Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên

Mục lục
Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên
* Sách bestseller không quan trọng bằng longseller
* GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?
* Đọc sách cũng cần đúng tầm vóc tri thức
Tất cả các trang

 

 

IMG_1735RRRR

IMG_1694RRR

IMG_1690RRRjpg

IMG_1708RR

 

IMG_1731RRR

Thông tin liên quan:

Tọa đàm về sách

(Ảnh: Hà Nga)


  

Sách "bestseller" không quan trọng bằng "longseller"

 

TTO - “Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì? Văn hóa đọc có thật sự xuống cấp?" là nội dung chủ đề của buổi giao lưu diễn ra tối 23-4 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM do Công ty sách Thái Hà và Tiki tổ chức nhân Ngày sách Việt Nam 21-4.

Tham gia buổi trò chuyện có nhà thơ Lê Minh Quốc, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nhà thơ Phong Việt, cây viết trẻ Anh Khang và Ploy Ngọc Bích.

giao_luu_sach_NVH_TN_1

Các khách mời tham gia trong chương trình - Ảnh: T.Huệ

 

Bestseller hay longseller?

 

Với tư cách là một cây viết trẻ có sách bán chạy nhất hội sách vừa qua, Anh Khang chia sẻ chân thành: Bestseller không quan trọng bằng longseller (cuốn sách có giá trị lâu dài). Anh cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn mà chỉ đơn giản là một người viết muốn truyền cảm hứng cho người đọc cùng trang lứa với mình, lắng nghe cảm xúc của mình, kêu gọi mọi người ngồi xuống sống chậm lại… Và danh hiệu bestseller mà cuốn sách của anh nhận được không nói lên ý nghĩa gì cả ngoài việc thể hiện rằng Khang đang được nhiều người yêu mến.

4 trong số tác giả có sách bán chạy trong Hội sách lần thứ 8 vừa qua là những cây viết trẻ với những tác phẩm như Buồn làm sao buông của Anh Khang, Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Thương nhau để đó (Hamlet Trương), Nếu như không thể nói nếu như (Jun Phạm).

Trong đó Buồn làm sao buông gây ngạc nhiên cho nhiều người khi vượt lên đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy nhất.

Hiện tượng đó gây hoang mang cho không ít người với câu hỏi hoài nghi “giới trẻ đang đọc những cuốn sách thuộc loại giải trí, ít tính nhân văn và thiếu tính nghệ thuật...", nhưng cũng có người thấy đó là một tín hiệu lạc quan về văn học trẻ và văn hóa đọc của người trẻ...

Vấn đề đầu tiên trong buổi giao lưu đặt ra là quan niệm về bestseller. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng nói đến bestseller thì phải quan tâm đến từ nguyên của nó là sách bán chạy nhất và sách bestseller phải đảm bảo tiêu chí nào tùy thuộc vào nhu cầu xã hội.

Ở thời điểm khác nhau, xã hội khác nhau luôn có tiêu chí khác nhau.

Nhà thơ Lê Minh Quốc lý giải sách bán chạy đồng nghĩa với chuyện cuốn sách đó có một giá trị nhất định nào đó, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người đọc nhưng câu chuyện liệu công chúng có nhớ đến tác phẩm đó hay không đòi hỏi sự thử thách khắc nghiệt của thời gian.

Một tác phẩm không bị lãng quên, có giá trị văn học mới là một tác phẩm bestseller.

