BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nói hay “nổ”?

LÊ MINH QUỐC: Nói hay “nổ”?

noi-hay-no-TTC-1-R

 

Nói cũng là một lạc thú ở đời. Tục ngữ có câu: “Được ăn được nói”. Nhưng muốn nói cho hay ho, cho bay bướm văn hoa, lịch lãm thì phải học. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy. Thói thường, “rượu vào thì lời ra”. Không thể khác. Cũng tỉ như đã ăn mì Quảng phải có bánh tráng, đã ăn bún bò Huế thì phải ớt thật cay, đã ăn phở thì phải có “người lái”... “Nguyên tắc” ấy bất di bất dịch, không thể thay đổi. “Không ăn thì đói, không nói thì buồn”. Ấy vậy mà khi đến quán Đo Đo, có lần tôi lại bị nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “kỷ luật” cấm... nói! Hơn cả thế, cấm luôn cả... cười!

Tại sao có lệnh cấm ấy? Thưa, tôi vốn là người có giọng nói dạt dào, ầm ầm như sóng Mỹ Khê, cười nói rổn rảng hào sảng như mõ làng nên những lần khoái chí cười nói là cả đầu làng cuối xóm đều... giật mình! Điều này ảnh hưởng đến không khí ấm cúng, nhỏ nhẹ của quán Đo Đo. Nhưng dù gì đi nữa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ban lệnh cấm ấy dành cho tôi là vô lý.

Tôi gào lên: Ức quá, bất công quá, chèn ép quá!

Mặc kệ, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cười khì khì.

Trước đây, anh Ánh thường bảo: “Đêm đã khuya, để khỏi phiền lòng hàng xóm, Quốc điều chỉnh âm thanh chỉ vừa đủ nghe”. Tất nhiên, tôi vẫn “nói ba xí ba tú”, “nói ngang cành bứa” rồi “nói phải nói quấy” để tránh sự “áp đặt”, sự “cưỡng bức” vô lý ấy. Thấy không ăn thua, lần sau, anh Ánh đổi giọng gần như... năn nỉ: “Từ rày trở về sau, Quốc được miễn trả tiền nhậu nhưng bù lại là... cấm nói, cấm cười!”.

Còn gì khổ tâm hơn, ray rứt mồm mép hơn, ngứa ngáy chân tay hơn cho bằng ngồi nhậu tì tì mà không được há mồm ra nói một câu cho hả, cho đã đời con nòng nọc? Mà không nói thì phải nghe. Nghe mà chỉ nghe suông là... xoàng (!?). Ngứa miệng lắm. Phải vung tay “nói như tép nhảy”, “nói thánh nói tướng”… cho méo trời lệch đất! Chứ ngồi im thin thít như thịt nấu đông, chết còn sướng hơn!

Thật vậy, ở những chỗ đông đảo bạn bè, ai ai cũng có tâm lý được “nói tràn cung mây” đến độ “nói trật họng như cối xây”, “nói như tát nước vào bè”… Có như thế mới hả hơi, mới sướng. Vì thế, thiên hạ bị tra tấn bởi các âm thanh nhộn nhạo “kẻ nói đơn, người nói kép” là lẽ thường tình. Ai ai cũng “nói một tấc đến trời”, “nói trơn như cháo chảy”, rồi giành nhau “nói tréo cẳng ngỗng”, “ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng ai chịu ai! Mà hễ nghe không lọt lỗ tai bởi những câu “nói chua như mẻ”, “nói như vạc mặt”, “nói chạm nọc”, “nói cạnh nói khóe” ắt có nguy cơ “lời nói đọi máu”.

Khiếp quá!

Tôi có người bạn xấu trai “mặt rỗ hoa mè”, lùn tịt, chữ nghĩa không đầy nắp nghêu nhưng được bạn hữu xếp vào hạng “sát nữ đại hiệp”. Tài thật. Vậy “bí kíp giang hồ” gì? Anh tiết lộ: Với người đẹp, hầu hết đều có tâm lý “yêu bằng tai”. Do đó, phải nhỏ nhẹ sử dụng chiêu “nói như rót mật vào tai”, dù có trơ như đá vững như đồng cũng… đổ vì “nói nhiều xiêu dạ”,  “nói ngọt lọt đến xương” kia mà. Lúc cần giấu diếm điều gì, dứt khoát “nói như đinh đóng cột”, “nói như rựa chém đất” nhằm tạo lòng tin. Sau đó, nếu bị phát hiện, lo gì, cứ việc “nói quanh nói co”, “nói ba điều bốn chuyện”, “nói khó cho qua buổi chợ”, “nói cho ngon miếng xôi, cho trôi miếng thịt”. Tất nhiên, vẫn nói bằng phong cách “nói ngọt như mía lùi”, “nói xuôi cũng được nói ngược cũng hay” rồi nhanh chóng đá giò lái qua chuyện khác!

Cao thủ cỡ này, có lẽ Don Juan phải gọi bằng cụ!

Một quan chức nọ nổi tiếng bám ghế rất giỏi, dù tài cán chỉ hạng xoàng. Do có kinh nghiệm gì? Vào một ngày đẹp trời, ông ta gọi tôi lại và “nói rút ruột rút gan” truyền lại bửu bối: Này nhá, khi nghe cấp dưới góp ý, dù chúng “nói vanh vách như sách trong bụng”, “nói có sách, mách có chứng” hãy đối phó bằng cách niệm câu thần chú: “Nói dấm dẳng như chó cắn ma”, “nói như nói với đầu gối”, ta không thèm chấp cái loại “nói chưa sạch, vạch chưa thông”. Cứ nhún mình cho qua cơn sóng gió. Bất quá, chỉ là “nói như nước đổ lá khoai”, “nói như nước đổ đầu vịt” thì chết gì ai?

Vậy là xong.

Còn khi gặp cấp trên, nên nhớ: “Nói thẳng mực tàu, e đau lòng gỗ”, cho nên phải biết “nói như trống hai mặt”, chứ “nói thật trật lỗ tai”, “nói thẳng ruột ngựa”, không khéo có lúc ngồi chơi xơi nước! Đã xin xỏ cấp trên dự án gì, phải “nói ráo bọt mép”, “nói như khứu bách thanh”, “nói một tấc đến giời”, “nói như chó liếm thớt”, nếu sếp vẫn còn ngần ngừ thì cứ “nói dai nhách như chó nhai giẻ rách” đến bao giờ được việc mói thôi, thậm chí còn phải biết nâng lên thành nghệ thuật… “nói dốc như dốc Bà Nà”. Ở đời, “nói không mất thuế”, tội gì không nói?

Đúng quá, xin bái phục.

Tiếng Việt hay thật. Rõ rằng là “nói” nhưng có nhiều trường hợp, ngẫm nghĩ kỹ, phải xác định ngữ nghĩa của nó là “nổ”! Thế đấy, nào ai dám bảo tiếng Việt mình không phong phú, đa dạng, lắt léo?

L.M.Q

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười số 531 ra ngày 15.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com