BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà thơ TẾ HANH - Từ thương đến nhớ

LÊ MINH QUỐC: Nhà thơ TẾ HANH - Từ thương đến nhớ


Cuối tháng 3. 1994, chúng tôi có mặt tại Hà Nội tham dự Đại hội Nhà văn trẻ lần IV. Dịp này, tôi có đến thăm nhà thơ Tế Hanh tại căn phòng nhỏ chừng 20 mét vuông tại Khu tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Nhờ vậy, nay trong sổ tay tôi còn ghi lại khá nhiều tài liệu về ông.

Tehanh-RR

Nhà thơ Tế Hanh (1921- 2009)

 

Nhà thơ Tế Hanh tên thật Trần Tế Hanh, sinh ngày 20.6.1921 tại Quảng Ngãi. Câu thơ đề từ trong tập Hoa niên là của thân phụ ông: “Chim bay dọc biển đưa tin cá” -  một nhà Nho từng tham gia phong trào Đông du, nhưng bị bắt tại Hà Nội đừa về quản thúc tại quê nhà - có ảnh hưởng sâu sắc đến hồn thơ của ông sau này. Năm 15 tuổi, ông ra Huế học trường cao đẳng trung học, chung với nhà văn Nguyễn Văn Bổng và được gặp gỡ khá nhiều nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Được Huy Cận khuyến khích ông viết được hai bài thơ hay, nay nhiều người vẫn nhớ Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học. “Tôi thích hai bài thơ này vì tứ thơ hay, hồn thơ và tình thơ quyện vào nhau trọn vẹn”, ông nói. Năm 1940, ông được Tự Lực Văn Đoàn tặng bằng khen cho tập Nghẹn ngào, chung đợt với Bức tranh quê của Anh Thơ. Tập Nghẹn ngào được bổ sung thêm, đổi tựa Từ thương đến nhớ, rồi Hoa niên được NXB Đời Nay ấn hành vào cuối năm 1944. “Chín năm sau, năm 1954, khi tập kết ra Bắc, tôi mới thấy lần đầu tiên tập Hoa niên của tôi do nhà thơ Hồ Dzếnh tặng lại”.

Không giấu diếm, ông bảo, chỉ sau khi đi với Cách mạng thì thơ ông mới phát triển trọn vẹn. “Có thể cắt nghĩa điều này, là do hồn thơ mình vừa đến độ chín và gặp sự chia cắt đất nước - một nỗi đau của dân tộc đập vào hồn thơ của tôi. Chính vì lẽ đó, tôi mới viết được Cái giếng đầu làng, Gửi miền Bắc, Mặt em là quê hương, Nhớ con sông quê hương, Bài thơ tình Hàng Châu v.v... Có thể nói tôi đã dùng thi pháp của phong trào Thơ mới để nói lên những cảm xúc sau này của mình. Đi qua hai cuộc kháng chiến lúc nào tôi cũng mò mẫn, trăn trở, tìm tòi cho hướng thơ ca của mình”.

Trong câu chuyện với một người trẻ, là tôi lúc ấy, ông hào hứng trao đổi khá nhiều về thơ. “Qua kiểm nghiệm của tôi và của nhiều nhà thơ khác - khi càng hiểu dân tộc thì sự tiếp thu cái mới càng có cơ sở vững vàng. Rễ càng cắm sâu xuống đất thì ngọn càng vươn cao để đón gió bốn phương” v.v... Đổi mới thơ luôn là một trăn trở trong ông

Ngày tôi đến thăm thì mắt ông đã yếu. Ông ngâm nga:

Bạn tặng tôi tập thơ

Nhưng tôi không đọc được

Nước mắt tôi thầm ướt

Không giấu nỗi đau buồn

Tôi đã nhờ vợ con

Đọc giùm khi rỗi rảnh

Nhưng mà thơ khó tính

Đòi hỏi sự lặng im

Đó là cách “đọc thơ”, còn “làm thơ” thì sao? Ông chậm rải: “Khi có được một ý thơ thì tôi phải chuẩn bị trong tâm hồn, đọc nhẩm đi nhẩm lại cho thật thuộc. Rồi đọc lại nhờ bạn bè hoặc vợ con chép giùm. Thật vất vả nhưng biết làm sao hơn...”

Khi nhà thơ Tế Hanh trò chuyện, thỉnh thoảng, bà Yến - vợ ông- đến cầm khăn lau mặt ông trong sự âu yếm lạ thường, khiến tôi cảm động và lúc bà quay đi tôi đùa, hỏi nhỏ: “Ông có sợ vợ không?”. Ông cười rất đỗi hiền lành: “Mình thích hai câu thơ của Quách Tấn:

Không ghen chẳng phải đàn bà

Nếu không sợ vợ chẳng là đàn ông

Nhân vui chuyện, ông cho biết là đang viết hồi ký văn học. “Tôi đang đọc để vợ viết lại giùm. Mắt yếu quá. Tôi đặt tên là Hồi ký tuổi thơ, chỉ ghi lại những điều gì làm nên thơ chứ không kể lại theo sự việc”. Không rõ nay bản thảo đã đến đâu?

Bẵng đi nhiều năm, không gặp được ông nhưng qua nhạc sĩ Thế Bảo - em ruột ông - thì tôi vẫn có thông tin về ông. Những năm tháng cuối đời, mắt lòa lại thêm thần kinh tọa nên ông đi đứng rất khó khăn. Chiều ngày 16.7. 2009, từ Hà Nội nhà phê bình Lưu Khánh Thơ ngậm ngùi báo tin là ông vừa qua đời lúc 12g30. Đến nay, có thể ghi nhận ông là một trong rất ít đại biểu cuối cùng của phong trào Thơ mới đồng hành cùng thế hệ chúng ta, vừa về suối vàng. Với nhiều đóng góp, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (đợt 1, 1996). Xin thắp nén nhang tiễn biệt một hồn thơ, một nhà thơ lớn đã góp phần tích cực làm rạng danh cho nền thơ VN hiện đại.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM - 17.7.2009)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com