Nhà thơ Phong Việt cho rằng ở bất cứ thời điểm nào một cuốn sách bestseller đều là một cuốn sách tốt, tuy nhiên chất lượng cuốn sách sẽ được thời gian trả lời. Một cuốn sách có thể bestseller trong 1 tháng, 1 năm, thậm chí 10 năm…

Trong khi đó cây viết trẻ Ploy Ngọc Bích thẳng thắn nhìn nhận: hãy nhìn một cuốn sách như một sản phẩm. Sản phẩm bán chạy nhất là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người mua, phù hợp với mục đích sử dụng của từng người. Còn giá trị của sản phẩm cũng như giá trị văn học của một tác phẩm thì thời gian mới trả lời được.

giao_luu_sach_NVH_TN_2

Ngay khi chương trình chưa bắt đầu và sau khi chương trình giao lưu kết thúc, nhiều bạn đọc vây quanh tác giả trẻ Anh Khang để xin chữ ký - Ảnh: T.Huệ


Tác giả trẻ đang lên ngôi?

Trong buổi giao lưu, bạn đọc cũng đặt ra vấn đề: con số sách bán chạy thuộc về những gương mặt trẻ, những tác phẩm của người trẻ ồ ạt xuất hiện và đông đảo bạn đọc trẻ tham gia trong hội sách vừa qua, điều này có chứng tỏ tác giả trẻ đang lên ngôi và văn hóa đọc trong giới trẻ không hề xuống cấp?

Tác giả Nguyễn Thị Hậu, dưới góc độ của một người đọc, nhận xét: văn học trẻ được chú ý, được quan tâm không thể không nhắc tới và không thể tách rời với mạng xã hội.

Văn học trẻ giống như status (dòng trạng thái) trên Facebook. Mỗi ngày status liên tục được đăng tải, có những status vui vẻ, hài hước, suy ngẫm… Có những status có giá trị ngang với một note, một entry (bài viết). Mạng xã hội còn phát triển thì văn học trẻ - đặc trưng của một xã hội đô thị - còn phát triển…

Anh Khang với suy nghĩ của một người trẻ nên nắm bắt rất nhanh thị hiếu của độc giả. Anh cho rằng người viết trẻ như anh hiểu rõ mình viết cho ai, viết để làm gì và đối tượng hướng đến của anh là những độc giả trẻ và đã rà đúng tần số cảm xúc của độc giả thì sẽ nhận được hưởng ứng của người đọc.

Phong Việt chừng mực nhận xét: những cây viết trẻ có thể chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của một số người nhưng cứ mạnh dạn viết, mạnh dạn xuất bản, tiếp tục theo đuổi con đường văn chương thì sẽ có một lúc nào đó trong tương lai người đọc sẽ có cơ hội được thấy những tác phẩm có giá trị nhất định.

Cũng trong buổi giao lưu, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thẳng thắn phát biểu rằng “hơi thất vọng” với các cây viết trẻ quá rụt rè, chưa mạnh dạn khi tự nhận chỉ viết trong giới hạn những cảm xúc, những suy nghĩ, những câu chuyện của chính mình mà không tự thôi thúc mình, vượt lên chính mình để chạm đến những vấn đề của xã hội đương đại…

giao_luu_sach_NVH_TN_3

Nhà thơ Phong Việt ký tặng bạn đọc trong buổi giao lưu - Ảnh: T.Huệ


Văn hóa đọc có xuống cấp?

Ploy Ngọc Bích đặt vấn đề có người nói văn hóa đọc đang xuống cấp mà không có con số nào chứng thực điều này cả.

Trong khi đó nhà thơ Lê Minh Quốc thừa nhận đúng là phải có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này nhưng theo chủ quan anh đánh giá văn hóa đọc phụ thuộc vào 2 yếu tố: số lượng sách bán ra và yếu tố thứ 2 là tầng ngầm quan trọng: đọc gì, đọc như thế nào. Nếu người đọc không tự nâng tầm mình lên để tiếp cận những cuốn sách có giá trị thì đúng là văn hóa đọc có vấn đề.

