BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: “Tự sướng” đầy ảo ảnh

LÊ MINH QUỐC: “Tự sướng” đầy ảo ảnh


Thói đời cũng lạ, thiên hạ thường chỉ khoái tò mò với những gì trái khoáy, giật gân, gây sốc, bất bình thường, lạ đời… Do đó, không ít người, nhất là giới xì tin đã vận dụng triệt để, bằng mọi cách như một cách “chơi nổi” để càng mau nổi tiếng (?!). Xì tin là phải “check-in”. Dù buồn, dù vui họ cũng “ném” lên đó những gì đang có. Người thì cố tình post lên đó nhiều hình ảnh, status trái khoáy, quái đản mà họ biết sẽ bị cộng đồng “ném đá” tơi bời. Mặc kệ, “dân chơi sợ gì mưa rơi”.

 

tusung-day-ao-anh

 

Một sự việc mới đây nhất, trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giữa hàng ngàn người đang thương tiếc, ngậm ngùi rơi lệ lại có những bạn trẻ cười toe toét “tự sướng” để có tấm ảnh “không giống ai” tung lên mạng. Chơi ngông kiểu ấy, nghĩ cho cùng là biểu hiện của sự vô cảm. Vì vậy, dù có bất kỳ lời lẽ nào nhằm chống chế, “thanh minh thanh nga” cũng không thể biện minh cho thái độ vô văn hóa ấy.

Đâu chỉ có thế, ngay cả trong đám tang của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, không ít nam thanh nữ tú ăn mặc diêm dúa như dự tiệc xô đẩy, chen lấn tại nhà tang lễ. Họ đến không phải do thương tiếc người đã khuất mà chỉ vì tò mò, hiếu kỳ, muốn có dịp được… chụp ảnh chung với các nghệ sĩ nổi tiếng tại đám tang. Vì thế, họ cười nói rôm rả, mỗi khi thấy có “người của công chúng” đến là mừng rỡ, la hét, hò reo rồi bâu quanh đưa điện thoại lia lịa chụp ảnh, rối rít tranh thủ xin chữ ký!

Cộng đồng mạng đã từng phẫn nộ với trường hợp có người post lên facebook hình ảnh hành hạ rồi sát chết nhựng con voọc chà vá ở một vùng núi Quảng Nam. Sự lên án không chỉ vì động vật đó thuộc “danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” mà còn là cách tuyên truyền cho cái ác. Cái ác chỉ nẩy sinh khi con người vô cảm. Hệ lụy nguy hiểm này đang làm hoen ố môi trường xã hội. Thật đáng kinh tởm với trường hợp của kẻ giết người yêu cũ rồi cũng khoe trên facebook. Vụ khủng khiếp này xẩy ra ở đâu đó trên thế giới à? Không, chuyện mới xẩy ra tại TP.HCM mà công an quận Bình Thạnh đã thụ lý hồ sơ. Hẳn chúng ta cũng chưa quên sự phản cảm đến tột cùng qua đoạn clip vừa xuất hiện trên Youtube. Clip này ghi lại hình ảnh 3 cô gái mặc được cho là là người ở Manila, thủ đô Philippines mặc quần soóc, chân trần giẫm đạp chú chó con.

Sở dĩ họ dám tung hô “thành tích” bất hảo này còn do một phần vì muốn nhiều người, càng nhiều càng tốt, “biết mình là ai”! Cộng đồng chung đang giật mình, không thể tưởng tượng tại sao lại có người trẻ dám thể hiện nhiều hành động man rợ đến như vậy. Dù là kẻ tỉnh táo chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi đó nhưng rõ ràng không khác gì biểu hiện của kẻ tâm thần. Có thể họ đã lường trước sự việc nhưng vẫn làm vì bù lại, trang facebook của mình lôi kéo được nhiều lượng truy cập nhất. Các kiểu “tự sướng” này nguy hiểm quá.

Đọc những tài liệu nghiên cứu nghiêm túc, chúng ta biết rằng, khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Với giới trẻ, họ càng được tự do thể hiện cá nhân thông qua liên kết với các trang mạng xã hội. Thế nhưng khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo thì một bộ phận của giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm. Sự vô cảm này, dễ dàng nhận ra khi họ không còn quan tâm đến thế giới xung quanh. Chẳng hạn, giữa niềm đau chung của cộng đồng, lại có người phát ngôn một câu lạc quẻ, đại loại, chúc trong ngày quốc tang khán giả xem đài “có nhiều niềm vui” (!?). Thật không ai có thể tưởng tượng nổi. Có những trường hợp dù không cố tình, nhưng hỡi ôi sự vô cảm ấy đã từ lâu ăn sâu vào trong tiềm thức. Vì vậy khi có dịp thì lập tức thể hiện rất tự nhiên, không suy nghĩ, hoàn toàn không có tín hiệu gì của cảm xúc, cứ phát ngôn như một cái máy nói không hơn không kém.

Chấn chỉnh các loại vô cảm đang có chiều hướng lan rộng trong cộng đồng, tất nhiên phải là biện pháp kết hợp giáo dục nhiều phía từ gia đình, nhà trường,cơ quan đến dư luận xã hội. Song, có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là sự ý thức của chính người trẻ, nhất là những xì tin “tín đồ” của các trang mạng xã hội. Một khi có trách nhiệm và tôn trọng chính bản thân mình, tự mỗi người sẽ có cách ứng xử văn hóa phù hợp.

 

L.M.Q

(nguồn: báo PNVN ngày 28.10.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com