làm hả hê, sung sướng, kiêu ngạo lắm. Một ngày kia, có trận gió thổi tung bộ da cọp lâu nay đã khoác, lừa lại hoàn lừa. Mọi người mới phát giác bị lừa, tức giận cầm gậy nện cho một trận nên thân.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: TGPN số Tất Niên 1.2.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com