Chia sẻ quan điểm với nhà thơ Lê Minh Quốc, TS Nguyễn Thị Hậu kể câu chuyện về việc đọc của sinh viên trong một số trường đại học mà bà có cơ hội được giảng dạy: "Đôi khi trong tiết dạy của mình, một số sinh viên ở dưới giấu sách vào gầm bàn và lén đọc. Vì có chút tò mò với câu hỏi không biết sinh viên của mình đang đọc sách gì thì phát hiện 90% các em sinh viên bị bắt gặp đang đọc truyện… tranh. Đặt câu hỏi tại sao lại chọn truyện tranh, các bạn sinh viên nói rằng đọc truyện tranh không phải nghĩ gì cả, đọc rất khỏe. Còn những sách chuyên ngành hay sách có giá trị khác thì kêu trời với nhiều lý do "đắt lắm, tìm khó, đọc chán lắm…”.

Bà kết luận nếu không đọc sách bạn chỉ sống một cuộc đời của bạn, nhưng nếu đọc sách thì bạn có thể được sống nhiều cuộc đời rất hay ho và thú vị…

 

T.HUỆ

(nguồn: http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=604248)


GIỚI TRẺ VIẾT GÌ, GIỚI TRẺ ĐỌC GÌ?

 Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam 21−4, Công ty cổ phần sách Thái Hà và Công ty cổ phần Tiki đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM tối ngày 23−4−2014 vừa qua.

Toadamvanhoadoc1

Các khách mời của buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì

Buổi tọa đàm có sự tham gia của 5 vị khách mời đại diện cho 2 thế hệ tác giả. Đại diện cho thế hệ tác giả đi trước là tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và nhà văn − nhà thơ − nhà báo Lê Minh Quốc. Trong khi đó, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Ploy Ngọc Bích là 3 gương mặt đại diện cho thế hệ tác giả trẻ.

24042014_Toadamvanhoadoc2

Đại diện cho thế hệ tác giả đi trước là tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Lê Minh Quốc

24042014_Toadamvanhoadoc3
Anh Khang, Nguyễn Phong Việt và Ploy Ngọc Bích đại diện cho thế hệ tác giả trẻ

Tại buổi tọa đàm, các tác giả đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra quan điểm cá nhân về xu hướng viết sách, văn hóa đọc sách của những người trẻ hôm nay. Những ý kiến trái chiều giữa 2 thế hệ tác giả là điều được dự đoán từ trước nhưng qua những tranh luận mang tính phản biện như thế, nhiều bài học được đúc kết đã khiến những người trẻ viết sách và đọc sách phải giật mình nhìn lại và tự hỏi Phải chăng văn hóa đọc đang xuống cấp?.       

Vấn đề đầu tiên được đưa ra mổ xẻ tại buổi tọa đàm là định nghĩa về “best-seller”. Nhà văn Lê Minh Quốc cho rằng chỉ có thể loại sách văn học mới có thể trở thành “best-seller” và “best-seller” phải là cuốn sách đáp ứng được sở thích, xu hướng đọc của phần lớn độc giả tại thời điểm đó. Tuy nhiên, giá trị văn học của một cuốn sách “best-seller” lại không phải là số lượng sách bán ra mà nằm ở chỗ nó có được công chúng nhớ đến sau một thời gian dài sau đó hay không. Anh Khang, tác giả trẻ sở hữu cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách TP. HCM 2014 – Buồn làm sao buông cũng cho rằng một cuốn sách dù bán chạy cách mấy mà không bán chạy dài lâu thì cũng không xứng đáng là một tác phẩm có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho độc giả.


24042014_Toadamvanhoadoc4

Anh Khang trải lòng với độc giả về “best-seller”

Một vấn đề nóng hổi khác cũng được các vị khách mời của buổi tọa đàm mang ra tranh luận là dòng văn học trẻ, văn học mạng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết đặc trưng của dòng văn học trẻ hiện nay gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy điều này qua những cuốn sách văn học trẻ được xuất bản gần đây. Chúng chỉ là những ấn phẩm tập hợp các tác phẩm đã được ra đời, chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội trước đó nhưng lại rất được độc giả trẻ yêu thích, đón nhận. Trong khi đó, cả 3 tác giả trẻ Phong Việt, Anh Khang và Ploy Ngọc Bích đều cho rằng văn học trẻ ra đời là dành cho độc giả trẻ và ngược lại, người trẻ tìm đến văn học trẻ là vì dòng văn học này phù hợp với sở thích, tâm tư, cảm xúc của họ,

Nhiều độc giả trẻ có mặt tại buổi tọa đàm đã không ngần ngại tham gia trao đổi cùng các khách mời và nêu ra những câu hỏi rất hay dành cho các tác giả về các vấn đề xoay quanh văn hóa đọc của giới trẻ.

