BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập thơ “3 BỜ NẮNG” - THƠ CỦA BA NGƯỜI

LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập thơ “3 BỜ NẮNG” - THƠ CỦA BA NGƯỜI

tap-tho-3-bo-nang-1-R

 

Ba người in chung một tập thơ, vì thế mới có tên chung “3 bờ nắng”. Nắng có cần không? Ắt có. Những ngày mưa dầm dề da diết, nhất là ở miền Trung, vào một sáng thức dậy, ngước qua cửa sổ, nhìn lên ngọn tre xanh mướt bỗng thấy những sợi nắng đang lướt đến. Tự nhiên lòng cảm thấy vui. Một niềm vui. Một cảm xúc tươi trẻ như gặp lại cố nhân đã dăm ngày xa cách. Đó là nắng. Và đâu là thơ? Thì cảm xúc đến, thơ lại gõ cánh cửa trái tim và mời gọi.

Tôi đã đọc kỹ tập thơ này, đã tìm thấy những cảm xúc của ba người viết trẻ. Hầu như họ lắng nghe chính tự sự của lòng mình, họ tìm về những kỷ niệm mơ màng đã xa khuất. Rồi từ đó, có được những câu thơ mơn trớn trí nhớ người đọc. Cũng là nắng. Trần Hoa Khá nhìn ra:

Nắng rung rinh ngực lá

Xanh nõn giàn trầu không

Thế nào là ngực lá? Đó là thơ. Trước kia, Hàn mặc Tử viết: “Bỗng đêm nay trước của bóng trăng quỳ”. Một cách diễn đạt như nói, lại là thơ. Bây giờ, lại gặp:

Cỏ hoa dường cũng dịu dàng

Quỳ bên mộ trắng mơ màng khói sương

Lại một cách diễn đạt gợi đến hình, ảnh và lung linh màu sắc, dẫu chỉ một sắc trắng.

Ở Lê Trọng Nghĩa lại khác. Tự nhủ: “Anh dắt chiếc bóng rảo mòn đi về phía mặt trời”. Mình đi với một cá thể, không ai khác, là mình. Và đã nghe “Đâu đây tiếng cười đổ vỡ”. Tâm trạng ấy lẻ loi. Đơn độc. Trong một ý thức nào đó, là cảm giác của thơ. Lại nữa:

Từ nơi bờ nắng bước ra

Gió vàng thóc lép, đồng xa cánh cò

Ơ hay, sao không là “Thóc vàng gió lép”? Chọn một cách nói khác, được chăng? Bình thơ, có lẽ, không nên chi tiết quá, cụ thể quá, bởi còn dành một không gian cho người đọc. Tuy nhiên, làm sao có thể bỏ qua, lãng quên những câu thơ của Triều La Vỹ:

Đêm trở gió cánh đồng run tái mặt

Tóc ai rơi thấp thỏm vai mùa

Chiều Đại Lải. Núi bồng bềnh như sóng

Gió rất mềm. Gió nín mãi thành sương

Nắng rất nhẹ, khều trên mây mới rụng

Nắng như Em là nắng chuồn chuồn

A, “cánh đồng run tái mặt”, là một cách diễn đạt gợi quá đi thôi. Còn “nắng chuồn chuồn là nắng” thế nào?

Nắng của thơ đấy thôi.

Ba người làm thơ trẻ, in chung một tập thơ. Tôi sực nhớ chừng gần 30 năm trước, tôi, Đoàn Vị Thượng và Phan Nguyệt Hồng đã in chung tương tự. 30 năm sau, còn có người tiếp tục độc hành, đã có người mất hút trên vạn dặm đường dài. Chẳng hề gì. Đã yêu thơ, đến với thơ và đến một lúc tự mình ý thức tiếp tục hay sẽ rẽ ngang lối khác? Chẳng thể biết trước điều gì ngoài chính mình.

L.M.Q

(Sài Gòn V.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com