BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vài mẩu chuyện khó quên

LÊ MINH QUỐC: Vài mẩu chuyện khó quên


vai-mau-chuyen-kho-quenn-R

 

Lại nói về tủ sách gia đình

Trước đây nhà văn Lê Văn Nghĩa tâm sự tếu táo: “Nhà mình nhiều sách, nhưng để tìm một quyển sách, biết chắc chắn có nhưng cách tốt nhất là ra tiệm sách mua ngay quyển sách mới cho đỡ mất thời gian tìm kiếm”. Y nay cũng thế thôi. Trước còn sắp xếp ngăn nắp. Nay chịu chết. Dù nhiều sách nhưng y vẫn giữ thói quen hay la cà trong các nhà sách cũ, dù chẳng có nhu cầu mua gì nhưng cũng thích ngắm nghía các bìa sách. Loay hoay hết một ngày. Tìm trong sách của mình có quyển sách giáo khoa Le livre unique de Francais in năm 1935 tại Hà Nội. Điều khiến thích thú nhất, dù bài học là chữ Pháp nhưng các tranh vẽ đều là phong cảnh thiên nhiên, con người Việt Nam. Tranh vẽ tuyệt đẹp. Chẳng rõ của họa sĩ nào?

Trước đây, sách còn ít, có thể sắp xếp đâu ra đó. Đã thế, còn thuê các em sinh viên đến tận nhà phân loại sách, làm thư mục hẳn hòi. Mỗi lần muốn tìm tài liệu gì cũng dễ. Nay, bó tay. Sách đã quá nhiều. Xếp từ sàn lên tận trần nhà cũng không còn đủ chỗ. Nhớ chắc như đinh đóng cột là có quyển sách đó nhưng nó nằm chỗ nào? Chịu. Không thể tim ra. Thay vì mấy thời gian tìm kiếm, cách tốt nhất ra tiệm sách mua luôn quyển sách mới. Kinh nghiệm: lấy quyển sách đó tại đâu, khi đọc xong hãy đặt vào đúng vị trí cũ.

Lại nói về bạn bè

Có những người lúc nào cũng nói yêu, thương, quý mến mình nhưng chỉ một lần ghé thăm nhà, uống say quá, nói năng bậy bạ đôi câu. Lập tức, từ đó trở đi người đó không còn vốn vã, thân mật như trước nữa, cũng chẳng nói lý do tại sao. Lại có những người, lâu nay chẳng thích chơi, chẳng trò chuyện gì, dù gặp nhau vẫn như xa lạ. Vậy mà có lúc, khi mình gặp chuyện, người đó lại hỏi han ân cần, tỏ thái độ quan tâm. Lại có lúc:

Trên đường đời một lần tôi vấp ngã

Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi suýt soa. Quên cám ơn. Là lúc

Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi

Tứ tuyệt ấy, y viết đã lâu rồi bởi luôn nghĩ rằng, chung quanh ta vẫn còn có nhiều người tốt. Họ giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên, chẳng đòi hỏi mảy may điều gì.

Lại nói về vụ cháy đền danh nhân không rõ nguyên nguyên nhân

Mấy tháng trước, sáng ngày 2.8.2013 người dân phát hiện đền Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị đốt cháy; nay, rạng sáng 1.12.2013, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại Đền thờ Trung túc vương Lê Lai (Đền Tép) tại làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) - vụ hỏa hoạn này khiến toàn bộ phần cấu kiện gỗ và các đồ thờ cúng của tòa Chính điện bị thiêu rụi. Chỉ trong mấy tháng mà hai đền thờ danh nhân có công đánh đuổi giặc Tàu lại bị đốt phá? Vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Đọc sử nước nhà nhiều lúc tức anh ách. Chẳng hạn, vào đời vua Trần Nhân Tông do ngài thoái thác không sang chầu, sai chú họ là Trần Di Ái đi thay. Khi sứ nhà Trần sang, vua Nguyên tức giận gửi chiếu thư cho nhà vua nước ta: “Khanh đã cáo bệnh mà không vào chầu thì ta cho khanh nghỉ ngơi mà thuốc thang điều dưỡng. Ta lập thúc phụ Khanh là Trần Di Ái  thay Khanh làm An Nam Quốc Vương để cai trị dân Khanh”. Ngang ngược chưa? Vua Nguyên còn lập bộ máy cai trị nước ta gọi là An Nam Tuyên úy ti do người của chúng đứng đầu. Rồi sai Thượng thư bộ Lễ Sai Thung cũng là phó nguyên soái của An Nam Tuyên úy ti đem 5.000 quân hộ tống bọn Trần Di Ái về nước. Láo chưa?