24042014_Toadamvanhoadoc5

Đông đảo các độc giả trẻ đã đến tham dự buổi tọa đàm

24042014_Toadamvanhoadoc6

Các bạn trẻ không ngần ngại tham gia tranh luận, đặt câu hỏi

Khi được một độc giả hỏi quan điểm cá nhân về ý kiến cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ đang xuống cấp thì tác giả trẻ Ploy Ngọc Bích có vẻ khá bất bình và cô cho rằng ý kiến này là chủ quan, không có cơ sở nên từ chối trả lời. Trong khi đó, nhà văn Lê Minh Quốc lại thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân về nhược điểm của văn hóa đọc hiện nay. Ông cho rằng giới trẻ, cả người viết và người đọc đều mắc phải “bệnh trẻ quá lâu”. Bổ sung thêm ý kiến này của nhà văn Trần Minh Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã bổ sung thêm rằng trong quá trình giảng dạy của cô tại các trường đại học, cô đã nhiều lần bắt gặp các bạn sinh viên đọc truyện… tranh trong lớp.

Công bằng mà nói, giới trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm đến sách, yêu thích đọc sách. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang có xu hướng thích đọc những loại sách giải trí, thiếu thực tế, ít kiến thức… Trước khi chỉ trích ý kiến cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ xuống cấp, có lẽ chúng ta nên tự nhìn lại mình bằng những câu hỏi như“Cuốn sách đạt giải Nobel văn học năm ngoái là cuốn sách nào?”, “Mình đã bao giờ đọc hết tác phẩm Chí Phèo, Tắt đèn hay Số đỏ… chưa?”…

Các tác giả trẻ tại buổi tọa đàm đều khẳng định những cuốn sách bán chạy của họ trên thị trường đều được viết bằng chất liệu cảm xúc của bản thân, vì bản thân và cho bản thân họ trước hết. Tuy nhiên, có lẽ văn học Việt Nam, độc giả Việt Nam cần ở các tác giả trẻ nhiều hơn thế. Tại sao chúng ta không có quyền mơ ước một tác phẩm văn học trẻ của Việt Nam sẽ nổi tiếng khắp thế giới trong tương lai thay vì chỉ quanh đi quẩn lại những cuốn sách làm vui buồn độc giả trong thoáng chốc?

24042014_Toadamvanhoadoc7

Các tác giả trao quà cho những bạn đọc tham gia trả lời, đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm

24042014_Toadamvanhoadoc8

Ban tổ chức trao hoa cho các tác giả khách mời

24042014_Toadamvanhoadoc9

Anh Khang trong vòng vây người hâm mộ

24042014_Toadamvanhoadoc10

Nguyễn Phong Việt ký tặng độc giả mến mộ

Có thể nói, buổi tọa đàm Người trẻ viết gì, giới trẻ đọc gì là một hoạt động giàu ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chào mừng Ngày sách Việt Nam 21−4. Đây không chỉ đơn thuần là một buổi giao lưu, trò chuyện giữa các tác giả và độc giả mà còn là cơ hội để các tác giả trẻ, các độc giả trẻ nhìn lại mình đã viết gì, đọc gì.