Kinh nghiệm: khi trong nước có suy yếu, không đoàn kết lập tức giặc phương Bắc tìm cớ lấn chiếm. Chuyện này đã lặp đi lặp lại nhiều lần và đã trở thành "công thức".

Lại nói về tên người

Có những người khi về suối vàng, do công đức, sự nghiệp hiễn hách nên được đời sau đặt tên đường; tên trường hoặc tên thành phố... Chuyện này ai cũng rõ. Đọc quyển Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ mới rõ xã Ngọc Ổi sau đổi thành Nhị Khê là theo biệt hiệu của cụ Nguyễn Phi Khanh; làng Bối Khê là đặt theo biệt hiệu của Trạng nguyên Nguyễn Trực… Lại nghĩ xã Bình Định, huyện Yên Lạc quê hương của tác giả “khoán hộ” nếu đổi thành xã Kim Ngọc thì hợp lý quá. Mà nghĩ cho cùng, chuyện đổi tên làng, xã, quận, huyện, phân chia địa giới xoành xoạch thì về lâu dài chỉ gây khó khăn cho thế hệ sau. Chẳng hạn, năm 1843, lúc 21 tuổi, cụ Đồ Chiểu thi Hương ở trường thi Gia Định đậu Tú tài. Trường thi Gia Định ở đâu? Ít ai biết chính là... Nhà Văn hóa Thanh Niên hiện nay.

Đọc kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ, dù hư cấu nhưng cũng cho biết vài sự việc phổ biến của một thời. Có thời không ít tên làng, xã ở ngoài Bắc được đổi tên rổn rảng mỹ từ. Nhân vật Nha - Chủ tịch xã kiêm Chủ tịch Hợp tác xã Cà hạ “đại diện dân chính đảng, các ban, ngành, tổ, đội, nhóm” phát biểu: “Từ hôm nay, cụ thể hơn là từ phút nay (xem đồng hồ) 14g30 phút ngày 1 tháng 4, lịch sử xã ta mở ra một trang mới. Xã Cà hạ của chúng ta được đổi tên thành xã Hùng Tâm, phố Cà - thủ phủ của xã ta, sẽ thành thị trấn Hùng Tâm. Chấm dứt cái tên Cà và Cà hạ nôm na của một quá khứ tối tăm, nghèo khổ. Là con cháu vua Hùng Vương, chúng ta đặt tên mới Hùng Tâm, ý nói lên cái tâm hào hùng của người dân xã ta”. Kinh nghiệm: tìm hiểu địa danh, ranh giới làng, xã Việt Nam là việc làm không dễ dàng; muốn truy lại tên gốc của nó cũng không "dễ ăn".

Lại nói về chuyện hôm nọ đi dự tiệc cưới

Lúc ấy, cao hứng bàn luận với Nguyễn Nhật Ánh về sự uyển chuyển, biến hóa, đa dạng, lắt léo của tiếng Việt. Theo anh, chỉ tiếng Việt, có những từ khi phát âm thì nghĩa từ đó thể hiện hình thù ngay trên miệng. Chẳng hạn, khi nói “chu” dứt khoác miệng ta chu lại; hoặc hãy quan sát miệng người đang nói “nhe răng”, “khép miệng”, “ho”, “khạc” v.v… Mấy hôm nay ở nhà, ngẫu nhiên vớ quyển Việt Nam văn minh sử của nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu, thì ra, chính ông Siêu là người trước nhất có phát hiện độc đáo này. Bộ sách này dày 1.120 trang, khổ 16x24 cm, trong đó ông đã tìm ra “âm tượng hình”  tiếng Việt và hệ thống cả thẩy 22 bộ. Chỉ tạm liệt kê đôi nét để thấy sự giàu đẹp lạ lùng của tiếng Việt:

a)  Với những âm gốc ong, ung, ông, khi nói cũng phải phồng má cho người đối thoại nhìn thấy hình cong. Bộ âm này dùng diễn tả những cái hình tròn, cong như: cái nong, cái võng, cái lọng, cầu vồng, quả bóng, cái vòng, thòng lọng, cái bụng, bong bóng v.v…

b) Với những âm gốc oăn, oan, uôn, uân, để diễn tả hình tròn nhiều lần, lại có thêm sức người làm cho tròn nữa như: quăn, ngoằn ngoèo, xoắn, quấn, khoan, xoăn xoe, băn khoăn, luẩn quẩn, uốn éo v.v… Khi nói miệng người ta cũng phải làm như đánh một vòng tròn từ trong ra.

c) Với những âm gốc oay, uây, oai, tả sự cử động theo chiều tròn của người hay vật như: quay, xoay, ngoai ngoái, ngoáy, khoáy, quây, loay hoay v.v… Khi nói miệng cũng tự hồ làm nhịp cho cử động ấy.

d) Với những âm gốc eo, ua, oa, ơ, ưa tả hình tròn nở lớn ra như xòa, nhòa, hoa, loe, xòe, lở, nở, chửa v.v… Chính miệng nói cũng nở tròn như động tác ấy.

e) Với những âm gốc om, ôm, um, tả vòng tròn hõm sâu xuống hay dưới một vòm của hang động như: thom lỏm, tõm, lổn ngổm, lùm tum, lom khom, dòm, nom, lồm cồm v.v… Khi nói môi cũng mím lại, và mắt mở chừng chừng như nom dòm cái gì phía dưới”.

Thú vị quá phải không? Càng đọc càng giật mình. Ngoài bộ “tròn” kể trên, ông Siêu còn liệt kê thêm các bộ khác như bộ dẹt, nhô, méo, nằm, ấp, vun, ấn, hất, vót, bố, cúi, co, to, béo, bé, dài, ướt, lạ, toang, bay, lạy. Chỉ chừng 13 trang viết, nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu đã gợi mở một vấn đề lớn lao, có tính chất khai đường mở lối. Chắc rằng, sau này sẽ có nhà ngôn học vì yêu tiếng mẹ đẻ tiếp tục hoàn thiện một công trình ra tấm ra miếng. Chắc chắn là sẽ có.

Lại nói về thời gian

Chắc chắn đến một lúc nào đó, có người ngồi thừ ra và cảm thấy hối tiếc đã đánh mất thời gian cho nhiều việc vô bổ. Việc nào, cũng có thể châm chước, tặc lưỡi cho qua nhưng có cái không thể cho qua nếu đã mất thời gian vào những cuộc họp vô bổ. Maiacốpxki có viết bài thơ, đại ý, lần nọ ông vào hội trường cơ quan chỉ thấy thấy nửa người ngồi đó, nửa người còn lại đâu rồi? Hoảng quá, ông kêu to lên báo động cho thiên hạ biết nơi này vừa xẩy ra vụ “chém người”. “giết người”. Nhưng không:

Tôi rụng rời trước cảnh tượng kinh hoàng

Nhưng tiếng ai

nghe vô cùng bình thản:

Một ngày

                         chúng tôi

                                          họp hai chục bận

Họ phải đi hai cuộc họp một lần

Biết tính sao, đành cắt đôi thân

ở đây còn một nửa tới ngang hông

còn nửa kia

đi họp hành nơi khác

Họp riết cũng thành nghiện. Nhà văn Lưu Trọng Văn có lần kể mẩu chuyện nhà phê bình văn học nổi tiếng nhất nước ta về Thơ mới, lúc về hưu, đơn độc một mình, đôi lần ông than thở: “Ước gì có người mời đi họp”. Ấy là ông thèm cảm giác nơi chốn đông người, lui tới, hỏi han, trò chuyện đôi câu cùng bạn bè…
Còn y, lúc này, chỉ ước: “Ngày hôm nay, chẳng có họp hành gì”.

 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Suối Nguồn số tháng 5.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com