Bài và ảnh: Linh Lê

(nguồn: http://thegioivanhoa.com.vn/van_hoc/14297501/nguoi-tre-viet-gi-gioi-tre-doc-gi/)



Đọc sách cũng cần đúng “tầm vóc tri thức”

Từ lâu sách đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Sách thể hiện tiếng nói, văn hóa của một đất nước. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại song song với những phương tiện truyền thông, giải trí phát triển; vị thế của sách nói riêng hay văn hóa đọc nói chung đã có nhiều thay đổi. Ngày nay các bạn trẻ đọc gì? Những người trẻ viết gì? Và điều gì đã tạo thành một văn hóa đọc tốt trong giới trẻ hiện nay? Câu trả lời cho những vấn đề đã được đưa ra bàn luận trong Diễn đàn “Người trẻ viết gì? Giới trẻ đọc gì?”. Chương trình diễn ra tại sân 4A, Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM với sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Hậu;  nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Lê Minh Quốc; các tác giả trẻ Ploy Ngọc Bích, Phong Việt, Anh Khang, thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ.


Hnh_1_2
Buổi chia sẻ đã bàn đến nhiều vấn đề trong văn hóa đọc của bạn trẻ.

Người trẻ viết gì?

Trong thế giới sách muôn màu, để tạo ra cái riêng cho đứa con tinh thần của mình đồng thời tạo “tuổi thọ” lâu dài cho một tác phẩm, đòi hỏi tác giả thật sự đầu tư cả tâm huyết và sự sáng tạo của mình trong từng câu chữ. Hướng tới những tác phẩm văn học hiện tại, talkshow đã đưa ra câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm “Best-seller”?” đến 5 vị khách mời. TS Nguyễn Thị Hậu (cô Hậu khảo cổ) chia sẻ: “Để xét một tác phẩm có phải là best-seller hay không thì phải xét từ khởi nguyên của nó. Đó đơn giản là một loại sách bán chạy trên thị trường, do nhu cầu của xã hội tại thời điểm đó. Vì vậy tại những thời điểm khác nhau lại có những thể loại tác phẩm best-seller khác nhau”. Thế nhưng theo nhà văn Lê Minh Quốc – tác giả của “Khi tổ ấm nhảy Lambada”, một tác phẩm best-seller ngoài điều kiện cần là bán chạy thì điều kiện đủ của nó phải là một tác phẩm có giá trị với thời gian. Nhà văn chia sẻ: “Tiêu chí của một quyển sách bán chạy hay còn gọi là Best-seller trước hết là tác phẩm đó có đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Nếu như nó chỉ nổi lên ở một thời điểm nhất định và rồi không còn được bạn đọc đón nhận nữa thì đó không thể gọi là một tác phẩm best-seller”.

 Hnh_3_Ban_tr_giao_lu_ti_chng_trnh

 Những người trẻ luôn quan tâm đến việc đọc sách và trải nghiệm những trang viết mới.

Những tác phẩm có thể ra đời một cách thầm lặng, không ai biết đến nhưng theo thời gian, những giá trị của nó mang lại không thể lãng quên được, đó mới chính là một “Best-seller” thật sự. Theo các tác giả, để sản phẩm tinh thần của mình không bị xếp trong hàng tá những quyển sách tượng tự nhau nội dung, bình thường về giá trị thì mỗi tác phẩm phải thực sự xuất phát từ chính xúc cảm của tác giả, đồng thời chạm đến những vấn đề của xã hội đương đại. Chỉ bằng cách viết như vậy thì tác giả và độc giả mới thật sự là những tâm hồn đồng điệu của nhau. Trong phần chia sẻ của mình về duyên cớ ra đời của tập thơ “Đi qua thương nhớ”, tác giả trẻ Phong Việt cho biết: “Những gì mình viết theo cảm nhận của cá nhân, theo câu chuyện của mình, là những điều mình thích tự nhiên đó sẽ là tác phẩm của mình. Nếu may mắn nhận được sự đồng cảm của người đọc thì đó mới là tác phẩm thành công. Hãy viết theo những điều mình thích rồi người khác sẽ thích, đừng viết những gì bản thân không thích vì khi đó cảm xúc tác giả mang lại cho tác phẩm của mình sẽ không thật và chỉ mang tính chất nhất thời”.

Vì sao chúng ta cần đọc sách?

Có rất nhiều những ý kiến của các bạn độc giả trả lời cho câu hỏi này của nhà báo Lê Minh Quốc. Đọc sách là để lưu giữ nét đẹp của cha ông ta để lại, để hưởng thụ văn hóa một cách chủ động, để cảm nhận tâm hồn người viết một cách sâu sắc hơn, để khơi mở trí tưởng tượng. Khi xem phim, bạn bị đóng khung vào trí tưởng tượng của đạo diễn, những hình ảnh trong bạn sẽ không phong phú và chân thực như chính bạn hình dung, sẽ bị bó hẹp trong chừng mực nhất định. Nhưng điều đó chưa đủ. Nhà báo Lê Minh Quốc còn khẳng định: “Chúng ta phải đọc sách, phải yêu sách chính là để trau dồi vốn tiếng Việt, là để yêu thêm quê hương, yêu đất nước. Phạm Quỳnh đã nói thế này: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Đây mới chính là vai trò to lớn của việc đọc sách”.

Có lẽ cũng vì vai trò to lớn ấy mà Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, khuyến khích mọi người đến với kho tri thức của nhân loại này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay đang mắc phải căn bệnh nan y (mà nhà báo Lê Minh Quốc gọi) là “Bệnh trẻ quá lâu”. Các bạn chỉ tìm đọc những cuốn sách mang “tầm vóc” tri thức vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với tầm của mình. Các bạn thích tư duy đơn giản, thích giải trí chứ không muốn tìm tòi, nghiên cứu, tìm cách để nâng tầm nhận thức mình lên. TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Các bạn sinh viên hiện nay lại rất thích đọc những cuốn truyện tranh. Còn những tác phẩm lớn của nhân loại thì các bạn lại từ chối đọc”.

Ngày nay các phương tiện nghe nhìn đã làm lấn át thói quen đọc sách. Nhưng sách thật sự là một không gian sống mà không ai có thể bỏ qua. Tác giả trẻ Anh Khang tâm sự: “Làm bạn với sách, bạn có thể mở rộng lòng mình ra hơn, sống chậm lại một chút, dành cho nhau những phút thời gian để trân quý hơn cuộc đời”. Hay như TS. Nguyễn Thị Hậu bật mí: “Sách sẽ giúp bạn trải nghiệm thêm nhiều những cuộc sống khác nhau mà không một phương tiện giải trí nào khác có thể làm được”.

Qua đọc sách, thậm chí, ta còn có thể đánh giá được vị trí của nền văn học so với thế giới. Một tác phẩm có hay hay không, phụ thuộc nhiều vào tác giả có chạm được đến sự đồng cảm của độc giả hay không. Một tác phẩm có để đời hay không, nó còn phải trả lời câu hỏi rằng, nó có chạm đến vấn đề xã hội nào. Một tác phẩm có trường tồn, vĩ đại không, ta phải xét nó ở tầm nhân loại. Với những chia sẻ về việc đọc sách, các tác giả đã cho bạn đọc một cái nhìn bao quát nhất về việc viết, việc đọc, đặc biệt là tầm quan trọng của nó trong đời sống mỗi con người chúng ta. Việc đọc sách không quan trọng về số lượng, nhưng luôn đề cao chất lượng những bài học mà bạn còn đọng lại trong tâm thức, những gì bạn nghiệm ra được từ những trang viết kia. Và đến lúc đó, khi gấp lại trang sách, bạn có thể mở ra chính trang cuộc đời, để sống và làm việc thêm hứng khởi, giàu ý nghĩa hơn.

THU THỦY - CẨM HÀ

(nguồn: http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?news_id=19871)



Chia sẻ liên kết này...